Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Chuyến đi Tuyên Quang gian nan của tôi

Huỳnh Phương Ngọc
PNNQVN
Đại diện cho Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, tôi cùng chị Nguyễn Ngọc Lụa đi Tuyên Quang tham gia phiên tòa phúc thẩm 3 người H’Mông là ông Thào Quán Mua, Lý Văn Dinh và Dương Văn Tu. Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội, đi xe khách lên Tuyên Quang từ tối ngày 26 tháng 5 và có mặt ở cổng Trại giam Công an tỉnh Tuyên Quang sáng ngày 27 tháng 5 năm 2014.

Từ sáng sớm, an ninh, công an sắc phục và thường phục, cảnh sát giao thông đặt chốt chặn ở mọi ngã đường dẫn đến trại giam Tuyên Quang. Chị em chúng tôi không được cho vào tham dự phiên tòa nên ngồi đợi ở quán nước bên đường. Đợi đến 8h40, khi đã bắt đầu phiên xét xử, chị em tôi đi đến cổng trại giam và trình thẻ chứng minh xin vào xem xét xử. Một lúc sau, tôi bị ba người công an yêu cầu vào làm việc.

Ngay khi vừa vào trại giam, họ thu ngay điện thoại và CMND của chúng tôi và tách hai chị em tôi ra. Họ hỏi chúng tôi là ai mà đến đây xem, biết gì về chuyện của ba người H’mông này mà từ đâu đến tận đây xem, rồi đến hững câu hỏi về cá nhân, danh tính, địa chỉ. Lúc đầu những người hỏi tôi là một phụ nữ mặc thường phục và hai người đàn ông mặc sắc phục. Họ giới thiệu là Công an trại giam tỉnh Tuyên Quang. Tiếp theo, tôi làm việc với chừng bảy công an luôn miệng quát nạt, sỉ vả. Đến khoảng 10h họ nói với tôi rằng Lụa cũng đang làm việc với người của họ ở tầng dưới. Sau đó có 4 người công an khác đến và nói chuyện với nhau là bàn giao tôi và Lụa cho Công an Tỉnh Tuyên Quang.

Đến Công An tỉnh Tuyên Quang, tôi bắt đầu bị thẩm bởi tám công an xoay quanh. Họ tiếp tục hỏi tôi là ai, hình trong CMND phải là tôi không, mau nói, nếu nói sai là…chết. Họ hỏi về Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, một tổ chức mà tôi và Lụa là thành viên: xoay quanh các câu hỏi về Tên hội, người đứng đầu, tôn chỉ hoạt động, địa chỉ Website, sau đó họ in danh sách thành viên cho tôi đọc và bảo biết những ai trong đó, tôi chỉ im lặng. Tiếp theo là hàng loạt câu hỏi về gia đình tôi, chú tôi Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, những bài biết của tôi trên trang Dân Làm Báo…

Đến 15h họ thông báo cho tôi biết chị Lụa bị tụt huyết áp và xỉu. Đến 16h họ đặt lên bàn một xấp giấy in tất cả tài liệu từ hộp email cá nhân và tin nhắn facebook , về những gì liên quan đến chuyến đi được chị em trong Hội bàn thảo với nhau trong secret group của Hội. Xuyên suốt từ 10h khuya ngày 27 đến 1h sáng ngày 28 là các câu hỏi về Hội PNNQVN, vấn đề tài chính, móc nối với nước ngoài ra sao, những người đứng đầu làm gì. Và họ nói với tôi rằng đây là một tổ chức phản động, yêu cầu tôi không được tham gia. Tôi hỏi lý do vì sao gọi là phản động, thì họ bảo nhà nước không cho phép hoạt động thì là tổ chức phản động. Một công an nói với tôi rằng với các bài viết tôi gửi cho Dân Làm Báo và với tư cách thành viên của một tổ chức phản động thì họ có thể kết tội tôi theo điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Lúc làm việc họ đã quát tháo, dí máy quay sát vào mặt tôi, chỉ mặt sỉ vả to tiếng. Lúc ấy tôi rất hoang man vì đây là lần đầu tôi bị công an bắt cóc và thẩm vấn. Chúng tôi là hai cô gái, không sức lực, không phương tiện liên lạc, phải ngồi một chỗ cho họ thẩm vấn và xúc phạm. Tuyên Quang là một nơi vô cùng xa xôi hẻo lánh, tôi bắt đầu lo sợ họ bất chấp luật pháp và hành động sai trái làm ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi im lặng và không trả lời. Tôi gục đầu mệt mỏi vì đói lã sau buổi tối bị say xe từ Hà Nội đi Tuyên Quang, sáng đi vào trại giam sớm, rồi bị bắt qua trưa không ăn uống gì…

Tôi vẫn còn nhớ một tên công an luôn miệng hét bên tai tôi: “Tuấn làm phản động và đã đi tù 10 năm, nay con cháu Tuấn cũng y vậy, cô có đầu óc mà sao nghe theo chỉ bảo sai lầm của họ. Cô có biết đây là tổ chức phản động không?”

Tôi bảo: “Anh cho tôi những bằng chứng chứng minh lời anh nói là sự thật đi, thì tôi sẽ tiếp tục làm việc”.

Anh ta càng tỏ ra hung hãn và quát tháo to tiếng hơn. Vài tên công an khác thay nhau chỉ mặt tôi bảo: “Khôn thì khai thật mau, tiền đi lại cho cô lên Tuyên Quang ai đưa, ở đâu mà có tiền này?” Tôi cũng im lặng không nói gì. Mãi đến 12h đêm khi tôi đã kiệt sức, họ mang đến bộ dụng cụ lấy vân tay, chụp hình, lấy đặc điểm gương mặt. Xong họ bảo tôi qua dọn dẹp đồ đạc và ra về. Họ chỉ trả chứng minh, khi tôi hỏi về điện thoại thì họ bảo về Hà Nội có người đưa.

Đưa tôi lên xe là ba công an thường phục lên từ Hà Nội trưa ngày xử án. Họ đưa tôi và Lụa lên xe bảy chổ biển số xanh chạy thật nhanh về Hà Nội khoảng 4h sáng ngày 28/5. Đến Hà Nội họ đỗ xe trước một nhà nghỉ nhỏ và bỏ chúng tôi xuống ngay trong tình trạng suy kiệt về sức khỏe và tinh thần. Họ phóng xe đi, tôi kịp mở máy và chụp lại chiếc xe, họ liền quay xe lại và ba tên công an lao tới giật lại điện thoại. Tiếc của, tôi lao theo chiếc xe chưa kịp đóng cửa giật lại phone, họ cứ phóng xe đi bất chấp tôi đang treo người bên cửa xe. Đi được một đoạn, họ buông tay và đẩy tôi khỏi xe sau khi tôi đã giật lại điện thoại của mình.

Tôi về lại nhà nghỉ. Hai chị em nói chuyện với nhau tôi mới biết họ đã hành động và cư xử với Lụa không khác gì với tôi. Mỗi người đã làm việc với hơn 30 công an tỉnh Tuyên Quang. Bây giờ đây, mọi chuyện đã qua, chúng tôi được nghỉ ngơi và tranh thủ thời gian ít ỏi đi thăm bạn bè tại Hà Nội, nhưng vẫn còn rất mệt mỏi và lo sợ các hành động sách nhiễu khác có thể gặp phải tại nơi này. Chúng tôi đang xa gia đình và rất lo lắng cho an nguy của mình khi vẫn đang còn tạm trú tại Hà nội. Rất mong sự quan tâm chia sẻ của quý bạn bè.

Huỳnh Phương Ngọc

Hà Nội, ngày 28/5/2014.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"