TK Tran
Kể từ khi các nhà cầm quyền Trung Quốc đặt bút phác họa kế hoạch mở
rộng bờ cõi đất nước của họ xuống phía nam, những ý đồ nham hiểm của họ
đã dần lộ ra rõ ràng qua từng bước đi có tính toán kỹ lưỡng. Từ khi một
viên chức Đài Loan đặt bút vẽ ranh giới hình lưỡi bò ở biển Đông năm
1947, qua việc chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa năm 1956, cưỡng
chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, rồi tấn công và chiếm đóng một phần
Trường Sa năm 1988, thì tháng 5.2014 đã đánh dấu một mốc quan trọng
trong kế hoạch của họ qua việc đưa giàn khoan dầu HD-981 ra thăm dò dầu
khí ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cái dã tâm
không thể chối cãi của họ đã hiện hình rõ ràng.
Đứng trước sự kiện đó, dường như là nhà nước Việt Nam vô cùng bối rối
trong cách phản ứng. Sự im lặng của Hội Nghị Trung Ương 9 cũng như
chính sách bất nhất đối với các cuộc biểu tình cho ta thấy điều này.
Từ "toute nation a le gouvernement qu´elle merite" tới "der Fisch stinkt vom Kopf her"?
Joseph de Maistre là một chính trị gia Pháp bảo thủ cùng cực trong
thời cánh mạng Pháp vào thế kỷ 18 đã có những câu nói để đời đại loại
như: "Các đức Giáo Hoàng không bao giờ nhầm lẫn", hay "Trong một thể chế dân chủ không phải là nhân dân làm chủ mà là đồng tiền sẽ làm chủ" (1). Trong một bức thư ngày 15.08.1811, de Maistre viết: "toute nation a le gouvernement qu´elle merite."
(dân tộc như thế nào sẽ lãnh đủ nhà cầm quyền như thế đó) trong một bức
thư gửi Nga Hoàng Alexander I tỏ ý can ngăn Nga Hoàng việc nhà vua dự
tính ban hành một số luật lệ (cải tổ?) cho dân Nga. Ông cho rằng những
điều đó là vô bổ, vì dân Nga không đáng và cũng không có đủ tri thức để
hưởng những luật lệ đó. (2)
Câu nói đó đã được truyền tụng tới ngày nay và trong một chừng mực
nào đó cũng được các nhà cầm quyền Việt Nam đắc ý áp dụng cho nhân dân
khi các lý luận gia nhà nước tuyên bố là trình độ dân trí của dân ta còn
quá thấp nên không đáng thực hành dân chủ. Nói cách khác, nhân dân ta
vốn "thuần" (danh từ dành cho gia súc đã được uốn nắn ngoan ngoãn, như kiểu nói của quan chức trong vụ "cưỡng chế" đất ở Tiên Lãng gần đây), thì sự dẫn dắt bởi các lãnh đạo như kiểu hiện nay cũng là đích đáng, theo cách nghĩ của họ.
Khi lý luận như vậy là nhà cầm quyền đã vênh váo không biết tới nhiệm
vụ của lãnh đạo là phải nâng cao dân trí, thực thi dân chủ từng bước
chứ không phải là ôm Quyền và giữ Lợi cho riêng bản thân. Vô hình chung
nhà cầm quyền đã cho thấy cái vô tài bất lực của họ trong nhiệm vụ dẫn
dắt đất nước đi lên, và rồi ra, họ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước
lịch sử về tồn vong của dân tộc. Châm ngôn Đức có câu "Der Fisch stinkt vom Kopf her"
ngụ ý nói tới cái hay hay cái dở cũng là bắt nguồn từ cấp lãnh đạo, chỉ
huy. Khi cái chóp bu của đất nước đã thối tha như cái đầu của một con
cá ươn thì chúng ta phải làm gì?
Giặc đã vào nhà, ta phải đánh
Nay sơn hà nguy biến nhưng không thể nào chờ đợi gì ở cái chóp bu nhà
nước này. Đây là lúc mỗi người dân ở khắp mọi nơi, ở trong nước hay
ngoài nước, đều phải tham dự vào việc giữ nước. Giặc đã vào nhà, ta phải
đánh. Song, đánh giặc không phải là lúc nào cũng bằng súng đạn. Nhất là
không thể đánh bằng quân sự với một kẻ khổng lồ trang bị vũ khí tới tận
chân răng.
Nhưng: biết người biết ta...
Biết người: Gót chân Achilles của gã khổng lồ Trung Quốc.
Sau thế kỷ 19 của Âu Châu, thế kỷ 20 của Hoa kỳ, đến thế kỷ 21 là đến
lượt Trung Quốc làm bá chủ thế giới. Đó là giấc mơ Đại Hán mà Tập Cận
Bình đã nhắc tới. Mọi động thái của họ đều phục vụ cho ý đồ này. Sau khi
xây dựng một nền kinh tế tiến triển ngoạn mục để phục vụ cho một guồng
máy quân sự vững mạnh, Trung Quốc bắt đầu chủ nghĩa bành trướng bằng yêu
sách biển Đông. Những mưu tính chi phối đất nước Việt Nam trên mọi mặt:
kinh tế, chính trị và cả văn hóa thì họa chăng là chỉ có lú hoặc mù mới
không thấy. Song sức mạnh của Trung Quốc dựa trên một chính thể độc tài
toàn trị, không dựa trên lòng dân. Những bất ổn chính trị từ việc đàn
áp dân tộc thiểu số, khoảng cách giầu nghèo xã hội to lớn, mâu thuẫn
giữa nông dân bị cướp đất với tầng lớp tư bản đỏ sẽ luôn luôn gây xáo
trộn cho xã hội Trung Quốc. Những quan hệ quốc tế với những ràng buộc
trong thời kỳ toàn cầu hóa sẽ trói chân không cho phép Trung Quốc đi
những bước đi ngạo mạn như những đế quốc của thế kỷ 19. Một cấm vận của
Tây phương sẽ làm tê liệt các phương tiện giao thông, các máy bay xuất
xứ từ Mỹ (Boeing) hay Tây Âu (Airbus) phải nằm liệt dưới đất, xe hơi
không thể sản xuất được, nhiều ngành kinh tế sẽ phải ngưng hoạt động vì
thiếu phụ tùng sửa chữa và nhiên liệu. Vết thương ở gót chân Achilles sẽ
tạo phản ứng dây chuyền dẫn tới bạo loạn trong nước làm lung lay nhà
cầm quyền.
Giàn khoan dầu HD-981 được chính người Mỹ thiết kế cơ bản, Trung Quốc
chu toàn bằng những chi tiết máy móc, mà một phần lại được mua ở Tây
phương. Nếu Quốc tế được cảnh báo về ý đồ của Trung Quốc với tham vọng
bành trướng và cướp bóc tài nguyên của láng giềng rồi cấm vận máy móc
thuộc về loại này với Trung Quốc, thì ta đã thắng một trận đánh lớn.
Biết ta: Truyền thống yêu nước và chủ động mặt trận ngoại giao
Chúng ta sẵn sàng chống trả ngoại xâm, truyền thống yêu nước của
chúng ta đã được thế giới biết đến. Nhưng đánh như thế nào là tùy vị trí
và khả năng của mỗi người. Chính những người dân sống ở trong nước mới
thực sự nắm giữ sinh mệnh đất nước. Kiều bào ở nước ngoài cũng đóng góp
được phần của mình. Trong quá khứ những mũi dùi chính yếu của chúng ta
là nhắm vào vấn đề chà đạp nhân quyền của nhà nước Việt Nam. Nhiều đoàn
thể khắp nơi ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã tích cực hoạt động,
hiệu quả đã cộng hưởng, có tác động vào truyền thông, chính giới ở Mỹ và
Âu Châu, từ đó gây áp lực trực tiếp có kết quả lên nhà cầm quyền Việt
Nam.
Tình thế hiện nay với nguy cơ mất nước khiến việc vận động ngoại
giao, đánh thức dư luận nước ngoài về chính sách bành trướng của Trung
Quốc, về sự hung hãn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trở nên
nóng bỏng, quan trọng ngang với việc tranh đấu bảo vệ nhân quyền mà quốc
tế hằng quan tâm. Đây chính là một nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm của
người Việt Nam ở nước ngoài.
Phải cảnh báo cho dư luận thế giới thấy mưu đồ lâu dài thống trị thế giới của Trung Quốc.
Phải cảnh báo rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng nghĩa với sự tàn lụi của Tây phương.
Phải báo động là việc cướp biển Đông của Việt Nam là bước đầu của kế
hoạch táo tợn này ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc ngày nay ở vùng này
cũng chính là bảo vệ Tây phương trong tương lai.
Mục tiêu thì rõ ràng song khó khăn. Nhiệm vụ thì thật nặng nề. Song
không có con đường nào khác và điều đó đòi hỏi sự góp sức của tất cả mọi
người.
Suốt trong bề dầy lịch sử, màu cờ, chế độ chỉ có tính cách giai đoạn,
có thể kéo dài vài chục năm. Quốc gia có thể trường tồn, song cũng có
thể bị mất nước, nếu không biết vận dụng sức để giữ nước. Trong lịch sử
thế giới, đã có biết bao nhiêu dân tộc mất nước phải lang thang sống nhờ
trên đất nước khác. Dân tộc Việt Nam cũng có thể bị số phận này, nếu
không biết đoàn kết triệu người như một.
Không thể bỏ qua bất cứ một người nào, không thể bỏ phí bất cứ một
khả năng nào. Ở hải ngoại, các tổ chức phải chấm dứt những hành động hay
ngôn ngữ chống đối nhau từ mọi bên. Những mâu thuẫn cần phải được gạt
bỏ để đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.
Hội nghị Diên Hồng ngày xưa thành công vì không có cờ vàng cờ đỏ, chỉ có dòng chữ sát thát xăm trên cánh tay toàn dân.
T.K.Tran