Bảo Trang, Gia Linh, Trúc Linh
Chúng ta thường đọc những bài viết những lá thư của những người tù nhân
lương tâm, đọc để hiểu thêm về sự hy sinh của họ. Nhưng mà quan điểm của
con cái của họ thì sao? Mời các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn anh Nguyễn
Trí Dũng, con trai của Blogger Điếu Cầy do Bảo Trang thực hiện.
Bức thư của anh Nguyễn Trí Dũng
“Tôi
là người Việt Nam, và khi viết những dòng này có lẽ tôi đã chọn một con
đường không dễ dàng cho mình. Đơn giản vì thể hiện quan điểm của mình
là một việc nguy hiểm ở đất nước tôi. Tôi tin rằng khi một cánh cửa đóng
lại sẽ có những cánh cửa khác mở ra. Nên tôi sẽ nắm lấy cơ hội của mình
để kể với bạn về một nước Việt Nam hiện tại đang mang trong mình đầy
mâu thuẫn.
“Im lặng là vàng” là một câu nói đã ăn sâu trong suy nghĩ của người
Việt, ý nghĩa của nó là nếu bạn không chấp nhận im lặng bạn sẽ mất nhiều
thứ quý giá. Sự im lặng đó là một bi kịch, vì quyền tự do để nói lên ý
kiến cá nhân là một điều tất yếu phải có của mỗi người trên thế giới
nhưng lại là thứ quá xa xỉ ở Việt Nam. Bởi nhà cầm quyền Việt Nam muốn
người dân tin vào những điều dối trá hơn là phản ánh sự thật dưới bất cứ
hình thức nào, họ (nhà cầm quyền) đã và sẽ làm mọi thứ để che đậy những
sai trái của họ. Điều đó đã khiến cho cái giá của việc tìm kiếm quyền
tự do cơ bản của con người là quá cao. Đó là những án tù hàng chục năm,
là bị ám hại bởi những thế lực côn đồ, là mất đi sự nghiệp; người thân;
quyền được học; tài sản.. Tất cả những điều này khiến bất cứ ai cũng
phải đau đớn đấu tranh trong tâm trí trước khi quyết định tìm kiếm những
điều xa xỉ đó ở Việt Nam.
Cảm giác sợ hãi và hèn nhát trước ý nghĩ mình sẽ mất những điều quan
trọng và những thứ mình yêu quý là hết sức con người. Và như đa số những
người Việt Nam tôi cũng đã hèn nhát. Có lẽ tôi xứng đáng phải gánh chịu
những gì mà sự ích kỷ của tôi đã mang lại. Nhưng đó lại là một sự bất
công cho những con người dám từ bỏ tất cả để nói thay tiếng nói yêu tự
do của chúng ta. Không ai đáng phải chịu những mất mát khủng khiếp đó
chỉ vì đòi hỏi chính đáng, hay thực hiện quyền con người cơ bản của
mình. Tôi bị thôi thúc bởi mong muốn tìm lại sự công bằng cho họ, cho
chúng ta và tôi hiểu mình không thể làm điều đó một mình.
Tôi không có ý định mang đến cho bạn một sự lạc quan dối trá. Sự thật là
những người đi tìm quyền con người ở Việt Nam rất cô độc. Bởi Việt Nam
chính là một hòn đảo nơi mà mọi tiếng nói đấu tranh bị chôn vùi dưới hơn
800 tờ báo nhà nước. Nỗ lực phá vỡ sự im lặng đa phần đến từ những
blogger và nhà báo tự do can đảm, họ nhờ vào sự phát triển của công nghệ
để mở ra nhiều con đường và công cụ mới. Kéo theo là cuộc đối đầu của
một bên đang cố gắng ngăn chặn, đánh sập những chiếc cầu thông tin đó ở
Việt Nam; Và một bên đang cố gắng gửi tín hiệu cầu cứu của mình bằng
cách đăng tải những tin tức xác thực về một Việt Nam khác hoàn toàn so
với những lời hứa, những cam kết tôn trọng tự do nhân quyền của nhà cầm
quyền. Nhà đấu tranh chấp nhận bị ngăn chặn, bắt tù, khủng bố để có được
sự quan tâm của các bạn ngày hôm nay.
Tôi vui khi nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền và cơ quan quốc tế lên tiếng
“quan ngại” về tình hình của đất nước mình, nhưng..“quan ngại” được lặp
đi lặp lại một thời gian dài đang trở nên giống một cách nói khác của
từ “bất lực” hơn. Thực tế đã cho thấy tình hình tự do ngôn luận và nhân
quyền Việt Nam không được cải thiện sau những “quan ngại” đó, mà mức độ
đàn áp còn được gia tăng để việc có đủ bằng chứng vi phạm và thành lập
bộ phận quan sát nhân quyền ở Việt Nam là không thể. Một khi tất cả
những nỗ lực quan sát nhân quyền và tiếp cận tù nhân chính trị tại Việt
Nam bế tắc, những tiếng nói đấu tranh và tố cáo tình hình vi phạm tại
Việt Nam sẽ mãi mãi chỉ là những lời đồn đại không có cơ sở. Cần phải
nhắc bạn rằng, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tuyên
bố rằng “Những chỉ trích về tình hình nhân quyền-tự do ngôn luận-tự do
tôn giáo tại Việt Nam của các nước đều dựa trên những thông tin sai sự
thật, thiếu khách quan..” mà cố tình quên đi rằng chính nhà cầm quyền
Việt Nam đã ngăn cản những cơ quan quốc tế bảo vệ tự do,nhân quyền được
tiếp cận và quan sát tình hình trong nước ngay từ đầu.
Trong lúc bạn đang bận suy nghĩ về nhiều việc khác có lẽ quan trọng hơn,
những tù nhân ở Việt Nam không có nhiều thời gian như vậy. Họ cô đơn
trong tù. Khi đã cảm thấy đơn độc, thì họ đã mất đi lý do để tranh đấu
cho một điều gì đó rất chung của chúng ta, đó là quyền tự do và quyền
con người. Còn gì có thể khủng khiếp hơn việc chúng ta mất đi niềm tin
vào một xã hội tôn trọng quyền con người, và chấp nhận sống thủ phục
không như một con người ?!
Nếu có đủ may mắn, một người tù sẽ được thả để đổi lấy một thỏa thuận
thương mại. Hoặc để được sự công nhận về mức độ cải thiện nhân quyền. Và
trong khi quốc tế tán dương những động thái thả tự do cho tù nhân đó,
đã có thêm những người khác bị bắt và kết án theo cùng một công thức.
Tôi luôn mong chờ người thân của mình trở về và thoát khỏi sự đọa đày
trong lao tù, nhưng đó rõ ràng không phải là một cái kết hạnh phúc cho
câu chuyện của Việt Nam. Vì một khi đã tạo thành tiền lệ trao đổi những
nhà đấu tranh lấy một thỏa thuận thương mại thì bất kỳ người dân nào
trên chính đất nước Việt Nam đều sẽ là một món hàng có giá trị trao đổi
trong tương lai, chúng tôi sẽ là con tin trên chính quê nhà của mình.
Đa số người Việt Nam đã không hề hay biết rằng họ đang thiếu mất những
gì. Cho dù biết, họ khó vượt qua chính mình vì rất những gì họ khó khăn
để có lại rất dễ mất đi. Dù cho “im lặng là vàng”, nhưng nếu bạn có đủ
cơ hội để nhận thức điều gì quý hơn cả “vàng” tôi biết rằng bạn sẽ thôi
không im lặng.
Tôi sẽ không cố gắng thuyết phục bạn điều gì là thật. Bạn có quyền hoài
nghi lời tôi nói. Điều đó thật tuyệt vì nó sẽ thôi thúc bạn tìm kiếm câu
trả lời ở nơi sự thật đang bị chôn lấp. Hãy cùng tôi kêu gọi trả lại tự
do cho những nhà đấu tranh vì quyền con người, và những người đã bị bắt
chỉ vì thể hiện quyền cơ bản của mình ở Việt Nam. Hãy cho nhà cầm quyền
Việt Nam biết rằng không thể lừa dối thế giới bằng những bài diễn văn
tự mãn và tất cả những gì họ cam kết cùng quốc tế không phải là một trò
chơi kinh tế. Quyết tâm ngăn chặn các đoàn quan sát đến Việt Nam và tiếp
cận tù nhân cần phải bị dẹp bỏ nếu Việt Nam thực sự muốn chứng tỏ rằng
mình làm đúng với những gì mình đã nói. Hãy giúp chúng tôi tạo ra một
điều kiện đủ cho những người Việt Nam đang im lặng có thể cất tiếng nói
tự do của mình.”