Ts Vũ Minh Khương
Theo BBC
Ông Vũ Minh Khương, tiến sỹ đại học Harvard và hiện là
giảng viên Đại học Quốc gia Singapore, cũng giải thích lý do tại sao
Việt Nam không thể đạt được những thành tựu như Trung Quốc dù hai mô
hình kinh tế khá giống nhau, giải thích mối liên hệ giữa xã hội dân chủ
và nền kinh tế, đồng thời chỉ ra đâu là hướng đi cho Việt Nam trong
tương lai giữa bối cảnh đầy khó khăn hiện nay.
Chậm tiến vì chiến thắng
Ts Vũ Minh Khương cho rằng VN thua TQ rất xa về tầm nhìn
BBC: Vài thập kỷ sau 'Khai phóng', Trung Quốc đã vươn mình
trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và đang leo lên vị trí ngày
càng cao trên chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia đã trải
qua một quá trình tương tự dưới tên gọi 'Đổi Mới'. Ông đánh giá thế nào
về sự phát triển của Việt Nam so với Trung Quốc trong ba thập kỷ qua?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu cuộc
cải cách khi mà tình thế phát triển kinh tế theo đường lối xã hội chủ
nghĩa không thành công. Cho nên tính tiếp nhận một cuộc cải cách mới là
rất cao trong dân chúng.
Thế nhưng đặc điểm cải cách của hai nước có những khác biệt nhất định.
Ở Trung Quốc họ có một tầm nhìn xa, muốn có một chương trình hiện đại
hóa toàn diện để Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại vào trước
năm 2050.
Việt Nam thì cải cách trên tình thế bí bách, bị Liên Xô cắt viện trợ
và buộc phải tìm con đường đổi mới, cho nên cải cách mang tính chất
thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại.
Hơn nữa, Trung Quốc thì trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa và xây
dựng xã hội chủ nghĩa trước đó thì chưa để lại một thành quả gì mang
tính thuyết phục trong việc nâng cao tính chính danh của đảng mình, cho
nên họ buộc phải tạo nên một thành quả kinh tế kỳ vĩ.
Việt Nam thì có những chiến thắng huy hoàng trong chiến tranh chống
Pháp, chống Mỹ, nên có thể ỷ lại thắng lợi của những cuộc chiến tranh
này để duy trì sự chính danh của mình, cho nên nhiều khi trong cải cách
không triệt để, mà chỉ cốt đủ ăn đủ sống. Điều này tạo ra những khiếm
khuyết rất căn bản cho cải cách sâu rộng ở Việt Nam.
Vì các đặc điểm đó, cho nên lãnh đạo Việt Nam chưa đủ tầm để xác định
một chiến lược kỳ vĩ, chẳng hạn như đưa Việt Nam trở thành một đất nước
hùng cường vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của mình vào năm 2045
mà thường nặng về những xoay sở để đủ tồn tại, bởi lẽ cái chính danh của
quá khứ cũng tạm đủ cho họ tồn tại trong một số thập kỷ tới.
Lợi thế của lạc hậu
BBC: Người Nhật phải mất hơn 40 năm mới có được vị trí hiện
tại trên chuỗi giá trị toàn cầu. Nam Hàn mất 30 năm, trong khi Trung
Quốc chỉ tốn hơn 20 năm. Theo ông yếu tố nào dẫn đến điều này, và nó có ý
nghĩa thế nào với Việt Nam?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Đặc điểm của các nước đi sau đó là phát triển kinh tế rất thuận lợi. Đây gọi là lợi thế của sự lạc hậu.
Khi mình khai thác lợi thế lạc hậu này bằng cách hội nhập nhanh chóng
với thế giới, tiếp nhận công nghệ và kỹ thuật của thế giới để chuyển
hóa vào nước mình, cộng với đầu tư nước ngoài thì có thể rút ngắn được
khoảng cách phát triển rất nhanh.
Tuy nhiên vẫn rất phải coi trọng tiếp nhận kỹ thuật và tri thức công nghệ, chứ không chỉ đơn thuần là tiếp nhận vốn đầu tư.
Trung Quốc họ hơn mình ở cái đó. Họ rất chú trọng vấn đề nhập khẩu kỹ
thuật. Nếu tính về tỷ lệ nhập khẩu kỹ thuật trên GDP thì Trung Quốc đã
vượt Mỹ trong thập kỷ vừa rồi.
Còn Việt Nam hầu như không có số liệu, không coi trọng vấn đề này và
chỉ loay hoay thu hút đầu tư nước ngoài ở bất kể dạng gì, thiếu một tầm
chiến lược xa.
Cho nên ở Việt Nam, có những thành quả trong phát triển kinh tế rất
đáng trân trọng, nhưng để có một tầm trỗi dậy của một dân tộc thì chưa
có.
Dân chủ và kinh tế
Cùng một mô hình, nhưng sự khác nhau về tầm nhìn đã giúp Trung Quốc vượt trội so với Việt Nam?
BBC: Trở lại với câu chuyện thành công của Trung Quốc,
khi Triệu Tử Dương tiến hành cải cách kinh tế, ông tin rằng cải cách
kinh tế phải đi đôi với cải cách về chính trị. Ông có đồng tình với góc
nhìn của Triệu Tử Dương hay không? Và theo ông, một nền dân chủ tác động
tới nền kinh tế như thế nào?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ Triệu Tử Dương có những ý rất
đúng. Nhưng tôi vẫn khâm phục Đặng Tiểu Bình bởi tầm nhìn của ông. Bởi
vì ưu tiên chiến lược là phải biến Trung Quốc thành một cường quốc, các ý
tưởng cụ thể thì có thể tham khảo ở nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên cải cách kinh tế phải luôn đi đôi với cải cách xã hội và
cải cách chính trị thì mới đảm bảo cho kinh tế phát triển lâu dài, còn
những bước đi cụ thể của từng nước thì cái đó là do từng nước quyết
định.
Nhưng tôi nghĩ dân chủ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá
trình phát triển. Nước Nhật từ thời cải cách Minh Trị đã nhận ra vấn đề
đó. Người dân phải có tiếng nói quyết định trong tất cả những vấn đề
trọng đại của đất nước. Có như vậy họ mới gắn bó với công cuộc phát
triển, có như vậy đất nước mới thu hút được nhân tài, có như vậy đất
nước mới trỗi dậy được.
Thiếu dân chủ giống như một đền thờ thiếu ánh sáng, sẽ có nhiều chuột
bọ lúc nhúc trong đó, không thể nào có một sức hút lớn cho một dân tộc,
mà nhất là dân tộc có truyền thống văn hiến lâu dài như Việt Nam ta.
BBC: Nhân nói về dân chủ, ông đã sống và làm vệc ở đây
nhiều năm. Singapore là một nền kinh tế thành công, quốc gia với GDP
bình quân trên đầu người vào hàng cao nhất thế giới. Nhưng mặt khác,
Singapore cũng bị chỉ trích là không có tự do báo chí, không có tự do
biểu tình. Một số ý kiến gọi Singapore là "nền dân chủ kiểu phương
Đông". Ông có bình luận gì về khái niệm "nền dân chủ kiểu phương Đông"
này, và ông có cho rằng đây là mô hình mà Việt Nam muốn áp dụng trong
tương lai không?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Tôi đã sống ở Singapore hơn sáu năm. Từng ngày tôi đều cố gắng ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm và học hỏi.
Singapore không phải là hoàn hảo, nhưng có rất nhiều điều cho Việt Nam học tập.
Cái dân chủ tự do ở trong xã hội châu Á này thì phải hiểu rằng là tạo
cho con người cái tự do phát huy cao nất năng lực của mình. Cái dân chủ
nghĩa là nếu người ta mong muốn làm việc gì đó cho đất nước của mình
thì họ hoàn toàn có quyền lập hội, lập tổ chức, thậm chí trở thành đảng
đối lập hoặc tham gia vào chính đảng cầm quyền.
Cái hay trong xã hội dân chủ ở đây, là đảng cầm quyền - Đảng Hành
động Nhân dân (PAP), rất lo bị mất ghế trong Quốc hội, cho nên luôn luôn
tìm kiếm tài năng để thu nhập vào đảng của mình. Nếu để đảng đối lập
giành được người đó thì họ phải có người giỏi hơn để có thể thắng cử
được. Cho nên trọng dụng nhân tài, chiến lược phát triển và tranh thủ
lòng dân là ý thức rất cao trong từng quan chức chính phủ ở Singapore,
cho từng cán bộ đảng PAP ở đây.
Yếu tố dân chủ mà theo định nghĩa đó, thì tôi thấy rất mạnh mẽ ở
Singapore này. Và cái đó, tôi mong từng ngày sẽ được người Việt Nam ta
nghiên cứu, áp dụng. Đó sẽ là khởi đầu cho dân tộc Việt Nam trỗi dậy
trong tình thế khó khăn và thách thức hiện nay.
Con đường tương lai
BBC: Hai khó khăn chính của nền kinh tế Việt Nam hiện nay
là khu vực ngân hàng và khối doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt, chính phủ
đang phải cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa khu vực
ngân hàng, thậm chí có thể phải giảm bớt sở hữu tại các ngân hàng thương
mại để thu hút vốn ngoại. Đây có phải là xu hướng cho thấy trong tương
lai, chính phủ sẽ phải giảm đáng kể sự kiểm soát đối với nền kinh tế?
Điều này có ý nghĩa gì cho tương lai Việt Nam?
Tôi nhìn lại các điểm hạn chế trong phát triển của Việt Nam thì tôi
thấy có ba điểm phải chú ý, hơn là mình nhìn vào một vài vấn đề kỹ thuật
mang tính chất ngắn hạn hoặc là rất cụ thể như doanh nghiệp nhà nước
hoặc là hệ thống ngân hàng.
Tôi nhìn thấy những vấn đề rất lớn, rất nổi trội mà Việt Nam thua kém rất xa so với Trung Quốc và với nhiều nước khác.
Thứ nhất là không có một chiến lược phát triển dài hạn để nhìn thấy
đâu là sức mạnh của dân tộc mình, đâu là cơ hội và thách thức trên thế
giới, đâu là mục tiêu mà chúng ta sẽ đi tới trong vòng vài thập kỷ nữa.
Tất cả đều không rõ.
Thứ hai là năng lực học hỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam rất hạn chế;
từ việc thu hút nhân tài, đối sánh mình với thế giới ra sao, trong việc
thử nghiệm những chính sách dũng cảm, trong việc liên tục đổi mới và cải
tiến, lắng nghe nhân dân.
Những đặc điểm đó làm đất nước mình ngày càng tụt lùi.
Khi năng lực học hỏi được nâng lên, khi chiến lược phát triển kinh tế
được hoạch định sắc bén và triệt để thì đất nước sẽ trỗi dậy. Khi đó
những bài toán cụ thể như cải cách ngân hàng ra sao, cải cách doanh
nghiệp nhà nước thế nào, hoặc thậm chí những vấn đề rất đơn giản như
chống lại chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài, thì mình đều có
những tổ công tác đánh giá trên cái nhìn toàn cầu là tại sao lại như
vậy? Ta có thể biến khó khăn thành cơ hội như thế nào ở đất nước mình?
Những điều này tôi nghĩ chúng ta phải nghiên cứu thấu đáo, trên tầm
nhìn chiến lược, với năng lực học hỏi rất cao, mà cái cốt lõi là phải
thu hút được nhân tài ở khắp nơi.
Tôi rất cảm kích trong đợt lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi
thấy đây là một cuộc biểu dương lực lượng của vũ khí chiến lược Việt
Nam, đó là tinh thần dân tộc người Việt Nam rất lớn. Đây chỉ là sự thể
hiện một phần, một cuộc diễu binh lớn, một sự thể hiện để chứng mình
rằng nếu chúng ta không xứng đáng với khát vọng lớn của dân tộc, chúng
ta sẽ thất bại.
Đó là cái giá rất đắt, khi nhiều thế hệ phải hy sinh mà không được đền đáp. Đó là điều chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ.