Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Việt Nam đã sẵn sàng kiện Trung Quốc

HÀ NỘI 25-5 (NV) - Đó là thông tin do bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, xác nhận khi tham dự họp báo hôm 23 tháng 5-2014.
Tòa án Công lý Quốc tế là một trong hai nơi mà Việt Nam có thể kiện Trung Quốc trong vụ tranh chấp Biển Đông. (Hình: Internet)
Trả lời báo giới trong cuộc họp báo quốc tế do Bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, bà Hà khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng để có thể kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhân vật hiện là Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại tuyên bố trước đó của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines, đó là “không loại trừ việc sử dụng bất cứ biện pháp hòa bình nào để giải quyết tranh chấp”, nhằm trả lời cho những câu hỏi Việt Nam sẽ làm gì khi mâu thuẫn Việt – Trung về chủ quyền gia tăng.

Bà Hà xác nhận, với vai trò tư vấn pháp lý cho chính phủ Việt Nam, cơ quan của bà đã chuẩn bị sẵn mọi biện pháp có thể sử dụng được để phục vụ cho yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Theo đó, với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết tranh chấp liên quan đến mình.
Việc sử dụng giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bao gồm cả khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế mà Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Luật Biển 1982 đề cập. Bà Hà nhấn mạnh, “Việt Nam cho rằng, sử dụng biện pháp pháp lý sẽ tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang”.
Tuy nhiên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam không cho biết lúc nào chính quyền Việt Nam sẽ nộp đơn kiện. Bà ta chỉ trả lời một cách chung chung rằng, chính bà ta cũng luôn tự hỏi lúc nào là thời điểm thích hợp và “quyết định là của chính phủ”.
Tại cuộc họp báo vừa kể, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia của Việt Nam, đã trưng ra nhiều bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để bác bỏ những thông tin mà ông Hải gọi là “sai lệch do phía Trung Quốc đưa ra nhằm bóp méo vụ việc, trong đó có việc viện dẫn sai lệch công hàm do ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam ký năm 1958.
Ông Hải giải thích, công hàm đó hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, lúc đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm bên dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa, vốn đã được Pháp chuyển giao trên thực tế vào năm 1956, phù hợp với Hiệp Định Geneva năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia của Việt Nam khẳng định rằng, việc gần đây Trung Quốc luôn nói Hoàng Sa không có tranh chấp là ngược với quan điểm các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc.
Theo ông Hải, hồi tháng 9 năm 1975, khi trao đổi với ông Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư thứ nhất Đảng Lao Động Việt Nam, ông Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã thừa nhận giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo và hai bên “có thể bàn bạc với nhau”. Ý kiến của ông Đặng Tiểu Bình đã được ghi lại trong Bị vong lục của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 12 tháng 5 năm 1988, đã đăng trên Nhân dân Nhật Báo. (G.Đ.)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"