Phạm Chí Dũng
Sáng sớm ngày 30/11/2014, tôi đến nhà anh Hồng Lê Thọ ở 32 Cửu Long,
Phường 15, quận 10, TP.HCM. Sau khi anh Thọ bị bắt vào hôm trước, ở nhà
chỉ còn chị Nga (vợ anh Thọ). Tôi muốn gặp chị để bàn việc sẽ đi thăm
nuôi anh Thọ và thu xếp luật sư bảo vệ anh như thế nào.
Giáo sư Hồng Lê Thọ
Quen biết đã nhiều năm, cho đến giờ tôi vẫn không thể hình dung khác
hơn rằng Hồng Lê Thọ là một trí thức ôn hòa chính trị và rất chừng mực
về cách cư xử. Là một Việt kiều Nhật hồi hương, anh lặng lẽ sống và làm
việc ở Sài Gòn, mở trang blog Người Lót Gạch như một kênh tổng hợp thông
tin phản biện xã hội. Rất nhiều lần ngồi cà phê với anh, tôi luôn được
thuyết phục bởi tình cảm quá nặng lòng với dân tộc của anh, về tất cả
những gì mà tâm trí anh thường trực nỗi bức xúc trước hiện tình rối ren
đổ nát của xã hội và nền chính trị. Với tôi, anh cũng là một trong những
trí thức có cái nhìn sắc sảo và tách bạch nhất về quan hệ quốc tế và
quan điểm “thoát Trung”.
Tuy lặng lẽ, Hồng Lê Thọ không hề là một nhân vật “nhỏ”. Anh có chỗ
đứng được tôn trọng trong giới kiều bào Việt Nam ở hải ngoại. Anh cũng
được nhiều người trong giới tranh đấu dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam
biết đến.
Nhưng cũng bởi thế, điều có vẻ khó hiểu là Cơ quan an ninh điều tra lại “chọn” bắt anh, thay vì hành xử tương tự đối với một nhân vật nào đó ít tên tuổi và uy tín xã hội.
Nhưng cũng bởi thế, điều có vẻ khó hiểu là Cơ quan an ninh điều tra lại “chọn” bắt anh, thay vì hành xử tương tự đối với một nhân vật nào đó ít tên tuổi và uy tín xã hội.
Chưa biết họ sẽ “điều tra” ra những gì, chỉ có thể hiểu rằng việc
Hồng Lê Thọ bị bắt sẽ lập tức gây phát sinh phản ứng ở mức độ căng thẳng
của số đông kiều bào người Việt đối với Nhà nước Việt Nam. Rồi tất yếu
cũng dẫn đến phản ứng có thể không hề trầm lắng của Hoa Kỳ, một số nước
phương Tây và các tổ chức quốc tế về nhân quyền dành cho ngành công an
và chính quyền Việt Nam, vô hình trung sẽ càng làm khó hơn lối thoát lận
đận của nhà nước này nhờ vào TPP và các lợi ích khác về ngoại giao và
chính trị.
Một lần nữa, điều luật 258 về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”
được Cơ quan an ninh điều tra ngành công an áp chế. Từ giữa năm 2013,
thay cho các điều luật 88 về “tuyên truyền chống nhà nước” và điều 79
“âm mưu lật đổ chính quyền”, người ta đã “vận dụng” điều luật 258 để bắt
hàng loạt người bất đồng chính kiến như blogger Phạm Viết Đào, Đinh
Nhật Uy, nhà báo Trương Duy Nhất, và gần đây nhất là bắt blogger Ba Sàm
Nguyễn Hữu Vinh vào tháng 5/2014.
Tuy nhiên cũng có vài khác biệt đáng để ý trong động thái bắt blogger
Hồng Lê Thọ. Khác với những trường hợp trước đây, cơ sở để tuyên truyền
cho việc bắt giữ anh Thọ là “theo tin tố giác của quần chúng”. Trong
thực tế điều tra xét hỏi tội phạm, cơ sở này thường áp dụng với đối
tượng hình sự chứ không phải đối tượng chính trị.
Mặt khác, Cơ quan an ninh điều tra cũng sử dụng hình thức “Lệnh khám
xét và tạm giữ hình sự” mà không phải là “bắt khẩn cấp, tạm giam” hay
“bắt giam”, và chưa kèm theo lệnh khởi tố bị can.
Hai tuần trước khi anh Hồng Lê Thọ bị bắt, chúng tôi đã gặp nhau nói
chuyện phiếm. Cũng như những lần gặp nhau trước đó, tôi không nghe anh
Thọ nói về một dấu hiệu cảnh báo “sẽ bị bắt” nào từ phía cơ quan an
ninh.
Vụ việc bắt giữ anh Hồng Lê Thọ khiến tôi có cảm giác không khí bắt
bớ bất đồng chính kiến có những dấu hiệu đang quay trở lại gần giống với
trường hợp bắt luật sư công giáo Lê Quốc Quân vào cuối tháng 12/2012,
sau khi Quân nhiều lần xuống đường phản đối Trung Quốc can thiệp Biển
Đông.
Còn lần này, Nhà nước và ngành công an Việt Nam liệu có trưng ra được
nguyên cớ nào đủ “thuyết phục” đối với hành động bắt giữ blogger Hồng
Lê Thọ, hay là không?