Nguyễn Tiến Dũng
Và có một tình huống đang xảy ra có thể nằm ngoài sự tính toán
của TQ: đó là cái giàn khoan 981 là ngòi châm làm bùng nổ một cuộc thay
đổi lớn ở Việt Nam. Thay đổi lớn nhất và bất ngờ đối với TQ, đó là sự
thoát khỏi lệ thuộc vào TQ của VN. Khi Liên Xô sụp đổ, ĐCS VN trong lúc
hoang mang sợ sụp đổ theo đã chạy sang TQ cầu cứu với hội nghị Thành Đô…
TQ có lẽ chắc mẩm rằng lần này cũng vậy, với cái vòng kim cô đeo trên
đầu VN cũng sẽ chỉ yếu ớt phản đối rồi thôi, đâu sẽ lại vào đấy… Bởi
vậy, phản ứng mạnh của VN lần này có lẽ là bất ngờ lớn với TQ.
Giàn khoan HD981 của TQ không phải tự dưng xuất hiện, mà nó nằm
trong một kế hoạch lấn chiếm dần Biển Đông mà TQ đã và đang thực hiện từ
nhiều năm nay. Theo tính toán kỹ lưỡng của TQ, Việt Nam đang ở thế
nhược tiểu cô lập sẽ chẳng làm được gì đủ mạnh để chống cự lại, còn thế
giới thì đang bận bịu nhiều vấn đề khác để mà quan tâm đến chuyện tranh
giành nhau giữa hai “anh em cộng sản” này.
Tuy nhiên, dù ai có tính toán giỏi đến mấy cũng không thể tính hết
tất cả các tình huống có thể xảy ra. Và có một tình huống đang xảy ra có
thể nằm ngoài sự tính toán của TQ: đó là cái giàn khoan 981 là ngòi
châm làm bùng nổ một cuộc thay đổi lớn ở Việt Nam.
Thay đổi lớn nhất và bất ngờ đối với TQ, đó là sự thoát khỏi lệ
thuộc vào TQ của VN. Khi Liên Xô sụp đổ, ĐCS VN trong lúc hoang mang sợ
sụp đổ theo đã chạy sang TQ cầu cứu với hội nghị Thành Đô. Kết quả là từ
thời điểm đó cho đến nay, VN đã trở thành một thứ chư hầu của TQ, lệ
thuộc vào TQ một cách toàn diện, về cả chính trị lẫn kinh tế. Sự lệ
thuộc đó khiến VN dù có muốn cũng không dám làm gì mếch lòng TQ, các
phản đối đều yếu ớt, các đàm phán với TQ đều ở thế bất lợi.
TQ có lẽ chắc mẩm rằng lần này cũng vậy, với cái vòng kim cô đeo
trên đầu VN cũng sẽ chỉ yếu ớt phản đối rồi thôi, đâu sẽ lại vào đấy.
Trên thực tế, trước vụ HD981, TQ đã xua đuổi thành công các nhà thầu lớn
nước ngoài muốn vào thăm dò khai thác dầu khí với VN ở vùng EEZ của VN,
mà VN im thin thít không hề dám đưa ra công luận. Bởi vậy, phản ứng
mạnh của VN lần này có lẽ là bất ngờ lớn với TQ. Có thể nói là TQ đã
“già néo đứt dây”, khiến VN bắn ra khỏi quĩ đạo của TQ. TQ sẽ không rút
giàn khoan vì nếu rút thì chính quyền sẽ mất mặt ở trong nước. Nhưng VN
cũng không “nhũn như con chi chi” như các lần trước được nữa, vì nếu thế
chính quyền cũng sẽ mất hết chút tin tưởng còn lại trong nhân dân. Hệ
quả là VN không còn đi theo TQ được nữa, dù TQ có đe dọa “trừng phạt
kinh tế” đến đâu.
Rõ ràng, trong nội bộ ĐCS VN có một phe bảo thủ khá mạnh, và phe đó
lo sợ là nếu không bám vào TQ thì tương lai của ĐCS VN sẽ lung lay (việc
lo sợ đó tất nhiên rất có lý). TBT Trọng đã xin nói chuyện với lãnh đạo
TQ, nhưng việc lãnh đạo TQ từ chối không thèm nói chuyện là một cú trời
giáng với ông Trọng và phe thân TQ. Giá như chính quyền VN có thể ỉm vụ
HD981 đi, như đã từng ỉm vụ đảo Gạc Ma, thì có lẽ ông Trọng đã được nói
chuyện. Nhưng thời đại internet càng ngày càng khó ỉm các thứ. Khi nhân
dân biết đến HD981, thì làn sóng chống TQ dậy lên trong cả nước VN và
cả cộng đồng VN ở hải ngoại, và làn sóng này khiến cho phe bảo thủ với
chính sách “hòa hoãn với TQ” bị thất thế. Trong khi đó, phe cơ hội của
đ/c X, với những phát biểu mạnh mẽ chống TQ, đã làm mủi lòng được nhân
dân và thắng thế trên mặt trận tuyên truyền. Thậm chí, đến cả ban tuyên
giáo bây giờ cũng phải gọi những người lính VNCH chết trong trận hải
chiến ở Hoàng Sa là những người đã anh dũng hy sinh để bảo về chủ quyền
của VN. Nếu các trận “choảng nhau nội bộ” như là “phê và tự phê” gần đây
bất phân thắng bại, thì trong “trận TQ” này phe bảo thủ rõ ràng là thất
bại, và như vậy có thể hình dung là các nhân vật bảo thủ sẽ bị tước dần
quyền lực, thay vào đó là các nhân vật cơ hội chủ nghĩa. Đấy là điểm
thứ nhất trong bước ngoặt của VN.
Điểm thứ hai là sự chuyển hướng của VN về phía Mỹ. Nếu sau khi Liên
Xô sụp đổ, VN phải quay sang lấy TQ làm chỗ dựa, thì ngày nay đến lượt
quan hệ ảo tưởng “16 chữ vàng” sụp đổ, thì VN phải quay sang đâu đó làm
chỗ dựa. Nhìn quanh chỉ có Mỹ là đủ mạnh và ngỏ ý có thể giúp VN chống
lại TQ. Tất nhiên phe Mỹ không phải chỉ có một mình nước Mỹ, mà còn có
cả NATO, Nhật Bản, và một số nước ASEAN như Philippines cùng đi theo. Có
thể tính là từ năm 2014, kẻ thù đế quốc Mỹ trước đây bỗng nhiên lại trở
thành anh bạn vàng (hay kim cương) của VN. Nhiều nhà lãnh đạo VN từ bấy
lâu nay cũng đã hiểu rằng, chỉ có Mỹ mới cứu nổi VN thoát khỏi “chủ
nghĩa thực dân mới” của TQ. Mỹ cũng đã đánh hơi thấy đây chính là cơ hội
vàng để nhảy vào chiếm ảnh hưởng ở VN. Nếu như trước đây, VN liên tục
rêu rao Mỹ là đế quốc xấu xa ra sao, thì bỗng dưng gần đây, những tin
như Mỹ cấp cho quân đội của VN một ít tiền lại trở thành tin vui, tin
tốt đẹp được tung hô trên các báo đảng.
Điểm thứ hai kéo theo điểm thứ ba, đó là việc bắt buộc phải cải tổ
bộ máy một cách cơ bản. VN trong con mắt của Mỹ vẫn đang là một “chí
phèo” rất không đáng tin cậy. Các chỉ số ở VN đều cho thấy điều đó: tham
nhũng vào loại nhất thế giới, chế độ độc đảng phi dân chủ trái ngược
hẳn với các chế độ ở các nước tiến bộ, không có tự do ngôn luận, bắt bỏ
tù bao nhiêu người vì chính kiến của họ, v.v. Tất cả những cái đó sẽ
phải thay đổi, và thay đổi càng nhanh thì mới càng tiếp cận được với thế
giới đại đồng hơn. Bởi vậy, cái dàn khoan trời đánh có khi chính là cú
hích lớn cho sự dân chủ hóa ở Việt Nam.
Từ thời sụp đổ của Liên Xô, các nước khác nhau đã chọn các con đường
khác nhau. Trong đó, các nước Đông Âu như Ba lan đã đi theo con đường
tiến bộ, dân chủ hóa. Người ta đánh giá rằng 25 năm qua chính là 25 năm
hoàng kim nhất trong lịch sử 1000 năm lại đây của Ba Lan: kinh tế phát
triển nhanh và vững vàng, xã hội tươi đẹp lên, trong những năm tới sẽ
trở thành một nước có thu nhập ngang bằng mức trung bình của châu Âu.
Việt Nam thì cũng phát triển, nhưng theo kiểu “tư bản đỏ” và lệ thuộc
vào TQ, sự phát triển đó là một sự phát triển kiểu trọc phú không bền
vững và để lại bao hậu quả nghiêm trọng, vì nó phá hủy rất nhiều thứ:văn
hóa, môi trường, sức khỏe, xã hội, … Đã đến lúc VN không thể tiếp tục
mô hình đó nữa, mà cần phát triển dựa trên các nền tảng mới, minh bạch
và dân chủ.
Về lâu dài, sự dân chủ hóa ở Việt Nam không có hại, mà là cũng có
lợi cho TQ. Bản thân TQ, ngoài chuyện “tham ăn” trong quá trình phát
triển ra, thì cũng muốn được trở thành một nước văn minh, không phải là
để thế giới ghê sợ và thù ghét, mà là để thế giới yêu quí tôn trọng. Hy
vọng rằng đó là kịch bản tốt sẽ xảy ra trong thực tế!