Lê Mai
Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tấn công
Hai câu thơ của Hồ Chí Minh có tính chiến lược, nêu lên một nguyên lý lớn: Trong mọi trường hợp, phải nhìn xa, trông rộng. Nhìn trong nước, nhìn thế giới, nhìn trước, nhìn sau, nhìn xa, nhìn gần, song dù thế nào cũng phải duy trì thế tấn công đối phương liên tục, không ngưng nghỉ. Thực hiện chiến lược đó sẽ giành thắng lợi, ngược lại sẽ thất bại.
Chúng ta đang chứng kiến cuộc tấn công ngoại giao lý thú của VN trong vụ HD-981. Chiến lược phòng thủ quân sự, tấn công ngoại giao của VN hiện được nhiều nhà nghiên cứu, các học giả và nhiều nước trên thế giới ủng hộ.
Sẽ rất nguy hiểm nếu đi vào con đường kẻ thù đã lựa chọn. Không một ai quan tâm tình hình trên Biển Đông mà không hiểu rõ rằng, TQ đang trắng trợn và hung hăng khiêu khích VN, tìm cớ để gây sự, cao hơn nữa – gây chiến. Bên nào nổ súng trước, bên đó được lợi về chiến thuật nhưng lại bất lợi về chiến lược, vì chắc chắn sẽ bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Dường như đang có một “nghịch lý” mà người ta đều chấp nhận: Các bên “chạy đua vũ trang”, có đủ các thứ vũ khí tối tân, tàu ngầm, chiến hạm, máy bay hiện đại…song không ai sử dụng – đúng hơn không ai sử dụng trước cả. Thay vì dùng biện pháp quân sự, người ta dùng biện pháp dân sự, với những con người không một tấc sắt trong tay. Bên nào cũng đủ khôn ngoan để tránh tình huống mình là bên nổ súng trước. VN đã tuyên bố rất rõ ràng, không sử dụng biện pháp quân sự, trừ khi bắt buộc phải tự vệ. Dù sao, nói gì thì nói, bên yếu hơn vẫn bị thua thiệt đủ đường.
Khi chưa (không) sử dụng biện pháp quân sự, để tránh bị bất ngờ, nhất thiết phải làm thật tốt nhiệm vụ phòng thủ quân sự.
Phòng thủ quân sự không chỉ đơn giản là “đào hào sâu, xây thành cao”. Phòng thủ quân sự phải chuẩn bị đẩy đủ mọi điều kiện nhằm ngăn ngừa và sau đó – chuyển sang tiến công giáng trả quân địch những đòn mãnh liệt, giành phần thắng. Phòng thủ phải mang tính tiến công chứ không thể phòng thủ đơn thuần. Phòng thủ nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo.
Quân sự phải đi liền với chính trị, ngoại giao – “ba quả đấm” chiến lược. Song, trong bối cảnh hiện nay, máy bay, tàu chiến hãy tạm dẹp sang một bên, để cho thuyết khách nói chuyện.
Cuộc tấn công ngoại giao kể từ đầu tháng 5.2014 của VN là chưa từng có kể từ khi hai nước Việt – Trung bình thường hóa quan hệ. Hiển nhiên, cuộc tấn công ngoại giao đó nhằm vào những hành động sai trái, vô nhân đạo – “vô pháp vô thiên” của giới cầm quyền TQ xung quanh vụ hạ đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Theo truyền thông nước ngoài, có vẻ như cuộc tấn công ngoại giao của VN được bắt đầu bằng một cú điện thoại từ đường dây nóng cấp cao hai nước Việt – Trung, đáng tiếc là đường dây này không hoạt động. Nó được lập ra để xử lý những sự việc khẩn cấp mà trên thực tế lại diễn ra như vậy, còn gì mỉa mai hơn. Mối quan hệ (hữu nghị) bỗng trở nên mong manh làm sao !
Không nản lòng, VN tìm các diễn đàn khác cho cuộc tấn công ngoại giao. Các cuộc họp báo quốc tế liên tiếp được tổ chức. TQ đã bị VN chỉ đích danh là bên gây hấn, bất chấp mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Ngôn từ ngoại giao được dùng rất mạnh mẽ, gọi đúng bản chất sự việc, không có chuyện “tàu lạ” hay “người lạ” nữa. Ngoại trưởng VN điện đàm với đại diện TQ, yêu cầu TQ rút ngay lập tức HD-981 ra khỏi vùng biển VN. Ông còn thực hiện nhiều cuộc điện đàm khác – nhất là với Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Ông đang chỉ đạo triển khai cuộc tấn công ngoại giao sôi động, có hiệu quả. Một cách tự nhiên, ta lại nhớ đến nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch.
Một điểm đáng chú ý trong cuộc tấn công ngoại giao, đó là các phát biểu của Thủ tướng VN. Tại ASEAN 24 hay Diễn đàn kinh tế Đông Á, thông điệp của ông được trong và ngoài nước hoan nghênh. Ông chỉ rõ: “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông – mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng”.
Nhớ lại năm ngoái tại Đối thoại Shangri-la, Thủ tướng VN đã tránh trả lời trực tiếp câu hỏi khiêu khích của bà Thiếu tướng diều hâu Diêu Vân Trúc (Yao Yun Zhu), Học viện kỹ thuật Quân sự TQ:
“Ngài Thủ tướng đã đề cập đến các thách thức an ninh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có thách thức có thể làm gián đoạn tự do hàng hải, hoạt động thương mại quốc tế. Ngài Thủ tướng cũng đề cập một vài cường quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xin ngài đưa ra các ví dụ về cường quốc nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào, qua đó làm gián đoạn tự do hàng hải” ?
Cường quốc nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào ư ? Câu trả lời của Thủ tướng VN bây giờ thật quá rõ ràng:
“Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) mà TQ là một bên tham gia ký kết. Hành động này của TQ đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Với điều kiện đàm phán do TQ đưa ra là VN phải rút tất cả các tàu xung quanh HD-981 về, VN đã nhanh chóng bác bỏ. Thử tưởng tượng, có một bọn cướp vào làng của mình, cướp của, giết người, rồi sau đó chúng tuyên bố, thôi ta hãy nói chuyện ? Làm sao có thể mắc mưu chúng được ?
Cuộc tấn công ngoại giao vẫn tiếp diễn, sôi nổi, đa dạng, đầy cảm xúc. Nhiều kênh ngoại giao, nhiều sáng kiến ngoại giao khác được VN triển khai. Mới đây, liên tiếp hai cuộc trả lời phỏng vấn, một của Đại sứ VN tại Hoa Kỳ và một của Thứ trưởng ngoại giao VN trên CNN. Không còn nghi ngờ gì nữa, chọn CNN để chuyển thông điệp của VN đến với toàn thế giới là rất hay. Tất nhiên, ngoại giao VN vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Hiện giờ, TQ đang hung hăng quá đáng. Nhưng, kinh nghiệm của ông cha ta chỉ ra rằng, khi giặc đến ào ạt như nước, như lửa thì không đáng sợ !
Phòng thủ quân sự, tấn công ngoại giao liên quan chặt chẽ với nhau, cái này hỗ trợ cái kia. Tất nhiên, chỉ đơn thuần phòng thủ quân sự và tấn công ngoại giao thôi là hoàn toàn chưa đủ. Các biện pháp tổng hợp cần được sử dụng, đặc biệt là dựa vào sức mạnh của toàn dân. Bài học “dựa vào dân, có dân là có tất cả” không bao giờ cũ – hiện nay càng cần hơn bao giờ hết.
Phòng thủ quân sự, tấn công ngoại giao không phải là chiến lược mới mẻ gì. Đo lường chuẩn xác ý nghĩa của các sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra, lựa chọn đúng chiến lược để hành động là nghệ thuật lãnh đạo, cũng là điều kiện tiên quyết để chiến thắng.