Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

“Không thể làm ngơ!”: Thông điệp mạnh của Tổng thống Obama

Mạnh Kim

Bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama trước 1.000 học viên Trường võ bị West Point (ngày 28-5-2014) đã bị đa số ý kiến bình luận báo chí Mỹ đánh giá là “thiếu lửa”. Nó chẳng có gì mới nhiều so với chính sách đối ngoại trước giờ của Obama, đặc biệt trong vấn đề can thiệp bằng quân sự, đại loại không sử dụng nắm đấm bừa bãi, và chỉ động dao động thớt khi nào quyền lợi Mỹ bị trực tiếp đe dọa. David Frum viết trên The Atlantic: “Obama at West Point: A Foreign Policy of False Choices”; và ban xã luận (Editorial Board) của New York Times giật tít: “President Obama Misses a Chance on Foreign Affairs”. Thượng nghị sĩ John McCain cũng trề môi, cho rằng chính sách như vậy là sự phản hồi chưa “đủ đô” trước các mối đe dọa toàn cầu... Tuy nhiên, nhận định như thế nào còn tùy ở góc nhìn vấn đề, tương ứng với mối quan tâm từng người. Nếu xem Trung Đông vẫn là điểm trọng tâm truyền thống của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ thì chắc chắn anh sẽ thấy bài diễn văn trên chẳng ép phê gì. Nhưng nếu anh ở châu Á thì lại khác.
Có hai đoạn trong bài diễn văn West Point giúp chúng ta có thể nghĩ đó là nút khởi động của Obama để reset lại và tăng tốc chính sách đối ngoại đối với khu vực trong khuôn khổ chính sách xoay trục mà Nhà trắng đưa ra vào năm 2009. Đây là lần đầu tiên Obama đã “giở bạt” che súng và xoay nòng chĩa trực tiếp vào Bắc Kinh.
“Thái độ hung hăng mất kiểm soát trong khu vực, dù ở Nam Ukraine hay biển Đông hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh của chúng ta, và có thể dẫn đến sự can thiệp bằng quân sự của chúng ta. Chúng ta không thể làm ngơ những gì xảy ra bên ngoài ranh giới của mình”. “Không thể làm ngơ!” – chắc chắn Bắc Kinh phải suy nghĩ rất nhiều về ám chỉ của câu nói không hề mơ hồ này.
Còn nữa, Obama cũng đề cập đến việc Mỹ phải nhất thiết phải ký vào UNCLOS.
“Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề ở biển Đông chừng nào chúng ta vẫn còn từ chối việc đảm bảo rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển phải được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn y… Đó không phải là sự lãnh đạo. Đó là sự thối lui. Đó không phải là sức mạnh. Đó là sự yếu đuối. Điều đó sẽ rất kỳ lạ đối với những nhà lãnh đạo như Roosevelt và Truman, Eisenhower và Kennedy”.
Rõ ràng đây là một thể hiện của sự reset chính sách đối với khu vực của Washington. Obama đang muốn bước vào châu Á-Thái Bình Dương bằng cả hai chân. Chân quân sự và chân pháp lý. Nói theo kiểu bình dân là thích gì chiều đó! Và nhất là không có chuyện “thối lui” rồi!
* * *
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro Moros (ngoại trưởng rồi phó tổng thống thời Hugo Chavez), Chủ tịch Cuba Raúl Modesto Castro Ruz… Tất cả đều im thin thít trước sự kiện giàn khoan gây rúng động biển Đông và chấn động khu vực. Suốt gần một tháng qua! Thật nực cười là trong làng báo Việt Nam, từng có nhiều cây viết đã mài rất nhọn ngọn bút để tán dương những kẻ trên hết lời. Lần Vladimir Putin qua Việt Nam, mặt báo tràn ngập những bài viết về ông này. Hồi Putin “tái đắc cử” tổng thống sau mấy năm “làm thủ tướng”, có cây bút đã khen ngợi “thành tích chính trị sáng chói” của ông này bằng một hồ sơ nhiều kỳ. Và một khi đã nịnh Nga thì, “theo trớn”, cũng phải nịnh Tàu!
Ở một thái cực khác, họ, cũng họ, là những người chửi Mỹ dữ nhất. Bình luận về Syria, họ chửi Mỹ. Viết về Qaddafi, họ rủa Mỹ. Nói về Ukraine, họ chỉ trích Mỹ giật dây. Mức độ mạt sát Mỹ của họ cũng ngang ngửa với mức độ họ tán tụng những anh bạn vàng trên. Có nghĩa là vặn volume hết cỡ. Sao họ làm vậy? Vài người trong số đó không còn nằm trong hệ thống báo chí chính thống vì đến tuổi nghỉ hưu. Họ hành nghề độc lập nên, về lý thuyết, họ chẳng có lý do gì để phải nịnh nọt lấy lòng ai. Nhưng sao họ làm vậy? Có khi sự chửi Mỹ của họ chỉ là một quán tính. Cứ thấy Mỹ ở đâu là chửi trước cái đã. Vài người trong số đó rất tự hào về thành tích chửi Mỹ, cho đó là phần đáng vinh dự nhất trong sự nghiệp viết lách.
Bây giờ, những cây bút này, theo thời theo thế, hôm rày đã “tự ý vắng mặt” khỏi lớp mà không nêu lý do và cũng chẳng cần xin phép. Ô sĩ số trên tấm bảng đen ghi: bạn XXX vắng mặt, thế thôi. Họ đang làm gì? Đang nghĩ gì? Mỗi ngày, xem báo, tôi đều cố tìm họ. Mấy ông đi đâu cả rồi?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"