Đỗ Thúy Hường
Ý thức hệ chẳng là cái cóc khô gì so với chủ quyền lãnh thổ.
Năm 1969 hai nước cộng sản đàn anh (LX – TQ) đã gạt bỏ ý thức hệ sang bên để nổ súng vào nhau khi có tranh chấp biên giới. Ý thức hệ (tính giai cấp, tình đồng chí) chẳng là cái cóc khô gì so với lợi ích dân tộc. Chỉ 10 năm sau (1979) hai nước CS Trung - Việt cũng chĩa súng vào nhau
nhưng ác liệt gấp trăm lần. Có tới 600.000 lính Tàu vâng lệnh đảng CSTQ
tràn sang Việt Nam. "Sơn thủy tương liên" quả là tiện để hành quân xâm
lược. Lính ta cũng tuân lệnh đảng CSVN đánh trả đẫm máu. Rốt cuộc, mỗi
bên CS đều tuyên bố giết được 60.000 sinh mạng của bên kia. Suốt 10 năm
tiếp theo, CSVN gọi CSTQ bằng những từ ngữ (kể cả trong Hiến pháp 1980
và Văn kiện đại hội đảng V (1982) đầy mạt sát, căm hận... Cứ tưởng không
còn cơ hội nào hàn gắn nữa.
Liên Xô, Trung Quốc thực chất vẫn là hai đế quốc như thời phong kiến.
Chủ
nghĩa CS chỉ bén rễ sâu ở các nước nông nghiệp lạc hậu, vì nó hứa hẹn
"tước của nhà giàu chia cho nhà nghèo". Phù hợp với nền nông nghiệp lạc
hậu chỉ có thể là chế độ phong kiến. Tham vọng cướp nước và thu phục chư
hầu của chế độ phong kiến là cố hữu và vô tận. Lãnh tụ CS ở Nga và Tàu,
dù ban đầu ý thức hệ sâu sắc đến đâu... sớm muộn gì cũng hành xử như
Nga hoàng đại đế và Tần Thủy Hoàng thời xưa. Cụ Stalin và cụ Mao không
chỉ thành vua mà hoàng đế - tức là mở rộng bờ cõi và thu phục chư hầu.
Nước Nga xô viết đã chinh phục được quanh mình tới 14 nước "anh em" -
thực chất là chư hầu. Chư hầu, cho nên khi đế chế đổ (năm 1991), đám
"anh em" đều bỏ chạy bán xới. Còn TQ mới kinh! Thời xa xưa, các chư hầu
các nước lớn quanh nó (Mãn, Mông, Hồi, Tạng, Việt) từng có thời vùng
lên, chống lại thiên triều, thậm chí có 2 chư hầu đã vào "nuốt" (thôn
tính) trung nguyên - lập ra nhà Nguyên, nhà Thanh. Hùng mạnh dường ấy mà
rốt cuộc 4 nước nói trên tới năm 1949 vẫn bị đảng CSTQ "nuốt lại"; chỉ
thoát được nước Việt ta. Đủ thấy, TQ đáng sợ dường nào. Riêng VN càng
phải thấy TQ đang cay cú và tiếc rẻ đất đai ta biết dường nào. Xin chớ
nghĩ rằng dân số TQ hiện gấp 15 lần dân ta, còn đất đai thì rộng gấp 30
lần (như vậy, diện tích đất trên đầu người gấp đôi VN) mà lòng tham đã
hết.
Nếu thời nay vẫn rơi vào cái bẫy ý thức hệ?
Năm
1986 cụ Nguyễn Văn Linh được bầu tổng bí thư. Tiếp tục đường lối cũ, cụ
và bộ chính trị vẫn coi TQ là kẻ thù, vẫn dựa hẳn vào Liên Xô để xây
dưng CNXH ở VN mà không thấy Liên Xô đã rơi vào khủng hoảng. Quả nhiên,
chỉ 2 năm sau, các nước Đông Âu nhất loạt từ bỏ ý thức hệ; Liên Xô lo
thân không xong, cũng sớm vứt bỏ luôn vai trò lãnh đạo phe XHCN... Cụ
Linh và bộ chính trị của cụ tự thấy đất dưới chân sụt xuống. Với ý thức
hệ cộng sản, họ quay sang cầu cứu kẻ thù cũ, tôn đảng CSTQ lên vị trí
cầm đầu 5 nước XHCN sống sót (nhờ dân trí tiểu nông). Từ đó, rơi vào cái
bẫy ý thức hệ mà không thấy tấm gương tày liếp của Ấn Độ. Cũng là nước
khổng lồ, Ấn chỉ mong yên thân sống cạnh Trung. Do vậy, Ấn và Trung đề
ra 5 nguyên tắc chung sống hòa bình: (a) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của nhau; b) không xâm lược nhau; c) không can thiệp vào công
việc nội bộ của nhau; d) bình đẳng hai bên cùng có lợi, e) chung sống
hòa bình". Mà rồi, đâu có được yên. Năm 1962, TQ vẫn bất ngờ tấn công Ấn
Độ.
Hai lần ban phát "mười sáu chữ vàng".
Hoàn
toàn do TQ đưa ra, còn VN mừng rỡ tiếp nhận. Lần 1 là: "Láng giềng hữu
nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Đọc lên,
nó khác xa 5 nguyên tắc chung sống giữa 2 quốc gia, mà giống như phương
châm hành xử "trong nhà" của hai anh em. Chính cái sự quá ư thân thiết,
quá ư hứa hẹn là điều mà "thằng em" cần dè chừng "ông anh". Cái loại
"ông anh" này đã từng nuốt trôi lãnh thổ khổng lồ của các dân tộc "anh
em" (Mãn, Mông, Hồi, Tạng) khác xa mình về văn hóa, phong tục, tôn giáo,
tiếng nói, chữ viết...; nhất là khác xa về ý thức hệ.
Cơ
sở để đưa ra 16 chữ vàng là 4 câu (cũng gồm 16 chữ), cũng do TQ đưa ra,
cũng được VN tin cẩn tiếp thu. Thì đấy! Rành rành hai nước Việt Trung
có: Sơn thủy tương liên, Văn hóa tương đồng. Vậy thì, chúng ta phải Lý
tưởng tương thông, Vận mệnh tương quan! Chứ sao? Chẳng cần thông minh,
miễn là không bị ý thức hệ đầu độc, ai cũng nhận ra hai câu đầu là cái
bẫy, hai câu sau là miếng mồi. Ham mồi là sập bẫy. Chúng cũ rích, vì nếu
lùi lại 600 năm (thời khời nghĩa Lam Sơn) giặc Minh vẫn có thể dùng 4
câu này để chiêu hàng Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Thời đó, hai nước vẫn Sơn
thủy tương liên, Văn hóa tương đồng. Hai bên cũng giống nhau về ý thức
hệ (phong kiến). Chỉ có điều, vận mệnh không thể tương quan (thống trị
và bị trị). Lý Thường Kiệt từ trên 1000 năm đã nói dứt khoát: ai làm vua
xứ ấy (dù núi sông liền nhau). Còn Nguyễn Trãi cách 600 năm đã viết
ngay ở những dòng đầu của Bình Ngô Đại Cáo, lật tẩy chuyện "sông núi
liền nhau" và "văn hóa giống nhau". Xin trích: “Như nước Đại Việt ta từ
trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Nước non bờ cõi đã chia, Phong tục
Bắc Nam cũng khác.... Tuy "liền núi sông", nhưng bờ cõi đã chia"; tuy
"đồng văn hóa" nhưng phong tục mỗi nước một khác...” Thời nay, làm sao
có thể "xui trẻ ăn cứt gà"?
Sợ nhất là "đồng chí tốt" (!)
Đảng
CSTQ cứ đưa dần ra những cái lạt mềm buộc chặt. Gần đây nhất là cái câu
4 tốt cũng nguy hiểm lắm lắm. Trong "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng
chí tốt, Đối tác tốt", chỉ có "đồng chí tốt" được cài vào là nguy hiểm
nhất. Lý tưởng cao cả và tối hậu của CNCS là thế giới đại đồng. Nhưng...
đợi đến khi thực hiện CNCS mới xóa biên giới thì lâu quá. Nếu chúng ta
(TQ và VN) thật sự là những "đồng chí tốt" thì nên xóa biên giới ngay từ
bây giờ... Xóa xong biên giới, mỗi người nói tiếng Việt sẽ được nghe 15
người xung quanh đáp lại bằng tiếng Trung. Nhưng họ vẫn "tương đồng":
cả 16 người đều là "đồng chí tốt".
Lê Chiêu Thống: Vị vua trung thành với ý thức hệ.
Đảng
CS TQ từng lên án đảng CSLX là "CS giả hiệu". Có lẽ đảng LX bất cần,
nhưng các đảng nhỏ rất sợ khi bị quy kết như vậy. Có thời, mỗi đảng CS
đều cố khẳng định mình đang theo chủ nghĩa Mác – Lê "chân chính" (thực
hiện đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản), để được đảng CSTQ coi
là "đồng chí tốt".
Vua Lê Chiêu Thống được giáo
dục cặn kẽ về đạo Khổng, không kém thời nay các vị tổng bí thư trên thế
giới nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê. Đây là vị vua tuyệt đối thần phục và
trung thành với triều đình Mãn Thanh, trước hết để tránh bị thiên triều
gây khó dễ; kể cả sang "hỏi tội"; sau nữa để thiên triều thừa nhận mình
là "chính thống" - loại trừ sự nhòm ngó ngôi vua của các thế lực trong
nước. Với não trạng ấy, khi gặp biến, vị vua này chạy sang Tàu cầu cứu
là chuyện đương nhiên, dễ hiểu. Té ra, cái bẫy ý thức hệ tuy cũ mà đến
nay vẫn còn đắc dụng. Sập bẫy, trở thành bán nước. Dễ như bỡn là vậy!
(Thưa các bạn trẻ. Tôi thấy môn Lịch Sử rất thú vị, nếu được các bậc lão thành am hiểu giáng giải thêm cho.)
Đ.T.H.
Tác giả gửi BVN