Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD – 981 vào Biển Đông

Quách Hoàng Lân
Ngày 1/5/2014 Trung Quốc đưa dàn khoan HD-981 vào thăm dò tại vùng biển cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa là 17 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Lý luận của Trung Quốc là: “Hoàng Sa là của Trung Quốc (sic!)” nên vị trí đặt dàn khoan gần địa phận Trung Quốc hơn rất nhiều so với bờ biển của Việt Nam.
Việt Nam đã phản đối rất quyết liệt, cho rằng vị trí đặt giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hay ít ra là nó đang nằm trong vùng có tranh chấp nên không thể đơn phương khai thác. Việt Nam đã đưa các tàu cảnh sát biển ra để thuyết phục Trung Quốc dời giàn khoan đi, gặp phải đội tàu của Trung Quốc, hai bên va chạm và tình thế giằng co, Trung Quốc vẫn chưa chịu rút dàn khoan đi. Trung Quốc chỉ khẳng định sẽ rút đi vào tháng 8, sau khi kết thúc việc thăm dò. Việt Nam cũng đã đưa vấn đề HD – 981 ra cuộc họp thượng đỉnh của khối Asean, đồng thời gửi công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc. Phần lớn các chuyên gia, học giả, và một số quan chức trong nước và quốc tế đều nhận định đây là hành động mang tính khiêu khích và khó hiểu của Trung Quốc. “Khiêu khích” là bởi vì bản thân quần đảo Hoàng Sa vẫn còn trong vòng tranh chấp, và ngay cả khi nếu giả thiết rằng đảo Tri Tôn là của Trung Quốc thì vị trí giàn khoan là cách nó 17 hải lý, đó là một khoảng cách lớn hơn 12 hải lý, nên không thuộc vùng lãnh hải nội thủy để có thể quyết định đơn phương được (đây là chưa nói là đảo Tri tôn có thể chưa đủ điều kiện để xem là vùng lãnh thổ). “Khó hiểu” là vì việc đưa giàn khoan vào vị trí đó để thăm dò gần như không mạng lợi ích kinh tế chính trị gì cả, mà còn làm căng thẳng quan hệ với Việt Nam và các nước trong khu vực và làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế khi đơn phương hành động bất chấp luật pháp quốc tế như vậy.

Một số giả thuyết đã được đưa ra để giải thích sự khó hiểu này. Tôi xin điểm qua và phân tích như sau:
1) Bắc Kinh đang cần một căng thẳng bên ngoài để xoa dịu những khó khăn bên trong. Những khó khăn đó là căng thẳng Tân Cương, khủng bố, kinh tế chậm tăng trưởng, thậm chí có dấu hiệu khủng hoảng cục bộ, tham nhũng, đấu đá quyền lực nội bộ, v.v... Việc gây ra một căng thẳng ngoại vi để thắt chặt đoàn kết nội bộ, đoàn kết người dân với chính quyền là một chiêu mà Bắc Kinh vẫn hay sử dụng.
2) Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền về đường lưỡi bò, để làm bá chủ biển đông và mở lối ra ở Đông nam, khi mà lối phía đông đã bị bịt kín bởi Mỹ và đồng minh. Và đây chính là thời điểm hợp lý để thực hiện thêm một bước chiến thuật vết dầu loang vốn đã được tính rất kỹ từ lâu và bắt đầu khởi sự từ những năm 1958 khi họ ép buộc chính phủ Việt Nam DCCH phải ký công nhận lãnh hải của họ và chớp thời cơ vào năm 1974 chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam CH.
3) Trung Quốc muốn thử độ phản ứng của Mỹ và độ trung thành của Việt Nam để đưa ra những chính sách sắp tới. Việc quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang dần được cải thiện thực sự làm Trung Quốc lo ngại. Trung Quốc muốn trắc nghiệm xem quan hệ Mỹ-Việt đã ấm đến mức độ nào nên mới tung ra một chiêu để thử phản ứng của Mỹ. Và cái họ đạt được là rất đáng kể, Mỹ chỉ phản ứng hời hợt, kêu gọi hai bên kềm chế, tránh xảy ra nổ súng. Qua đó, Trung Quốc nhận ra người đàn em Việt Nam vẫn chưa xích lại quá gần với Mỹ. Hơn nữa, việc Việt Nam không khởi kiện Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc về giàn khoan HD-981 và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, luôn giữ vấn đề trong vòng đàm phán song phương cho thấy tấm lòng của Việt Nam với bậc đàn anh phương Bắc vẫn còn sắt son lắm.
Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc chưa lường hết được phản ứng của người dân Việt, xưa nay luôn có một lòng quyết tử cho sự sinh tồn của Tổ Quốc. Việc làm của Trung Quốc vô hình chung đã khơi dậy tính tự tôn dân tộc vốn đã bị lu mờ đi vì ý thức hệ cộng sản kìm chế lâu ngày. Tình hình mấy tuần qua cho thấy sự việc bây giờ đã trở nên khó lường hơn, và tôi rất hy vọng, nhân dân Việt Nam sẽ tỉnh hẳn người sau cú hích này và sẽ cho Bắc Kinh một bài học đáng giá.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"