Trịnh Hữu Long
Xưa có thời Đảng tôn thờ Liên Xô và bắt nhân dân tôn thờ theo, đến
khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì Đảng không ngớt lời phê phán mô hình sai
lầm đó, để cho nhân dân ngơ ngác.
Xưa có thời Đảng tôn thờ Trung Quốc và bắt nhân dân tôn thờ theo, đến
khi Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 thì Đảng công bố sự thật về quan
hệ với Trung Quốc và gọi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, nhân dân lại
ngơ ngác lần nữa.
Xưa có thời Đảng gọi Việt Nam Cộng hòa là Ngụy quân, Ngụy quyền, là
thứ rác rưởi cần phải bị loại trừ và bắt nhân dân tuyệt đối tin vào điều
đó, đến giờ Đảng công khai công nhận Việt Nam cộng hòa là một quốc gia
độc lập, có chủ quyền, nhân dân lại ngơ ngác thêm lần nữa.
Lại có thời, sau khi gọi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, Đảng lại
đội Trung Quốc lên đầu một lần nữa với 16 chữ vàng và bắt nhân dân tin
theo, đến giờ khi Trung Quốc cắm giàn khoan 981 ngoài biển thì Đảng lập
tức chửi Trung Quốc như một phường thối tha và bỉ ổi. Nhân dân... ngơ
ngác toàn tập.
Điều kỳ lạ nhất, và cũng là thành công nhất của Đảng, là sau rất
nhiều lần ngơ ngác đó, vẫn luôn luôn có một lực lượng vô cùng lớn trong
nhân dân nghĩ rằng Đảng luôn đúng mà không mảy may nghi ngờ. Điều này
còn kỳ lạ ở chỗ, người Việt thường sẵn sự nghi ngờ dành cho nhau, thậm
chí nghi ngờ chính người thân trong gia đình, nhưng lại sẵn sàng tin
tưởng một cách vô điều kiện vào những người mà họ chưa từng quen biết ở
tận... trung ương.
Thành ra đôi lúc tôi không hiểu nhiều người hô hào "tin vào Đảng" thực ra là tin vào cái gì?
Giờ đây tình hình còn phức tạp hơn nữa. Nhìn bên ngoài thì chỉ có một
Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng có một Đảng CSVN của ông Nguyễn Phú
Trọng, có một Đảng CSVN của ông Nguyễn Tấn Dũng, có một Đảng CSVN của
ông Trương Tấn Sang và còn nhiều Đảng CSVN khác nữa. Mỗi "Đảng" một
phách, cứ nhìn cách họ hành xử với Trung Quốc thì thấy. Vậy thì có thể
thấy tin vào Đảng là một niềm tin... khá phức tạp và khác xa những niềm
tin thông thường.
Tuy vậy, niềm tin đó không khó giải thích. Từ hơn nửa thế kỷ qua,
Đảng CSVN đã xây dựng thành công hình ảnh của mình như là biểu tượng duy
nhất của chân lý và sự lương thiện. Nhân dân, với bản năng tốt đẹp của
con người, muốn tin vào chân lý và sự lương thiện, chứ thực ra không
phải tin vào một đảng phái nào. Nhưng nhân dân cần một hoặc nhiều biểu
tượng để bấu víu vào. Khi không có biểu tượng nào khác, họ chỉ còn biết
bấu víu vào biểu tượng búa liềm.