Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Hà Nội, ngày 23/19/2013
Kính thưa Chủ tịch Quốc hội;
Kính thưa các vị đại biểu.
Nhân dịp Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp, tôi xin đề đạt mấy ý kiến về điều “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” như sau:
Nước ta là nước nông nghiệp, 80% dân số là nông dân.
Trong thời kỳ vận động cách mạng bí mật dưới ách thống trị của thực
dân Pháp Đảng đã nêu khẩu hiệu “Đọc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cầy”
nhân dân, nhất là nông dân tràn đầy hi vọng, theo sự lãnh đạo của Đảng
làm nên cách mạng tháng 8/1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1953, Đảng thực hiện giảm tô,
tiếp theo chia công điền cho nông dân nghèo. Con em nông dân phấn khởi
tự nguyện đi bộ đội giết giặc, (lúc chưa có luật về nghĩa vụ quân sự)
hăng hái đi dân công tiếp tế chiến trường, chúng ta mới có chiến thắng
Điện Biên Phủ.
Năm 1955, cải cách ruộng đất, 1956 phát hiện sai lầm nghiêm trọng,
Hồ Chủ tịch tự phê bình công khai đứng ra xin lỗi dân, Tổng Bí thư
Trường Chinh từ chức, sửa sai, ruộng đất vẫn là tư hữu.
Sau khi hoàn thành Độc lập thống nhất chúng ta chủ trương xây dựng
XHCN theo mô hình Stalin, nên Hiến pháp năm 1980 mới ghi “đất đai thuộc
sở hữu toàn dân”.
Do mô hình XHCN Stalin không thích hợp, kìm hãm sản xuất, đời sống
nhân dân khó khăn, cộng với đặc quyền đặc lợi của giới lãnh đạo nên Liên
Xô tan rã, cả hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ. Điều đó chứng tỏ XHCN kìm
hãm xã hội phát triển, không hiện thực, vậy chúng ta vẫn giữ “đất đai
thuộc sở hữu toàn dân còn có ý nghĩa gì?
Chính cái điều “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” mang tính chất tước
đoạt, rất vô lý đã là một nguyên nhân sinh ra biết bao tệ hại, tiêu cực.
– đất đai của người dân do ông cha để lại hoặc tích cóp mua được không còn là của mình nữa, rất vô lý, gây bức xúc.
– là một nguyên nhân quan trọng đẻ ra tham nhũng tràn lan. Chính
quyền từ cấp xã trở lên đều có thể nhân danh “nhà nước” cấp đất, thu hồi
đất, bán đất làm giầu.
– có thể nói là tội ác khiến bao gia đình nông dân mất nguồn sinh sống thành cầu bơ cầu bất.
– là nỗi oán hận chứa chất trong lòng dân, làm mất lòng tin vào
lãnh đạo và chính quyền, nếu tiếp tục có thể “tức nước vỡ bờ”, tiếng
súng của Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết là lời cảnh báo.
Tôi đề nghị Chủ tịch và các vị đại biểu lắng nghe ý kiến thực của
dân, vì lợi ích của dân mà các vị đại diện khi thảo luận Hiến pháp sửa
đổi. Cụ thể tôi đề nghị Quốc hội với chức năng là cơ quan quyền lực cao
nhất của Nhà nước sửa điều “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” thành “đất
đai gồm đa sở hữu”, có sở hữu nhà nước, có sở hữu tư nhân và sở hữu tập
thể.
Được thế là công bằng, dân chủ, sẽ loại bỏ những tệ hại, tiêu cực
nêu trên đây, tạo được phấn khởi trong nhân dân, khôi phục được một phần
lòng tin của dân, góp phần ổn định xã hội.
Kính chào
Nguyễn Trọng Vĩnh
một cử tri, một công dân đã theo Đảng làm cách mạng 76 năm