Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 3)

Nguyễn Tường Thụy
Vũ hỏi:
- Anh có biết Hoàng Tứ Duy không?
- Không, có thể tôi gặp rồi mà không biết tên hoặc quên tên.
- Hoàng Tứ Duy là người cao cao ấy.
- À có phải là cái anh cao ráo đẹp trai đó không (mấy hôm nay đọc tin, tôi mới biết Hoàng Tứ Duy là người phát ngôn của Đảng Việt Tân)
- Anhh có gặp Hoàng Cơ Định không?
- Không
Một viên công an đưa ra 1 ảnh chụp chung in từ máy ra:
- Có phải hình anh đây không?
- Ảnh in bằng giấy đen trắng làm sao tôi xác nhận được.
- Nhưng anh có chụp ảnh với mọi người chứ?
- Tôi chụp với rất nhiều người. Ai rủ vào chụp tôi cũng chụp hết.
Một người đưa ra cho tôi bản in 6 bài điều trần từ facebook của tôi:
- Đây có phải là phát biểu của anh không?

- Anh in ra từ đâu thì hỏi chủ trang ấy. Tôi nhớ làm sao được
- Không, anh chỉ cần xác nhận bài phát biểu của anh thôi.
- Tôi không thể xác nhận vì in ra có thể không còn nguyên văn. Nhưng ý tôi như thế nào thì tôi nhớ. Mỗi người chúng tôi chỉ có 1 phút 20 giây đến 1 phút 30 giây nên không nói được nhiều.
- Anh có nói rằng Nhà nước VN độc quyền quản lý báo chí?
- Vâng, đấy là sự thật.
- Anh cho rằng, cần phải có đa nguyên, đa đảng?
- Đúng thế. Tôi nêu lên quan điểm của tôi chứ chưa đòi nhưng rồi tôi sẽ đòi.
Vũ tiếp tục công việc tuyên truyền, rằng Việt Tân bây giờ tan tác, trước đây bao nhiêu giờ chỉ còn bấy nhiêu (tôi không nhớ con số cậu ta nói). Việt Tân đòi chia sẻ quyền lãnh đạo. Cậu ta bảo cậu ta là đảng viên, sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ đảng, cậu căm thù bọn phản động...
Thấy tôi không mặn mà gì với những lời lẽ hùng hổ của cậu ta, độc thoại chán, cậu ta khiêu khích:
-Sao, anh không nói được gì à, nhà dân chủ nổi tiếng mà như thế này sao.
Tôi bảo:
- Anh không bao giờ thuyết phục nổi tôi đâu và tôi cũng chẳng có ý định thuyết phục anh. Anh nên bỏ giọng qui chụp, khiêu khích đi. Tôi thấy không cần thiết phải tranh luận với anh. Tôi sẽ tranh luận khi ra tòa.
Cậu ta dằn giọng:
- Ra tòa là quyền của chúng tôi nhé.
Tôi nói tiếp:
-Mặt khác, nếu thích thì tôi chỉ tranh luận với tỉ lệ 1/1 (về số người và hoàn cảnh cũng phải như nhau, chứ không phải tôi đang bị bắt giữ trong đồn công an như thế này) Tốt nhất anh nên chấm dứt lối nói như thế này và chuyển sang làm việc chính thức. Anh muốn hỏi tôi điều gì thì hỏi đi.
Cuối cùng thì cậu ta bỏ đi, chẳng biết về hay ngồi phòng nào khác nhưng từ đó tôi không thấy cậu ta nữa. Xem ra, lối nói của cậu ta là tùy hứng chứ không có hệ thống.
Tôi ngồi trong phòng, biết là vợ con tôi và các bạn tôi đang ở bên ngoài đấu tranh đòi người.
Sau đây là lời kể của vợ tôi:
Chúng tôi hơn 10 người đến sân bay Nội Bài trước giờ máy bay hạ cánh.
Đợi cho hành khách của chuyến bay ra hết, không thấy anh Thụy ra, chúng tôi kéo đến phòng quản lý xuất nhập cảnh.
Tôi vào phòng nói về việc chồng tôi đi trong chuyến bay ấy nhưng giờ không thấy đâu. Họ bảo vậy thì chị làm đơn trình báo chồng chị mất tích. Tôi bảo, không phải mất tích. Chồng tôi báo máy bay đã hạ cánh đúng 9 giờ 30 nhưng giờ là 10 h 30 rồi không thấy chồng tôi ra. Chồng tôi đang gọi điện cho tôi thì bị công an cướp điện thoại.
Họ cầm đơn đi hỏi. 1 giờ sau quay lại bảo chồng chị đang ở đồn công an cửa khẩu. Cơ quan công an còn làm một số việc về an ninh quốc gia.
Vẫn là cái giọng qui chụp. Việc làm của chồng tôi mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia? Có mà ảnh hưởng đến quyền lợi ích kỷ của họ thì có.
Chúng tôi giăng biểu ngữ đòi trả tự do cho chồng tôi. Họ bảo không được giăng biểu ngữ nhưng chúng tôi cứ giăng, cứ chụp.
Chúng tôi thuê tắc xi đến đồn công an cửa khẩu. Lái xe tắc xi đòi đúng 100 nghìn đồng chứ không chịu tính theo cây số như qui định. Khoảng 12 giờ thì chúng tôi đến được cổng đồn.

Cổng đóng. Đợi cho đến lúc có một chiếc xe 24 chỗ vào, nhân lúc đó tôi mới xông vào hỏi.
Một tên đẩy tôi ra. Tôi nói:
- Tôi đi tìm chồng tôi.
Hắn bảo:
- Không chồng con gì ở đây hết
Tôi nói:
- Thế vợ con ông không có tội gì mà bị bắt giam ông cũng nói như thế à? Ông là ác thú à?
Mọi người bảo chụp lấy ảnh nó.
Hắn bảo:
- Chụp đi, chụp 10 kiểu cũng được
Rồi hắn lẩn vào trong
Tôi quan sát cổng đồn công an lúc này rất nhộn nhịp. Xe lớn, xe bé, xe máy, người đi bộ náo loạn cả lên. Sao có một chồng tôi mà họ huy động lực lượng đông như thế này.
Chúng tôi đứng ở cổng đồn hô khẩu hiệu đòi người rồi chụp ảnh. Mọi người phẫn nộ:
- Quân hèn với giặc, ác với dân. Có giỏi thì ra Biển Đông mà nhổ giàn khoan của giặc đi, đừng bắt nạt dân.
Tôi thấy công an Việt Nam làm những điều thật vô lý và vô ích, tự nhiên đẩy tôi vào thế đối nghịch. Tôi thấy chồng tôi chẳng làm điều gì sai trái mà vẫn bị bắt tới 8 lần. Tôi đã đến bao nhiêu đồn công an để đòi chồng.
Tôi nói to với hy vọng chồng tôi trong ấy nghe thấy:
- Anh Thụy ơi! Em chờ anh ngoài này. Chờ đến bao giờ cũng được.
Cháu Trần Bùi Trung, con trai cô Bùi Thị Minh Hằng nói vọng vào:
- Bác Thụy ơi! Vững lòng nhé bác, mọi người luôn bên bác.
Mọi người cũng hô to tên chồng tôi
Hai cháu công an ra bảo:
- Các bác đừng hô nữa, để cho người ta còn ngủ.
Đài RFA gọi điện phỏng vấn tôi. Sự việc diễn ra như thế nào thì tôi trả lời như vậy.
Liên tục những cuộc điện thoại của bạn bè gọi đến, nói là ngày mai sẽ đến sân bay sớm tiếp sức. Tôi nhẩm tính, như vậy là sớm mai sẽ có 2 xe nữa tới sân bay.
Nhưng rồi 4 giờ 30 họ thả chồng tôi ở nhà ga. Chúng tôi ào đến với một niềm vui khôn xiết. Chúng tôi bảo nhau đưa ngay tin lên và gọi điện để cho ai sáng sớm định lên thì đừng lên nữa.
29/5/2014
(Còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"