Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Cuộc khủng hoảng không lối thoát ở Venezuela

Rodrigo Pardo, Project-Syndicate
Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
BOGOTA – Venezuela hiện đang lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng với các cuộc biểu tình trên đường phố lây lan nhanh chóng trên toàn quốc.
Tổng thống Nicolás Maduro dường như bắt đầu bị mất kiểm soát tình hình – giữa lúc ông sử dụng cả hai cách mạnh mẽ chống lại người biểu tình lẫn nỗ lực bắt đầu các cuộc đối thoại với phe đối lập chính trị. Trong khi đó, phe đối lập hiện đang bị chia rẽ trầm trọng và cũng không có khả năng nắm quyền kiểm soát. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng Hai, nước này đã có hơn 40 người thiệt mạng, gần 650 người bị thương và khoảng 2.000 người bị giam giữ.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Venezuela vụt lên mức cao nhất trên thế giới, hàng hóa cơ bản đang bị thiếu hụt trầm trọng và tội phạm đường phố đã tăng cao đến mức chưa từng có. Và thay vì giải quyết những vấn đề này, Maduro – người vừa hoàn thành năm đầu tiên trong cương vị tổng thống – đã lên án các cuộc biểu tình là một phần trong kịch bản đảo chính chính phủ của ông.
Đảng của ông Maduro hiện đang kiểm soát tất cả ba ngành của chính phủ cũng như hầu hết các phương tiện truyền thông lớn trong nước, và không có cuộc bầu cử sắp tới nào có thể phá vỡ những bế tắc và giải quyết vấn đề tranh giành quyền lực đang ngày trở càng tồi tệ hơn. Mặc dù có những dấu hiệu bất mãn trong các lực lượng vũ trang nhưng kịch bản đảo chính có vẻ như vẫn còn xa vời – và chắc chắn khó có thể chứng minh.
Nhưng chính phủ của ông Maduro dường như không loại bỏ bất kỳ cơ hội nào. Cho đến nay đã có ba tướng không quân bị giam giữ, phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đang bị kiểm duyệt chặt chẽ. Thậm chí, các quan chức chính phủ còn cắt cả nguồn cung cấp giấy in báo và chỉ dành riêng nguồn này cho những người ủng hộ chính phủ.
Người dân Venezuela, không giống như phần lớn các phương tiện truyền thông quốc tế đến đây để ghi nhận về tình hình đất nước của họ, đã quen với thuật hùng biện mang tính kích động từ các nhân vật lãnh đạo chính trị. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay hẳn khác xa vì nó phản ánh sự chia rẽ đã trở nên quá rõ ràng kể từ cái chết của người lãnh đạo tiền nhiệm của ông Maduro, tức Hugo Chávez. Maduro, người mà ông Chávez đã tự tay chọn ra để tiếp tục cương vị này, chỉ giành chiến thắng mỏng manh trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Tư năm 2013 với đối thủ Henrique Capriles Radonski, một nhân vật tràn đầy năng lượng và trẻ trung.
Tuy nhiên, hy vọng về sự thay đổi kể từ đó đã bị thu nhỏ lại. Chính phủ đã giành được chiến thắng lớn trong một số cuộc bầu cử địa phương và khu vực hồi cuối tháng Mười hai nhưng Maduro đã thất bại trong việc phát triển các ý tưởng và chính sách cần thiết để chấm dứt bạo lực đường phố và nạn tê liệt chính trị. Và mặc dù Maduro đã cố gắng che dấu nhiều vụ đấu đá nội bộ trong đảng của ông nhưng vị trí tổng thống mà ông đang nắm giữ cũng rất mong manh. Tuy vẫn còn mới đối với công việc và gặp nhiều vấn đề về kinh tế lẫn chính trị, ông Maduro vẫn chưa chứng minh cho các đảng viên của ông rằng ông là một người kế nhiệm xứng đáng của Chávez.
Về phần mình, phe đối lập đã học được bài học thất bại từ cuộc đảo chính hồi năm 2002. Họ đã kiên nhẫn xây dựng một liên minh có khả năng cạnh tranh trong các cuộc bầu cử, một lĩnh vực trước đây bị chi phối bởi đảng của ông Chávez. Kết quả là phe đối lập đã đạt được số chiến thắng trong các cuộc bầu cử khu vực cũng như giành được sự tin cậy trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Nhưng các đối thủ của ông Maduro vẫn bị chia rẽ về hướng đi sắp tới. Capriles muốn những người biểu tình chơi theo các quy tắc hiến pháp, trong đó sẽ mất rất nhiều thời gian và có lẽ là ít hiệu quả hơn đối với việc giải tán chính phủ. Ngược lại, hai nhà lãnh đạo biểu tình, Leopoldo Lopez và María Corina Machado, muốn hạ bệ chính phủ một cách nhanh chóng hơn. López hiện nay đang ở trong tù, trong khi Machado đã bị tước ghế quốc hội vì đã lên tiếng chỉ trích chính phủ trước một phiên họp của Tổ chức các nước châu Mỹ (Organization of American States – OAS).
Phản ứng của OAS, tương tự như các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài, cho đến nay đã không mang lại nhiều hiệu quả. Chính phủ Venezuela đã ra lệnh cấm một ủy ban thuộc bộ trưởng ngoại giao do OAS gửi vào nước này để đánh giá cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Liên minh các quốc gia châu Mỹ, nhóm có quan điểm khá thân thiện hơn với chính phủ của Maduro, đã kêu gọi đối thoại với phe đối lập qua một sứ giả của Đức Giáo Hoàng Francis (người đã từng gặp cả hai nhân vật Maduro lẫn Capriles) và các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước Colombia, Brazil và Ecuador làm trung gian. Các cuộc họp đầu tiên giữa đại diện chính phủ và phe đối lập đã phần nào giúp giảm nhẹ căng thẳng nhưng không ai hy vọng sẽ có một giải pháp dứt khoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có nhóm hoặc quốc gia nào trong khu vực sẵn sàng nhập cuộc. Colombia và Hoa Kỳ đều có những lợi ích riêng mà họ muốn bảo vệ, bất chấp quan điểm khó chịu đối với chủ nghĩa độc đoán ngày càng gia tăng của chính phủ Maduro. Brazil muốn tránh can thiệp giữa lúc việc này có thể không mang lại cho họ lợi ích rõ ràng nào trước mắt. Các thành viên của Liên minh Bolivia châu Mỹ, một tổ chức khu vực được thành lập bởi Chávez, đều có lợi ích từ nguồn dầu ở Venezuela hoặc quá thân với chính phủ.
Điều này buộc chính phủ và phe đối lập tự chống trả lẫn nhau, với tất cả sự trả giá chính trị, kinh tế lẫn mạng sống người dân liên quan đến cuộc khủng hoảng này đều không có cuộc kết thúc rõ ràng nào trong những ngày tới.
__________
Rodrigo Pardo là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Columbia và hiện là giám đốc tin tức tại đài truyền hình RCN ở Columbia.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"