Phan Văn Song
Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 27/05/2014, giàn khoan 981 của họ sẽ dời sang vị trí mới ở toạ độ 15°33.38' N và 111°34.62'E (lưu ý 111 độ 34.62 phút chứ không phải 111 độ 34 phút 62 giây như một vài báo đưa tin – phút viết dưới dạng thập phân). Theo Google Earth thì vị trí mới cách đảo Lí Sơn khoảng 142 hải lí (trước là 119 hải lí), cách ranh ngoài của vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khoảng 57 hải lí. (xem bản đồ)
Như vậy, việc di chuyển này không làm thay đổi tình trạng Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam vì giàn khoan 981 vẫn còn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Lưu ý rằng vị trí mới cách đảo Tri Tôn (mà họ chiếm của Việt Nam bằng vũ lực hồi năm 1974) khoảng 25 hải lí và cách đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa (mà họ tự tuyên bố năm 1996) khoảng 17 hải lí. Do đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng lập luận cũ để biện bạch cho việc đặt giàn khoan rằng vị trí này nằm trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa mà họ có chủ quyền. Cách lập luận của họ có thể làm cho số đông công chúng không có điều kiện theo dõi luật lệ, lịch sử cũng như các hiểu biết về thực tế các đảo trên biển Đông dễ tin rằng việc làm của họ là chính đáng, hợp pháp. Chẳng hạn, họ như họ nhấn mạnh khoảng cách khá gần của giàn khoan với đảo Tri Tôn, làm người nghe dễ bị thuyết phục rằng giàn khoan nằm trong vùng biển được hưởng của đảo này vốn đang do họ quản lí. Nhưng sự thực, theo những nghiên cứu về địa pháp lí thì đảo Tri Tôn không thể là một đảo theo nghĩa của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) mà chỉ là đảo đá. Tức là nó chỉ có lãnh hải 12 hải lí, không có EEZ lẫn thềm lục địa (CS). Do đó, dù ở gần đảo Tri Tôn nhưng giàn khoan vẫn nằm ngoài vùng biển mà đảo này có thể được hưởng theo UNCLOS, chưa kể đảo đó là do họ chiếm bằng vũ lực như đã nêu.
Hoặc Trung Quốc cũng nói rằng đảo Tri Tôn là một điểm cơ sở thuộc đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa. Điều khiến người nghe có thể suy rằng giàn khoan sẽ nằm trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa được hưởng theo luật quốc tế. Tuy nhiên, đường cơ sở thẳng của quần đảo Hoàng Sa (đa giác màu hường trong bản đồ trên) do họ tuyên bố không theo quy định nào trong Công Ước LHQ về luật biển (trong Công ước chỉ có quy định đường cơ sở vẽ theo cách này cho các quốc gia quần đảo như Philippines, Indonesia…), chưa kể tới việc họ dùng vũ lực để chiếm nó từ Việt Nam hồi năm 1974. Vì đường cơ sở này có vấn đề nên khó nói tới lãnh hải, EEZ hay thềm lục địa của toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Do đó, nói vị trí giàn khoan (cũ lẫn mới) nằm trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa dù theo nghĩa là lãnh hải (chắc chắn không được vì quá 12 hải lí đối với đảo Tri Tôn và đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa) hay EEZ hoặc CS chỉ là nói bừa.
Một vài học giả Trung Quốc cũng đưa thêm luận điệu là giàn khoan nằm trong EEZ của đảo Phú Lâm vì vị trí mới cách đảo này 88 hải lí (< 200 hải lí). Trước nhất, cần lưu ý rằng đảo Phú Lâm nằm trong tình trạng tranh chấp, và ngay cả khi chủ quyền đảo này thuộc Trung Quốc thì cũng còn nhiều lỗ hổng trong lập luận đó. Dù đảo Phú Lâm là lớn nhất, có diện tích khoảng 200 ha nhưng nó không có nước ngọt, phải nhờ vào việc tích trữ nước mưa và nước ngọt đưa từ Hải Nam tới để sinh hoạt. Do đó, khó có cơ sở để cho rằng nó có thể ‘duy trì được sự cư trú của con người và có đời sống kinh tế riêng’ để được hưởng quy chế đảo như quy định trong điều 121 UNCLOS. Lưu ý thêm rằng tỉ lệ khoảng cách từ vị trí mới của giàn khoan tới đảo Lí Sơn so với khoảng cách từ đó đến đảo Phú Lâm là 142:88 (tức vào khoảng 1,6:1). Tỉ lệ này bé hơn nhiều so với tỉ lệ mà các toà án quốc tế hay các hiệp định đã dùng để điều chỉnh trung tuyến phân chia EEZ chồng lấn cho tới nay (ví dụ tỉ lệ 3:1 trong vụ Nicaragua kiện Colombia, hoặc tỉ lệ 4:1 trong hiệp ước phân giới vịnh Bắc bộ cho trường hợp đảo Bạch long Vĩ của Việt Nam – đảo này có diện tích tương đương đảo Phú Lâm và hơn nữa lại có nước ngọt tại chỗ). Do đó, ngay cả khi đảo Phú Lâm đúng là đảo theo nghĩa của UNCLOS thì theo các cách phân chia như vừa nêu và kể cả nguyên tắc công bằng trong luật về EEZ và CS năm 1998 1 của chính Trung Quốc thì EEZ của nó cũng không thể vươn hơn 88 hải lí. Tức là, lập luận cho rằng vị trí (cũ lẫn mới) của giàn khoan nằm trong EEZ của Phú Lâm cũng không có cơ sở trong luật 2 lệ quốc tế.
Để ý rằng từ khi bắt đầu vụ đặt giàn khoan trái phép đến nay họ chưa dùng đường lưỡi bò để bào chữa cho hành vi ngang ngược của mình. Đây là điều có thể hiểu được vì đường này vốn bị công luận thế giới phản đối. Hơn nữa, nếu dùng đường lưỡi bò làm cơ sở chắc chắn họ sẽ bị các nước ASEAN có tranh chấp trong biển Đông như Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia… cùng lên tiếng phản đối. Đó là điều thất lợi cho họ, đấu đá với một mình Việt Nam dễ hơn nhiều.
Họ cũng chưa dùng EEZ của đảo Hải Nam để bào chữa cho việc đặt giàn khoan dù nó cách đảo này dưới 200 hải lí. Có lẽ họ thấy rõ nếu dùng cơ sở này thì công chúng dễ phát hiện là Trung Quốc đã không đảm bảo nguyên tắc công bằng khi giành EEZ quá xa 183 hải lí cho vị trí cũ (hay 190 hải lí) so với 119 hải lí (hoặc 141 hải lí) phía Việt Nam. Do đó, họ dễ bị công chúng phản đối hơn.
Tóm lại, dù giàn khoan 981 ở vị trí nào thì Trung Quốc cũng đã xâm phạm vào EEZ của Việt Nam theo luật và lệ quốc tế cũng như chính luật của Trung Quốc. Tức là, vẫn không có biến chuyển gì theo hướng tích cực từ phía Trung Quốc trừ khi họ rút giàn khoan ra xa khu vực quần đảo Hoàng Sa về phía bên kia trung tuyến giả định (màu xanh sậm trong bản đồ trên).
Phan Văn Song
____________________________________________________________
____________________________________________________________
1 Đoạn 3 trong Điều 2 của luật này nêu: “Các yêu sách mâu thuẫn liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các nước có bờ biển đối diện hoặc liền kề sẽ được giải quyết, trên cơ sở luật pháp quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc công bằng (người viết nhấn mạnh), bởi một hiệp định phân định cho các khu vực yêu sách đó.”
2 Điểm 1 Điều 74 của UNCLOS nêu: “Việc hoạch định ranh giới EEZ giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diên nhau được thực hiện bằng con đường thoả thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Ðiều 38 của Quy chế Toà án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng (người viết nhấn mạnh).”