Nhân Vũ
“Chúng ta chiến thắng tất cả các trận đánh, nhưng thua cả cuộc chiến”
là câu nói mà giới tướng lĩnh, một số chính trị gia và sử gia Mỹ ưa
thích khi nói về cuộc chiến của họ ở Việt Nam.
Cách đây hơn 10 năm, một lần ở nước ngoài, tôi có dịp đọc một số cuốn
sách về chiến tranh xâm lược Việt Nam của tướng lĩnh Mỹ và bắt gặp câu
nói tự an ủi đại loại “Chúng ta chiến thắng tất cả các trận đánh, nhưng
thua cả cuộc chiến” (We win every battle, but we lose the war) hay “Các
ông (người Việt Nam) chưa bao giờ đánh bại chúng tôi trên chiến trường”
(You never beat us on the battlefield).
Hôm nay, vào đọc trang mạng của tờ Wall Street Journal, tôi bắt gặp
bài báo đăng hôm 6/10/2013 của ông John McCain, Thượng nghị sĩ Mỹ, cựu
tù binh phi công ở Việt Nam thời chiến viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
vừa qua đời.
Bài viết lại có tiêu đề: “Ông ấy (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đánh bại
chúng ta trong cuộc chiến, nhưng chưa bao giờ đánh bại chúng ta trong
một trận đánh nào” (He beat us in war but never in battle). Bực mình
quá, tôi buột miệng: “Người Mỹ thật không biết xấu hổ!” Ở đây, ý tôi
không muốn nói đến người Mỹ nói chung, mà là những người từng gây tội ác
ở Việt Nam, từng chịu trách nhiệm về cuộc chiến xâm lược này và số ít
người Mỹ hiện nay vẫn bênh vực cho cuộc chiến tranh phi nghĩa này của
nước Mỹ. Câu nói phi lý và ngụy biện.
Phải chăng vì chiến lược đếm xác người để xác định chiến thắng mà
người Mỹ giết nhiều người Việt Nam thế, nhất là thường dân? Hay tư duy
chiến lược quân sự Mỹ không chú trọng giành chiến thắng trong chiến
tranh mà chỉ cần những trận đánh? Đúng là người Việt Nam đã mất hàng
triệu người trong cuộc chiến này, điều đó là không tránh khỏi khi một
quốc gia nghèo, quân đội trang bị thua kém nhiều lần đối đầu với đế quốc
giàu mạnh nhất thế giới về kinh tế và quân sự là Mỹ. Việt Nam có tổn
thất lớn như thế khi Mỹ có tiềm lực kinh tế và quân sự tương đương Việt
Nam không? Đương nhiên là không? Cho nên thua ở Việt Nam, nước Mỹ phải
biết đó là nhục, phải thừa nhận đó là thua, là thất bại toàn diện cả về
tinh thần và vật chất, chứ không phải là cái gì khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra phương châm kháng chiến chống Mỹ: “Đánh
cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Việt Nam không cần tiêu diệt hết lính
Mỹ xâm lược mà cần đánh bại ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, để
thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập, tự do của mình dù phải hy sinh lớn
lao, đất nước bị tàn phá. Đó là chiến lược để giành chiến thắng của Việt
Nam!
Khi chọn ủng hộ Pháp trong nỗ lực tái nô dịch Việt Nam, khi trực tiếp
dùng tiền bạc, bom đạn và quân lính âm mưu cản trở nguyện vọng độc lập,
thống nhất của dân tộc Việt Nam, Mỹ đã sai lầm chiến lược và đó chính
là những thất bại. Mỗi người lính Mỹ tử trận hay thương vong ở Việt Nam
đều là những thất bại của chính họ và nước Mỹ. Đương nhiên, cả việc ông
McCain bị bắn rơi và làm khách của “Hilton Hà Nội” cũng không thể coi là
thắng lợi trong trận đánh của riêng ông được.
Với tất cả sự tôn trọng đối với ông McCain, một con người biết phục
thiện, đã góp phần không nhỏ cho việc thiết lập bang giao Mỹ-Việt và ủng
hộ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, nhưng tôi không đồng ý với ông về tít
của bài viết. Liệu ông có dám nói thế với Võ Nguyên Giáp, một trong
những nhà cầm quân đã chỉ huy quân đội Việt Nam đánh bại quân Mỹ xâm
lược trong cuộc chiến này khi Đại tướng còn sống không?
Mặt khác, ông đặt tên bài báo như thế và viết ở sa-pô “Để đánh bại
bất kỳ kẻ thù nào, cố Đại tướng Bắc Việt Võ Nguyên Giáp đã chấp nhận
những thương vong lớn lao và đất nước gần như bị hủy diệt hoàn toàn”, cá
nhân tôi cho là không phù hợp với một người đã khuất.
Tôi cho rằng, các tướng lĩnh Mỹ cũng nên ít rao giảng “We win every
battle, but we lose the war” với các học viên sĩ quan và binh lính của
mình khi nói về cuộc chiến tranh Việt Nam.
NHÂN VŨ (VIETNAMDEFENCE.COM)