Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Con đường thoát Trung

Đỗ Tùng
Gần đây một số nhân sĩ ghi nhận rằng biến cố giàn khoan HD-981 có thể là một cơ hội để thoát khỏi ảnh hưởng và sự lệ thuộc vào Trung Cộng (TC). Bài viết này cố gắng phân tích sự lệ thuộc của Việt Nam và những giải pháp "thoát Trung" có thể xảy ra.
Bài gồm có 4 phần:
(i) Tiền đề: ghi lại những xác nhận để làm cơ sở cho các phần tiếp theo;
(ii) Sự lệ thuộc vào TC: mô tả các lãnh vực Việt Nam đang lệ thuộc Trung Cộng;
(iii) Tiến trình "thoát Trung": phân tích những bước đi cần thiết và những kịch bản có thể xảy ra; và
(iv) Kết luận: tóm tắt và đề nghị

A. Tiền Đề

Lượt qua những gì xảy ra trong mấy năm gần đây về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Cộng, Việt Nam, Nhật Bản, Phi-luật-Tân và biến cố mới nhất là việc Trung Cộng đưa giàn khoan HD-981 vào lãnh hải của Việt Nam, chúng ta có thể xác nhận những điểm sau:
- Trung Cộng muốn chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, được xác định với đường lưỡi bò ngông cuồng và tà ngụy của đám bành trướng Bắc Kinh.

- "Tình hữu nghị" giữa TC và đảng CSVN là một trò bịp bợm mà chủ mưu là cả hai đảng CS và nạn nhân là dân tộc Việt Nam (và một phần nào đó là dân tộc Trung Hoa). Mục đích lâu dài của trò bịp này là biến Việt Nam thành một thuộc quốc của Trung Cộng.
- Lối thoát duy nhất cho dân tộc Việt Nam ở vào tình thế hiện nay là tìm cách thoát khỏi sự khống chế của Trung Cộng.

B. Sự Lệ Thuộc Vào Trung Cộng

Hiện tại Việt Nam lệ thuộc vào Trung Cộng ở nhiều lãnh vực, có thể tóm tắt như sau:
1B. Chính trị: Đảng CSVN lệ thuộc vào Trung Cộng ở tư tưởng và chủ nghĩa. Cả hai đảng cùng áp dụng thể chế độc tài toàn trị dựa trên lý thuyết chuyên chính vô sản Mác-Lê và Mao-Hồ.
2B. Kinh tế: Việt Nam nhập nhiều nguyên vật liệu và máy móc từ TC cho những ngành xuất khẩu quan trọng. Hàng hóa sản xuất ở Trung Cộng tràn ngập thị trường Việt Nam, kể cả thực phẩm đầy hóa chất độc hại. Buôn lậu ở biên giới hai nước không kiểm soát nổi. Các dự án kinh tế quan trọng ở VN hầu hết rơi vào tay nhà thầu Trung Cộng.
3B. Quân sự: Tình báo và lính Trung Cộng đội lốt công nhân đầy dẫy ở Việt Nam. Các công ty Trung Cộng chiếm những điểm quan trọng về mặt quân sự ở Tây nguyên, ở các khu rừng đầu nguồn, ở các vùng duyên hải quan trọng như Cửa Việt, Vũng Áng.
4B. Văn hóa: Chủ trương hủy diệt văn hóa "phong kiến" ở miền Bắc sau 1954 và văn hóa "tư bản" ở miền Nam sau 1975 của CSVN đã tạo nên một khoảng trống to lớn, dễ dàng cho sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài, đặc biệt là văn hóa Trung Cộng khi nước này đang muốn xuất khẩu quyền lực mềm.
5B. Nợ nần: Không ai biết đảng CSVN đã nợ Trung Cộng bao nhiêu về những viện trợ quân sự trong những năm chiến tranh. Có người ước tính món nợ đó lên đến ngàn tỉ đô-la.
6B. Thỏa ước mật: Từ hội nghị Thành đô cho đến nay không ai biết CSVN đã ký kết những thỏa ước bí mật gì với Trung Cộng. Những ký kết đó chắc chắn gồm có những nhượng bộ về chính trị và kinh tế, và có thể có những nhượng bộ về chủ quyền đất đai, biển đảo.
7B. Hồ sơ đen: Không loại trừ khả năng tình báo Trung Cộng đã có "hồ sơ đen" về các cá nhân lãnh đạo của CSVN. Những "khí giới" này có thể được Trung Cộng dùng để uy hiếp cá nhân cũng như tập thể lãnh đạo CSVN để có được những nhượng bộ có lợi cho Trung Cộng.

C. Tiến Trình Thoát Trung

Duyệt qua những điểm lệ thuộc kê ở trên chúng ta dễ dàng đi đến kết luận đảng CSVN là nguyên nhân chính và duy nhất tạo ra những ràng buộc trói cột đất nước Việt Nam vào vòng khống chế của Trung Cộng. Có thể giải thích rằng đây chỉ là sai lầm vì đảng CSVN yếu kém và thiếu thông minh? Tại sao sai lầm chồng chất lên nhau và kéo dài hơn nửa thế kỷ, trong khi đảng nhận không biết bao nhiêu đề nghị, kiến nghị, khuyên can từ hàng ngàn nhân sĩ trong và ngoài nước, ngay cả từ thời Cải Cách Ruộng Đất?
Không phải ngẫu nhiên mà Hà sĩ Phu (HSP) kết luận(1) "quan hệ giữa Ngoại xâm và Nội xâm là quan hệ nương tựa, cộng sinh, là hai đồng minh chiến lược của nhau, là hai kẻ thù của dân tộc, mà kẻ thù bên trong bao giờ cũng khó chống, khó trị hơn nhiều". Tuy nhiên ông HSP đã dừng lại ở đó và không nói tiếp "đảng CSVN chính là Nội xâm".
Trước biến cố giàn khoan mấy ngày Hạ đình Nguyên (HĐN) cũng gợi ý(2) "Giải Cộng, Thoát Trung" tuy nhiên HĐN rất lạc quan khi tin tưởng đảng CSVN có thể chuyển đối từ tính chất độc tài toàn trị (tất yếu) thành một đảng dân chủ đặt quyền lợi đất nước lên trên. Hình như phần lớn dân VN không còn sự lạc quan đó, nhất là sau biến cố giàn khoan HD-981.
Có lẽ giải pháp duy nhất hiện nay là giải thể đảng CSVN. Phần lớn các điểm kê ở phần "B. Sự lệ thuộc vào TC" đều tự động hóa giải khi không còn đảng CSVN, và những điểm khác cũng sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Có hai kịch bản có thể xảy ra:
1C. Giải thể từ nội bộ. Giả thử một cá nhân hay một nhóm lãnh đạo đảng CSVN hiện nay đứng lên làm cách mạng, lật đổ chế độ hiện tại, tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa CS, giải thể đảng CSVN, và tổ chức bầu cử tự do trong một thể chế đa nguyên, dân chủ. Điều này có thể xảy ra và động cơ hay nguyên nhân có thể là:
(i) vì nhận chân đó là giải pháp duy nhất hiện nay để cứu đất nước; hoặc
(ii) một giải pháp để cứu đảng CSVN bằng cách tạm thời đổi màu để ngụy trang; hoặc
(iii) một dàn xếp nào đó của ngoại bang mà phía sau có thể có những thỏa hiệp bí mật.
2C. Giải thể do áp lực bên ngoài. Những cuộc biểu tình chống TC và chống chế độ hiện tại kéo dài và lan rộng cả nước tạo ra những thế lực đối trọng với đảng CS cầm quyền, từ đó tạo ra áp lực đủ mạnh để buộc nhà cầm quyền phải ngồi lại với các nhà vận động dân chủ để tìm ra một giải pháp cứu nước.
Trường hợp TC tấn công trong lúc tiến trình dân chủ đang xảy ra thì quân đội phải nhận nhiệm vụ đánh giặc để giữ nước, không phải để bảo vệ đảng hay chế độ. Điều đó không phải dễ dàng, nhất là quyền lợi các tướng lãnh lâu nay gắn bó mật thiết với quyền lợi của đảng CS, và các cấp dưới thì bị nhồi sọ phải trung thành với đảng.

D. Kết Luận

Kết luận của bài này không khác mấy so với những nhận định trên báo chí tự do những năm gần đây, và có thể tóm tắt như sau:
- từ bỏ chủ nghĩa CS lỗi thời, lạc hậu, phản khoa học và đối nghịch với bản chất dân tộc,
- xóa bỏ đảng CSVN để vô hiệu hóa những ràng buộc với TC,
- thiết lập một thể chế dân chủ, đa nguyên để tôn trọng và bảo vệ những quyền căn bản của người dân.
Nếu làm được những điều trên thì Việt Nam sẽ thoát được sự khống chế của Trung Cộng, tạo được sức mạnh tổng hợp của dân tộc, đủ sức để giữ vững chủ quyền quốc gia.
27/5/2014
Đỗ Tùng
_________________________________________
Chú thích:
1) - Hà sĩ Phu, “Muốn thoát Hán?”, 25/5/2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"