Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Câu chuyện tác quyền

Lê Phan


Ảnh: Internet
Vốn cả đời làm báo nhưng hầu hết trong môi trường báo chí Tây Phương, tôi có cảm tưởng mình đã cho việc tôn trọng tác quyền là một chuyện đương nhiên. Từ khi đi học, sinh viên báo chí đã phải học về luật tác quyền và luật mạ lỵ, hai cái luật mà vi phạm có thể rất nguy hiểm cho tờ báo hay cơ quan truyền thông của mình. Hồi còn làm đài BBC, chúng tôi thường được nhắc nhở đừng bao giờ quên vấn đề tác quyền. Một vụ kiện tác quyền là ban đóng cửa vì thường tốn hết ngân sách của ban đó trong một năm.
Nhưng trong thế giới truyền thông, xuất bản tiếng Việt, cả hải ngoại lẫn trong nước, bản quyền có vẻ là chuyện chẳng ai để ý đến cả. Bản thân tôi thỉnh thoảng thấy bài của mình xuất hiện trên một tờ báo lạ cũng hơi thắc mắc không hiểu tờ báo đó có bao giờ xin bản quyền từ tờ Người Việt hay không.
Tuy biết vậy nhưng vẫn cảm thấy đau lòng khi hôm nọ một chị bạn gửi đến cho một lá thư của một ông thầy cũ than thở là những cuốn sách của ông đã bị “đánh cắp” một cách thản nhiên, không thấy hỏi han gì cả. Bức thư có đoạn như sau, “Hơn thế, tôi biết bên nhà lại có hai nhà xuất bản (một ở Ðà Nẵng, một ở Saigon) 'in lậu' ba tập thơ tôi dịch xuất bản năm 1969; họ chẳng thèm hỏi tôi một câu! Tôi đành im lặng.”

Chuyện các nhà xuất bản trong nước in lậu sách thì có lẽ cũng không có gì lạ. Liên Minh Sản Phẩm Trí Tuệ Quốc Tế (International Intellectual Property Alliance), cơ quan đại diện cho kỹ nghệ giải trí Hoa Kỳ, đã liệt Việt Nam vào loại một trong những quốc gia vi phạm tác quyền nhiều nhất.
Ðiều này đặc biệt đúng trong ngành xuất bản. Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, “Ðầu tiên là vấn đề sách lậu với quy mô phát triển ngày càng lớn, thậm chí ảnh hưởng của sách lậu đã thực sự ghìm chân sự phát triển của thị trường xuất bản. Nhiều dự án xuất bản đã bị hủy bỏ do sách lậu lộng hành khiến nhà làm sách chân chính mất niềm tin.”
Phản ứng của chính quyền với vấn đề này là đi tịch thu sách lậu.
Nhưng vấn đề không phải chỉ với sách lậu. Ngay cả các nhà xuất bản cũng phạm pháp vì họ đã xuất bản những ấn phẩm được cấp giấy phép xuất bản nhưng “vi phạm Luật Sở Hữu Trí Tuệ khi chưa được người sở hữu bản quyền của ấn phẩm cho phép.” Ðó là loại nhà xuất bản đã “in lậu” sách của Giáo Sư Ðỗ Khánh Hoan. Vẫn tờ Sài Gòn Giải Phóng than thở, “Sách vi phạm bản quyền này nguy hại không thua gì sách lậu khi nó không phải lén lút phát hành mà có thể chính danh, hợp pháp bày bán tại các nhà sách lớn. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của sở hữu chủ bản quyền, gây mất cân đối trong ngành xuất bản, mà tai hại hơn, nó còn làm đình trệ nhiều giao dịch xuất bản lành mạnh và đe dọa phá hỏng cả thị trường sách Việt Nam.”
Ðiều còn quan trọng hơn nữa là những hành động này khiến Việt Nam vi phạm thỏa thuận đã ký khi xin gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Muốn gia nhập, Việt Nam bị buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ Chủ Quyền Trí Tuệ (Intellectual Property-IP). Và Việt Nam đã thông qua một đạo luật hồi năm 2006 cũng như ký vào Công Ước Berne về tác quyền. Thành ra, theo các nhà nghiên cứu thế giới, Việt Nam hiện nay có những luật lệ khá đầy đủ để bảo vệ chủ quyền trí tuệ.
Cũng xin mở ngoặc “Chủ Quyền Trí Tuệ” bao gồm: tác quyền tức là quyền của các tác giả cho sản phẩm sáng tạo của mình, nhãn hiệu là những biểu tượng hay hình ảnh độc đáo, và bằng sáng chế bảo vệ quyền của một phát minh. Các đạo luật của Việt Nam nghe đâu bao gồm đủ mọi lãnh vực và có thể nói là không thua gì các quốc gia tiền tiến kỹ nghệ về chi tiết và chiều sâu.
Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta có thể an toàn đưa các sản phẩm trí tuệ vào Việt Nam chăng? Theo tác gia Phong Quan ở website onevietnam.org thì không.
Về software, khoảng 90% tất cả các chương trình điện toán ở Việt Nam vẫn còn là ăn cắp theo Liên Minh Business Software Alliance, trong khi nói chung trong vùng Á Châu và Thái Bình Dương chỉ có 55%. Muốn làm một ấn bản lậu DVD chỉ cần ra phố là có rất nhiều tiệm sang cho bạn với giá rẻ mạt. Tác giả bảo chỉ có ở các rạp ciné là ông có thể mua được DVD thứ thiệt. Còn sách ư, đi chơi ở mấy chợ sách cũ là quý vị có thể thấy hàng trăm cuốn sách cổ điển được photocopy bán với giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Câu chuyện sách còn đáng nói hơn bởi Công Ước Berne cho các tác giả bản quyền tự động ở Việt Nam, có nghĩa là tác giả không phải đăng ký cũng được bảo vệ.
Bởi thế nên hồi đầu năm 2009, một trong những nhà xuất bản quan trọng của Việt Nam, Fahasa đã bị đại diện của Disney yêu cầu phải thu hồi hết những ấn phẩm không được cho phép của Disney đang bày bán trong các nhà sách trên toàn quốc nếu không họ sẽ kiện từ trong nước đến quốc tế. Và Fahasa, có lẽ sợ ông Disney khổng lồ không phải chỉ dọa mà sẽ làm thiệt, vội vã thu hồi hết những ấn phẩm đó về, mặc dầu trên danh nghĩa họ có giấy phép xuất bản hợp pháp.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng viết, “Theo thông tin được biết, sáu nhà xuất bản nước ngoài đang chuẩn bị có các biện pháp pháp lý đối với trường hợp của nhà xuất bản Ðồng Nai cũng như nhà sách Quỳnh Mai đã in sách của họ mà không có bản quyền. Thực tế thì không phải chỉ có mỗi nhà xuất bản Ðồng Nai hay nhà sách Quỳnh Mai vi phạm bản quyền, mà ở các nhà xuất bản khác, con số chỉ vài tác phẩm, còn ở hai nhà xuất bản trên, số sách vi phạm lên đến gần 300 cuốn sách. Còn có một nhà xuất bản trong nước, số đầu sách không có bản quyền tương đương với tổng số sách xuất bản trong cả năm.”
Và Sài Gòn Giải phóng giải thích lý do tại sao: “Vấn đề cốt lõi ở chỗ khi họ xuất bản sách vi phạm bản quyền kiếm lời được 10 đồng chẳng hạn, nếu chẳng may bị phát hiện cũng chỉ bị nhắc nhở, giáo dục hoặc phạt khoảng 5 đồng rồi xuề xòa cho qua. Tính ra vi phạm vẫn còn lời! Ðó là lý do vi phạm ngày càng tăng.”
Thành ra cũng như tất cả những điều gọi là luật lệ ở Việt Nam, trên giấy tờ thì nghe rất hay nhưng vấn đề là ở chỗ thực thi.
Hiện nay cách duy nhất để đòi tác quyền ở Việt Nam là đến các nhà cơ quan chịu trách nhiệm về những sản phẩm trí tuệ của mình (Bộ Khoa Học và Môi Trường cho bằng sáng chế, Bộ Thông Tin Truyền Thông cho tác quyền, Sở Quản lý Thị Trường nếu ai đó làm giả cái túi Louis Vuitton, và thuyết phục họ làm một cái gì đó). Thường thì họ thích đi tịch thâu, ồn ào và dễ khoe thành tích hơn. Còn không thì bạn đi kiện, mà có lẽ là kiện củ khoai.
Ở ngoại quốc vấn đề khác hẳn. Luật pháp ở các quốc gia Tây phương bảo vệ rất kỹ tác quyền, nhưng vấn đề là phải vác đơn đi kiện.
Thứ Sáu vừa qua, Tòa Small Claim Court đã nghe vụ kiện do ông Phạm Duy Hùng, con trai của cố nhạc sĩ Phạm Duy kiện ban tổ chức buổi trình diễn nhạc Ðêm Nhớ Về Sài Gòn tối hôm 30 tháng 4 năm 2014 tại Phoenix Center ở San Jose vì đã sử dụng 6 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và đòi phải trả tác quyền 1,200 đô la.
Nhưng nào phải ai cũng muốn đi kiện. Những tác giả như ông thầy của tôi thì chỉ đành “im lặng.”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"