Trần Đình Sử
Bài báo của Lenin Tổ chức đảng và xuất bản phẩm của đảng (партийная организация и партийная литература) viết vào tháng 11 năm 1905, do điều kiện lịch sử, từ Liên xô sang Trung Quốc, rồi đến Việt Nam đều được hiểu và dịch thành Tổ chức đảng và văn học có tính đảng.
Chữ literatura (литература) thông dụng trong nhiều tiếng phương Tây, có
nghĩa là: 1. chỉ chung mọi tác phẩm viết bằng văn tự, văn viết. Nó cũng
chỉ chung các xuất bản phẩm như sách, báo, tạp chí, truyền đơn, tờ rơi,
ấn phẩm nói chung; 2. chỉ tác phẩm văn học nghệ thuật dưới mọi hình
thức. Đây là nghĩa mới có trong khoảng hai thế kỉ, từ thế kỉ 18 – 19, mà
các nước như Nhật bản, Trung Quốc Việt Nam đã tiếp nhận và dịch thành
từ “văn học”. Ở Nga để phân biệt người ta thường thêm định ngữ “nghệ
thuật” thành “художественная литература”, gọi là “văn học nghệ thuật”
cho khỏi nhầm. 3. tên gọi chung xuất bản phẩm thuộc một lĩnh vực nào đó,
tức là tư liệu in ấn về một lĩnh vưc, tương tự như cụm từ “thư mục”
chúng ta thường ghi sau một công trình khoa học. Như thế, khi dịch từ
này, cần chọn nghĩa nào phụ thuộc vào ngữ cảnh của nó.
Bài báo của Lênin có một ngữ cảnh lịch sử rất cụ thể. Từ tháng 10 –
1905, do cuộc tổng bãi công làm cho xã hội tê liệt, cách mạng Nga đạt
đến cao trào chưa từng có, chính phủ Nga hoàng buộc phải ra tuyên cáo
cho phép báo chí được tự do. Báo chí của đảng lúc này đã có thể ra công
khai, sự chia rẽ đảng đa số và đảng thiểu số đang diễn ra. Đặc biệt cách
mạng 1905 là cách mạng tu sản, mục tiêu cách mạng của các giai cấp rất
khác nhau. Lênin nhân thời cơ đó, đòi hỏi đảng bôn sê vích (đa số) phải
lãnh đạo báo chí, dư luận. Lenin về nước vào ngày 8/11/ 1905, lập ngay
tờ báo lấy tên là “Đời sống mới”, đăng một loạt bài báo chỉ đạo
phong trào, trong đó có bài: “Bàn về cải tổ đảng”, “Tổ chức đảng và ấn
phẩm của đảng”. Ông chủ trương không chỉ lãnh đạo bằng miệng, mà con
bằng ấn phẩm, các ấn phẩm phải tuân theo tư tưởng chỉ đạo của đảng, đứng
trên một lập trường thống nhất, phản đối thói tự do vô chính phủ, trống
đánh xuôi, kèn thổi ngược. Ông yêu cầu đảng viên phải công khai thể
hiện lập trường của Đảng trong bài viết. Đó là yêu cấu chính đáng trong
thời điểm ấy. Xét về nội dung của bài báo, Lenin cũng có nhấn mạnh đến
sự khác biệt của bộ phận ấn phẩm của đảng so với các bộ phận khác. Không
thể yêu cầu bình quân, san đều như các bộ phận khác trong bộ máy của
đảng. Nhất là khi nói đến vấn đề tự do sáng táọ, một vấn đề gần với văn
học nghệ thuật. Nhưng xét trong toàn bài thì nói chung là nói về báo
chí, ấn phẩm của Đảng. Do vậy, tên bài báo nên dịch là “Tổ chức đảng và ấn phẩm của đảng”. Theo
nhận thức của tôi, đây là thời điểm dầu sôi lửa bỏng của cách mạng Nga,
hoàn toàn không phải thời điểm xây dựng văn hoá mới, Lênin không có lí
do gì để chỉ đi sâu vào một lĩnh vực đặc thù như văn học trong số ấn
phẩm nói chung để nêu vấn đề tính đảng của văn học nghệ thuật, do đó
không có lí do gì để hiểu chữ văn học đây là chỉ riêng văn học nghệ
thuật. Nhà lí luận mác xít người Anh là Terry Eagleton trong sách Chủ nghĩa Marx và phê bình văn học
(viết năm 1976, dịch tiếng Việt năm 2008 bởi Lê Nguyễn Long) cũng giải
thích rằng, yêu cầu tính đảng lúc này Lenin đặt ra với các đồng chí như
V. Plekhanov, L. Trosky, Prevus… để các đồng chí ấy tuân thủ nói theo
quan điểm của đảng, chứ không phải nói với các nhà viết tiểu thuyết.
Đương thời, một bài báo của bà Nadezhda Krupskaya, vợ Lenin (viết năm
1937, in lại năm 1960) cũng giải thích như vậy.
Chính vì cách hiểu chung, khách quan như vậy, sau thời “đại cách
mạng văn hóa”, Cục biên dịch trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Phòng
biên dịch tác phẩm Lenin, Stalin ngày 25 tháng 8 năm 1982 cho công bố
bài báo Bản dich Trung văn bài “Tổ chức đảng và ấn phẩm của đảng” vì sao phải sửa lại, in lại trong tập 55 năm văn nghệ Trung Quốc.
(Đĩa DVD, do báo Văn nghệ xuất bản thàng 12/2004, nhằm kỉ niệm 55 năm
thành lập Báo Văn nghệ Trung Quốc (1949 – 2004) với sự thực hiện của
Công ty trách nhiệm hữu hạn truyền bá văn hóa Vạn Hữu Bắc Kinh).
Vậy tại sao đương thời, người ta cứ cố tình lái câu chuyện tính đảng
của ấn phẩm của đảng nói chung trong bài báo sang tính đảng trong sang
tác văn học nghệ thuật? Đó là vì người ta muốn vận dụng ý kiến của
Leenin như một nguyên tắc chuyên chính trong lĩnh vực văn học nghệ
thuật.
Theo suy nghĩ của tôi sau nhiều năm tìm hiểu tình hình lí luận văn
học của Liên Xô, giai đoạn từ sau khi Lênin mất đến trước thế chiến 2,
trước khi Đức quốc xã tấn công Liên Xô, vấn đề tính đảng của văn học xã
hội chủ nghĩa đã được bàn và thực hiện trong thực tế, chứ không cần lí
thuyết. Liên Xô lần lượt xóa bỏ các nhóm phái văn hóa, văn học khác
nhau, thống nhất các nhà văn theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa vào một
tổ chức chung. Hội nhà văn Liên Xô mới thành lập năm 1934, chỉ 5 năm
trước thế chiến. Thời gian ấy là thời gian đấu tranh thanh trừng nội bộ
bằng vũ lực, người ta chưa cần tranh luận về lí thuyết, học thuật. Sau
chiến thắng phát xít Đức 1945 – 1952, người ta đắm say vào ca ngợi chiến
công, xuất hiện hàng loạt tác phẩm tô hồng hiện thực, lí thuyết “vô
xung đôt”, theo chỉ đạo của Zhdanov, nhiều tác phẩm được giải thưởng
Stalin. Thời điểm ấy cũng không có điều kiện bàn thảo về lí luận. Phải
đến thời điểm sau khi Stalin mất, sau 1953, một thời “băng tan” ngắn
ngủi bắt đầu, người ta bắt đầu nhận thấy tính thấp kém của các sáng tác
theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong giới lí luận và văn
nghệ có nhu cầu suy nghĩ lại về lí luận. Nhà văn Nga G. Nicolaeva, tác
giả Mùa gặt, tác phẩm được giải thưởng Stalin, có ý kiến, nghệ
thuật không chỉ cần có tư tưởng, mà còn phải có hình thức nghệ thuật. Bà
là người đầu tiến (năm 1953) cho rằng văn học phải sáng tác bằng tư duy
hình tượng, chứ không phải tư duy khái niệm trừu tượng, minh họa. Vấn
đề tư duy hình tượng là do bà ấy khơi lên đầu tiên. Sau đó là An. Dremov
bàn về tư duy hình tượng,, điển hình, rối Burov viét luận văn phản bác
lại. Nedoshivin và Kaloshin cho rằng đặc trưng nghệ thuật không ở nội
dung, mà chỉ ở hình thức. Các quan điểm siêu hình ấy đã gây nên tranh
luận và bị phê phán. Vấn đề tự do sáng tác và hình thức nghệ thuật cũng
được xới lên trong khoảng từ cuối những năm 50 đến đầu những năm 60.
Chính trong thời kì “băng tan” ấy giới lãnh đạo mới đặt lại vấn tính
đảng cộng sản trong văn học và bài báo của Lênin trở thành đối tượng
nghiên cứu. Cũng vào thời này, vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn
học cũng được tổ chức để kìm giữ tư duy nghiên cứu ở trong khuôn phép
của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thời điểm lịch sử này người ta không thể xử
lí vấn đề lí thuyết chỉ bằng vũ lực mà còn bằng chính xây dựng lí luận.
Lịch sử nghiên cứu bài báo của Lênin chỉ bắt đầu rầm rộ từ sau năm 1953.
Chỉ xin lưu ý rằng, trên diễn đàn Đại hội Đảng CS Liên Xô lần thứ 19,
G. Malencov, tổng bí thư, người kế tục ngắn ngủi sự nghiệp Stalin, trong
báo cáo chính trị đã tuyên bố: “Điển hình trong văn học là phạm vi thể
hiện của tính đảng cộng sản”. Tính đảng là linh hồn của nguyên tắc điển
hình hóa. Ý kiến đó đã gây nên cuộc thảo luận, phản bác, rồi ông ta
nhanh chóng bị thay thế bởi đồng chí khác.
Có điều lạ là các nhà lí luận Liên Xô không quan tâm đến nghĩa của
chữ “literatura” trong bài báo của Lênin là báo chí, ấn phẩm nói chung
mà mặc nhiên coi đó là ý kiến bàn về văn học nghệ thuật. Theo tôi, trước
hết cần nhận rõ, bài báo nói đến tính đảng nói chung của mọi ấn phẩm
của đảng, một đảng chính trị. Cách hiểu đó sẽ giải thích nội dung của
những cách dịch khác,như “văn học có tính đảng”, “văn học đảng”, “văn
học của đảng”, “văn học thuộc về đảng”…Những cách dịch này đều có thể
phù hợp với “ấn phẩm của đảng”, nhưng nếu hiểu “ấn phẩm” ấy là văn học,
nghệ thuật, thì đều không đúng. “Văn học có tính đảng”, “văn học của
đảng” chỉ có thể là văn học tuyên truyền. Đó là lí do tại sao từ thời
đầu kháng chiến, đồng chí Trường Chinh muốn các nhà văn nghệ sĩ thừa
nhận văn học là tuyên truyền.
Tất nhiên bài báo của Lenin viết khi đảng chưa nắm chính quyền. Tuy
vậy, Lênin hướng tới xây dựng một nhà nước chuyên chính vô sản. Đã là
chuyên chính vô sản thì tức là sự hạn chế tự do sáng tác. Tính đảng ở
đây là nguyên tắc tổ chức văn học, là tiêu chuẩn đánh giá văn học, và
cũng là tiêu chuẩn để phê bình, xử lí cán bộ, một khi sáng tác của họ
thiếu tính đảng. Nhiều nhà lí luận đương thời đã cố gắng chứng minh là
nguyên tắc tính đảng không mâu thuẫn với tự do sáng tác. Bản thân Lên
nin trong khi khẳng định, mọi sáng tác văn học đều là cái đinh ốc và
bánh xe răng cưa của bộ máy thông nhất do đảng xã hội dân chủ, tức đảng
bôn sê vích sau này, cầm lái, ông đã rào đón, rằng, tất nhiên, không thể
đồng nhất mọi bộ phận với nhau, đối với văn học, báo chí, bộ phận đặc
thù, phải đảm bảo một khoảng không cho tư duy và tưởng tưởng, cho hình
thức và nội dung. Đó là cách nói đẹp, nói ẩn dụ, bóng bẩy, nhưng xét ra
hình ảnh vẫn có ý nghĩa logich rõ ràng không nhầm lẫn vào đâu được. Bởi
vì, cái đinh ốc là cái dùng để vặn cho chặt, cho chết cứng, không được
lỏng lẽo, lung lay được, vì không như thế thì không phải là đinh ốc nữa;
và bánh xe là cái chỉ được xoay xung quanh một cái trục cố định, nó chỉ
được xoay một chiều, theo một mặt phẳng, một hướng, và như thế sự vận
hành hết sức hạn chế, đâu còn tự do. Nếu văn học đặc thù là cái đinh ốc
bằng vàng hay kim cương đi nữa, thì đâu còn có khoảng không bao la nào
cho tư duy và tưởng tượng, hình thức và nội dung? Sau này đồng chí
Trường Chinh của chúng ta lại giải thích rằng, tính đảng thể hiện ở chủ
đề rõ ràng, cách thể hiện rõ ràng, để địch không lợi dụng được. Nhưng
nếu mọi thứ đều đơn nghĩa, rõ ràng cả thì lại đi ngược đặc trưng nghệ
thuật là tính mơ hồ, đa nghĩa. Các nhà văn Việt Nam, với nhiệt tình cách
mạng đã tuân thủ theo nguyên tắc tính đảng đó, nhưng kết quả không được
như ý. Sáng tác của họ cứ sơ lược, giản đơn, thiếu sức sống. Nhà văn
Nguyễn Minh Châu, cuối đời đã ngộ ra, đó là sáng tác minh họa, múa may
trong một cái hành lang hẹp, kết quả là tạo ra những sáng tác nghèo nàn.
Nhà văn Nguyễn Khải cũng ý thức sự hạn hẹp, đơn điệu trong sáng tac của
mình do thiếu cá tính. Ông hình dung đó là sáng tác mà không có cái
tôi. Và cuối đời ông “Đi tìm cái tôi đã mất.” Trong các bức thư của
Trung ương Đảng gửi các Đại hội văn nghệ toàn quốc, luôn có nhận định
văn nghệ ta sáng tác còn sơ lược, thiếu hơi thở cuộc sống. Các khuyết
điểm ấy nảy sinh, theo nhận định chính thống, được cho là do nhà văn cải
tạo tư tưởng chưa tốt và do chưa đi sâu vào đời sống của nhân dân, tức
là thiếu vốn sống, nhưng không ai nghĩ là do tính đảng trói buộc. Theo
tôi, nguyên nhân chủ yếu của sáng tác sơ lược là do sự hạn chế của
nguyên tắc tính đảng, do tuân thủ tính đảng, thiếu tự do sáng tác.
Chính vì như vậy mà từ sau ngày Đổi mới năm 1986, trong các văn kiện
nói chung Đảng ta đều không công khai nhắc lại nguyên tắc tính đảng
nữa. Nhưng tinh thần của nó thì vẫn tồn tại như cũ. Có thể đó là lí do
vì sao chúng ta thiếu vắng các tác phẩm lớn có giá trị tư tưởng và nghệ
thuật. Tất nhiên văn học bao giờ cũng có khuynh hướng, nhưng khuynh
hướng đó cần được hiểu rộng, như chân, thiện, mĩ, khuynh hướng nhân bản,
tinh thần dân tộc, dân chủ, tiến bộ, gắn với toàn xã hội.
Trên vấn đề tính đảng của văn học nghệ thuật chúng ta đã đi qua một
chặng đường dài, từ ngộ nhận, dịch sai, diễn giải khiên cưỡng, cuối cùng
trước thực tế không thể chối cãi đã tự giải thoát khỏi những cách hiểu
xơ cứng, giáo điều, giải phóng cho nghệ thuật. Đó chính là hàm nghĩa của
mấy từ “cởi trói” mà ông Nguyễn Văn Linh đã nói với các văn nghệ sĩ
trong buổi gặp gỡ đầu năm 1987.
14/3/2014