Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Từng Bước Từng Bước Đầu…


Đinh Tấn Lực
Nói trộm vía đảng: Thời buổi này mà để xảy ra sự kiện bất ngờ như thế là …khó lòng chấp nhận được. Giá mà đảng nhận được một dòng Tweeter sớm sủa “So long – Au Revoir – さようなら – Auf Wiedersehen  – до свидания…”, như một lời chia tay nào đó, thì nhất định BCT đã di dời cuộc hội nghị TW8 giữa nhiệm kỳ này đến một thời điểm khác.
Thật vậy! Quốc tang hay không mới là vấn đề. Chia tay vị Tổng tư lệnh đầu tiên và duy nhất của quân đội mới là quan trọng. Tiễn biệt người CS cuối cùng mới là ưu tiên. Biểu trưng vét cạn quá khứ hào hùng ở đây mới là mấu chốt. Lòng tin sót lại chút này mới là điểm nhấn của mọi điểm nhấn…
Chứ còn hội nghị thì lúc nào mà chả được, nhất là loại hội nghị sắp xếp nhân sự cứ vài ba phùa đến hẹn lại lên? Chưa kể là chuyện di dời sẽ tránh được lời ong tiếng ve về cái ngày quốc khánh 01 tháng 10 chết tiệt đó. Chưa kể là các phe còn dư dôi thêm khối thì giờ vận động hay triệt hạ nhau, và cùng nhau hân hoan nhận thêm một phong bì phụ trội nữa…
Gì thì gì. Cuộc vui nào cũng dứt. Đĩa mồi nào cũng loáng. Thùng bia nào cũng cạn. Thông cáo cũng đã loa: “Sáng ngày 9/10, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã bế mạc sau 10 ngày làm việc liên tục, khẩn trương” (Tags: làm việc liên tục, khẩn trương).
Kết quả ra sao? Đây rồi: Hội nghị đã “Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng” (Tags: báo cáo, nhất trí cao, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra).
Năm khẩu hiệu cắt dán mới cáu của TW8 là:
1. Giữ nước từ khi nước chưa nguy;
2. Nỗ lực hơn nữa thực hiện mục tiêu kinh tế;
3. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo;
4. Thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII;
5. Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 92.
Trong đó, vẫn như các tiêu chí đầu tiên và cuối cùng bên trên, khẩu hiệu số 1 và số 5 là quan trọng nhất: Phải tu chỉnh hiến pháp sao cho văn bản cao hơn và cao nhất là cương lĩnh đảng tiếp tục tồn tại, phòng bị trước cả khi có những đe dọa nguy nan xảy ra, tên chữ vừa mới thuỗng là “cư an tư nguy”, đặc biệt là phòng bị những xung đột từ sớm, từ xa.
*
MỘT
Thế là rõ rồi. Một khi bảo rằng nước chưa nguy (mà phải giữ), có nghĩa ẩn dụ là đảng chưa bị đe dọa gì gay cấn đến độ phải công khai nhìn nhận và dồn sức thúc đẩy nỗ lực giữ đảng, ém bên dưới khẩu hiệu giữ nước. Nhưng làm sao yên tâm nổi? Cho nên, đ/c Tổng chỉ cần đích thân bày tỏ sự ân cần/thân mật/ưu ái dặn dò thêm (bảo báo in rời trong khung nền màu):
“Các quyết sách Trung ương đề ra lần này đều rất hệ trọng, có tầm ảnh hưởng to lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, chấn hưng giáo dục, đào tạo, xây dựng đảng, xây dựng nhà nước, bảo vệ tổ quốc, bảo đảm sự trường tồn của đất nước ta, chế độ ta”. (Tags: hệ trọng, xây dựng đảng, xây dựng nhà nước, bảo đảm, trường tồn, bảo vệ, chế độ ta).
Không thể nào rõ hơn được nữa. Hãy mường tượng lời bài hát quốc tế ca lật ngược, mà phấn đấu lập công giữ đảng, chứ không thì thậm nguy: Bao nhiêu lợi quyền tất …về tay ai?
*
HAI
Hãy nhớ: “đảng ta” là đảng cầm quyền, tức là có toàn quyền dựng bảng cấm.
Do đó, kinh tế không được phép thường trực đứng trước khó khăn, bất kể là tạm thời hay vĩnh viễn: Kế hoạch phải phủ trùm. Mục tiêu phải rộng khắp. Vĩ mô phải bình ổn. Mô hình phải cải tiến. Lạm phát phải đứng yên. Chất lượng phải nhảy vọt. Nợ công phải ngồi xổm. Nợ xấu phải nằm im. Tín dụng phải an toàn. Chứng khoán phải năng động. Kiều hối phải gia tăng. Nhập siêu phải tụt dốc. Tăng trưởng phải lũy tiến. An sinh phải bảo đảm. Hộ nghèo phải biến mất. Giá cả phải dậm chân. Vi mô phải vượt khó. Doanh nghiệp phải dũng cảm. Dự án phải chia đều. Tài nguyên phải nảy nở. Công đoàn phải rập khớp. Sản xuất phải gia công. Khí hậu phải điều hòa. Thiên tai phải bó gối. Tình hình phải lạc quan. Quyết sách phải kịp thời. Rủi ro phải lùi bước. Diễn biến phải thuận lợi. Hội nhập phải suôn sẻ. Hành chính phải nghiêm túc. Lãng phí phải tinh vi. Tham nhũng phải thẹn thùng. Cạnh tranh phải nhân hậu. Tập đoàn phải tái cấu. Truyền thông phải tế nhị. Báo đài phải tự giác. Nhân dụng phải hợp tình. Lãnh đạo phải đột phá. Ngân sách phải đầy ngập. Bảo hiểm phải đồng bộ. Nguồn lực phải tập trung. Trách nhiệm phải thông thoáng. Luật pháp phải uyển chuyển. Bế tắc phải tan hàng. Bước đầu phải thắng lợi… Tóm lại: Kinh tế phải biết điều mà may thầy phước chủ cho đảng giữ tiếng quang vinh.
Cũng vậy, trong một nhà nước XHCN, xã hội không được phép ù lỳ, lạc hậu, bất cập, giữ rịt các yếu kém cơ bản kéo dài. Ngược lại, xã hội phải biết tự thân đổi mới, bắt đầu là khâu giáo dục đào tạo. Nghĩa là không cần phải nhún mình thỉnh cầu/lạy lục/van xin/chờ đợi bất kỳ nước nào nhìn nhận nền Kinh Tế Thị Trường (giấu đuôi) của VN; trên thực tế và bởi nhu cầu thực tiễn, mọi người vẫn phải kiên định lập trường trước sau như một:
“Hội nghị đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
*
BA
Nhu cầu cấp thiết và lâu dài của việc đổi mới giáo dục đào tạo phải được coi là một trận đánh lớn phen này. Trong đó, mọi nan đề căn bản của giáo dục tích lũy từ hơn nửa thế kỷ nay đều được toàn thể Hội Nghị đồng lòng  nâng cấp thành những vấn đề lớn/cốt lõi/cấp thiết, từ quan điểm/tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu/nội dung/phương pháp giáo dục – đào tạo cùng các cơ chế/chính sách/điều kiện bảo đảm việc thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước, đến đổi mới các cơ sở giáo dục – đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội, bản thân người dạy và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả trung ương và địa phương; đổi mới cả các khâu gắn liền với giáo dục là văn nghệ, thể thao, y tế…
 Định hướng đổi mới là tăng cường chỉ đạo/gia cố quản lý của đảng. Biện pháp đổi mới là chuyển đổi từ cứng nhắc sang linh hoạt; từ độc đạo sang liên thông; từ kiến thức sang năng lực; từ số lượng sang chất lượng; từ bảo tồn sang phát huy; từ thả lỏng sang quy hoạch; từ thả rông sang đội ngũ; từ lệch lạc sang lộ trình; từ chính quyền sang xã hội; từ công lập sang dân lập; từ hiếu chiến sang hiếu học; từ đoạn ngắn sang suốt đời…
Mục tiêu nhắm tới của giai đoạn chiến lược trước mắt là:
“Giáo dục cho người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của các cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước, có hiểu biết, kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Tóm lại: Giáo dục, một lần nữa, phải tự chứng tỏ là bộ phận đầu tiên biết nói “Không!” với Chạy bằng/Chạy chức/Chạy trường/Chạy lớp/Chạy tội/Chạy án…  Xã hội cũng phải biết điều mà ổn định một cách phải đạo cho đảng đời đời giữ tiếng quang vinh.
*
BỐN
Sinh hoạt của đảng, do đó, là phần việc không thể thiếu trong mọi nghị trình hội nghị. Đặc biệt là sinh hoạt Đại Hội đảng 12 sắp tới, cũng đã được chốt hạ trong hội nghị TW8 này, với năm tiểu ban được nêu tên: 1) Văn kiện; 2) Kinh tế-Xã hội; 3) Điều lệ; 4) Nhân sự; và 5) Hậu cần phục vụ đại hội đảng.
Nhiệm vụ chính của các tiểu ban này là:
“Chắt lọc kế thừa thành quả 30 năm đổi mới để đề xuất với Đại hội XII của Đảng những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa, tạo xung lực mới cho phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
Sinh hoạt sôi nổi/mạnh mẽ/sâu sắc/tạo xung lực hàng đầu trong hội nghị TW8 này là quy trình hoạch định quy chế bầu cử nội bộ và cơ cấu nhân sự cho khóa tới. Sau cùng, để giải phóng yếu tố gay cấn/tăng nhiệt/sôi sục tại chỗ, việc hoạch định này đã được giao khoán cho BCT hoàn tất dự thảo trước kỳ họp TW9-khóa 11 tới đây.
*
NĂM
Tiết mục êm ả/thư thả nhất trong suốt 10 ngày làm việc liên tục và khẩn trương của hội nghị TW8 chính là phần Hoàn Thiện Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp 92. Lý do chính yếu là nhờ các bản thống kê tổng hợp nghiêm túc hàng chục tấn giấy ghi ý kiến của quần chúng nhân dân (đệ đạt lên tận BCT) đều nhất trí với mọi chỉ đạo của trên: Về vai trò lãnh đạo của Đảng; về vị trí của Công đoàn; về thành phần kinh tế; về quy trình cưỡng chế thu hồi đất; về quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; về chính quyền địa phương; về Hội đồng Hiến pháp và một số nội dung quan trọng khác…
Đặc biệt đáng quan tâm là các số liệu chứng thật:
1. Ý kiến của quần chúng nhân dân tỉnh Bình Dương: Chỉ riêng một tỉnh này thôi đã có trên dưới 44 triệu ý kiến thuận theo bản dự thảo sửa đổi hiến pháp của BCT…
2. Ý kiến của quần chúng nhân dân ba quận Hoàn Kiếm, Hồ Tây & Ba Đình của thủ đô Hà Nội: Trong dịp tiếp xúc cử tri của đ/c Tổng, nhân dân 3 quận này cho thấy là tuyệt đại đa số nhân dân toàn quốc đã tiếp thu và quán triệt ý kiến chỉ đạo của BCT về những vấn đề lớn trong bản dự thảo sửa đổi hiến pháp rất công phu của BCT, tất nhiên là không cần sửa đổi gì thêm: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam”.
Nhìn chung là, một lần nữa, BCT khẳng định rằng mọi nỗ lực xin xỏ nước ngoài chứng nhận nền kinh tế thị trường cho VN đều là trò hề: Bản Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp lần này cơ bản đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra như sau:
“Nội dung của Dự thảo đã phản ánh được được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất của nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Như vậy, khâu cuối của tiết mục hiến pháp chỉ còn là vấn đề bảo đảm đúng quy trình hợp thức hóa, thông qua các tổ chức ngoại vi/cánh tay nối dài của đảng:
“Việc hoàn thiện Dự thảo và trình Quốc hội xem xét, ban hành Hiến pháp sửa đổi cần tiếp tục được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo đúng định hướng, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng chống phá, xuyên tạc”.
*
CHỐT
Hội Nghị TW8 cũng đã thông qua phần “biểu dương” công trạng của tất cả ủy viên, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện tốt mọi chủ trương, biện pháp sáng suốt/trí tuệ/đúng đắn/kịp thời… trước mọi tình huống trong thời gian qua, và quyết tâm giữ vững ý chí đó trong thời gian trước mặt.
Ngắn gọn là: Làm Sao Cho “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, an ninh phải cường, lòng dân phải oải, chính trị phải yên, đảng viên phải trung, hiến pháp phải tiện…”. Hãy biết đích nhắm là như thế. Còn triển khai quy trình “làm sao cho” là việc của địa phương, uyển chuyển/linh động theo từng bối cảnh đặc thù của địa phương. Ngoại trừ tiết mục hiến pháp. Đó là công việc của quốc hội dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của đảng.
Tất cả là nhằm giúp đảng có đủ trí lực đối phó với một tình hình rất căng:
“Đã xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới, như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng sức mạnh mềm thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với ‘diễn biến hòa bình’, bạo loạn lật đổ… hết sức nguy hiểm”.
Nghĩa là nói chung, phải giữ đảng từ khi đảng chưa nguy/sắp nguy/đang nguy…
Trong tinh thần đó, Hội nghị  đã bế mạc với quyết tâm rằng Chiến Lược Bảo Vệ Đảng theo Nghị Quyết TW8 Khóa 9 phải được tổng kết ngoạn mục vào cuối khóa 11 này, cả hai mặt ổn định thống trị tuyệt đối/toàn phương vị đối nội, và giữ vững môi trường hòa bình đối ngoại với một  nước có chung biên giới cùng một vùng biển đảo đang trong vòng tranh chấp.
10 và 11-10-2013 – Kỷ niệm ngày giỗ thứ 585 của Liễu Thăng
Blogger Đinh Tấn Lực

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"