Bình Lê
Tình hình Biển Đông trong những ngày gần đây trở nên nóng và căng
thẳng đặc biệt. Nếu diễn ngôn của các nhà chính trị, các nhà ngoại giao,
hoặc các nhà nghiên cứu về các xung đột trước đây chỉ là “quan ngại đặc
biệt” thì giờ chuyển qua “đặc biệt nguy hiểm”. Những ngày đầu, Trung
quốc sử dụng tàu chiến, vòi rồng và đâm trực diện vào tàu của Việt Nam
thì hiện nay họ huy động cả không quân vào cuộc và súng đạn luôn để ở
chế độ “sẵn sàng nhả đạn”. Việt Nam sau những ngày đầu kiềm chế thì đã
chuyển qua tự vệ bằng cách sử dụng vòi rồng chống lại tàu của Trung
Quốc. Chính hoàn cảnh này làm rủi ro xảy ra xung đột rất cao.
Ảnh: vị trí đặt giàn khoan của Trung Quốc rất độc vì từ đó có thể kiểm soát toàn bộ bờ biển Việt Nam và các tuyến hàng hải quốc tế (Nguồn: internet)
Theo PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng của Viện nghiên cứu Biển Đông, trước đây
các xung đột trên Biển Đông thường nhỏ lẻ, rời rạc và không gây được sự
chú ý của quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2009 khi Trung Quốc chính thức ra
yêu sách đường lưỡi bò thì tình hình ngày càng xấu đi. Mặc dù không có
cơ sở pháp lý hay lịch sử, Trung Quốc vẫn đang từng bước đơn phương áp
đặt quyền lợi của mình bằng nhiều cách. Thứ nhất, Trung Quốc ra các đạo
luật hành chính cấm đánh cá trong vùng biển lưỡi bò. Trung Quốc ngang
nhiên ngăn chặn, xua đuổi và thậm chí bắt và tịch thu các tầu cá của
Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Thứ hai, Trung Quốc
ra nội luật thành lập thành phố Tam Sa có chức năng hành chính để quản
lý cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việc ra nội luật này rất thâm
độc vì nó xâm chiếm về mặt pháp lý mà chỉ có tự thân Trung Quốc gỡ bỏ.
Thứ ba, Trung Quốc luôn có âm mưu biến vùng biển không tranh chấp thành
có tranh chấp và từ đó độc chiếm. Trung Quốc đang làm điều này ở bãi cạn
Scarborough của Philippines và đặt giàn khoan HD981 ngay trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam.
Để thực hiện điều này, theo TS. Nguyễn Thị Lan Anh của Học viện ngoại
giao, Trung Quốc tự diễn giải điều 121 của Công ước quốc tế về luật
biển theo cách của mình. Theo điều 121, để có vùng đặc quyền kinh tế 200
hải lý thì đảo phải có thềm lục địa, nổi trên mặt biển ngay khi triều
cao nhất, và có điều kiện để con người sinh sống. Đảo Tri Tôn mà Trung
Quốc sử dụng để đòi hỏi chủ quyền 200 hải lý chỉ là một bãi cát ngầm,
không đạt một tiêu chí nào theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc
vẫn ngang nhiên tính 200 hải lý đặc quyền kinh tế để từ đó tuyên bố “có
chồng lấn” với vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam. Từ có
“chồng lấn” họ chuyển sang có “tranh chấp” và từ có “tranh chấp” họ tiến
hành các hoạt động đơn phương, vũ lực để chiếm và áp đặt chủ quyền của
mình. Đây chính là chiến thuật của Trung Quốc hòng chiếm 80% Biển Đông
đã được vạch ra trong đường lưỡi bò.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại tiến hành việc đặt giàn
khoan HD-981 ở vị trí 15°29′58″B 111°12′1″Đ bất chấp sự phản đối của
Việt Nam và cộng đồng quốc tế? Liệu mục đích của Trung Quốc có đơn giản
chỉ là dầu khí không?
Câu trả lời là không. Vị trí đặt giàn khoan HD981 rất chiến lược và
quan trọng về mặt an ninh quốc phòng và vận tải hàng hải. Ở vị trí này,
Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ bờ biển của Việt Nam và kiểm soát
các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Như vậy, việc đặt giàn
khoan ở đây chỉ là động tác đầu tiên của Trung Quốc nhằm duy trì sự hiện
diện một lượng lớn tàu quân sự của mình trong vùng biển này. Về lâu
dài, có thể xây dựng căn cứ quân sự nổi để kiểm soát Việt Nam cũng như
các đường hàng hải quốc tế. Đây chính là động cơ để Trung Quốc chấp nhận
những mất mát có thể về ngoại giao, uy tín của một siêu cường đang nổi,
cũng như những rủi ro an ninh khác.
Về phía Việt Nam, ngoài vấn đề chủ quyền quốc gia cũng như lợi ích
kinh tế, vấn đề an ninh quốc phòng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính
vì vậy, Việt Nam không thể chấp nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc trong
vùng biển của mình. Đây là điểm cốt tử Việt Nam phải giữ vì không ai có
thể chấp nhận đưa chìa khóa cửa nhà mình cho hàng xóm để họ tự tiện hành
xử, cho phép mình ra ngoài hay nhốt mình ở trong nhà.
Chính vì vậy, theo thiếu tướng Lê Văn Cương, dù mong muốn duy trì
tình hữu nghị với Trung Quốc, trong hơn 30 năm qua lần đầu tiên chính
phủ Việt Nam có một phản ứng chính thức rõ ràng, mạch lạc và không chấp
nhận sự xâm chiếm của Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại cuộc họp
thượng đỉnh ASEAN ngày 11 tháng 5 năm 2014, thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng đã
lên án Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông, vạch rõ việc Trung Quốc “vu
khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành
động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.” Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng “cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên
quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp
với Luật pháp quốc tế.”
Việc chiếm đóng của Trung Quốc đã đi ngược lại giá trị nhân loại và
cơ sở pháp lý quốc tế. Nó không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà
còn có hại cho lợi ích của nhiều quốc gia quanh Biển Đông cũng như có
thương mại qua Biển Đông. Chắc chắn cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam
sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ vì Trung Quốc không có cả cơ sở pháp
lý lẫn đạo lý. Theo Tướng Lê Văn Cương, chúng ta sẽ sử dụng mọi biện
pháp hòa bình để đòi lại chủ quyền của mình. Trong bối cảnh nào đi nữa,
thậm chí chiến tranh, lịch sử hàng nghìn năm đã chứng minh sự bất khuất
và sáng tạo của người Việt Nam trong việc “lấy ít địch nhiều, lấy yếu
thắng mạnh”. Nhưng trước hết, chúng ta cần phải đoàn kết, chia sẻ thông
tin và kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế vì hòa bình và phát triển.
Đây chính là cơ sở lâu dài để Việt Nam chiến thắng.
----------------
Bài được tổng hợp từ cuộc "chia sẻ thông tin về Biển Đông" do Liên
hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức ở Hà Nội ngày 13 tháng
5 năm 2014. Để lấy thông tin về Biển Đông phục vụ truyền thông, độc giả
có thể liên hệ với địa chỉ biendongvietnam@vufo.org.vn hoặc eastseavietnam@vufo.org.vn
Bài liên quan