Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Đèn Cù Tập II: đấu đá nội bộ

Nguyễn Văn Tuấn
Tiếp tục đọc Đèn Cù Tập II. Nhưng trang sau của quyển sách có vẻ "ác liệt" hơn, với giọng văn "confrontational" hơn và thẳng thắn hơn. Nếu không biết tác giả là người từng ở trong "hệ thống", người đọc có thể lầm tưởng rằng ông là người miền Nam từng đi tù cải tạo! Do đó, tôi ngần ngại trích dẫn những đoạn ác liệt ...

Những sự thật cần xét lại

Miền Bắc Việt Nam từng có vụ án "xét lại chống đảng". Dĩ nhiên, hai chữ "xét lại" đó chẳng có dính dáng gì với ý nghĩa của nó, mà là một vụ thanh trừng những người thân Liên Xô lúc đó. Cuốn sách Đèn Cù dành khá nhiều trang để viết về vụ án này, vì tác giả là một trong những nạn nhân. Ở đây, tôi chỉ muốn mượn hai chữ xét lại để nói rằng trong Đèn Cù Tập II cũng đưa ra nhiều sự việc cần phải … xét lại.

Chẳng hạn như ngày thành lập ngành công an. Nói chính xác là "công an nhân dân", bắt chước theo Tàu, dĩ nhiên. Theo sách vở thì ngày thành lập lực lượng này là ngày 19/8/1945 và có sắc lệnh hẳn hoi. Nhưng Trần Đĩnh trích lời của ông Lê Giản (người phụ trách công an thời đó với chức vụ Tổng giám đốc Tổng nha công an) cho biết ngày đó chưa có chính phủ VNDCCH thì làm gì có sắc lệnh. Vả lại, ngày 23/8/1945 thì ông Hồ Chí Minh mới về đến Hà Nội, và ngày 28/8 mới công bố danh sách chính phủ (trang 362).
Năm 1945 VN có bao nhiêu đảng viên đảng cộng sản VN? Nhiều nguồn cho biết con số là 5000 người, tức rất ấn tượng. Nhưng theo Trần Đĩnh cho biết thì năm 1960, "Cụ Hồ nói với tôi: Nói năm 1945 có 5000 đảng viên là ngoa. 500 mới đúng. Thôi, cứ cho ngoa thành 5000. Năm ngàn người này từ đấy đã đoạt lấy quyền lực của 25 triệu đồng bào" (Trang 376).
Trong Đèn Cù Tập II, tác giả kể chuyện "sửa lưng" tướng Võ Nguyên Giáp rất thú vị. Ông cho biết vào năm 2000, trong hội thảo liên tịch (với Bắc Kinh) về con đường tiến lên XHCN, tướng Giáp có đăng một bài viết trên báo Nhân Dân, với nội dung 3 điểm:
(1) cách mạng VN là sớm nhất ở Đông Nam Á;
(2) VN lập nước cộng hoà dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; và
(3) thắng lợi trong kháng chiến là gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nhưng Trần Đĩnh viết thư cho tướng Giáp phản bác cả 3 điểm. Thứ nhất, thật ra, Nam Dương (Indonesia) là nước nổi dậy đầu tiên giành độc lập (ngày 15/8/1945), còn Phi Luật Tân thì giành độc lập từ cuối thế kỉ 19. Thứ hai, không có cái gọi là "cộng hoà dân chủ nhân dân", mà chỉ có "Việt Nam dân chủ cộng hoà". Thứ ba, từ năm 1945 đến 1951, đảng đã tuyên bố giải tán, chưa làm xong cách mạng dân chủ thì lấy đâu ra chủ nghĩa xã hội mà gắn liền với chiến thắng. Tác giả còn nhắc tướng Giáp rằng trong "Đại thắng mùa xuân", tướng Văn Tiến Dũng đã gạt tên tướng Giáp ra khỏi sách.
Kể xong những sự thật này, tác giả Trần Đĩnh than: "Nhà nào cứ dạy con dối trá thì nhà ấy chắc sẽ lụn bại. Dối trá, nguồn gốc của mọi đốn mạt, sẽ triệt tiêu hết mọi điều tử tế".
Ông Lê Giản cũng rất phản đối chuyện quân đội phải trung thành với đảng. Ông nói "Bác nói quân đội trung với nước, hiếu với dân, đứa nào lãnh đạo dạo ấy mà chả nhớ như thế, thế mà đem đối nghiến ngay ra thành trung với đảng, biến béng luôn quân đội thành của riêng của đảng" (trang 363). Xem ra câu này rất thời sự tính, vì ngài tổng bí thư mới tuyên bố rằng "Chỉ có Đảng Cộng sản VN là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội nhân dân VN. Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác" (1).

Nhồi sọ

Chuyện nhồi sọ trong XHCN thì chẳng có gì mới, nhưng câu chuyện tác giả kể trong Đèn Cù Tập II thì phải nói là khá độc đáo. Tác giả kể rằng năm đó, khi đội bóng đá của VN bị đội bóng đá của Thái Lan uy hiếp dữ dội, các ủng hộ viên hô hét "Việt Nam, Việt Nam". Hình như hô hét như thế vẫn chưa đủ, họ còn lôi cả ông cụ ra: "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Nhưng "bác" vẫn không cứu được sự thất bại thê thảm của đội Việt Nam.
Một anh chàng y tá hỏi tác giả có xem đá bóng với Thái Lan, tác giả nói không xem vì mệt quá và ghê quá. Anh ta nói vì danh dự dân tộc nên phải coi chứ bác. "Tôi hỏi thế 1958 Sài Gòn vô địch bóng đá, bóng bàn, xe đạp châu Á, thì có hét ủng hộ nó không? Anh y tá nói ngay: 'Cháu nghe nói các bác lão thành nói ngày xưa chúng nó muốn bêu cộng sản nên bố trí cho Sài Gòn thắng chứ nguỵ nó đá đâu bằng Hà Nội.' Tôi nhắm mắt giả vờ ngủ. Thấy hình như võ mồm này là võ mồm tuyên huấn mở rộng sang quần chúng" (Trang 365).

Đấu đá nội bộ

Ông Lê Khả Phiêu giữ chức tổng bí thư đảng từ 12/1997 đến 4/2001. Trong thời gian trước đại hội 11, có một sự đấu đá quyền lực diễn ra khác ác liệt giữa các phe nhóm có liên quan đến ông. Ông Nguyễn Đức Tâm (lúc đó là trưởng ban tổ chức trung ương) viết hẳn một lá thư tố cáo các ông lãnh đạo cao cấp. Còn các tướng như Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Đồng Văn Cống thì tố cáo ông Phiêu. Theo Trần Đĩnh, "nghe đồn bị dồn đến đường cùng, ông Phiêu đã vung lên một tờ giấy nói ai gửi tiền ở ngân hàng nào, bao nhiêu đô tôi biết hết, ít nhất 200 trương chủ, người nhiều nhất là 2 tỉ đô" (trang 403).
Tác giả Trần Đĩnh còn tiết lộ rằng một tài liệu chui của Nguyễn Chí Trung, thư kí riêng của ông Lê Khả Phiêu, viết tố cáo ông Đỗ Mười. Trong Chương 38, Trần Đĩnh kể lại những cuộc đấu đá nội bộ giữa các lãnh đạo chóp bu rất ác liệt. Có một vị lãnh đạo tố cáo vị kia 10 điểm như bán đất, bán biển cho Trung Quốc; lộ ý đồ bí mật chiến lược với Giang Trạch Dân; hoãn kí hiệp định thương mại Việt – Mĩ; thành lập tổ chức nội gián nhằm lật đổ nội bộ; quan hệ với gái, và gái gián điệp; địa phương chủ nghĩa, vân vân và vân vân (trang 404).
Có một chuyện tôi thấy thú vị, trong đó tác giả kể rằng Nguyễn Hưng Định (nguyên thư kí riêng của ông Lê Thanh Nghị) thuật lại rằng "một hôm ông Đỗ Mười đến nói chuyện với Lê Đức Bình (lúc đó là trưởng ban nội chính): 'này, thằng Phiêu nó xin làm trợ lí an ninh quốc phòng cho thằng Mạnh, cậu thấy sao?' Bình đáp: Để anh ấy vào chỗ quan trọng đó thì nguy to có ngành anh à. Ít lâu sau, Mười lại đến: 'Này, không được làm trợ lí, thì Phiêu lại xin cho nó dọn nhà đến gần Bộ Chính trị?' –Dạ không, anh ấy sẽ phao tin lên rằng anh ấy vẫn thao túng được Bộ Chính trị. Ít lâu sau lại: 'Này, tớ định cho thằng Hữu Thọ làm trợ lí thứ nhất cho thằng Mạnh', Bình vội gạt: 'Chớ chớ anh ạ, cậu Hữu Thọ này là phần tử cơ hộ số 1 của đảng ta đấy. Bài hắn phê phán chủ nghĩa cơ hội chính là hắn tự soi gương mà viết." (trang 406).
(Còn tiếp)
___________________

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"