Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Cần ngôn ngữ thống nhất vạch mặt quân xâm lược


 Huy Đức
Báo chí, các học giả cũng đừng bao giờ sợ dài khi thường xuyên lặp lại cụm danh từ này. Cho dù chưa thể lấy lại Hoàng Sa ngay, bất cứ ở đâu, chúng ta cũng phải nói tên kẻ xâm lược cho những người xung quanh biết rõ. Phải làm cho Trung Quốc trở thành một gã nhà giàu đang đeo một chiếc đồng hồ đắt tiền nhưng ai cũng biết đó là đồ ăn cắp.

Những ngày trước khi mất (11-6-2008) Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mấy lần than phiền, đề nghị của ông - cần phải có một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc - đã chưa được thực hiện. Ông cho rằng, thật khó để cáo buộc ai đó là người "thân Trung Quốc", cho nên, cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận, tác động, chia rẽ nội bộ những người cầm quyền, phải thống nhất một bộ quy tắc ứng xử.

Cán bộ, ở bất cứ cấp nào mà tiếp xúc, phát ngôn... với Trung Quốc không theo bộ quy tắc này thì phải xử lý, phải coi như là "theo Trung Quốc". Khi nói điều này với người có trách nhiệm cao nhất lúc đó, ông Võ Văn Kiệt còn đề nghị, khi bàn những vấn đề liên quan tới Bắc Kinh không nên họp trong bất cứ phòng họp truyền thống nào.

Ngày 5 và 6-6-2013, khi ngồi nghe các ý kiến tại hội thảo "xử lý căng thẳng biển đông" tại CSIS, Washinton, D.C., tôi thấy hai vị diễn giả người của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trình bày phần của mình rất thuyết phục. Tuy nhiên, trong khi Wu Shicun, Chủ tịch viện Nghiên cứu biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc, bất cứ khi nào đề cập đến Trường Sa hoặc các hòn đảo đang nắm giữ bởi Philippine đều nhấn mạnh, "đang bị chiếm đóng bất hợp pháp bởi Việt Nam" hoặc "bởi Philippine", thì các quan chức của ta chỉ dùng những từ rất "học thuật".

Ngay sau đó, tôi có đề nghị với một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Việt Nam đi cùng: Cần có ngay "bộ quy tắc ứng xử" trong vấn đề Biển Đông, trước hết phải soạn ngay một từ điển các thuật ngữ Biển Đông. Các quan chức, diễn giả của Việt Nam, thay vì gọi vùng biển và quần đảo Hoàng Sa là "vùng tranh chấp", hoặc gọi theo cách thông thường trong tiếng Anh (Paracel Islands), bất cứ lúc nào, cứ mở miệng ra là phải nói: "Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược và chiếm đóng từ 19-1-1974".

Báo chí, các học giả cũng đừng bao giờ sợ dài khi thường xuyên lặp lại cụm danh từ này. Cho dù chưa thể lấy lại Hoàng Sa ngay, bất cứ ở đâu, chúng ta cũng phải nói tên kẻ xâm lược cho những người xung quanh biết rõ. Phải làm cho Trung Quốc trở thành một gã nhà giàu đang đeo một chiếc đồng hồ đắt tiền nhưng ai cũng biết đó là đồ ăn cắp.

Theo: Quê Choa

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"