Nguyễn Tiến Trung
Tình hình biểu tình trên toàn quốc đã có bạo động và đã có người
chết. Dù vậy tôi vẫn tin rằng việc tiếp tục biểu tình ôn hòa phản đối
Trung Quốc là cần thiết. Việc này sẽ khiến những người lãnh đạo thân Bắc
Kinh với những “16 chữ vàng”, “4 tốt” phải suy nghĩ lại. Họ cần đồng
hành với nhân dân chống ngoại xâm chứ không phải đồng hành với giặc.
Đến giờ phút này, trong số hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, chỉ có Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng một cách yếu ớt tại hội nghị Asean là
không chấp nhận được. Giặc đang khoan giếng dầu trên vùng biển của Việt
Nam, đó là hành vi xâm lược cướp bóc giữa ban ngày. Kéo cả một giàn
khoan khổng lồ như vậy xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam mà các lực lượng
không quân, hải quân không biết để chặn ngay từ đầu. Tại sao lại như
vậy? Lực lượng tình báo quốc phòng đi đâu hết? Hay chỉ đi canh chừng
những anh chị em dân chủ đang lên tiếng ôn hòa để yêu cầu cải cách xã
hội theo hướng tốt đẹp hơn?
Sự việc mất Gạc Ma năm 1988 và sự việc để giàn khoan khổng lồ của
Trung Quốc vào biển Đông chứng tỏ năng lực kém cỏi, không thể bảo vệ đất
nước của đảng cầm quyền. Ca ngợi những chiến thắng quân sự trong quá
khứ chỉ càng làm nổi bật lên hiện tại cay đắng là lãnh đạo chỉ biết im
lặng. Chỉ có trao quyền làm chủ thực sự lại cho người dân để dân bầu ra
những người lãnh đạo hành động theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân
mới giải quyết được vấn đề, mới đoàn kết được dân tộc, mới có thể chống
ngoại xâm.
Tôi không chủ trương bài người Trung Quốc hay đánh đập công nhân
Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam. Người dân Trung Quốc cũng phải chịu
đựng sự cai trị độc tài tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dân tộc
Trung Quốc cũng phải chịu đau khổ như dân tộc Việt Nam. Việc xâm lược
lần này là do giai cấp thống trị của Trung Quốc tiến hành, không phải là
những người dân bị trị. Tôi nghĩ cần phân biệt rõ điều này.
Vì những lý do trên, tôi tin rằng biểu tình ôn hòa cần phải tiếp tục.
Những lãnh đạo Việt Nam cần thấy rõ ý dân muốn đoạn tuyệt với ý thức hệ
và sự bảo trợ của Bắc Kinh. Hãy làm theo các nước lân cận cũng đang có
tranh chấp với Trung Quốc:
1. Về đối nội: thực sự dân chủ hóa, chấp nhận các tổ chức dân sự, các
đảng đối lập, thực thi báo chí tự do, tiến tới bầu cử tự do và công
bằng càng nhanh càng tốt.
2. Về đối ngoại: liên kết với các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới,
quan trọng nhất là với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước khác như
Nhật, Hàn. Cần lưu ý rằng ngay cả những cường quốc như Nhật, Hàn cũng
phải liên kết với Hoa Kỳ mới đảm bảo được quốc phòng trước sự gây hấn
của Trung Quốc.
Thật ra, không còn con đường nào khác cho Việt Nam. Việc biểu tình ôn hòa sẽ thúc đẩy Việt Nam tiến theo con đường này.