Nguyễn Tiến Dũng
Hôm thứ bẩy 29/11/2014 vừa qua ở Paris có diễn ra một “Table Ronde”
(thảo luận bàn tròn) về vấn đến tự chủ đại học do AVSE (Hội chuyên gia
người Việt tại Pháp) tổ chức, và tôi có được mời vào panel. Vì thời gian
hạn chế và có nhiều người muốn nói nên hôm đó chỉ nói được ít, và nói
bằng tiếng Pháp vì nhiều người đến dự là người Pháp. Tôi viết nhanh lại
đây một vài suy nghĩ và hiểu biết của mình về vấn đề này cho những ai
quan tâm. (Các quan điểm trong bài này là của cá nhân, không đại diện
cho tổ chức nào).
Tư tưởng của ĐH Princeton: “In the service of all nations”
1) “Tự chủ đại học” nghĩa là gì?
Nếu hiểu từ “đại học” theo nghĩa “university”, thì bản thân trong
định nghĩa của nó đã có tính chất tự chủ. Gốc của từ universitas có
nghĩa là tổ chức hiệp hội tự quản, ví dụ như hiệp hội của các thương
nhân. Tuyên bố “Magna Charta Universitatum” của EAU (Liên hiệp các đại
học châu Âu, xem: http://www.magna-charta.org/library/userfiles/file/mc_english.pdf) về đại học trang đầu có câu:
“The university is an autonomous institution at the heart of societies… ”
Tự chủ tức là tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về những vấn đề gì đó.
Càng tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về nhiều thứ thì tức là độ tự chủ
càng cao.
Đi vào cụ thể hơn thì những người khác nhau (kể cả các hiệu trưởng
đại học) hiểu cụm từ “tự chủ đại học” theo nghĩa không hoàn toàn giống
nhau. Theo một báo cáo của EAU, tự chủ đại học bao gồm sự tự chủ trong 4
lĩnh vực sau, chia nhỏ hơn nữa thành rất nhiều mục khác nhau:
- Tự chủ về nội dung khoa học (academic autonomy), hay còn có thể gọi là tự chủ về học thuật.
- Tự chủ về quản lý tài chính (financial autonomy), hay còn có thể gọi là tự chủ về vật chất.
- Tự chủ về tổ chức (organisational autonomy), trong đó có tự chủ về ban lãnh đạo.
- Tự chủ về cán bộ và nhân viên (staffing automony)
Mức độ tự chủ của đại học ở các nơi trên thế giới khá là khác nhau,
có nơi tự chủ hơn về mặt này, có nơi lại tự chủ hơn về mặt khác. Nhưng
nhìn chung, hệ thống đại học của Anh và Mỹ được coi là có độ tự chủ vào
loại cao nhất thế giới.
2) Vì sao đại học cần có tự chủ?
Như Luc Weber (chủ tịch hiệp hội quốc tế các trường đại học, và nguyên hiệu trưởng ĐH Geneva) đã có nói (xem: http://www.euniam.aau.dk/fileadmin/user_upload/Luc_Weber.pdf), tự chủ đại học là một điều kiện cần, nhưng
chưa đủ, để đại học (theo nghĩa university) có thể thực hiện được xứ
mệnh của nó đối với toàn xã hội. Đại học có 3 xứ mệnh chính, đó là:
- Nghiên cứu (tìm ra các kiến thức, hiểu biết mới)
- Giảng dạy (truyền đạt lại các hiểu biết)
- Phản biện xã hội (phân tích các vấn đề của xã hôi một cách khoa học)
Trong lịch sử, các thế lực lớn (chính trị, tôn giáo, tư bản, v.v.)
hay có xu hướng muốn “can thiệp thô bạo” vào các đại học, và mỗi khi các
đại học bị can thiệp như vậy, mất tự chủ, thì thoái hóa, đi theo hướng
giả khoa khọc hay trở thành công cụ phục vụ những kẻ nắm quyền thay vì
phục vụ cho toàn xã hội.
Một số ví dụ của thoái hóa đại học trong thế kỷ 20 do sự can thiệp
từ các thế lực bên ngoài: Đức Phát Xít đốt sách và biến đại học thành
công cụ truyên truyền cho chủ nghĩa phát xít; Liên Xô tiêu diệt các giáo
sư di truyền học, kinh tế học v.v. vì các khoa học đó “đi ngược lại
chủa nghĩa Mac-Lenin”, Mao tống các giảng viên đại học đi “cải tạo lao
động” trong thời kỳ cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, như một
nhà khoa học có uy tín lớn có nói, “chưa có khoa học xã hội”. Lý do tất
nhiên là do chưa có tự chủ về tư tưởng, nên các khoa học xã hội và nhân
văn bị phát triển một cách méo mó, thiếu tính khoa học.
Ngay ở những nơi mà các đại học đã có độ tự chủ cao, vẫn luôn luôn
có nguy cơ bị các thế lực bên ngoài lợi dụng hoặc tấn công. Một báo cáo
của Simone Sandry (http://fqppu.org/assets/files/publications/cahiers/cahiers_fqppu_6.pdf)
về tự do học thuật ở Quebec năm 2001 có chứa nhiều vi dụ về vấn đề này.
Một trong các ví dụ như sau: vào năm 1996, khi giáo sư Lacey ở Anh công
bố phát hiện của ông về bênh bò điên có thể lây sang người, ông đã bị
các doanh nghiệp nuôi hay chế biến thịt bò và cả bộ nông nghiệp tấn công
thóa mạ kịch liệt, đến mức ông phải từ chức. Về sau thì người ta phải
công nhận răng Lacey đúng, sau hàng chục trường hợp người chết vì ăn
thịt bò điên. Hay một ví dụ khác: hãng thuốc Novartis “thông đồng” với
ĐH California Berkeley để nhằm chiếm kiềm quyển soát các khám phá về
biotech ở đó với mục đích vị lợi nhận. (Đại học Berkeley là đại học công
nhưng lại bị công ty tư lợi dụng). Việc các công ty tư đầu tư vào
nghiên cứu ở đại học công là chuyện bình thường, nhưng lạm dụng chuyện
đầu tư để biến các nghiên cứu mà phần lớn vẫn dựa vào tiền công thành
tài sản tư là vấn đề khác.
Trong thời đại toàn cầu hóa, có sự cạnh tranh ở tầm quốc tế giữa các
đại học trong việc thu hút sinh viên, giảng viên, đề tài nghiên cứu,
v.v. Để có thể cạnh tranh được ở tầm quốc tế, các đại học càng cần có sự
tự chủ để có thể nhanh chống thực hiện các sáng kiến, đổi mới chính
mình nhằm tăng chất lượng, trở nên hấp dẫn hơn, và có ích hơn cho xã
hội.
3) Làm sao để đảm bảo đại học có tự chủ?
Các nước trên thế giới có các đạo luật nhằm đảm bảo quyền tự chủ của
các đại học. Thậm chí, trong hiến pháp của một số nước (trong đó có
Phần Lan, và cả Việt Nam Cộng Hòa trước đây) có cả một điều khoản trong
hiến pháp ghi là đại học là tự chủ. Những đạo luật như vậy đảm bảo cho
đại học được độc lập, không bị chính quyền can thiệp một cách tùy tiện.
Để đại học có được sự độc lập tự chủ đích thực, thì ngoài các văn
bản pháp luật (đặc biệt đảm bảo về tự chủ học thuật), còn cần những yếu
tố khác như:
- Được đầu tư thích đáng từ phía nhà nước và xã hội, có sự ổn định và đảm bảo về tài chính
- Có cơ chế và bộ máy quản lý minh bạch, hiệu quả để đảm nhiệm được trách nhiệm tự điều hành
- Có đội ngũ giáo sư đủ mạnh để đảm bảo khả năng tự chủ về học thuật.
Ở những nơi đã có truyền thống lâu đời, thì các điều kiện trên “hiển
nhiên” đã được thỏa mãn và sự tự chủ của đại học là đương nhiên. Nhưng ở
một số nơi khác, việc xây dựng lên các đại học tự chủ có thể là cả một
quá trình dài, khi mà về mặt học thuật hay về mặt quản lý cũng đều chưa
đủ khả năng để mà tự chủ thực sự, hay là có tự chủ nhưng cũng không đạt
được sự ưu tú.
Đặc biệt là, chính quyền và xã hội có trách nhiệm đảm bảo nguồn tài
chính cho đại học (mà không can thiệp vào công việc của đại học) thì đại
học mới có thể tồn tại. Vì sao chính phủ và xã hội (gồm có cả các công
ty, các tổ chức phi chính phủ, các hội cựu sinh viên, v.v.) lại có trách
nhiệm đầu tư vào đại học? Đó là bới kế ước giữa đại học (hiểu là
non-for-profit university) với xã hội. Các hoạt động của các đại học
trong lịch sử từ trước đến nay đem lại lợi ích dương rất lớn cho toàn xã
hội. (Lấy một ví dụ đơn giản: chỉ tính riêng lợi ích kinh tế của phát
minh ra laser đã bù lại được toàn bộ tiền đầu tư vào nghiên cứu ở đại
học từ trước đến nay), và như vậy có thể nói rằng, về phía mình thì đại
học đã thực hiện được kế ước. Xã hội cũng có trách nhiệm thực hiện kế
ước đó.
4) Tự chủ đại học ở Pháp ra sao?
So với các nước khác ở châu Âu thì mức độ tự chủ đại học ở Pháp được
đánh giá vào loại trung bình. Tự chủ về học thuật luôn khá cao. Về tài
chính thì cho đến gần đây mức độ tự chủ không cao, và phần lớn nguồn thu
(đến 90%) là do nhà nước cấp, các nguồn thu khác tương đối khiêm tốn,
và mức học phí cũng rất thấp.
Từ năm 2007 Quốc Hội Pháp thông qua luật LRU (Libertés et
Réponsabilités des Universités), hay còn được biết đến với tên gọi “luật
tự chủ đại học” hay “luật Pecresse” (vì là do bộ trưởng GD lúc đó là bà
Pecresse đưa ra), nhằm tăng tự chủ của các đại học, đặc biệt là về mặt
tài chính. Ví dụ như các khoản tiền lương và tiền thưởng của giáo sư nếu
trước kia là do Bộ trả thì ngày nay do các trường tự trả, trường tự do
hơn trong việc tuyển người. Ngoài ra có các qui định thay đổi về việc
tuyển việc và các việc khác, ví dụ mỗi hội đồng tuyển việc bây giờ phải
có ít nhất 1/2 số người là từ bên ngoài trường (nhằm giảm thiểu các trò
“chim chuột” tuyển “con em cháu cha”). Cùng với bộ luật LRU là việc
chuyển một phần lớn các khoản đầu tư nghiên cứu cho đại học theo kiểu
thường xuyên sang kiểu theo “dự án ưu tú” (IDEX, LABEX, ANR projects,
v.v.) nhằm bắt các nhà khoa học phải hăng hái cạnh tranh với nhau hơn.
Khi bộ luật LRU và các biện pháp đi kèm (LABEX, IDEX, v.v.) mới đưa
ra, thì được nhiều hiệu trưởng đồng tình, nhưng cũng có những hiệu
trưởng phản đối, và đặc biệt là bị rất nhiều các công đoàn và hội sinh
viên phản đối. Những người phản đối đưa ra những mối lo ngại như:
- Luật này là một cách “rũ bỏ trách nhiệm” của chính phủ đối với đại
học về tài chính. Trên thực tế, có một lượng lớn các trường rơi vào
khủng hoảng tài chính, vì tiền bộ rót cho không đủ chi tiêu, dẫn đến
việc cắt giảm các thứ như là cắt giảm tiền thưởng (tiền lương cơ bản thi
không giảm được vì được qui định theo luật), cắt giảm biên chế (không
tuyển giáo sư mới thay thế người về hưu), cắt giảm các suất giáo sư mời,
v.v.
- Luật này làm giảm tính độc lập của các giáo sư, trao quyền tập
trung quá nhiều vào các hiệu trưởng, nhưng lại bóp nghẹt sự tự chủ ở các
cấp thấp hơn (như ở các khoa, các đơn vị nghiên cứu thuộc trường),
khiến cho tương lai “ở phía dưới” trở nên rất mù mờ khó xác định.
- Một trong những múc đích của tự chủ đại học là nhằm giảm quan
liêu, nhưng thực tế ở đại học Pháp là độ quan liêu còn tăng lên.
- Chính quyền không tăng đáng kể tiền đầu tư vào nghiên cứu và phát
triển (hiện tại Pháp đang bị thua nhiều nước về đầu tư cho khoa học và
có nguy cơ thụt hậu), mà chỉ làm cho việc đấu đá để nhận tiền đầu tư
căng thẳng lên, các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian vào việc viết
các dự án, làm giấy tờ hành chính, v.v. và như vậy chỉ còn ít thời gian
để thực sự làm khoa học. Ttự chủ hay không thì lương giáo sư ở Pháp so
với các ngành khác càng ngày càng trở nên kém hấp dẫn. Tự chủ nhưng
không có đầu tư tương xứng thì vẫn không thay đổi tình trạng xuống cấp
đó.
v.v.
Bộ luật LRU được chí phủ của tổng thống Sarkozy coi là một trong
những thành công của thời ông ta nhằm tăng sức cạnh tranh của các đại
học Pháp. Nhiều người cho rằng, tuy có nhiều vấn đề cần được chỉnh lý,
nhưng dù sao nó cũng là một bước tích cực trong việc cải tổ đại học.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình, và luật LRU vẫn đang tiếp tục bị chỉ
trích mạnh, với các bài báo (ngay trên các báo phổ biến như là Le
Monde) gọi nó là “tự chủ hình thức”, “ảo ảnh”, v.v.
Kể cả sau khi đã có luật LRU thì không có nghĩa là các đại học ở
Pháp hoàn toàn tự chủ về học thuật. Ngay trong năm 2014 lại xuất hiện
chỉ thị từ phía bộ giáo dục ép các trường phải gộp các chương trình
Master vào thành chung 1 bằng Master, ví dụ như là không còn có “Master
nghiên cứu toán học” hay “Master giảng dạy toán học” mà từ sang năm chỉ
còn thành chung 1 bằng, gây khó khăn cho các trường trong việc tạo các
chương trình thích hợp cho định hướng nghề nghiệp của sinh viên.
Khác với các trường Anh-Mỹ, các trường Pháp có nguồn thu nhập từ bên
ngoài chính phủ rất thấp. Sau luật LRU, các trường có lập các
“Foundation” nhằm thu hút thêm đầu tư từ bên ngoài, lòng hảo tâm của các
cựu sinh viên, v.v., nhưng chắc phải hàng thập kỷ nữa truyền thống
quyên tiền phi chính phủ cho đại học mới có thể hình thành rõ nét ở
Pháp.
Về mặt lý thuyết, với luật LRU thì các trường ĐH công được tự do hơn
trong việc trả lương (không thể trả thấp hơn mức qui định của nhà nước,
nhưng có thể trả phụ cấp hay thưởng thêm vào tùy ý cho lương cao lên để
cạnh tranh với thế giới), nhưng trên thực tế thì hầu như chưa nơi nào
(trừ một vào nơi hiếm hoi đã có được tài trợ từ bên ngoài từ trước) làm
được chuyện đó.
5) Triển vọng tự chủ đại học ở Việt Nam ra sao?
Theo tôi hiểu thì bắt đầu có các văn bản về tự chủ đại học ở Việt nam, và có 4 trường ĐH công lớn được thí điểm tự chủ.
Con đường đi đến tự chủ đại học ở Việt Nam còn rất dài, với nhiều
chông gai và nhiều vướng mắc cơ bản cần giải quyết, đạc biệt là hai vấn
đề sau:
- Sự can thiệp của đảng, ban khoa giáo TW, v.v. dẫn đến không có tự
chủ về học thuật và về lãnh đạo đại học. Những người có trình độ và tâm
huyết thực sự đã rất ít, lại còn không được dùng thực sự.
- Vấn nạn tham nhũng và thiếu trung thực (ngay các lãnh đạo ĐH cũng
có thể là bằng rởm), thiếu minh bạch không có cách nào giải quyết đơn
giản. Đại học tự chủ nhưng bản thân những người lãnh đạo nó thiếu tư
cách, thiếu trung thực có khi còn đem lại các hậu quả to hơn so với
không có tự chủ.
Trong điều kiện hết sức khó khăn như vậy, tất nhiên vẫn có những
bước có thể thực hiện được nhằm tăng tự chủ và hiệu quả công việc của
giảng viên và nghiên cứu viên ở đại học. Việc thành lập NAFOSTED cáp
tiền phụ cấp trực tiếp cho những người làm khoa học là một ví dụ theo
chiều hướng tích cực.