Hầu như mọi người đều đồng ý: dân chủ là một thể chế tốt nhất trong
lịch sử, ít nhất cho đến lúc này. Tốt về phương diện đạo đức: Nó tôn
trọng những giá trị căn bản và phổ quát của nhân loại, trong đó, quan
trọng nhất là sự tự do, bình đẳng và nhân quyền. Tốt về phương diện kinh
tế: Dân chủ phát huy sáng kiến và năng lực của mọi người vốn là những
yếu tố cần thiết cho sự phát triển và ổn định. Và tốt về phương diện
chính trị, cả về đối nội lẫn đối ngoại: được xây dựng trên nền tảng pháp
quyền vững chắc, các quốc gia dân chủ vừa tránh được các cuộc bạo loạn
trong nội bộ vừa tránh được các xung đột vũ trang giữa họ với nhau.
Ngay cả những nhà độc tài hiện nay dường như cũng không phản đối
những điều vừa kể. Họ cũng nói đến dân chủ, cũng tự cho chế độ họ là dân
chủ, dù là một kiểu dân chủ… khác. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, trước
đây, họ vừa tuyên dương dân chủ vừa chủ trương chuyên chính vô sản; sau,
tất cả đều đồng loạt từ bỏ khái niệm “chuyên chính” và chỉ nói đến dân
chủ, dù là dân chủ…xã hội chủ nghĩa.
Ai cũng đồng ý với nhau như vậy. Tuy nhiên lại có một nghịch lý: trên
thế giới, quá trình dân chủ hóa lại rất chậm chạp và đầy khúc khuỷu.
Năm 1991, trong cuốn The Third Wave: Democratization in the Late
Twentieth Century, Samuel P. Hungtington chia làn sóng dân chủ thành ba
đợt: Đợt thứ nhất, mở đầu bằng cuộc cách mạng ở Mỹ vào năm 1776 và sau
đó, cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, dẫn đến việc hình thành của gần 30
nền dân chủ. Đợt thứ hai diễn ra ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ
hai: Ở đỉnh cao của nó, đầu thập niên 1960, có cả thảy 36 quốc gia được
xem là dân chủ. Đợt thứ ba bắt đầu từ năm 1974, thoạt đầu, ở Bồ Đào Nha,
sau, lan ra nhiều quốc gia khác vùng châu Mỹ La Tinh, sau nữa, châu Á
(Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan), và cuối cùng, vào cuối thập niên
1980, các nước Đông Âu với sự sụp đổ toàn diện của chủ nghĩa Cộng sản.
Gần đây, một số nhà nghiên cứu nói đến đợt dân chủ hóa lần thứ tư bắt
đầu với các cuộc cách mạng ở Trung Đông, lật đổ các chính quyền độc tài ở
Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya, v.v..
Điều cần chú ý là: bên cạnh các đợt dân chủ hóa ấy, người ta còn ghi
nhận những đợt thoái trào của dân chủ. Đầu thế kỷ 20, có lúc trên thế
giới có đến 29 quốc gia được xem là dân chủ, thế nhưng, từ đầu thập niên
1920 đến đầu thập niên 1940, với sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít,
số lượng các nước dân chủ bị tuột xuống nhanh chóng, có lúc, chỉ còn
khoảng 12. Trong đợt dân chủ hóa lần thứ hai cũng vậy. Ở cao điểm của
nó, có 36 nước dân chủ; lúc thoái trào, từ đầu thập niên 1960 đến giữa
thập niên 1970, chỉ còn 30. Rồi đợt thứ ba cũng có thoái trào: Ngay
chính Nga, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, dưới thời Vladimir
Putin, lại trở thành độc tài. Và ở làn sóng dân chủ thứ tư, tuy chưa hẳn
đã chấm dứt, sự thoái trào đã thấy rõ trong tình trạng bất ổn định ở Ai
Cập và Libya.
Những làn sóng dân chủ làm giới quan sát vui mừng và phấn khởi bao
nhiêu, những cuộc thoái trào càng làm cho họ hoang mang và lo lắng bấy
nhiêu. Người ta thấy rõ: Con đường đến với dân chủ là một con đường hết
sức gập ghềnh và đầy bất trắc. Chính vì thế, một câu hỏi được nhiều
người đặt ra là: Làm thế nào để xây dựng dân chủ?
Nói đến việc xây dựng một chế độ dân chủ nói chung hay ở Việt Nam nói
riêng, người ta hay nghĩ ngay đến một khía cạnh: bộ máy chính quyền; và
một điều kiện: những người lãnh đạo trong bộ máy ấy phải được dân bầu
một cách tự do và minh bạch.
Tuy nhiên thiết chế và bầu cử chỉ là hai khía cạnh của dân chủ, thậm
chí, chỉ là hai khía cạnh ở mặt nổi. Tự bản thân chúng, cả hai khía cạnh
ấy đều không bảo đảm được dân chủ. Thiết chế chỉ là phương tiện, với
nó, người ta có thể nhắm đến những mục đích khác nhau, có những cách
hành xử khác nhau, có khi hoàn toàn đi ngược lại dân chủ, hơn nữa, chà
đạp lên dân chủ. Bầu cử cũng vậy. Không hiếm chính phủ được ra đời như
kết quả của một cuộc bầu cử tự do, cuối cùng, kết thúc như một chế độ
độc tài vô cùng tàn bạo. Hitler là một ví dụ. Ở Việt Nam, chính phủ đầu
tiên của ông Hồ Chí Minh năm 1946 cũng là kết quả của một cuộc bầu cử.
Thiết chế và bầu cử chỉ có thể song hành với dân chủ với điều kiện
đầu tiên là chúng phải được xây dựng trên nền tảng, và được vận hành
trên nguyên tắc, của một nền pháp quyền (rule of law) vững chắc. Pháp
quyền đặt ra những giới hạn để bảo đảm thiết chế không bị lợi dụng và
bầu cử không bị biến dạng, để người cầm quyền bị kiểm soát và do đó,
biết tự kiềm chế, và để những người bị trị tiếp tục tin tưởng vào hệ
thống, từ đó, tin tưởng lẫn nhau.
Nói như vậy cũng là nói, pháp quyền, thật ra, tự nó chưa đủ bảo đảm
cho dân chủ. Pháp quyền chỉ là nguyên tắc và cái gọi là “pháp” (law)
trong pháp quyền cũng chỉ là một văn kiện và chữ nghĩa, những thứ có thể
được diễn dịch và ứng dụng theo nhiều cách khác nhau. Tuỳ nơi. Tuỳ
người. Bởi vậy, cũng có thể nói, yếu tố quyết định trong việc xây dựng
dân chủ chính là con người.
Nhưng không phải người nào cũng muốn và cũng có khả năng xây dựng dân
chủ. Rõ ràng là có rất nhiều người không hề muốn có dân chủ: những nhà
độc tài và những người ăn theo các nhà độc tài. Độc tài thì chỉ có một
người hoặc một nhóm người, nhưng đám ăn theo độc tài thì có thể rất
đông: Đó có thể là một giai cấp (ví dụ giai cấp quý tộc ngày xưa) hay
một đảng (ví dụ đảng Nazi, phát xít hay Cộng sản). Những người không có
khả năng xây dựng dân chủ thì lại càng nhiều: Đó là những kẻ có căn tính
nô lệ hoặc vô cảm, hoàn toàn hờ hững với mọi chuyện, kể cả thân phận
cũng như cuộc sống của mình và của cả cộng đồng.
Trong cuốn The Rise of Global Civil Society: Building Communities and
Nations from the Bottom Up (Encounter Books, 2008), Don Eberly lặp đi
lặp lại một câu nói mà tôi rất tâm đắc: “Dân chủ được làm cho những
người dân chủ” (Democracy is made for democrats). Trong hai chục năm vừa
qua, Mỹ đã bỏ công, bỏ tiền và bỏ cả xương máu với ý định mang dân chủ
đến tặng cho Afghanistan và Iraq, nhưng ở cả hai nơi, sau các cuộc bầu
cử khá tự do, dân chủ vẫn không, hoặc ít nhất, chưa bén rễ được. Tại
sao? Tại ở những nơi đó vẫn chưa có những người có văn hoá dân chủ.
Văn hoá dân chủ là văn hoá của các công dân (civic culture), của
những người sống và hành xử như những công dân. Một cá nhân có thể là
một cái gì độc lập, nhưng một công dân, tự bản chất, bao giờ cũng là một
thành viên của một cộng đồng, chủ yếu là của một đất nước. Trong ý niệm
công dân, do đó, đã có sẵn hai ý niệm khác: sự liên đới và trách nhiệm.
Biểu hiện của hai ý niệm ấy là sự quan tâm đối với cái chung và hơn
nữa, sự tham gia vào những vấn đề chung.
Xin lưu ý: công dân là một hiện tượng lịch sử khá mới. Xưa, chỉ có
thần dân. Khái niệm công dân chỉ ra đời từ thời hiện đại. Có điều, trong
thời hiện đại, không phải ở đâu người ta cũng tìm cách nuôi dưỡng hoặc
phát triển những phẩm chất vốn gắn liền với ý niệm công dân. Chủ nghĩa
thực dân bao giờ cũng tìm cách chia rẽ dân chúng các nước thuộc địa để
họ không còn nghĩ đến cái chung; hoặc nếu nghĩ, chỉ thấy những cái chung
ấy đều là những thứ đáng bị chối bỏ: chúng là di sản của tình trạng mọi
rợ hoặc bán khai. Các chế độ độc tài theo thần quyền cũng phủ nhận tư
cách công dân, và thay vào đó, họ chỉ vun bồi một nền văn hoá sùng kính
và tuân phục, ở đó, chỉ có, trên cao, các sứ giả và dưới thấp là các tín
đồ. Dưới các chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa cũng vậy, một mặt, với
nguyên tắc “dân chủ tập trung”, người ta thâu tóm hết quyền hành vào tay
một số người và đẩy tất cả những người còn lại vào thế ngoại cuộc; mặt
khác, với chủ trương thần thánh hoá lãnh tụ, người ta biến cái “dân chủ
tập trung” ấy thành một thứ siêu quyền lực, khống chế toàn bộ guồng máy
lãnh đạo, và mọi công dân biến thành “thần dân” chỉ biết cúi đầu vâng dạ
như xưa.
Trong văn hoá dân chủ, ngược lại, công dân luôn luôn cảm thấy mình là
một thành viên của cả cộng đồng, mình chia sẻ trách nhiệm với cộng
đồng, và mình có quyền để thực hiện những điều được chia sẻ ấy. Ý thức
dân chủ, trước hết, là ý thức về quyền; nhưng một ý thức về quyền đúng
đắn và thực sự dân chủ bao giờ cũng gồm hai mặt: quyền của mình và quyền
của người khác. Đối diện với hai loại quyền ấy, người ta vừa biết tranh
đấu lại vừa biết đối thoại, thương thảo, nhân nhượng và thoả hiệp.
Một kiểu văn hoá dân chủ như thế không phải tự nhiên mà có. Hai bài
học lớn nhất Mỹ rút ra được sau khi lật đổ chính quyền Sadam Hussein ở
Iraq là: Một, trong công cuộc xây dựng dân chủ cho một nước, việc thay
đổi guồng máy cai trị chỉ là phần nhỏ; và hai, người ta không thể đem
dân chủ từ nước này sang “trồng” vào một nước khác: Dân chủ chỉ có thể
nảy nở từ bên trong.
Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ luôn luôn có tham vọng
gieo rắc dân chủ khắp nơi trên thế giới vì họ tin đó là lý tưởng lớn và
chính đáng nhất, hơn nữa, đó cũng là phương cách tốt nhất để bảo vệ hoà
bình trên thế giới. Tuy nhiên, Mỹ chỉ thành công được ở hai nơi: Nhật và
Đức. Ở những nơi khác, họ đều thất bại. Vì không hợp… thổ nhưỡng.
Cái gọi là “thổ nhưỡng” ấy chính là văn hoá. Để xây dựng dân chủ, như vậy, trước hết, là xây dựng văn hoá dân chủ.
Văn hoá dân chủ được xây dựng bằng cách nào? Một trong những cách
chính được ghi nhận trong suốt mấy chục năm nay là: xây dựng xã hội dân
sự (civil society).
Nhận định về cuộc Cách mạng Hoa hồng tại Georgia, Tổng thống Mikheil
Saakashvili cho đó là đóng góp của xã hội dân sự tại nước ông. Sự thành
công của Nam Phi trong việc chuyển tiếp từ chế độ phân biệt chủng tộc
sang một chế độ dân chủ cũng được xem là một thành tích của xã hội dân
sự. Fareed Zakaria đề nghị chính phủ Mỹ, khi hoạch định chính sách ngoại
giao, nên xem việc thay đổi chính phủ như là phó sản (byproduct) của xã
hội dân sự. Liên Hiệp Quốc xem xã hội dân sự đóng vai trò trung tâm
trong việc xây dựng dân chủ. (1)
Dĩ nhiên, tự nó, xã hội dân sự, dù phổ biến và mạnh mẽ đến mấy, cũng
không thể làm lật đổ được một chế độ độc tài. Nhưng không có xã hội dân
sự, không có một nền dân chủ nào có thể được xây dựng và vững mạnh cả.
***
Chú thích:
1. Các chi tiết nêu trong đoạn này được trích từ Don Eberly (2008),
The Rise of Global Civil Society: Building Communities and Nations from
the Bottom Up, New York: Encounter Books, tr. 234-7.