Mặc LâM, phóng viên RFA
Hàng ngồi từ trái sang: Ông Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười.
Trong tập hai của Bên Thắng Cuộc mang tên Quyền Bính, trong chương
“Tướng Giáp”, Huy Đức ghi lại lời kể của Trần Quỳnh, trợ lý Lê Duẩn nói
về thành phần bị bắt thời gian này: “Những người không tán thành
đường lối chống xét lại của Đảng, một số cán bộ cao cấp và trung cấp
theo học ở trường Đảng cao cấp Liên Xô và trường quân sự cao cấp Liên Xô
bàn kế hoạch chống lại đường lối của Đảng. Họ lập một nhóm vận động
thành lập một tổ chức lấy việc thay đổi Bộ Chính trị làm mục tiêu. Họ
nhắm vào những người không đồng tình với Nghị quyết 9, trước hết là
những sĩ quan cao cấp trong quân đội và những ủy viên trong Trung ương”.
Thật ra đây chỉ là một mối nhỏ trong guồng chỉ rất lớn của vụ án
chính trị nổi tiếng này. Những người bị bắt, bị lưu đày sau gần 50 năm
vẫn chưa bao giờ được chính quyền chứng minh hành vi kết tội của họ đối
với người bị bắt. Hầu hết nạn nhân của vụ án là người yêu chuộng sự đổi
mới hợp lý khi chủ nghĩa tôn sùng cá nhân bị chỉ trích tại Liên Xô cũng
chính là lúc Lê Duẩn, Lê Đức Thọ muốn củng cố địa vị của họ bằng sức
mạnh theo kiểu Mao Trạch Đông chủ trương.
Nghị quyết 9, sự kết giao nguy hiểm
Nghị quyết 9 cho thấy khuynh hướng theo Trung Quốc và ai không đồng
tình với khuynh hướng này thì bị thanh trừng. Quyền lực sẽ bị lu mờ nếu
hào quang của Tướng Giáp vẫn còn tỏa sáng trên sân khấu chính trị Việt
Nam khiến bằng mọi cách phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ phải thực hiện cho được
sự ám toán ông qua một vụ án chính trị là cách hay nhất.
Ông Hoàng Minh Chính bị bắt đầu tiên, vợ của ông là bà Lê Hồng Ngọc kể lại nỗi gian truân trong thời gian ấy:
“Đang làm người lãnh đạo tập đoàn thanh niên được đảng tín nhiệm
đưa đi học nước ngoài rồi về sẽ cho chức nọ chức kia. Anh tưởng là anh
nói như vậy để giúp đảng nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được gì
hết mà còn bị tù tội. Thời kỳ đó gian khổ lắm vì mang trên đầu các chữ
phản: ‘phản Tổ quốc, phản nhân dân, phản đảng’. Gia đình chúng tôi ở bên
ngoài thì bị mọi người xa lánh, không ai đến, không ai dám hỏi thăm.
Bản thân anh thì hoàn toàn là biệt lập vì cái tội như thế nên cũng nhiều
nỗi đau khổ lắm.”
Những người vợ
Là vợ của một người thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh bà Phạm Thị Tề
không thể chịu đựng nỗi sự im lặng của người từng được gia đình mình
phục vụ. Nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại thái độ gan góc của mẹ mình khi
không chịu vào Phủ Chủ tịch đề nhờ sự can thiệp của ông Hồ Chí Minh:
Nhà văn Vũ Thư Hiên và Blogger Người Buôn Gió tại Paris, ảnh chụp năm 2010. Courtesy Blog Người Buôn Gió.
“Không! Mặc dù bà cụ tôi là người gần gũi ông Hồ Chí Minh ngày
xưa. Lúc ông ấy mới về Hà Nội thì ông ấy rất ốm. Ông ấy lúc bấy giờ bị
lao phổi, ngoài thuốc chữa thì bà cụ tôi phải nấu thức ăn bổ dưỡng để
cận vệ mang vào cho ông ấy. Thế nhưng khi đã bắt ông cụ tôi thì bà bảo
cái người đó không còn tin được nữa thế nên bà cụ tôi không liên hệ. Sau
này tôi gặp ông Hoàng Quốc Thịnh, lúc ấy là Bộ trưởng Ngoại thương ông
ấy nói có một lần ông ấy vào báo cáo với ông Hồ Chí Minh vào giai đoạn
ông cụ tôi bị bắt, ông hỏi là tai sao lại bắt những người như anh Huỳnh,
cả cuộc đời theo cách mạng như thế? Thì ông ấy (HCM) tỏ vẻ ngạc nhiên
hay đóng kịch như là: Tại sao bắt anh Huỳnh? Sao lại bắt?... đại khái
như thế? Đấy là lời ông Hoàng Quốc Thịnh nói với tôi.”
Những người đàn bà không bị bắt còn khổ sở hơn chồng của họ. Bà Lê
Hồng Ngọc kể lại chuyện ba người đàn bà vợ của các ông Hoàng Minh Chính,
Vũ Đình Huỳnh và Đặng Kim Giang:
“Gia đình rất là gian nan khổ sở. Về mặt kinh tế thì không nói
cũng biết rồi, vật chất có gì ngoài củ sắn đâu cho nên tất cả những tem
phiếu có được đều giữ lại bù đắp cho anh ấy. Thăm nuôi tiếp tế thì rất
lâu mới được đi một lần. Trong tình cảnh ấy tôi nghĩ là rất nhiều chị em
như tôi như bà Vũ Đình Huỳnh, bà Đặng Kim Giang. Ba chị em hay đi với
nhau lắm. Chúng tôi lên tận trên trại Bất Bạt, trên ấy xa xôi lắm. Họ
đánh kẻng mới được đi vào, vào thăm mấy tiếng thì phải đi về.”
Theo thư gửi cho nhiều cơ quan chính quyền vào năm 1994, bà Phạm Thị
Tề nhắc lại sau Đại hội VI của Đảng, chồng bà là ông Vũ Đình Huỳnh lúc
ấy đã được thả ra, có thư gửi tới nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt
Nam Nguyễn Văn Linh, một lần nữa yêu cầu ông Linh đưa vụ này ra ánh
sáng. Thế nhưng không riêng gì ông Huỳnh mà tất cả những người bị bắt
hay đã chết, yêu cầu chính đáng ấy không bao giờ được giải quyết.
Sự im lặng đồng lõa
Ông Lê Hồng Hà một trong những nạn nhân của vụ án cho biết:
“Những năm sau này, từ năm 90-91 trở đi họ bắt đầu thấy một số
các vấn đề không thỏa đáng. Thế thì họ có giải quyết theo kiểu những
người bị tù nhiều năm thì tha rồi. Một số các người bị thiệt hại quyền
lợi thì được cho khôi phục lại quyền lợi. Ví dụ một số những ông như Lê
Trọng Nghĩa, Hoàng Minh Chính thì người ta khôi phục lại mức lương khá
khá hơn thôi. Tuy nhiên họ cũng không tuyên bố là sửa sai. Họ sửa nhưng
không tuyên bố.”
Ông Hoàng Minh Chính, người trực tiếp mang tinh thần xét lại từ Liên
Xô về Việt Nam xứng đáng là người tiên phong vì đã đề nghị đảng cộng
sản Việt Nam thay đổi phương hướng trong chính sách của mình nhưng ông
đã phải trả một giá rất đắt cho ý tưởng này. Theo lời thuật lại của vợ
ông là bà Lê Hồng Ngọc, tên thật Nguyễn Thị Thanh Yến cho biết chồng bà
gia nhập đảng cộng sản rất sớm, vào năm 19 tuổi. Người ký giấy giới
thiệu cho ông vào đảng là Lê Đức Thọ và cũng chính ông này ký lệnh bắt
giam Hoàng Minh Chính vào năm 1967.
Ông bị tù cả thảy 11 năm và 9 năm quản chế, khởi đầu từ 1967 kéo dài đến năm 1990.
Hoàng Minh Chính mất ngày 7 tháng 2 năm 2008. Nói về vụ yêu cầu xét
xử những bản án oan sai, trước đó trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự Do
ông nói:
“Từ trước tới nay tất cả những cái đơn kiện của công dân thực ra
họ có trả lời đâu? Mà ở trong nước người ta thường dọi là ‘kiện củ
khoai’. Vấn đề này khi kiện thì đối với phương diện pháp lý nói lên rằng
có những vu khống như thế và tôi yêu cầu tòa án Việt Nam phải đưa vụ án
này ra xét xử. Đấy là nguyên tắc về pháp lý nhưng tin tưởng thì tôi
không hề tin tưởng bởi vì từ trước tới nay họ đều im lặng hết.”
Vụ án xét lại chống đảng có thể là vụ án chính trị cuối cùng và lớn
nhất của đảng Cộng sản Việt Nam tuy nhiên nó sẽ chẳng bao giờ biến mất
hay lãng quên bởi sự lẫn trốn trách nhiệm của những nhân vật cao cấp
nhất trong đảng qua nhiều đời Tổng bí thư. Minh oan và trả lại sự thật
cho các nạn nhân của vụ án là việc làm hoàn toàn có lợi cho đảng.
Mặc dù nếu công khai những sự kiện này ra thì rất nhiều khuôn mặt
đang đứng phía sau hậu trường chính trị khó thoát khỏi sự truy cứu trách
nhiệm trước lịch sử dân tộc, tuy nhiên việc làm này sẽ giúp Đảng cộng
sản được tiếng là dũng cảm, dám nhận trách nhiệm trước dân chúng để bắt
đầu một giai đoạn mới hòa nhập vào dòng chảy dân chủ thật sự với thế
giới.