Jonathan Đ. London - Vũ Quang Việt
Những hỗn loạn và bạo lực bùng nổ ở Việt Nam cách đây hai tuần đã hút
sự quan tâm của thế giới khỏi các nguyên nhân căn bản của căng thẳng
giữa Trung Quốc và Việt Nam, và thật ra là giữa Trung Quốc và khu vực.
Về bản chất, chúng xuất phát từ yêu sách vô căn cứ pháp lý của Bắc Kinh,
đòi chủ quyền đối với hơn 80% biển của khu vực, và từ ý đồ của Bắc Kinh
nhằm áp đặt tính chính đáng cho các yêu sách đó thông qua các biện pháp
vũ lực.
Trên bình diện quốc tế, việc Bắc Kinh cho quân đội canh giữ giàn
khoan dầu khổng lồ của họ trong vùng biển tranh chấp được hiểu là một
hoạt động mang tính chính trị, nhằm thay đổi hiện trạng ở Đông Á. Còn
đối với Việt Nam, hành động của Bắc Kinh buộc giới lãnh đạo Việt Nam
phải suy nghĩ lại một cách cơ bản về tầm nhìn chiến lược của họ – một
công việc vừa nguy hiểm vừa mang lại cơ hội. Hiện tại, lãnh đạo Việt Nam
đối mặt với ba thách thức.
Thách thức thứ nhất là dọn dẹp và tái thiết, để giải quyết và vượt
qua những hậu quả còn tồn đọng của các cuộc bạo loạn hai tuần trước. Rất
cần phải nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính xác của vụ hỗn loạn vẫn chưa
được xác định, và trên thực tế, nguyên nhân đó có vẻ khác nhau tùy theo
ba nơi xảy ra biến cố. Cũng cần phải lưu ý rằng bạo loạn xảy ra ở ba
tỉnh chứ không phải 21, như nhiều nơi đã đưa tin sai. Chết
chóc, thương tật, và thiệt hại như xảy ra đã không có lợi chút nào cho
hình ảnh Việt Nam. Và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng áp lực,
thông qua các biện pháp chính trị, kinh tế và quân sự, cũng vậy.
Liên quan đến các vụ bạo loạn, khó khăn lớn nhất của Hà Nội là mở
rộng điều tra và đưa ra được một cách giải thích rõ ràng về nguyên nhân
gây bạo loạn, tiến hành bồi thường nhanh chóng, và bằng mọi cách cần
thiết, thể hiện cho toàn thế giới thấy tại Việt Nam vẫn sẽ là một môi
trường đầu tư hấp dẫn. Người ta có thể hy vọng là những việc làm cụ thể
theo hướng này đang được tiến hành.
Căn bản hơn, người dân Việt Nam đang đối diện với những quyết định về tương lai của đất nước.
Trên thực tế, có hai nhóm câu hỏi khác nhau nhưng có liên quan đến
nhau. Thứ nhất là nhóm các câu hỏi về những chiến thuật mà Việt Nam nên
sử dụng để đáp lại lối hành xử của Bắc Kinh. Thứ hai là nhóm các câu hỏi
về tầm nhìn chiến lược xa hơn của Việt Nam, các mối quan hệ và các điều
kiện mà nước này cần để có thể sống trong hòa bình, thịnh vượng, và an
ninh trong những năm tới và thập kỷ tới.
Việc Hà Nội phản ứng với Bắc Kinh một cách thận trọng và thăm dò là
điều có thể thấy trước, khi mà sức mạnh của hai bên không cân xứng và
thực tế là Việt Nam hiện tại không có đồng minh. Có quá ít lựa chọn,
lãnh đạo Việt Nam cho thấy – ngày càng rõ ràng hơn – rằng họ không chấp
nhận các yêu sách của Trung Quốc, và họ sẽ phản ứng chỉ bằng các biện
pháp ngoại giao và pháp lý. Mặc dù mọi nước đều có quyền tự vệ, nhưng
Việt Nam đã đúng khi nhấn mạnh yêu cầu phải tránh đối đầu quân sự. Quân
sự hóa xung đột sẽ chỉ gây ra thất bại.
Hà Nội đã kiềm chế mọi đột phá về ngoại giao và theo quan điểm của chúng tôi, Hà Nội nên tiến hành ba bước sau đây:
1. Trước tiên, Hà Nội nên đề nghị Tòa án Quốc tế về UNCLOS ra một
phán quyết rằng mọi cấu trúc tự nhiên trên biển Hoa Nam đều là đá và như
vậy thì chỉ được hưởng 12 hải lý lãnh hải. Trong trường hợp đó, phần
biển còn lại trong khu vực (trừ các vùng đặc quyền kinh tế – EEZ – của
các nước) sẽ đều có quy chế của biển quốc tế. Yêu sách của Bắc Kinh, cho
rằng quần đảo Paracel [tức là Hoàng Sa trong tiếng Việt] (mà họ chiếm
đóng trái phép) xứng đáng có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý chắc chắn
sẽ bị tuyên vô hiệu lực. Điều đó có nghĩa là, các đảo thuộc quần đảo
Paracel mà hiện tại đang bị Bắc Kinh kiểm soát sẽ đều chỉ có lãnh hải 12
hải lý, và việc triển khai giàn khoan dầu tuần trước và tuần này sẽ là
bất hợp pháp.
2. Thứ hai, Việt Nam nên tham gia vụ kiện của Philippines, kiện
đường 9 đoạn, dựa trên căn cứ rằng không thể có vùng nước lịch sử nào
cả, trừ phi đó là một cái vịnh; mọi yêu sách về chủ quyền trên biển đều
phải đặt cơ sở trên đất.
3. Thứ ba, Hà Nội nên xem xét hủy bỏ tất cả các yêu sách đối với
những cấu trúc đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và
Malaysia, và ngồi vào bàn đàm phán, thỏa thuận với các quốc gia ASEAN
khác cũng có yêu sách chủ quyền, để công nhận chủ quyền đối với những
cấu trúc đá mà hiện tại các nước đó đang nắm giữ. Căng thẳng trên biển
Hoa Nam chưa hề có dấu hiệu giảm bớt. Hà Nội và Manila có thể hiện ra
rằng họ muốn hữu nghị với Trung Quốc đặt trên cơ sở tôn trọng, hợp tác,
tuân thủ các điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế. Hà Nội và Manila nên
đi trước để làm gương, và nên ngay lập tức giải quyết tranh chấp giữa
chính họ với nhau, đồng thời tìm cách kết nối với Malaysia, Indonesia và
các đối tác khác.
Quay trở lại với chuyện tương lai của Việt Nam. Việc căng thẳng gia
tăng trên Biển Đông của Việt Nam đã gây ra một loạt diễn biến, buộc Hà
Nội và thật ra là toàn thể người dân Việt Nam phải đánh giá lại tầm nhìn
chiến lược của nước mình. Rất nhiều người ở Việt Nam tin rằng cách bảo
vệ đất nước tốt nhất là thoát Trung, bằng cách tiến hành những cải cách
thể chế “thay đổi cục diện” – vốn dĩ cần thiết để giành được sự ủng hộ
của khu vực và quốc tế. Những cải cách đó bao gồm cả cam kết thực thi
nhà nước pháp quyền, thực thi các sửa đổi hiến pháp căn bản, và làm cho
Việt Nam phù hợp một cách nhanh chóng và thực chất với các tiêu chuẩn
quốc tế về nhân quyền mà chính Nhà nước Việt Nam đã cam kết.
Mặc dù các bước đi táo bạo đó có thể bị nhiều người cho là bất khả
thi về chính trị, hay nói đơn giản là không thể thực hiện được, nhưng
các bạn hãy dành một phút để nhớ lại rằng, Việt Nam hiện đang đối đầu
Trung Hoa một cách cô độc. Tuy Việt Nam vẫn phải theo đuổi quan hệ hữu
nghị với Trung Quốc, nhưng họ chỉ có thể sống trong an toàn, an ninh,
được thế giới tôn trọng và ủng hộ, mà điều đó chỉ có thể có được nếu các
lãnh đạo và nhân dân của họ xây dựng một tương lai trong đó Việt Nam
được độc lập, tự do, và có một trật tự xã hội dân chủ hơn, minh bạch
hơn. Cũng giống như với Myanmar, thế giới có thể ủng hộ Việt Nam ngay
lập tức.
Điều mà Trung Quốc, Việt Nam, và toàn thể khu vực cần là năng lực
lãnh đạo tốt hơn và có trách nhiệm hơn. Từ Đông Bắc Á cho đến Đông Nam
Á, các nhà lãnh đạo của Đông Á phải phối hợp thúc đẩy hòa bình và trật
tự trong khu vực trên cơ sở hợp tác thay vì hăm dọa.
Giới lãnh đạo chính trị Trung Hoa đã liên tục nói về sự “trỗi dậy
hòa bình” của Trung Quốc. Nhưng chỉ có chính họ phải chịu trách nhiệm về
việc Trung Quốc nhanh chóng bị các nước láng giềng trong khu vực căm
ghét và làm cho Mỹ cũng như các siêu cường khác trên thế giới lo ngại.
Nếu muốn có hòa bình và trật tự ở châu Á Thái Bình Dương, Bắc Kinh phải
áp dụng các chuẩn mực quốc tế, phải từ bỏ đường 9 đoạn vô căn cứ pháp
lý, và phải bắt đầu công việc đàm phán, thương lượng một cách chính trực
hơn. Khi đó và chỉ khi đó, Trung Quốc mới giành được sự tin tưởng và
tôn trọng của khu vực và thế giới.