Kẻ Cơ Hội
Phần không thể thiếu của cách mạng dân chủ
Cần thừa nhận sự phổ biến của tính cơ hội chủ nghĩa. Cơ hội chủ nghĩa
là đặc tính vốn có tự nhiên của con người. Cho dù bạn có thừa nhận nó
hay không, cho dù có khinh miệt nó, thậm chí cố tránh xa nó, tính cơ hội
vẫn khách quan tồn tại trong con người bạn (trừ khi bạn là thần thánh).
Cố gắng vượt lên các rào cản đạo đức truyền thống để thừa nhận sự phổ
biến của tính chất cơ hội chủ nghĩa trong các cá nhân cộng đồng là việc
làm cần thiết của phong trào dân chủ, để từ đó đưa ra các chiến lược
hành động phù hợp nhằm phát triển phong trào một cách mạnh mẽ.
Phong trào dân chủ cần sự cạnh tranh
Lâu nay, vẫn có nhiều ý kiến phàn nàn về chuyện các tổ chức tranh đấu
thiếu sự hợp tác, không những thế còn chỉ trích và công kích lẫn nhau.
Thực ra, việc các tổ chức hoạt động “đấu đá”, “bôi nhọ” lẫn nhau lại chính là phần thú vị nhất của một xã hội dân chủ.
Có “đấu đá” tức là có sự cạnh tranh lẫn nhau và đây là động lực để
phát triển. Miễn là họ không dùng dao đâm chém nhau vì “quan điểm chính
trị” như thời La Mã là được.
Hãy thử tưởng tượng phong trào dân chủ Việt Nam vận hành theo kiểu,
tất cả cùng “chung một ngọn cờ”, dưới một tổ chức duy nhất, đồng lòng
đồng sức đoàn kết thành một khối thống nhất. Kết cục của chuyện này là
gì chắc không khó để dự đoán.
Cần chiến lược mới
Đã qua rồi cái thời mà các cuộc cách mạng chỉ cần dùng đến hai chữ
“đạo đức” là có thể huy động được nguồn lực xã hội. Việc lấy phạm trù
này để tạo ra sức hút cách mạng vẫn rất cần thiết nhưng không đủ để
phong trào dân chủ có bước đột phá. Các cuộc cách mạng hiện đại vốn chú
trọng nhiều hơn đến phạm trù “lợi ích cá nhân” cho dù nhìn bên ngoài
không có vẻ thực dụng như thế.
Các nhà tổ chức phải luôn giả định rằng, số lượng cá nhân cơ hội chủ
nghĩa luôn chiếm đa số trong xã hội và hoàn toàn tôn trọng sự “mưu cầu
lợi ích” của họ.
Chỉ có nhìn nhận như vậy thì bạn mới có cách khơi thông được phần nào
các bế tắc của phong trào lâu nay nhằm kéo những “kẻ cơ hội” đang lưỡng
lự ra khỏi bóng tối.
Như đã nói, mục đích của các phân tích trên đây là để nhằm xây dựng
chiến lược hoạt động một cách thực tế, lâu dài và bền vững. Vậy chiến
lược cụ thể ở đây là gì?
Phong trào Dân chủ cũng cần xây dựng những chiến lược mới và hoạt động chuyên nghiệp
Thứ nhất:
Các tổ chức phải xây dựng bộ máy hoạt động theo các lí thuyết của
khoa học tổ chức. Có chức danh cụ thể cho các vị trí, tương ứng với
nghĩa vụ, quyền hạn và quyền lợi của vị trí đó (điểm mấu chốt). Các hoạt
động phải chặt chẽ theo qui ước chung và tôn trọng các cam kết đã đặt
ra nhằm từng bước xây dựng uy tín trong cộng đồng.
Tổ chức, với các chức danh của nó, vốn có sức hút không nhỏ đối với
những “kẻ cơ hội”, ngay cả khi các lợi ích có được vẫn còn rất nhỏ. Các
chức danh này vốn đại diện cho vị trí xã hội của cá nhân và là tiền đề
cho các cơ hội chính trị tương lai chính đáng của họ.
Các nhà độc tài sẽ luôn sợ hãi các tổ chức và càng sợ hãi hơn nữa các tổ chức có tính chuyên nghiệp như thế
Thứ hai:
Các tổ chức phải có qui chế huy động được nguồn lực tài chính từ bộ
phận đã “giác ngộ cách mạng” trong xã hội, dùng chính nguồn lực này để
chi trả cho những cá nhân có đủ can đảm dấn thân và thức tỉnh phần “u
mê” còn lại (Vấn đề huy động tài chính là vấn đề quan trọng và rộng mở,
xin được cùng các bạn tranh luận trong các bài sau).
Hiện nay, các thành viên trong bộ máy cai trị, đặc biệt là lực lượng
công an, gần như ở vào thế đối lập “không đội trời chung” với cộng đồng
dân chủ. Nên nhớ rằng phong trào dân chủ đấu tranh vì quyền con người,
và công an hay kẻ cai trị cũng là con người. Cho dù có căm ghét họ đến
đâu thì họ vẫn sẽ là một phần của xã hội dân chủ tương lai, trừ khi bạn
muốn hành xử như những người cộng sản nguyên thuỷ, tiêu diệt hết các
thành phần đối lập để kiến tạo nên xã hội mới (thật kinh khủng).
Chúng ta có thể và có quyền chỉ trích hoặc chế giễu việc làm sai trái
của họ, nhưng không nhất thiết phải cố gắng đẩy họ ra bên kia chiến
tuyến hoặc xem họ là bộ phận cặn bã cần bị tiêu diệt.
Nếu như có chiến thuật để dần dần lôi kéo họ trở về cùng chiến tuyến
hoặc ít nhất cam kết không dùng hành vi bạo lực đối với hoạt động ôn hoà
thì thật là tốt.
Việc này nghe có vẻ “cải lương” và quá viển vông. Nó thực sự là rất
viển vông nếu bạn không nhận định đúng mức vai trò của hai chữ “lợi
ích”. Khi hoàn cảnh thay đổi, các “lợi ích” cũng có thể thay đổi và
chính nó sẽ khiến hành vi con người hoàn toàn thay đổi.
Chúng ta tất nhiên chẳng cần tin vào sự hối hận hay đạo đức của những
kẻ đã chà đạp lên nó, nhưng chúng ta không thể không tin vào việc lợi
ích cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của họ theo hướng hoàn toàn đạo
đức.
Lấy đạo đức để kiến tạo lợi ích hay lấy lợi ích để kiến tạo đạo đức?
Phong trào dân chủ không thể trách được người dân im lặng trong đêm tối, không thể trách được những người trẻ tuổi mải kiếm tiền mà hờ hững với thời cuộc.
Chúng ta cũng không nên trách những kẻ cơ hội ngả về phía bóng tối.
Chúng ta chỉ có thể trách bản thân chưa thể tạo ra những lợi ích đủ lớn
bên cạnh tính chính danh đã có để thu hút và khuyến khích họ hành động
theo hướng tích cực.
May mắn thay, bối cảnh Việt Nam hiện tại đang có những thay đổi nhanh
chóng theo hướng ngày càng tạo ra nhiều cơ hội rõ ràng hơn cho những ai
chọn con đường dân chủ. Khi mà tình thế “bất đắc dĩ” cả về kinh tế lẫn
địa chính trị có thể buộc những kẻ cai trị phải ít nhiều thay đổi. Xin
nhắc lại rằng sự thay đổi này cũng là vì lợi ích chi phối chứ không liên
quan đến mặt đạo đức hay nhận thức chiến lược.
Xưa nay, một mặt, kẻ cai trị đã tìm đủ mọi cách để gia tăng lợi ích
về phía nó bằng cách chiếm đoạt kinh tế (chiếm đoạt chứ không cần phải
vất vả bóc lột như tư bản). Mặt khác, cũng ra sức làm giảm lợi ích của
phía dân chủ bằng cách gia tăng nguy cơ (đàn áp khốc liệt) và triệt hạ
uy tín.
Cho dù kinh hãi trước các hành động này, cũng không thể không thừa
nhận rằng họ có hiểu biết rất tốt về khoa học hành vi và khoa học tổ
chức, vốn dựa trên nền tảng tự nhiên của con người. Điều này thật đáng
ngạc nhiên đối với một thể chế vốn tôn thờ tính đạo đức (có thể do được
các chuyên gia Nga huấn luyện).
Trong khi đó, phong trào dân chủ chỉ đáp trả lại bằng cách phơi bày
sự thật và chỉ trích mạnh mẽ (cách duy nhất để làm giảm lợi ích chính
trị của bên kia). Mặc dù vô cùng hiệu quả (vì đúng là sự thật), nhưng sự
mất cân bằng hai bên có thể thấy rõ.
Để phát triển lên các bước mới, phong trào dân chủ không những chỉ
phải làm giảm lợi ích bên kia mà còn phải biết cách để tạo ra các lợi
ích của “phe mình” bao gồm cả lợi ích tài chính định kì, lợi ích chính
trị hiện tại, cơ hội chính trị tương lai và cam kết chi trả tài chính
trong tương lai (khi nguồn tài chính vẫn còn hạn hẹp).
Khi thừa nhận tính cơ hội và tôn trọng lợi ích chính đáng của các cá
nhân tham gia hoạt động, tức là bạn đã tôn trọng công sức lớn lao mà họ
đã đóng góp cho sự công bằng xã hội. Thực tế, nếu như không tạo ra đủ
lợi ích để thu hút các ca nhân có tham vọng, sẽ không có một tổ chức hay
phong trào nào có thể lớn mạnh, đủ để cân bằng ít nhiều với các tổ chức
cai trị vốn nắm giữ nguồn tài chính khổng lồ.
Nói về tính cơ hội chủ nghĩa, không thể không nhắc tới các bài chính
luận đả kích phong trào dân chủ của các báo nhà nước. Các tác giả đã
từng sử dụng nhiều lần cụm từ “kẻ cơ hội chính trị” để nói về các nhà
hoạt động. Điều này đủ thấy họ “quan ngại” trước những “kẻ cơ hội” đến
mức nào. Những nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền hãy luôn tự hào vì
là một kẻ cơ hội, luôn biết “mưu cầu” lợi ích chính đáng cho bản thân
bằng cách bảo vệ tự do và nhân phẩm con người.
Con đường khó khăn đang ở trước mắt
Trong bài viết này, người viết đã nói nhiều về hai chữ “lợi ích” và
dùng hết “lí lẽ” để nói lên tầm quan trọng của nó. Nhưng bài viết sẽ
đáng “vứt vào sọt rác” nếu không thể đưa ra cách gì để phong trào dân
chủ có thể tạo ra lợi ích cho chính mình.
Vạch ra chiến lược để kiến tạo lợi ích vẫn là con đường dài khó khăn
phía trước, thực hiện nó trong thực tế còn khó khăn hơn gấp nhiều lần,
nhưng chúng ta sẽ phải cùng nhau vượt qua con đường khó khăn đó nếu muốn
cách mạng dân chủ Việt Nam tiến lên những bước mới.
Việt Nam ngày 29-5-2014
Kẻ Cơ Hội
danlambaovn.blogspot.com
danlambaovn.blogspot.com