Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Sài Gòn Thất Thủ: Kỳ 14: Vị Tổng Thống cuối cùng


Trung Tướng Dương Văn Minh, 1964 @ On the Web

Vị Tổng thống cuối cùng miền Nam VN là ông Dương Văn Minh có sở thích rất yêu hoa Lan. Tại vườn hoa của nhà ông ở Sài Gòn gần Dinh Độc Lập, ông đã trồng nhiều loại Lan đủ màu sắc đua nở nên được gọi là Dinh Hoa Lan. Tôi cũng đã có nhiều lần đến đây để lắng nghe ông nói chuyện về các vấn đề chính trị và quân sự. Tuy khu vườn không rộng lớn lắm nhưng được trang điểm bằng màu sắc rực rở xinh đẹp của các loại hoa Lan nên lúc nào cũng thu hút tia nhìn của tôi. Và cũng trong khung cảnh của vườn hoa này, ông Minh luôn nói chuyện với tôi một cách chậm rãi khoan thoai.



Trung Tá Dương Văn Minh và Tổng Thống Ngô Đình Diệm, 1955 @ On the Web


Do ông Minh có thân hình cao lớn so với thể tạng của người VN nên thường được gọi bằng biệt danh “Big Minh”. Tuy theo đuổi con đường binh nghiệp từ thời thực dân Pháp thống trị VN, nhưng ông xuất thân là một tín đồ Phật Giáo ở miền Nam VN với cá tính ôn hòa, trầm tĩnh nên cũng chiếm được nhiều thiện cảm của dư luận. Ngoài ra, ông còn là một nhân vật chủ yếu trong cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963, sau đó còn được sự trợ giúp của phía Hoa Kỳ nên từng có thời kỳ trở thành vị nguyên thủ quốc gia của miền Nam VN. Thế nhưng, cuối cùng ông vẫn bị thảm bại trong các cuộc đấu đá quyền lực giữa những vị tướng lãnh lúc đương thời nên phải sống lưu vong tại Thái Lan.

Trung Tướng Dương Văn Minh, Chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng 11-1963 
@ On the Web

Sau khi được chấp thuận cho về nước vào năm 1968, ông Minh được coi là một nhân vật đối lập với chính quyền đương thời của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và đã nhận được sự ủng hộ từ các hội đoàn chủ trương chống chính phủ như giáo phái Phật Giáo Ấn Quang cùng các tổ chức sinh viên phản chiến. Đặc biệt, sau khi hiệp định Ba Lê ký kết vào năm 1973, với tư cách là người đứng đầu thành phần thứ ba giữa chính quyền ông Thiệu và phe chính phủ CMLTMNVN, ông Minh cũng đã đề xướng việc hòa hợp hòa giải dân tộc.

Trải qua những diễn tiến dồn dập của cuộc chiến với mức độ tấn công bằng quân sự của quân BV ngày càng gia tăng ác liệt, ông Minh đã chính thức nhậm chức Tổng Thống VNCH vào ngày 28/4/1975, tức chỉ vỏn vẹn hai ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. 

Lúc này, tuy quân BV đang áp sát Sài Gòn trong giai đoạn cuối cùng của cuộc tổng tấn công đánh chiếm miền Nam, nhưng phía Hà Nội vẫn có những tuyên bố đánh lừa dư luận về sự chấp nhận một cuộc thương thảo đình chiến với thế lực của thành phần thứ ba tại miền Nam trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc dựa theo hiệp định Ba Lê. Và chính quyền Tổng Thống Dương Văn Minh được thành lập trên niềm kỳ vọng về những lời tuyên bố này của phía BV.

Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Dương Văn Minh được diễn ra tại hội trường lớn của Dinh Độc Lập với sự hiện diện của thành phần tân nội các gồm những nhân vật tiêu biểu như nghị viên Vũ Văn Mẫu, cựu chủ tịch Thượng nghị viện Nguyễn Văn Huyền, luật sư Trần Văn Tuyên. Họ đều là những chính trị gia đối lập trong cựu thể chế của ông Thiệu và luôn đề cao chủ nghĩa dân tộc để phân biệt rõ ràng với phía Hoa Kỳ. Đối với dư luận truyền thông miền Nam thời bấy giờ, những nhân vật này cũng được coi là chiếm nhiều thiện cảm từ dân chúng.

Tổng Thống Dương Văn Minh, lễ nhậm chức 28/4/1975 @ On the Web

“Trên tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, chúng ta phải lập tức thực hiện việc đình chiến và thương thảo để giải quyết vấn đề phân tranh chính trị tại miền Nam trong khuôn khổ của hiệp định Ba Lê”.

Giọng nói ôn tồn của tân Tổng Thống Dương Văn Minh cất lên đều đặn trong bài diễn văn nhậm chức. Theo lẽ thông thường thì những lúc như vậy, phải có các cận vệ  hoặc những sĩ quan phụ tá đứng gần vị trí chung quanh để bảo vệ cho vị nguyên thủ quốc gia, nhưng lần này thì khác hẵn. Và lúc đó, một người cận vệ tên Thông vừa bắt gặp ánh mắt của tôi đã vội nhìn nhanh chỗ khác. Thông là người mà tôi quen biết qua những buổi tập luyện Nhu Đạo và ngay vào hôm trước đó, chính anh đã đến hỏi tôi có nên rời khỏi VN để ra ngoại quốc lánh nạn trong lúc này hay không.

Trong khi ông Minh đọc bài diễn văn thì bỗng nhiên có nhiều tạp âm vang lên xen vào giọng nói trầm nhẹ của ông do bên ngoài chợt đổ cơn mưa lớn như trút nước.


@ On the Web

Sau khi dự buổi lễ nhậm chức của Tổng Thống Dương Văn Minh, tôi trở về lại phòng trọ và khi đang rảo bước trên đường phố Sài Gòn lúc đó đã tạnh mưa thi bất chợt nghe thấy những tiếng vang ầm làm rung chuyển cả mặt đất khiến tôi thất thần đến nổi trong một thoáng giây sau đó, phải ôm đầu nằm sát xuống đường. Từ lúc định thần nhìn lại cảnh vật chung quanh, thì trông thấy người dân và những chiếc xe gắn máy bỏ chạy như bay trong nỗi lo lắng hoảng sợ. Tiếng nổ ầm trời vừa rồi chắc chắn là đã xuất phát từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất vì tôi cũng đã nhìn thấy cột khói đen bốc cao rồi tỏa rộng dần trên không từ phương hướng của phi trường này. Quả nhiên, tin tức loan truyền sau đó cho biết, một binh sĩ không quân của miền Nam là Nguyễn Thành Trung đã chỉ huy 5 chiến đấu cơ A-37 ném bom phi trường Tân Sơn Nhất.

Nguyễn Thành Trung và các phi công CSVN sau khi ném bom TSN @ On the Web

Mặc dù trong tình huống nguy ngập cận kề như vậy, nhưng lòng tôi khi đó vẫn chưa dứt bỏ niềm hy vọng về một cuộc thương thảo giữa hai miền Nam-Bắc để giải quyết cuộc chiến vì đinh ninh rằng phía BV đã hứa là sẽ tuân thủ việc đáp ứng đàm phán trên tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc theo hiệp định Ba Lê.

Hơn nữa, chính quyền ông Thiệu là kẻ địch của phía BV cũng đã thoái trận và nhường lại cho thế lực đối lập là chính quyền ông Minh. Nhất là ngay sau khi buổi lễ nhận chức của ông Minh vừa chấm dứt, vị phó Thủ Tướng mới là dân biểu Hồ Văn Minh đã đến bên tôi vừa tươi cười vừa nói rằng: “Vẫn còn hy vọng”, nên điều này càng có tác dụng khiến tôi tin tưởng thêm. 

Đối với tôi, qua sự quen biết và những lần gặp gỡ nói chuyện trước đây tuy tôi được biết ông Hồ Văn Minh là một chính trị gia trẻ tuổi nhưng cho đến thời điểm lúc này những ý kiến phân tích tình thế thời cuộc của ông chưa bao giờ sai lệch.

Tuy nhiên, chỉ 48 tiếng đồng hồ sau, tôi đã chứng kiến cảnh tất cả thành viên trong tân nội các của chính quyền ông Dương Văn Minh bị câu thúc tại Dinh Độc Lập. 

Thì ra phía quân BV đã bác bỏ yêu cầu đàm phán của chính quyền ông Minh. Một trong những lý do đó là “Trong nội các của ông Minh vẫn còn những người chống lại chủ nghĩa cộng sản”. Nhìn về điểm này, chúng ta sẽ thấy nó chính là một yếu tố quan trọng để xem xét bản chất thực sự của cuộc chiến tranh VN. Nói cách khác, đối với phía CSBV họ đã cho thấy lập trường căn bản là cho dù đối phương có chống Mỹ, chống ông Thiệu đến đâu chăng nữa mà không đồng thuận với chủ nghĩa cộng sản thì họ sẵn sàng dùng hình thức quân sự để tiêu diệt. Thế nhưng, điều này chỉ được bộc lộ lần đầu tiên trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến.

Dinh Độc Lập 30/04/1975 @ On the Web

Vào ngày Sài Gòn thất thủ 30/4/1975, tôi đã nhìn thấy quang cảnh bên trong Dinh Độc Lập. Sau khi toán quân thứ nhất dùng chiến xa đột nhập vào đây chưa đây một tiếng đồng hồ, thì các ký giả ngoại quốc như chúng tôi được tự do thực hiện các bài phóng sự vì phía quân BV đã có lệnh cấm bộ đội của họ ngăn cản những phóng viên ngoại quốc làm việc.

Trong lúc các bộ đội CSBV đi loanh quanh khắp nơi trong Dinh Độc Lập thì nơi can phòng ở một góc của tầng hai tôi đã chú ý đến tấm màn cửa sổ màu cam lay động trong gió vừa đủ để lộ khoảng trống để nhìn thấy rõ bên trong có khoảng 10 mấy người đàn ông bận thường phục đang ngồi trên những chiếc ghế đặt dọc theo 4 bức tường. Họ chính là thành viên trong nội các của Tổng Thống Dương Văn Minh mà tôi đều biết mặt. Tất cả dường như đang trầm ngâm suy tưởng, có người thì đưa mắt nhìn lên trần, người thì cúi mặt nhìn xuống và kẻ khác thì nhắm nghiền mắt lại trong một bầu không khí nặng nề. Rõ ràng đây chính là bức tranh vẽ lại hình ảnh của những người bại chiến bị câu thúc như những tù binh.





Dinh Độc Lập 30-4-1975 @ On the Web

Sau này, mỗi khi nghĩ đến cuộc chiến VN, cảm giác đầu tiên của tôi là thấy lồng ngực mình như bị đè nặng vì chợt nhớ đến số phận phũ phàng của những người VN thuộc thành phần thứ ba. Trong suốt thời gian dài, họ luôn hô hào chống lại sự độc tài, hủ bại của chính quyền Sài Gòn cũng như phản đối sự thao túng của phía Hoa Kỳ và còn kêu gọi hòa hợp hoà giải dân tộc. Họ cũng ngây thơ tin vào việc giải quyết cuộc chiến bằng đường lối thương thảo, đàm phán ôn hòa, tin vào hiệp định Ba Lê trên hình thức hai miền Nam Bắc sẽ ngồi lại với nhau để nói chuyện. Tuy nhiên, cho đến lúc đạt đến nguyện vọng nắm chính quyền thì lại bị thế lực quân sự của BV đánh tan và phải trở thành tù binh bị câu thúc.

Qua đó cho thấy dù thành phần thứ ba cùng là người VN với yêu cầu hòa giải dân tộc thì ở cục diện cuối cùng nếu họ không đi theo chủ nghĩa cộng sản cũng bị phía BV loại bỏ. Bởi vì đối với phe tự xưng là cách mạng theo hình thức đấu tranh của chủ nghĩa cộng sản thì ngay từ đầu tiên họ đã không có con đường nào khác ngoài việc tiêu diệt những thế lực không đồng thuận. Vì vậy, khi đề cập đến cuộc chiến VN, trên thực chất đã không hề mang đặc tính như nhà cầm quyền Hà Nội rêu rao “đó là cuộc chiến của người dân VN đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược”. Và trong cuộc chiến này, không chỉ mang hình thức chống lại Hoa Kỳ mà còn tồn tại một cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai ý thức hệ khác biệt giữa những người VN.

Các ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu bị giải đến Đài Phát thanh để đọc lời kêu gọi buông súng 
@ On the Web


Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, 30-4-1975 @ On the Web

Sau cuộc chiến, cựu Tổng Thống Dương Văn Minh bị quản thúc tại Sài Gòn gần 10 năm rồi được chấp thuận cho xuất ngoại sang Pháp. Còn cựu dân biểu Trần Văn Tuyên đã chết trong ngục tù trại tập trung của phe cách mạng. Riêng người đã tươi cười và bày tỏ niềm hy vọng với tôi là ông Hồ Văn Minh cho đến nay vẫn chưa rõ tông tích. 


©Komori Yoshihisa  & Khôi Nguyên @ HVR


(Kỳ tới: Kỳ 15: Cuộc thảm sát tập thể tại Huế)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"