Lê Ngọc Tú
Trong khi diễn biến ngoài biển Đông vẫn căng thẳng leo thang, TQ cho
điều thêm tàu đến khu vực giàn khoan 981, ngư dân VN bị tấn công…, người
Việt trên khắp thế giới biểu tình chống TQ, thì viện cớ các cuộc biểu
tình phản đối TQ trong tuần ở các tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai...
bị biến dạng thành bạo động, đập phá, gây rối, thậm chí có án mạng, “thủ
tướng VN yêu cầu người dân không biểu tình trái pháp luật”. Thông điệp
được đưa ra chính thức và dày đặc trên báo chí và hệ thống tin nhắn.
Chiều ngày 18/05/2014, báo dantri đưa tin “Trên toàn quốc không diễn ra biểu tình”. Thực ra đã xuất hiện các cuộc biểu tình ở quy mô nhỏ ở Hà Nội, Sài Gòn song bị chính quyền Việt Nam dùng sức mạnh giải tán.
Người VN trên khắp đất nước, cũng như trên mạng sống trong những cảm xúc hỗn loạn và chia rẽ.
Người tham gia biểu tình và người dân VN lại được chứng kiến hành
động bắt giữ và đàn áp “không ôn hòa”, “đầy bạo lực” của lực lượng vũ
trang. Họ tự hỏi có cần phải thế không? Lực lượng bên an ninh quá đông
và dày đặc. Số lượng người tham gia biểu tình đã chứng minh rằng người
dân rất nghe lời chính quyền. Vậy, chính quyền có thể làm như tuần
trước, chiếm lấy sân khấu, cùng lên tiếng phản đối TQ, cho phép hoạt
động diễn ra một thời gian ngắn, sau đó nhắc lại những cảnh báo và nguy
cơ bạo động trên, và kết thúc cuộc biểu tình trong ôn hòa.
Nguy cơ bạo động trong các cuộc biểu tình của công nhân ở các khu
công nghiệp là một điều tương đối dễ hiểu, khi chúng không được chính
quyền tổ chức, tồn tại mâu thuẫn giữa công nhân VN và công nhân TQ, cũng
như giới chủ TQ. Những nguy cơ đó là cảnh báo trực tiếp và cần được
kiểm soát đối với chính quyền VN, cũng như người dân VN. Song vì thế mà
ngừng các hoạt động chân chính thể hiện lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền
dân tộc thì xét ra thật hèn! Một đất nước có thể im lặng đến như vậy,
sau một loạt hoạt động quá khích, đã khó hiểu. Một chính quyền có thể
cấm cản thành công một hoạt động chân chính như vậy bằng bạo lực trong
bối cảnh cần tinh thần yêu nước và dư luận đồng thuận của nhân dân còn
có vẻ khó hiểu hơn.
Sự chia rẽ trong dư luận lớn lên. Người ta không biết có nên đi biểu
tình hay không. Biểu tình hay tuần hành hay gì đi nữa, là hoạt động đám
đông, đều có nguy cơ bạo động. Đấy là lý do mà trong các cuộc biểu tình ở
các nước tự do, hình ảnh lực lượng vũ trang, công an vẫn xuất hiện,
nhưng đóng vai trò người bảo vệ. Người ta không đi lần này, vậy có nên
hay không đi lần sau? Vì nguy cơ đó luôn tồn tại, cho dù chính quyền có
cho phép hay không cho phép nó. Và chính quyền đã cấm, nghĩa là họ tự ti
với cái khả năng bảo vệ của mình.
Người VN đều hiểu rằng TQ sẽ không lùi bước, họ sẽ không vì chính
quyền VN đã dẹp được cái gai, những cuộc biểu tình, mà họ chấm dứt các
hành động phi pháp. Hoạt động đàm phán song phương, cho dù có mang món
quà nào ra thì TQ cũng sẽ chẳng hài lòng, trừ phi là từ bỏ chủ quyền,
mặc cho TQ bành trướng dã tâm của mình đến đâu thì đến… Nói cách khác,
cuộc chiến này sẽ phải đi đến nước kiện ra tòa án quốc tế… và lúc đó ta
sẽ cần dư luận hơn bao giờ hết, ta sẽ cần một tinh thần quyết tâm và
đồng thuận chống TQ của dân tộc VN hơn bao giờ hết. Sự đàn áp này đã gây
chia rẽ, phân vân một cách không cần thiết.
Trong một bài trên BBC Việt ngữ, “Giáo sư Tương Lai nói ông ‘có chút phân vân’ về cuộc biểu tình vào Chủ nhật ngày 18/5”.
- “Tôi cảm thấy kỳ này nếu mà mình bị khiêu khích và nằm trong kế hoạch
bị giật dây thì sẽ dẫn đến những hệ lụy mà mình không lường được,” ông
nói và cho biết các cuộc bạo loạn này làm ông nhớ đến ‘sự khiêu khích
của chính quyền Trung Quốc cách nay 36 năm để chuẩn bị cho cuộc tấn
công’. Đọc bài này, tôi thiết tưởng, nếu TQ có cái mục tiêu đó, muốn
khiêu khích kiếm cớ và gây chiến, vậy liệu có tránh được. Cớ thì muôn
vàn, nếu nó đã muốn thì anh không tránh được, anh chỉ nên chuẩn bị sẵn
sàng thôi. Hiện nay khi đã được cảnh báo, tôi tin rằng cái mà ta nên làm
là làm quen với trạng thái đó, học cách biểu tình một cách ôn hòa, và
làm người bảo vệ cho hoạt động chân chính của chúng ta.
Hà Nội, 18-05-2014
Lê Ngọc Tú