Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

HD 981 gây vạ cho giới đầu tư Ðài Loan, Nam Hàn, Nhật

Hà Tường Cát
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) - Một số trường hợp bạo loạn xảy ra trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại các xí nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã gây chấn động trong giới kinh doanh quốc tế

Ngày 15 Tháng Năm, Bộ Trưởng Kế Hoạch- Ðầu Tư Bùi Quang Vinh đã ký văn bản gửi tới các đại sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, giải thích về việc người lao động tự phát biểu tình phản đối Trung Quốc. Theo ông, việc này đã bị kẻ xấu xúi giục, trà trộn, giả danh công nhân gây kích động dẫn tới nhiều hành vi manh động, bột phát, gây ra những tổn thất về tài sản cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, gây hoang mang cho cộng đồng các nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ông Vinh cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc, chính quyền các cấp của Việt Nam hết sức chia sẻ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước các cấp của Việt Nam đã có các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc, không để sự việc tiếp tục diễn biến và lan rộng. Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh cam kết sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Ảnh hưởng cả Wal-Mart và Target

LI & Fung Ltd., tổ hợp phân phối hàng hóa lớn nhất thế giới với doanh số $20 tỷ/năm, hôm Thứ Năm nói rằng tình hình biến động ở Việt Nam có ảnh hưởng tới họ, nhưng hy vọng chỉ trong một chừng mực giới hạn. Li & Fung Ltd, trụ sở trung ương đặt tại Hồng Kông, là đại công ty chuyên cung cấp hàng hóa cho các hãng bán lẻ toàn cầu bao gồm Wal-Mart Stores, Target Corp.. Toys “R” Us, Circle K...

Việc sản xuất ở nhiều xưởng tại Việt Nam sẽ phải đình trệ ít nhất là một tuần lễ sau vụ người biểu tình chống giàn khoan HD 981 đốt phá hàng trăm cơ sở của các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam, nơi cung ứng khoảng 7% hàng cho Li & Fung. Nhiều công ty trong đó có Formosa Plastics Group và hãng giầy Yue Yuen Industrial Holdings LTD phải đóng cửa xưởng, trong khi một số xưởng khác bị triệt hạ gần như hoàn toàn.

Chủ Tịch William Fung của tổ hợp nói với các phóng viên: “Chúng tôi hiểu rằng bạo loạn như thế rất ít có, và may mắn là hiện nay chính quyền đã ổn định được an ninh trật tự.” Theo lời Tổng Giám Ðốc Bruce Rockowitz thì hãy còn quá sớm để tính những phương án khác, kể cả việc phân tán sản xuất đến các quốc gia như Trung Quốc và Bangladesh. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng hoạt động sẽ chỉ bị gián đoạn trong ít tuần chứ không phải là ít tháng. Nếu sự trì trệ kéo dài cho tới Tháng Sáu hay Tháng Bảy thì sẽ có ảnh hưởng nhiều đến các thân chủ của chúng tôi và hầu hết là ở Hoa Kỳ.

Các công ty Ðài Loan bị tổn thất nặng nhất

Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lời ông Bob Hsu, quản lý trưởng của công ty Great Super Enterprise, Ltd. có các nhà máy dệt may ở tỉnh Ðồng Nai, kể lại: “Những công nhân biểu tình không lựa ra quốc tịch của của các nhà máy, họ chỉ nhìn vào biển tên của công ty 'có ký tự bằng tiếng Trung', trong đó bao gồm cả tên nhà xưởng của các doanh nghiệp Nhật và Nam Hàn.” Ông Hsu nói: “Tôi đã đề nghị cảnh sát địa phương bảo vệ công nhân,và chúng tôi đã đưa nhân viên ra khỏi khu vực. Vì lo lắng, tôi đã phải xóa tất cả ký tự tiếng Trung trên logo.”

Từ chiều Thứ Ba cho đến sáng Thứ Tư, khoảng 20,000 người biểu tình trong đó một số gây bạo loạn tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương và Ðồng Nai.

Theo tin của BBC, ông Trần Bách Tú, chủ nhiệm Văn Phòng Kinh Tế và Văn Hóa Ðài Bắc tại Sài Gòn, cho biết: “Một số công ty, xưởng máy đã bị phóng hỏa và một số khác bị những người bạo loạn cướp phá. Những người này phá phách mọi thứ, họ gào thét, đập vỡ cửa sổ, xông vào lấy hết đồ đạc.”

Ông Trần kể tiếp: “Sáng nay tôi tới Bình Dương, gặp gỡ các lãnh đạo công ty Ðài Loan và tới một số khu công nghiệp để chứng kiến những gì xảy ra. Trên thực tế có thể thấy tình hình rất tệ. Vào lúc này không ai có thể nói được mức độ thiệt hại là bao nhiêu nhưng con số sẽ là rất lớn.”

Theo lời ông Trần: “Có một nhà máy thậm chí còn quá sợ hãi, không dám quay lại để ước đoán mức thiệt hại của mình. Cá nhân tôi đã chứng kiến có những nhà máy bị thiêu rụi hoặc bị phá hủy.” Và ông cho rằng: “Người Ðài Loan đang rất lo sợ, tính chuyện rút hết về Ðài Loan.”

Cuộc biểu tình lúc đầu nhắm vào các cơ sở thuộc chủ sở hữu Trung Quốc, nhưng ông Trần cho biết tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Ðồng Nai không có nhiều công ty thuộc chủ Trung Quốc, mà hầu hết các nhà đầu tư là từ Ðài Loan.

Phóng viên BBC từ Ðài Bắc tường thuật bộ trưởng Ngoại Giao Ðài Loan, ông Lâm Vĩnh Lạc (David Lin) cho báo chí hay vào sáng 14 Tháng Năm rằng theo thông tin của họ thì “tại cuộc biểu tình của người Việt Nam ở tỉnh Bình Dương, có chừng hai vạn người tham gia và khoảng hai nghìn công an viên đã không kiềm chế được họ. Chỉ sau khi quân đội được điều đến thì tình hình mới được ổn định.”

Việt Nam là một trong những quốc gia Ðông Nam Á mà doanh nghiệp Ðài Loan đầu tư nhiều vốn nhất. Chỉ đến cuối năm 2012, kim ngạch đầu tư tại Việt Nam từ Ðài Loan là $27 tỷ, đứng hàng thứ nhì, sau Nhật.

Nhà máy của các công ty Ðài Loan ở Việt Nam đã tạm ngừng hoạt động, mà theo ông Trần Bách Tú “thực ra không phải là ngưng hoạt động, mà nói chính xác ra là bị phá hủy, không thể hoạt động được.” Ông nói có một người quốc tịch Ðài Loan bị thương nhẹ và hơn 200 người khác lánh nạn tại một khách sạn phía Nam Bình Dương.

Phản ứng của Ðài Loan

Theo lời Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh có khoảng 400 cơ sở kinh tế Ðài Loan bị những người bạo loạn triệt hạ, còn theo Bộ Kinh Tế Ðài Loan có ít nhất 100 xưởng của Ðài Loan bị cướp phá và 11 bị thiêu rụi. Từ hôm Thứ Tư, ở phi cảng Tân Sơn Nhất, đông đảo hành khách Ðài Loan và Trung Quốc đợi lấy vé máy bay rời khỏi Việt Nam.

Nội các Ðài Loan hôm Thứ Năm thành lập một toán đặc nhiệm để ứng phó với tình trạng sau cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia của Tổng Thống Mã Anh Cửu. Thủ Tướng Jiang Yi-huah tuyên bố chính quyền sẽ mau chóng đưa công dân Ðài Loan trở về nước khi nào tình hình đòi hỏi. Tại Việt Nam có khoảng 40,000 doanh gia Ðài Loan và gia đình họ. Bộ Ngoại Giao Ðài Loan cho biết hai hãng hàng không đã đồng ý tăng thêm chuyến bay với máy bay lớn hơn đến Việt Nam.

Chính quyền Quốc Dân Ðảng có những động thái này sau khi nhiều nghị sĩ Quốc Hội lên tiếng phê phán rằng chính phủ của Tổng Thống Mã luôn luôn ứng phó chậm trễ với các trường hợp khẩn trương.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Kirt Chantharith nói có khoảng hơn 600 người, được coi là người Hoa, chạy qua Cambodia bằng đường bộ từ Sài Gòn đến Phnom Penh. Phát ngôn viên này cho biết những người vượt biên giới đi bằng xe bus và taxi, ông không rõ họ là doanh nhân hay khách du lịch nhưng thái độ tỏ ra rất lo sợ.

Văn phòng cơ quan du lịch Ðài Bắc hôm Thứ Năm bác bỏ lá thư xin lỗi do Tổng Cục Du Lịch Việt Nam gởi đến với đề nghị doanh nhân và du khách Ðài Loan vẫn có thể đến Việt Nam bình thường. Ông Chang Hsi-tsung, phó giám đốc cơ quan du lịch Ðài Loan, nói rằng không thể đồng ý với nội dung của văn thư đó vì an ninh là căn bản cho du khách. Theo ông, du khách Ðài Loan sẽ không thể tới Việt Nam khi chưa có sự bảo đảm an toàn.

Ông Chang cho biết hiện có 854 du khách Ðài Loan ở Việt Nam nhưng tất cả đều ở miền Bắc là nơi có an ninh. Cơ quan du lịch Ðài Loan đã công bố báo động vàng ở Sài Gòn và báo động đỏ ở hai tỉnh Bình Dương và Ðồng Nai.

Các hãng du lịch ở Hồng Kông cũng đã hủy bỏ các chuyến du lịch có hướng dẫn đi Việt Nam.

Tờ Jakarta Globe ở Indonesia trong bài xã luận hôm Thứ Năm có đoạn viết: “Các cuộc bạo loạn chết người tại Việt Nam là một lời cảnh báo cho các lãnh đạo Ðông Nam Á và Trung Quốc rằng không có con đường nào khác trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Ðông ngoài cách đối thoại nghiêm túc, chân thành. Chúng tôi lên án các vụ tấn công người Trung Quốc tại Việt Nam và đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải bảo vệ các công dân nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kêu gọi Trung Quốc mở cuộc đối thoại và chấm dứt việc bắt nạt các quốc gia láng giềng bé nhỏ.”

Trung Quốc không tỏ phản ứng rõ rệt

Hôm Thứ Tư, 14 Tháng Năm, sự việc trầm trọng hơn vì đã có tổn thất nhân mạng, xảy ra tại nhà máy thép Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh. Theo các tin tức truyền thông trong và ngoài nước có hai người chết, đều là dân Trung Quốc hoặc Ðài Loan, 149 người bị thương và 56 người bị bắt.

Ðại diện ngoại giao của Ðài Loan ở Việt Nam nói với hãng tin Mỹ AP rằng ít nhất một công nhân Trung Quốc thiệt mạng và 90 người khác bị thương sau khi những người biểu tình bạo loạn tấn công nhà máy thép thuộc sở hữu của Tập Ðoàn Formosa - nhà đầu tư Ðài Loan lớn nhất tại Việt Nam.

Cuộc bạo loạn diễn ra vào chiều Thứ Tư và sáng sớm Thứ Năm. Hàng trăm người đã xông vào bên trong nhà máy trước khi quân đội và công an can thiệp,

Theo phản ánh của truyền thông trong nước, cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm Thứ Tư với sự tham gia của hơn 1,000 công nhân đã bắt đầu khá ôn hòa. Tuy nhiên, đến 3 giờ chiều, xô xát xảy ra khi đoàn người diễu hành đến trước cổng nhà máy Formosa. Một số người dân quá khích đã đập hỏng hai xe ca, theo báo Tuổi Trẻ.

Nguồn tin của BBC từ Hà Tĩnh cho biết tình hình sau đó đã mất kiểm soát và lực lượng an ninh đã rơi vào thế bị động. Khi đoàn biểu tình đến trước nhà máy thì bắt gặp các công nhân Trung Quốc đi từ trong nhà máy ra. Hai bên đã có lời qua tiếng lại với nhau, dẫn đến xô xát, bất chấp sự can ngăn của những người quản lý. Tuy nhiên, các công nhân cũng phản ánh lại là những người trực tiếp đánh đập các công nhân Trung Quốc không phải là người làm chung với họ.

Cảnh sát cơ động được điều đi kèm với người biểu tình để giám sát tình hình và giúp cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa. Mặc dù vậy, họ không đủ đông để kịp phản ứng trước một cuộc bạo động.

Một nhân chứng thuật lại với BBC những gì ông nhìn thấy từ tầng 5 của ký túc xá công ty vào lúc vụ việc xảy ra: “Nhân viên chúng tôi đã được nghỉ việc từ 2 giờ, buổi chiều thì biểu tình ôn hòa nhưng đến gần tối thì đoàn xe chở công nhân nhà thầu Trung Quốc ra về thì bị đoàn người chặn lại. Họ đập cửa kính xe và đánh đập dã man người Trung Quốc.” Theo lời nhân chứng này: “Sáng Thứ Năm, công an toàn tỉnh Hà Tĩnh đã được triển khai để đảm bảo an toàn cho nhân viên người Việt và chuyên gia Ðài Loan. Một số người Trung Quốc ở các nhà thầu cũng được Formosa cho vào trú ẩn ở các khu ký túc xá kiên cố của nhân viên công ty.”

Tòa Ðại Sứ Trung Quốc tại Hà Nội từ chối bình luận về những diễn biến trên, nhưng cho BBC Tiếng Việt biết họ đang có một “nhóm công tác nhắm giải quyết vấn đề tại chỗ.”

Tờ The Guardian ở Anh, số ra ngày Thứ Năm, so sánh cuộc biểu tình ở Việt Nam với các đợt biểu tình năm 2012 ở Trung Quốc phản đối Nhật vì căng thẳng tại vùng Biển Hoa Ðông. Người biểu tình khắp cả nước đã đập phá các cửa hàng Nhật, phá xe do Nhật sản xuất, trước khi chính quyền ra lệnh cho họ giải tán. Tờ báo này cho biết: “Tuyên truyền của Trung Quốc nay đang kiểm duyệt tin tức về đợt biểu tình ở Việt Nam, theo trang China Digital Times tiết lộ ra. Trung Quốc nói báo chí 'không được đưa tin về các doanh nghiệp có vốn Trung Quốc ở Việt Nam bị người Việt Nam tấn công.'”

Tờ South China Morning Post ở Hồng Kông cho biết dù biểu tình chống Trung Quốc đã lan rộng trên 22 trong số 63 tỉnh ở Việt Nam, nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong buổi họp báo hôm Thứ Năm nói rằng việc khoan dò dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa vẫn tiếp tục. Bà Hoa cũng nói bà “sửng sốt” với những diễn biến ở Việt Nam và lên án Hà Nội toa rập với những nhóm chống Trung Quốc.

Việt Nam tái xác định lập trường cương quyết

Chiều Thứ Năm, Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh điện đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, “một lần nữa yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu đang xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam.”

Ông Minh cũng nói các hành vi “manh động, phá hoại” ở một số nơi tại Việt Nam “là các hành vi vi phạm pháp luật do một số cá nhân lợi dụng tình hình để gây rối, làm mất trật tự, an ninh và an toàn xã hội.” Ông khẳng định Việt Nam sẽ “làm hết mình để tạo mọi thuận lợi và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả người và các doanh nghiệp Trung Quốc.”

Lần đầu tiên phát biểu trước dân chúng về vụ giàn khoan HD 981, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, khẳng định rằng: “Lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam kịch liệt phản đối và áp dụng mọi biện pháp đấu tranh ngoại giao, hòa bình theo luật pháp quốc tế.”

Ông Dũng nói: “Dù quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc không sử dụng vũ lực, và cho đến nay chưa quốc gia nào ủng hộ việc làm sai trái của Trung Quốc, song họ vẫn sử dụng vòi rồng và súng bắn nước, dùng tàu đâm vào tàu thuyền ta. Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư đang kiên cường đeo bám thực địa với mục tiêu đưa giàn khoan Trung Quốc ra khỏi vùng biển của ta. Hiện nước ta đang đóng 30 tàu tốt hơn nữa để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền. Quan điểm xuyên suốt của cúng ta là yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời mong muốn giữ quan hệ hòa bình, láng giềng hữu nghị.”

Về những hành vi kích động, phá phách ở một số các hãng xưởng ngoại quốc đầu tư, ông cho biết đã chỉ thị các các cơ quan chức năng phối hợp thi hành tất cả mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự tái diễn và xử lý nghiêm minh những kẻ vi phạm pháp luật.

Ông Dũng sẽ đến Philippines từ ngày 20 đến 23 Tháng Năm để tham dự Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới Ðông Á 2014 và hội đàm với tổng thống Philippines về tình hình Biển Ðông.

Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam ở Hà Nội, trả lời câu hỏi của một phóng viên rằng Việt Nam có đưa công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc hay không, phát ngôn viên Lê Hải Bình cho biết ngày 7 Tháng Năm, Việt Nam đã cho lưu hành trong Liên Hiệp Quốc công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.

Ông Bình cho biết “không có thông tin Trung Quốc báo động chiến đấu cấp 3” như sự đồn đại. Trước thông tin cho rằng người Việt Nam ở Trung Quốc đang bị trả đũa, ông Bình khẳng định: “Chúng tôi chưa có thông tin như phóng viên nêu lên, nhưng chúng tôi sẽ thông báo thông tin này đến cơ quan đại diện của Việt Nam ở Trung Quốc và đề nghị cơ quan chức năng Trung Quốc có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho công dân Việt Nam.”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"