Cánh Cò
Tại Việt Nam, Facebook đang được sử dụng nhiều và lan rộng cùng khắp
và người chơi với nó luôn có những thao tác gần như nắm tay nhau trong
những vấn đề nóng xảy ra trong xã hội.
Tương tác giữa báo chí chính thống và Facebook đã xuất hiện vì ngày
nay người theo dõi báo thường xuyên và cẩn thận không ai khác ngoài
những người lấy Facebook làm thú vui hàng ngày thay cho cầm tờ báo mà
đọc theo cung cách cũ.
Báo chí dựa vào sức mạnh của Facebook để chuyền tải thông tin của
mình. Facebook dựa vào sự chuyên nghiệp của báo chí để đẩy bài báo rộng
và xa hơn cho những tin tức mà dân nghiền Facebook quan tâm. Dù chỉ là
một comment, hay like hoặc share bài báo, người chơi vẫn đang làm một
công việc hết sức hiệu quả từ những thao tác đơn giản của mình.
Những vấn đề được công dân Facebook chuyền nhau thường có tác dụng
khá tích cực và có lẽ bắt đầu từ những kết quả tích cực ấy vị trí của
Facebook tại Việt Nam sẽ được nâng lên trong người sử dụng và ngược lại
chính quyền phải ý thức sức mạnh của nó để đối phó hoặc thỏa hiệp.
Đối phó: nếu chính quyền biết mình có thể khống chế nó, mà điều này
là không tưởng vì người chơi trong tối, ở khắp đất nước và ngay cả nhiều
nước khác trên khắp thế giới. Người chơi được nói và ngay lập tức ít
nhất vài ngàn người nghe, chính quyền nói không ai nghe vì không có nơi
để nói. Người chơi đông hơn chính quyền gấp trăm lần và ở khắp thế giới.
Chính quyền có súng nhưng không bắn được ai. Người chơi có bàn phím và
lập luận sắc bén từ nhiều thành phần, những lập luận ấy mạnh và công phá
sự lấp liếm, dấu giếm của chính quyền hiệu quả hơn súng đạn. Tóm lại,
thất thế hoàn toàn và càng dấn sâu vào việc khống chế Facebook lại càng
bế tắc.
Thỏa hiệp: để tạm thời lành mạnh bộ máy cầm quyền tuy sẽ mất những
con sâu gộc nhưng bù lại xã hội sẽ bớt sức ép, quốc tế bớt theo dõi và
nhất là chóp bu bớt bị ném trứng.
Thỏa hiệp mới nhất vừa được ông ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND
tỉnh Long An hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào trưa ngày 04 tháng
12 năm 2014.
Vụ án này có từ lâu nhưng chính Facebook làm nên chuyện lớn sau khi
báo chí lên tiếng và cung cấp những chi tiết đáng ngờ của vụ án.
Tử hình thì Việt Nam có rất nhiều vụ nhưng mỗi vụ Hồ Duy Hải được xem
là khác thường vì có nhiều chứng cứ cho thấy sự dối trá, mông muội và
ngang tàng của pháp luật tại Long An.
Dấu vân tay tại hiện trường hoàn toàn không phải của Hồ Duy Hải. Vết
máu không xác định được vì để quá lâu. Vật chứng là tấm thớt dùng dập
dầu nạn nhân và con dao gây án tự nhiên biến mất.
Vân tay không phải của bị can nhưng công an vẫn buộc anh ta có tội
qua việc ép cung. Viện kiểm sát và tòa án không hỏi tại sao, dấu vân tay
của ai mà lại xuất hiện tại hiện trường trên cả thi thể hai nạn nhân.
Vết máu đến 4 tháng sau mới được gửi đi xét nghiệm nhưng do để quá lâu nên không thể làm xét nghiệm. Tại sao?
Và đây là cách mà công an, Viện kiểm sát, Tòa án Long An cáo buộc tội nhân:
Biên bản tòa án cho biết: “vết máu thu giữ tại hiện trường khi giám
định không phải là của bị cáo, song các thiếu sót trên không lớn. Đặc
biệt là vết máu thu không đủ lượng, thời gian để kéo dài nên không xác
định được vết vân tay”
Và quan trọng hơn hết tấm thớt và con dao gây án, báo Lao Động tường thuật:
"Kết luận điều tra khẳng định: “Nạn nhân Hồng bị đẩy ngã xuống nền
gạch, rồi Hải hai tay cầm tấm thớt gỗ đập xuống đầu Hồng 2 cái”. Thế
nhưng, tấm thớt gỗ không được thu giữ. Hơn 5 tháng sau khi xảy ra vụ án,
ngày 24.6.2008, theo yêu cầu của cơ quan điều tra, bà Lê Thị Thu Hiếu
(bạn của hai nạn nhân) mới đi mua một tấm thớt gỗ khác tương tự về giao
nộp cho cơ quan điều tra.
Cũng thế, khi dọn dẹp hiện trường, những dân phòng tham gia bảo vệ
hiện trường đã phát hiện con dao (sau này được xác định Hải dùng để cắt
cổ nạn nhân) và báo cho một công an viên, nhưng ông này bảo “có lẽ không
liên quan đến vụ án” nên dân phòng đem đốt đi. CQĐT sau đó đã cho người
khai thấy con dao đó đi mua một con dao khác có hình dáng, kích thước
tương tự về nộp. Như vậy, cả con dao, cái thớt chỉ là vật mô phỏng chứ
không phải tang vật, hung khí gây án".
Bao nhiêu tình tiết bất nhân này nếu không làm cho cộng đồng Facebook
nổi giận thì mới là chuyện đáng bàn, vì nó quan trọng hơn bản án tử
hình nhiều lần, nó cho thấy sự vô cảm tại Việt Nam đã thành quốc họa.
Nhưng còn may, Facebook nổi sóng và những cơn sóng ấy ít nhất cũng vừa
cứu một mạng người.
Và đâu đó trên Facebook đưa ra câu hỏi: quyết định hoãn thi hành án tử hình kéo dài bao lâu và sau đó là gì?
Bắt đầu kêu oan là gia đình nạn nhân. Vì máu thịt họ dã theo chân các
cấp tòa án hơn 6 năm trời. Đơn độc và cô thế nhưng họ không nản lòng.
Facebook không đơn độc, người này quên còn có người khác nhắc nhở, khêu
gợi. Vụ án do đó khó thể ém nhẹm và dù sao thì một phiên Giám đốc thẩm
cũng phải thành hình. Facebook theo dõi nó và chính quyền không thể làm
ngơ.
Quay lại câu hỏi: Tại sao đội điều tra thấy hiện trường, biết thủ tục
mình làm là sai với quy trình nhưng vẫn bất kể pháp luật gán ghép tội
trạng vào một thanh niên như Hồ Duy Hải?
Có hai yếu tố thúc đẩy hành vi này: thứ nhất kẻ gây án thật sự đang
nằm trong bóng tối có quyền lực rất lớn khiến cho tư pháp Long An bó tay
không dám đưa ra sự thật. Nghi ngờ này là hợp lý và Facebook là nơi
tiếp tục làm chiếc loa nhắc nhở cho báo chí tiếp tục điều tra.
Yều tố thứ hai hợp lý không kém: Ép cung vì bị chỉ tiêu và thành tích
đè nặng trên vai của đội điều tra. Ép cung cũng có thể xuất phát từ sự
liên hệ nho nhỏ nào đó của nạn nhân đối với vụ án. Là bạn bè nạn nhân,
là người yêu hay có một vụ bất đồng nào đó. Vin vào những yếu tố này
công an lười nhát hay thiếu nghiệp vụ đã dẫn cuộc điều tra rơi vào việc
mớm cung hay ép cung.
Hai vụ án của Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén cho thấy sức ép của
thành tích cộng với nghiệp vụ non nớt mạnh đến thế nào. Nạn nhân dù khai
cách gì cũng không được yên thân nếu không nhận chính mình phạm tội thì
có thể suốt cuộc đời bị thẩm vấn, tra khảo bằng các thủ đoạn tinh vi
nhất mà công an nghĩ ra.
Viện kiểm sát là cánh tay nối dài của công an và do đó khó có đề nghị
điều tra lại bất cứ hồ sơ nào được công an gửi qua yêu cầu làm thủ tục
khởi tố.
Tòa án lại càng giữ im lặng gần như tuyệt đối dưới bất cứ sự tung hứng nào của công an và Viện kiểm sát.
Hội đồng xét xử cũng vậy, đối với các bản án hình sự có khả năng
chung thân hay từ hình thì gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân.
Tất cả họ gần như đều phải là đảng viên và vì là đảng viên họ không nhất
thiết phải nghe theo chứng cứ hay lời bào chữa của luật sư. Họ nghe và
làm theo đảng.
Hệ thống tòa án như vậy thì đừng mong công bằng và tôn trọng luật
pháp. Luật là đảng và người thi hành nếu có sơ sót thì chẳng qua nhận
thức chuyên môn, trình độ nghiệp vụ còn kém, sẽ được đảng cho đi tu
nghiệp lại là xong.
Tuy nhiên mọi thứ không thể xong một cách đơn giản như vậy kể từ khi có Facebook.
Thử tưởng tượng: Sau khi hoãn thi hành án tử hình nhưng thay bằng án chung thân thì sao?
Vâng, Facebook lại tiếp tục lên tiếng và báo chí sẽ nương theo đấy mà
làm cho hồ sơ không thể đóng lại. Chính quyền lại có cơ hội sửa sai và
những con sâu tiếp tục biến thành bướm, thành tiên gì đó.
Facebook cũng sẽ biến đổi theo thái độ của chính quyền và quan trọng
hơn hết khi người chơi biết được sức mạnh mềm của mình thì họ sẽ có các
hành động khác nữa. Mạnh và hiệu quả. Sức mạnh của đám đông và hiệu quả
của những bàn phím.