Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Chuyện biểu tình không thành qua lời kể của những người trong cuộc

Bauxite Việt Nam nhận được ba lá thư sau đây của ba người bạn kể về chuyện bị ngăn chặn không cho biểu tình sáng ngày 18-5 vừa qua.
Ba người không đi biểu tình được nhưng cuộc biểu tình vẫn nổ ra, chứ không phải không có biểu tình như người ta đã hoan hỉ công bố trên báo chí (xem ở đây). Tất nhiên, quy mô cuộc biểu tình lần này rất nhỏ, vì để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang về việc “tuyên truyền, vận động công nhân, người dân biểu thị lòng yêu nước với thái độ đúng mực, bình tĩnh, kiềm chế” (xem ở đây), người ta đã không từ biện pháp nào, kể cả thủ đoạn rất dơ bẩn, như thư anh Tô Lê Sơn đã kể.
Nói như ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (xem ở đây), “Biểu thị thái độ phản đối hành động trắng trợn của Trung Quốc, mình phải tỏ thái độ chứ không thể lặng im được.” Phải kiên quyết trừng phạt những kẻ mượn danh biểu tình để phá phách và hôi của. Nhưng cũng đừng lấy những kẻ đó làm con ngáo ộp để ngăn chặn Nhân Dân không được tỏ lòng yêu nước của mình trước họa ngoại xâm. Đứng trên quan điểm đó, nếu ngày 18/5 vừa qua, người dân tuyệt nhiên không có thái độ gì trước bọn bành trướng Đại Hán, thì nhà nước phải lấy làm lo lắng mới phải.
Bauxite Việt Nam

Thư anh Tô Lê Sơn

Sáng nay, công an dùng cảnh sát khu vực và bốn nhân viên an ninh canh nhà tôi từ sáng. Tôi vẫn cứ đi bộ ra Công viên 30/4, họ chỉ đi theo thuyết phục. Giữa đường, sợ bất trắc tôi bắt xe ôm. Đến Cọng viên 30/4 (góc Phạm Ngọc Thạch - Alexandre de Rhodes) gặp anh Phạm Đình Trọng, Khi ngồi với anh Phạm Đình Trọng luôn có hai ba thanh niên đến bắt chuyện, khuyên về. Anh Phạm Đình Trọng tranh thủ giải thích luôn. Lúc sau họ cho công an giả côn đồ đến gây sự, sỉ nhục mình, chờ mình phản ứng là đánh, gây lộn xộn, giải vào đồn công an, lỡ việc mình. Thằng này chỉ bằng tuổi con, cháu mình, to như hộ pháp. Mình ngồi ghế công viên, nó đứng sát lại, lấy hai chân nó kẹp hai chân mình, đưa dái nó ngang gần sát mặt mình (cách 2-3 tấc). Tôi đội mũ, trên mũ cài huy hiệu phát hành trong đợt kỷ niệm 17.2.2014; huy hiệu có hình hoa sim và dòng chữ "Nhân dân không quên 17-2-1979" bao quanh. Có lẽ khi nhìn thấy huy hiệu trên mũ, hắn đã bị kích động nên túm vào huy hiệu, kéo mũ xuống để vành mũ che mắt tôi, chưa đã, động tác tiếp sau hắn ấn vành mũ vào mặt tôi. Để tránh rơi vào bẫy, tôi đành nuốt nhục, không đếm xỉa gì đến nó. Đây chính là thằng đã cướp băng rôn đám tang Lê Hiếu Đằng (thằng đứng bìa bên phải đang giật băng rôn trong ảnh) cùng với thằng Tuấn trung tá). Sau đó gặp anh Ng Bá Thuận, blogger Lê Anh Hùng. Họ thấy bốn người nên vội vàng dùng mấy chục cả công an, dân phòng, an ninh tách bốn người ra, nhanh quá, bị lôi, kéo, đẩy quay lại không thấy ba ông kia đâu. Họ nói: Đi biểu tình sẽ bị lợi dụng, gây bạo loạn nên sẽ kiên quyết không cho ngồi đây, nếu không chịu sẽ cưỡng bức. Tranh luận lại họ cũng không thèm nghe. Họ quá đông, riêng tôi có đến trên 10 chiến sĩ đứng bao vây. Lọt vào trận địa của họ rồi, họ chọn thời điểm ra tay cũng rất chính xác, nhìn xung quanh toàn công an sắc phục, an ninh thường phục, dân phòng... Không có dân, thua thôi. Tôi đành nói để tự đi về nhà, Trên đường về chúng cử công an khu vực và hai an ninh lẵng nhẵng theo về đấn tận nhà.
Biết là công an theo dõi và lưu trữ nhũng gì mình viết, sơ hở là qui tội hoặc vu vạ, ném đá nên tôi chỉ kể sự thật và chịu trách nhiệm với điều mình viết.

Thư chị Trần Hữu Khánh

Anh Tô Lê Sơn quý mến,
Đồng kính gửi các thân hữu,
Đọc lời tường thuật của anh Tô Lê Sơn về việc bị nhân viên an ninh ứng xử thô lỗ gần như sỉ nhục sáng nay Chủ nhật 18/5/2014, tôi thấy mình quả là may mắn. Vì vậy tôi xin kể lại trường hợp của mình.
…8 giờ sáng, chuông Intercom nhà tôi reo vang. Tôi nhấc máy, ngỡ là bảo vệ chung cư báo có khách lên nhà hay gọi chủ nhà xuống nhận thư, nhưng từ đầu dây kia một giọng nói bắt ngay vào chuyện: “Sáng nay cô có đi đâu không?”. Tôi trả lời có chứ! “Cô đi đâu vậy?”. “Ra quận 1”. “Cô ra đó làm gì?”. Đến đây tôi bèn hỏi lại, cậu là ai mà kiểm tra tôi vậy? Một chút ngần ngừ, cậu ta bảo, con là người gặp cô sáng chủ nhật tuần trước đấy. À thì ra cậu bé xinh trai đã hộ tống tôi đến điểm tập trung biểu tình ngày 11/ 5 đây mà. Cậu ta nói, cô ơi tình hình tuần này căng lắm, thế này thế này…, con khuyên cô ở nhà đừng ra đó cô nhé…
Intercom không cho phép những cuộc đàm thoại dài nên chốc chốc lại ngắt, tôi bèn đi xuống sảnh tầng trệt để nói tiếp câu chuyện. Thang máy vừa mở thì từ trong phòng kỹ thuật sát bên hai cậu đã nhanh chóng lao ra (chắc sợ tôi đào tẩu?!), cả hai đều ăn mặc lịch sự bảnh bao như “hot boy” chuẩn bị đi bát phố ngày cuối tuần. Tôi bảo, tụi con có đọc bài “Bài học lịch sử trên đường phố” cô vừa đăng trên mạng Bauxite Việt Nam không? Trong đó cô hết lời ca ngợi chính quyền Thành phố đã đến lúc hiểu được lòng dân và thuận theo ý dân mà bật đèn xanh cho dân công khai bày tỏ ý chí chống quân xâm lược Trung Quốc. Cô còn cám ơn an ninh đã nới lỏng kiểm soát để cô có thể dẫn con trai mình theo và giúp em nó hiểu bài học thực tế về lòng yêu nước rất ấn tượng ngay trên đường phố. Trên báo chí, cô cũng đọc được lời phát biểu của Thủ tướng, khẳng định biểu tình bày tỏ lòng yêu nước là việc chính đáng mà, giờ lại ngăn cản là sao là sao?! “Cô ơi, bọn xấu cài người vào phá hoại, Bình Dương Vũng Áng bạo động chết người cô biết rồi đó, vì vậy tụi con khuyên cô nên ở nhà…”. Tôi trả lời, vậy thì cô lại càng cần phải đi, ra ngoài đó để giúp công an ngăn chận kẻ xấu chứ!!! Và nếu quả thật trong các cuộc biểu tình có bọn xấu trà trộn kích động nhân dân, thì công an phải tung dày đặc lực lượng chức năng vào, kẻ nào hó hé làm bậy là tóm ngay, điều này cô đã nói với anh Trần Lê Tuấn trước đây rồi. Nay nếu vì sợ kẻ xấu lợi dụng mà công an giữ chân những người yêu nước chân chính, thì hóa ra để mặt đường cho bọn xấu tha hồ tự tung tự tác à??!! Hơn nữa cô thấy lực lượng công an ta nổi tiếng tinh nhuệ và nhanh nhạy, án hình sự hay chính trị gì hễ ra tay phá án là đối tượng sa lưới ngay lập tức, dân hoan hô ào ào, giờ sao không truy bắt bọn xấu mà cứ nhè người tử tế mà canh gác làm gì nhỉ?! Một cậu phản ứng, cô dùng từ “canh gác” là không đúng, tụi con đâu có canh gác cô đâu. Ừ thì “chăm sóc”, được chưa chú, tôi cười xòa xin lỗi và chuyển sang uyển ngữ ấy, cậu ta mới yên bụng..
Tôi bèn tiếp, thật ra nói để tụi con an tâm là sáng nay cô không định đi biểu tình đâu, vì hai lý do: thứ nhất, chân cô vẫn chưa hết đau sau hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ với tốc độ khá nhanh vào Chủ Nhật tuần trước; hôm nay nếu cô có đi thì cũng chỉ hưởng ứng một quãng ngắn rồi quay về mà thôi; thứ hai, quan trọng hơn, sáng nay cô phải đưa con cô đi thi môn Nghề để năm sau cộng vào điểm thi tốt nghiệp cấp 3; đến trường thằng bé đã hơn 9 giờ làm sao mà đi biểu tình kịp! Một cậu bảo, vậy cô ở nhà, tụi con đưa nó đi thi. Tôi không đồng ý, sợ ảnh hưởng tâm lý con mình. Tôi bảo, cô chở em đi, hai đứa con cứ theo sát, được chứ? OK!
Go go go ale ale ale, thế là hai mẹ con hai giỏ xách to đùng, nào bếp ga nào nồi chảo nào chén bát ly tách lọ hoa cùng khăn trải bàn trang trí và thức ăn lỉnh kỉnh lên đường, theo sau là hai nhân viên nọ. Trên đường đi, tôi nhận thấy các con đường Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai… (quanh Nhà văn hóa Thanh niên, gần trường Lê Quý Đôn nơi con tôi học) đều vắng vẻ dù đã 9g.
Đến trường, tôi định vào ngồi trong khuôn viên chờ con thi, vì cháu không xác định giờ làm xong bài, nếu tôi quay về nhà rồi trở lại ngay thì mất công. Nhưng nhà trường không cho vào, các phụ huynh khác cũng đứng chờ ngoài cổng. Hai cậu an ninh sau khi khuyên tôi về nhà không được, bèn rủ tôi đi café. Tôi cám ơn và bảo, lẽ ra cô tranh thủ đi la cà shopping ở quận 1, nhưng để tụi con khỏi lo lắng thì bây giờ cô đến nhà người quen gần đây để chờ đón em cho tiện. Cô sẽ không đi đâu hết, mà cũng trễ rồi, hai đứa yên tâm về đi. Nhưng hai cậu vẫn một tấc không đi một li không rời theo tôi về đường Võ Văn Tần. Tôi vào nhà anh chị nuôi của tôi và ở đó cho đến 11 giờ khi thằng bé con tôi gọi, tôi mới quay về trường đón cháu.
Dắt xe ra cổng, tôi thấy hai chàng kia vẫn còn kiên trì chờ mình. Con hẻm nhỏ không có vỉa hè cũng không một bóng cây, trời thì nắng chang chang, thương cho hai cậu bé mà số tuổi cộng lại cũng chưa bằng tuổi của tôi, đang mồ hôi mồ kê ngồi bệt trước thềm nhà hàng xóm giết thời gian bằng Iphone và Ipad! Tôi tự nhủ, mặt mũi trắng trẻo sáng láng thế kia chắc cũng thuộc hàng con cưng con quý (một cậu cho biết từng là cựu học sinh trường con tôi đang học); các bà mẹ thấy con làm nhiệm vụ mà lê la ngoài đường giữa nắng trưa chắc cũng xót lắm đây!
Trước khi chia tay ở cổng chung cư, tôi nhờ các cậu chuyển lời nhắn của tôi đến các sếp của hai cậu, rằng nếu mấy hôm trước thằng Trung Quốc thấy dân Việt Nam bày tỏ lòng căm phẫn qua các cuộc biểu tình, chúng cũng phần nào “chờn”, chúng thấy rõ dân mình tuy ít tuy yếu nhưng quyết không hèn, thì tuần này biểu tình bị dập tắt là chúng nó mừng lắm lắm đấy, chúng nó vỗ tay nhiệt liệt hoan hô đấy!
…Chuyện an ninh thường xuyên “chăm sóc” anh em mình kể cũng thường tình, tôi không định viết ra câu chuyện này, nhưng hôm nay tôi thấy mình có lẽ may mắn hơn anh Sơn nên xin phép chia sẻ cùng quý thân hữu. Với tôi thật ra lực lượng công an đâu thiếu người tử tế! Cũng có người được cha mẹ giáo dục đàng hoàng và biết lễ phép với người lớn, chứ công an không phải chỉ rặt một lũ vô học đầu trâu mặt ngựa như cái tên toan đưa của quý vào mặt anh Sơn. Hai cậu bé gắn với tôi suốt buổi sáng nay thậm chí có lúc còn tỏ ra mềm mỏng; khi không còn lý lẽ để tranh luận với tôi thì một trong hai cậu đã nhỏ nhẹ nói, “Cô ơi, thôi cô thương tụi con mà ở nhà giùm đi cô”… Có thể các cô bác anh chị cho tôi lạc quan tếu, nhưng tôi vẫn tin vào phần “thiện” trong mỗi con người nấp đằng sau cái vỏ cứng nhắc hành xử vì công vụ, cũng là vì miếng cơm manh áo, và tôi nghĩ chúng ta nên tìm cách khơi dậy cái phần thiện ấy càng nhiều càng tốt, vì đàng nào cũng da vàng mũi tẹt với nhau cả mà.
Chỉ có điều sau sự việc sáng hôm nay, ngẫm lại tôi thấy mắc cỡ quá chừng vì cái bài viết ca ngợi đăng trên trang Bauxite Việt Nam tuần trước. Tôi cũng trách mình đã không tin lời chị bạn khi chiều thứ bảy tôi ghé chơi, chị thì thào, cháu chồng tao làm cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã được điều động sẵn sàng cùng xe vòi rồng sáng mai ra hiện trường đó mày... Tôi bèn tự cú vào đầu mình một phát mà nhủ thầm, cha mạ mình lấy vần “Kh” đặt tên cho mình, chẳng trách nào mình cứ “khờ” suốt đời, hichic! Chẳng trách nào chồng tôi cứ chê tôi dốt, không làm nên trò trống gì! Người ta bảo đàn bà đái không qua ngọn cỏ, óc to bằng trái nho, quả không sai! Già hai thứ tóc trên đầu như tôi mà vẫn nhẹ dạ cả tin, vẫn mãi là “em bé giàu trí… tưởng bở”. Hu hu!!!

Thư anh Kha Lương Ngãi

Lời khuyên bảo - rào chắn từ xa

Theo lời khuyên của cơ quan có thẩm quyền: Cuộc biểu tình sáng 18/5/2014 lên án Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong lãnh hải thuộc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam... nên dừng lại vì “biểu tình yêu nước” sẽ không tránh khỏi bị kích động phá hoại, bạo động, bạo loạn... như ở Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hoá... tuần trước.Vì vậy, hầu hết 54 người trong nhóm ký tên kiến nghị tổ chức biểu tình ngày 11/5/2014 ở TP HCM đã bảo nhau: Chủ nhật 18/5/2014, việc biểu tình lên án Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 vào hạ đặt trái phép trong lãnh hải thuộc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam... sẽ chỉ là “tham gia, quan sát”.
Tuy không hài lòng với lời khuyên đó, nhưng chúng tôi vẫn thể hiện sự thiện chí như vậy (không hài lòng vì biết rằng: Với tham vọng xâm lược ngông cuồng thì giàn khoan Hải Dương 981 của “bạn 4 tốt, 16 chữ vàng” sẽ tiếp tục nằm lỳ ra đó dài dài mà âm mưu gây bạo động, bạo loạn, quấy phá giấu mặt, và đâu có biết đến khi nào cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ngăn chặn được? Nghe theo lời khuyên đó thì cho đến khi nào Nhân Dân ta mới được biểu tình phản đối, lên án Trung Quốc xâm lược???). Thế nhưng, dù tạm chấp nhận chỉ làm người “tham gia, quan sát biểu tình” thôi, tất cả chúng tôi vẫn cảm nhận một sự bất an, bởi có một bầu không khí đe doạ bao trùm. Sự thể như sau:

Lời mời cà phê thân thiện

Vì đoán biết mình sẽ không được yên thân (dù đã có cam kết, hứa hẹn), nên tối 17/5/2014, tôi vẫn phải đi “ngủ lưu vong”. Và đúng như dự đoán, sáng ngày 18/5/2014, mới hơn 6g sáng, anh bạn công an khu vực đã cùng một quý ông lạ mặt và tổ trưởng dân phố đến gõ cửa tìm tôi. Vì tôi đã đi vắng từ đêm 17/5/2014 nên ngay sau đó, anh công an khu vực đã a lô mời tôi đi cà phê để tâm sự! Do dự đoán đúng nên tôi thoát được một lời mời cafê thân thiện.

Lời mời cà phê cưỡng bức

Tránh được lời mời cà phê thân thiện nhờ chủ động tạm lánh qua đêm, 7g sáng ngày 18/5/2014, tôi đạp xe hướng về nhà thờ Đức Bà, vòng vo tìm chỗ gởi xe để từ đó đi bộ vào công viên 30/4 cho kịp giờ hẹn khởi sự biểu tình 8g30, nhưng tất cả các điểm giữ xe đều từ chối giữ xe, nên gần sát giờ hẹn tôi mới tới được ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tại đây, rất không may, tôi tao ngộ với một cô gái an ninh xinh xắn đã từng tiếp cận thân thiện với tôi suốt cuộc biểu tình ngày 11/5/2014. Đang đi bộ, tôi bất ngờ bị một cánh tay choàng qua vai từ phía sau với lời lẽ thật thân thiện: “Chú đi đâu đây, chú quay lại uống cà phê với tụi cháu đi, chú vào đó làm chi vậy...”. À thì ra là cô an ninh bữa trước. Quả thật, kháng cự lời mời thân thiện xen lẫn cử chỉ ân cần mà quả quyết của một cô gái đẹp cộng với sự có mặt cùng lúc của ba cán bộ an ninh nam, tôi thật khó xử, đành phải quay lại với vòng tay thân thiện không rời bờ vai tôi của cô gái với lời mời cà phê – không thể nói khác hơn là hành vi cưỡng bức. Tại quán cà phê, tôi và cô gái an ninh trò chuyện. Quả thật là có sự thân thiện: cô gái an ninh thân thiện để cầm chân, câu giờ tôi; còn tôi thì thân thiện để tỏ rõ thiện chí đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược, phản đối biểu tình bạo động, phá rối, gây nhiễu, làm lẫn lộn trắng đen, chánh tà, gây khó khăn, phức tạp cho các cuộc biểu tình yêu nước sắp tới
Cuối cùng, sau hơn 30 phút “tâm sự”, với sự thúc bách của tôi, cô gái an ninh đồng ý để tôi được đi tiếp tới công viên 30/4 với lời lẽ gây cho tôi thất vọng: “Thôi chú muốn đi thì chú cứ đi, nhưng bây giờ không còn ai ở đó đâu chú ơi!”.

Buôn lậu – Yêu nước

Tưởng là mình đã được tự do, nhưng thật hết sức bất ngờ, tiếp tục đi chưa được 200 mét về hướng công viên 30/4 thì hai xe máy từ phía sau chạy tới đột ngột dừng xe. Bốn thanh niên xuống xe, bủa vây quanh tôi, một người móc tấm thẻ màu đỏ, với vẻ mặt nghiêm trọng căng thẳng ra lệnh: “Chúng tôi là an ninh chống tội phạm thuộc Công an thành phố HCM, yêu cầu được khám xét túi xách của ông...”.
Tôi hơi hốt hoảng trả lời: “Tôi đi biểu tình yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược, tội phạm gì mà phải bị khám xét?”.
Có lẽ kịch bản đã có sẵn, với thái độ mạnh mẽ áp đảo dứt khoát, viên an ninh trẻ tuyên bố: “Chúng tôi có thông tin ông có liên quan một đường dây buôn lậu hàng quốc cấm, yêu cầu ông đưa túi xách để khám xét”.
Lúc đó, thấy xung quanh vắng tanh, tôi thoáng nghĩ nhanh, giữ chặt túi xách, quả quyết: muốn khám xét hãy vào quán cà phê đằng kia (với dụng ý để có nhiều người chứng kiến). Họ đồng ý, nhưng khi vào quán, họ lại đổi ý, gọi xe đưa tôi về công an phường 6 quận 3 làm việc. Tại đây, “tang vật hàng quốc cấm” trong túi xách của tôi được trưng ra chính xác là:
1/ Lá thư dài 29 trang của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ Tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Kiệt gởi Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đề ngày 9/8/1995.
2/ Bài viết dài 21 trang, tựa đề: “Vượt qua khúc quanh của lịch sử” của tác giả Nguyễn Trung.
Quả thật, cách đây không lâu thì hai tài liệu trên đúng là hàng quốc cấm. Ngay cả hôm nay, đối với các ngài “Cộng Sản 4 kiên định” nó vẫn là hàng suy thoái, quốc cấm. Nhưng đối với tôi, đây là tài liệu vô cùng quý giá được viết ra từ trái tim nồng cháy yêu nước, thương Dân, kể cả vẫn còn yêu luôn cả cái Đảng Cộng sản Việt Nam đang lặn ngụp trong đầy rẫy lỗi lầm do căn bệnh độc tài, độc quyền... gây ra.
Vì đã trót nghĩ về Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Trung với tình cảm, niềm tin như vậy, nên đêm 17/5/2014, trong khi buộc phải “đi ngủ lưu vong”, tôi vẫn quyết định mang nó theo đọc lại để tự bồi bổ kiến thức, hâm nóng tinh thần cho mình góp phần cho cuộc biểu tình ngày mai 18/5/2014. Và chính vì vậy mới xảy cái chuyện khám xét hàng quốc cấm mà tôi đang kể ra.
Xin trở lại công việc khám xét, xử lý việc lưu giữ hàng “quốc cấm” mà tôi là đối tượng tại Công an phường 6 quận 3. Tại một phòng riêng, tôi được mời ngồi đối diện với hai cán bộ an ninh của Sở Công an TP. Hàng quốc cấm là hai tài liệu như kể trên được đặt trên bàn trước mặt tôi cùng với một “tờ tự khai”. Được yêu cầu phải tự khai, tôi trả lời: “Tôi không có gì và không có trách nhiệm khai cái gì hết, cần gì các anh hỏi tôi đáp”. Thế là cuộc “thẩm vấn” bắt đầu với sự xưng hô có chút thay đổi.
Người thẩm vấn: “Tài liệu này ở đâu chú có, chú lưu trữ và mang theo đây để làm gì?”.
Tôi trả lời: “Ngẫu nhiên được thấy trên Internet, tôi đọc thấy người viết đích thực là người yêu nước, thương Dân, kể cả cũng rất yêu cái Đảng Cộng sản Việt Nam với vô vàn tội lỗi mà hai ông cũng là người đã có góp phần. Đặc biệt, hai ông đánh giá rất đúng tình hình suy thoái, khủng hoảng toàn diện của đất nước, chỉ ra đúng nguyên nhân gốc rễ của suy thoái, khủng hoảng, vạch ra hướng đi đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển văn minh, dân chủ, tiến bộ của thời đại... Vì nhận thức như vậy, nên tôi luôn tích cực tìm cách quảng bá cho nhiều người được đọc tài liệu của hai ông. Hôm nay, may mắn tôi vô tình làm cho các anh tiếp xúc với hai tài liệu này tôi rất mừng và mong sao các xếp của các anh và cấp càng cao hơn nữa được đọc, tôi càng phấn khởi”.
Người thẩm vấn: “Chú lưu trữ và quảng bá tài liệu không qua kiểm chứng như thế, chú có dám chắc đó là tài liệu của nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Trung không?”.
Tôi trả lời: “Vì đã từng biết danh tiếng con người, nên khi được đọc nội dung của hai ông viết tôi hoàn toàn tin”.
Người thẩm vấn: “Chú có thấy trang đầu của bức thư của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nói đây là tài liệu tuyệt mật không? Và như vậy chú có biết chú đã vi phạm pháp luật không?”.
Tôi trả lời: “Về hình thức thì tài liệu đã đưa lên mạng Internet thì không còn là tài liệu mật nữa. Trong trường hợp cụ thể này, người viết xuất phát từ tấm lòng vì Dân vì nước, không sợ nhọc lòng, không sợ hiểm nguy nên đã viết thì tôi là người quảng bá cũng xuất phát từ tấm lòng như vậy thì nếu có bị buộc tội, bị trả giá tôi cũng đành chấp nhận”.
Cuộc khám xét, thẩm vấn về việc tôi có liên quan đến đường dây buôn lậu hàng quốc cấm bỗng nhiên bị quên lãng ngay từ đầu đến cuối. Cuối cùng, biên bản làm việc đã chuyển hẳn sang việc tôi lưu trữ hai tài liệu như kể trên và được kết luận một cách thoải mái nhẹ nhàng vui vẻ.
Vậy thì: Buôn lậu hay yêu nước đã rõ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"