Lê Văn Liêm
Từ một quốc gia Châu Á phong kiến lạc hậu, nghèo tài nguyên thiên
nhiên, từng bị Nho giáo chi phối, Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành
cường quốc kinh tế thứ 3 trên thế giới.
Tại sao vậy? - Đây là câu hỏi đang được nhiều học giả tìm hiểu, giải đáp.
Xin trích, giới thiệu bài “Le Japon“ trên (http://fr.wikipedia.org/) tháng 2/2012 để bạn đọc cùng tham khảo.
Vài nét đại cương về nước Nhật
Lãnh thổ Nhật Bản gồm 6.852 đảo ở Thái Bình Dương, trong đó
có 4 đảo lớn nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku, chiếm 97%
tổng diện tích nước Nhật. Nước Nhật nằm ở phía đông nước Nga, CHND
Trung Hoa và bán đảo Triều Tiên.
Hiện nay Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến. Theo Hiến pháp Nhật
Bản năm 1947, Vua Nhật là biểu tượng cho nước Nhật, quyền lực rất hạn
chế. Quốc hội là cơ quan lập pháp, gồm Hạ Viện và Thượng Viện
Quyền hành pháp thuộc về Nội các, do Thủ tướng đứng đầu. Cơ quan
tư pháp gồm Pháp Viện tối cao, 8 toà án cấp cao và các toà án địa
phương, toà án gia đình. Tổng số công chức Nhật Bản năm 2011 là 1,17
triệu người. Các Đảng chính trị ở Nhật được Luật pháp công nhận sự tồn
tại.
Tổng diện tích nước Nhật là 379.954 Km2. Dân số Nhật năm 2010 là 126.804.438 người ,
mật độ 335 người/Km2. Có 4 nhóm dân tộc chính: Nhật 98%, Hàn 0,5%,
Hoa 0,4 %, nhóm các dân tộc khác chiếm 0,6%. Thủ đô Nhật là Tokyo.
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Nhật. Đồng tiền lưu hành là đồng Yen (JPY).
Về địa dư, nước Nhật nằm trên đường ranh giới giữa 4 mảng kiến tạo địa chất của trái đất, có nhiều núi lửa, là 1 trong những quốc gia bị nhiều thiên tai,
nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần. 80% diền tích cả nước
Nhật là núi. Các vùng dân cư có thể sinh sống chủ yếu gần các eo biển.
Nước Nhật được đánh giá là 1 trong 10 đất nước có phong cảnh đẹp nhất
thế giới, đặc trưng là ngọn núi Phú Sĩ.
Nước Nhật là 1 quần đảo trải dài dọc biển Thái Bình Dương, thuộc vùng ôn đới nên khí hậu chủ yếu là ôn hoà, có 4 mùa rõ rệt .
Từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, nước Nhật thi hành chính sách đóng cửa. Giữa thế kỷ 19,
Nhật hoàng Meiji (Minh Trị) thực hiện chính sách duy tân, mở cửa
triệt để với Phương Tây và rời thủ đô từ Kyoto về Tokio. Từ đó Nhật Bản
công nghiệp hóa nhanh mạnh và phát triển mọi mặt. Năm 1945 nước Nhật
bại trận trong chiền tranh thế giới lần thứ 2, phải đầu hàng, bị phe
đồng minh chống phát xít chiếm đóng. Sau chiến tranh, Nhật Bản tập
trung mọi nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế. Nhật Bản hoàn thành
công nghiệp hoá vào cuối thập niên 1960, trở thành 1 trong những nước
tư bản phát triển.
Nhật Bản là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học
và công nghệ và được đánh giá là một trong những cường quốc kinh tế.
Nhật là thành viên của Liên hiệp quốc, của Khối G4, G8, G20, WTO và
APEC.
Vùng thủ đô Tokyo là vùng đô thị lớn nhất thế giới với khoảng 30
triệu người. Cơ sở hạ tầng của Nhật rất phát triển. Tính đến năm 2004
có 1.177.200 Km đượng bộ, 173 sân bay, 23.577 Km đường sắt với các
loại xe lửa địa phương, xe lửa cao tốc. Giao thông trong thành phố có
xe buýt, xe điện trên mặt đất và dưới mặt đất. Ở nông thôn và các vùng
xa có xe buýt địa phương. Mạng đường xá ở Nhật phủ đến tận các vùng
dân cư miền núi.
Nhật Bản có 7 di sản kiến trúc được UNESCO ghi nhận là di sản thế
giới, 7 di sản kiến trúc cấp quốc gia. Văn hoá Nhật Bản là 1 trong
những nền văn hoá đặc sắc của thế giới, gồm các nghệ thuật thủ công,
vườn Nhật, trà đạo, kiến trúc, âm nhạc. Hiện nay Manga Nhật Bản là 1
thể loại truyện tranh nổi tiếng ở trong nước Nhật và ở nước ngoài, kể
cả Phương Tây.
Nhật Bản là 1 trong số các quốc gia có mức sống rất cao. Chỉ số
IDH năm 2007 là 0,960 (rất cao). Hệ số Gini năm 2002 là 38,1. Tuy vậy
Nhật Bản đang đối diện với 2 vấn đề nan giải trong tương lai. Đó là số
dân quá đông trong các vùng dân cư và sự già nua dân số.
Hiện nay tỉ xuất sinh của Nhật Bản là 1,25 trẻ em/ 1 bà mẹ. Ở
Tokio là dưới 1, 0 /1. Theo dự đoán của các nhà nhân số học, cứ theo đà
suy giảm dân số này, đến năm 2050, dân số Nhật chỉ còn 90 triệu. Khi
đó nước Nhật thiếu nguồn tài chính để duy trì quỹ hưu trí và các quỹ
phúc lợi xã hội khác.
Kinh tế của Nhật Bản:
Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Nhật phải nhập
khẩu hầu hết các loại khoáng sản, năng lượng và phải nhập khẩu 50% nhu
cầu lương thực. Nhưng theo Ngân hàng thế giới, Nhật là cường quốc kinh tế thứ 3 của thế giới,
sau Mỹ và CHND Trung Hoa. Năm 2009, tổng sản phẩm quốc nội PIB
(tương tự GDP) tính theo sức mua tương đương PPA của Nhật là 4.376 tỉ
USD, chiếm 5,72 % PIB của cả thế giới. PIB tính theo danh nghĩa
(nominal) năm 2010 của Nhật là 5.471 tỉ USD. PIB của Nhật tính theo
bình quân đầu người là 43.168 USD.
Nhật Bản đang đứng trong hàng ngũ các quốc gia công nghiệp ,
có nhiều tập đoàn công nghiệp nổi tiếng như Toyota, Nissan, Honda,
Mitsubishi, Canon, Panasonic, Sony, Akai, Sharp, Nintendo… Nhật
đang đứng hàng đầu thế giới về sản xuất ôtô và thiết bị điện tử, hàng
thứ 2 thế giới về chế tạo các loại tầu biển (gồm tầu chở hàng, tầu chở
containeur, tầu chở dầu). Công nghiệp Nhật góp tới 39% PIB (Mỹ chỉ góp
được 25% PIB). Công nghiệp thu hút tới 33% dân số ở độ tuổi lao động
vào làm việc (Pháp là 25%). Nhật Bản có năng lực công nghiệp rất lớn với công nghệ sản xuất tiên tiến hàng đầu thế giới
về các sản phẩm thép, vật liệu phi kim loại, xe có động cơ, thiết bị
điện tử, máy móc, chế tạo tầu biển, hoá chất, hàng dệt may, thực
phẩm đã chế biến … Ngành xây dựng và cầu đường của Nhật (dân dụng, công
nghiệp, cầu đường …) đã ra đời từ lâu với công nghệ và kỹ thuật hiện
đại. Nhật Bản nằm giữa đại dương, hàng hải phát triển mạnh , có
3.751 tầu biển với tổng trọng tải hàng hoá khoảng 183 triệu tấn, đứng
thứ hai thế giới về năng lực hàng hải, chiếm 15,7% tổng trọng tải của
thế giới, chỉ xếp hạng sau Hy Lạp (Grèce). Nhật Bản có khu vực kinh tế
dịch vụ đa dạng, có sức cạnh tranh cao, đặc biệt ở các ngành kinh tế
mũi nhọn.
Chỉ số lạm phát của Nhật, theo IMF, trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2008 là thấp nhất thế giới .
Nhật Bản có nhiều tập đoàn tài chính và ngân hàng lớn hàng đầu thế
giới. Thị trường chứng khoán Tokyo lớn thứ hai thế giới. Tập đoàn tài
chính Mitsubishi có số vốn 1.700 tỉ USD. Cán cân thương mại của Nhật
nghiêng về phía dư thừa. Dự trữ ngoại tệ của Nhật thuộc hàng đầu thế
giới.
Nhật đứng hàng thứ tư thế giới về xuất khẩu (thiết bị giao thông,
xe cơ giới, hàng điện tử, máy móc, hoá chất). Bạn hàng nhập khẩu của
Nhật là Mỹ 22,9%, CHNDTH 13,4%, Hàn quốc 7,8%.
Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu rất lớn, đặc biệt từ CHNDTH 21%, từ Mỹ 12,7%, từ Ảrập Xêut 5,5%.
Khoa học công nghệ Nhật Bản
Nhật là 1 trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ, có khoảng 700.000 (bảy trăm ngàn) nhà nghiên cứu khoa học. Ngân sách chi cho nghiên cứu và phát triển của Nhật đứng hạng ba thế giới .
Nhật Bản là nhà phát minh trong nhiều lĩnh vực, như: ôtô, Rôbốt công
nghiệp, thiết bị quang học, chất bán dẫn, thiết bị điện tử, sản
phẩm hoá chất. Nhật Bản có nhiều thành tựu ứng dụng khoa học nổi tiếng
thế giới, trong đó có tầu hoả cao tốc Shinkansen type 500, ôtô Toyota
Prius dùng hỗn hợp nhiên liệu xăng-điện, Robot thông minh AIBO, Module
Kibo đã phóng lên nghiên cứu không gian vũ trụ. Nhật Bản sở hữu 402.200
trong số 742.500 Robot công nghiệp của thế giới, chiếm 6 trong số 15
nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, chiếm 7 trong 20 nhà sản xuất chất
bán dẫn lớn nhất thế giới.
Nhật Bản đứng đầu Châu Á về giải thưởng Nobel và giải thưởng Fields . Từ 1949 đến 2008, Nhật đã 9 lần được nhận giải Nobel khoa học, 3 lần nhận giải Fields toán học của thế giới.
Đặc thù tổ chức kinh tế của Nhật Bản
Khoảng thời gian 1960 – 1980 được coi là thời gian phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản (miracle économique japonais). Sự phát triển này có điểm đặc trưng là dựa trên 1 nguồn vốn quan trọng về con người Nhật Bản (capital humain) cộng với sự liên kết giữa Nhà nước và các doanh nghiệp, 1 nền sản xuất hướng vào xuất khẩu (trong đó phần rất quan trọng là hướng sang Châu Á và Châu Mỹ), 1
nền đạo lý vững chắc về lao động kiểu Nhật, tài khéo léo bậc thầy về
những kỹ thuật mũi nhọn dựa trên thành tựu nghiên cứu khoa học và thêm vào đó nhờ mức chi thấp cho quân sự (khoảng 1% PIB).
Nhật Bản có đặc thù tổ chức kinh tế khác với nhiều quốc gia:
- Có những mối liên kết chặt chẽ giữa những xí nghiệp công nghiệp, những nhà thầu (sous-traitants), những nhà phân phối, trong những tập đoàn có tên là keiretsu.
- Có năng lực mạnh của các Nghiệp đoàn giải quyết có hiệu quả những
tranh chấp trong xí nghiệp với văn hoá đối thoại và cách vận động giải
quyết các yêu sách về tiền lương thường xảy ra hàng năm vào mùa xuân.
- Sự đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển.
Từ 1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản chậm lại. Năm 2008 Nhật Bản chính thức bước vào suy thoái. Không giống Phương Tây
suy thoái bắt đầu từ khủng hoảng cho vay thế chấp. Suy thoái ở Nhật có
nguyên nhân từ sự sụt giảm mạnh về khối lượng đầu tư và giảm sút mạnh
nhu cầu ở nước ngoài về các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nhật. Nợ
công của Nhật rất lớn, hiện chiếm đến 170% PIB.
Trong quá khứ và cho đến gần đây, nhiều nhà tuyển dụng Nhật Bản
cam kết bảo đảm công ăn việc làm suốt đời cho người làm công (à vie et pour la vie).
Nhưng từ khi bùng nổ bong bóng đầu tư ở Nhật, 1 loạt các nhà thầu bị
đóng cửa thì việc sa thải lao động đã xảy ra, xoá bỏ huyền thoại Nhật
Bản về công ăn việc làm suốt đời. Khủng hoảng kinh tế là lý do cội
nguồn của sự gia tăng nạn thất nghiệp ở Nhật (5% đầu năm 2000, 4% năm
2008). Nó định hình sự nghèo khổ, tình trạng người không có chỗ ở,
tình trạng việc làm tạm bợ. Hiện nay Nhật đang thực hiện chính sách cải
cách kinh tế. Chương trình cải cách đã đi đúng quỹ đạo , chậm nhưng đã tạo được xu thế không thể đảo ngược và đã có kết quả bước đầu.
Giáo dục đào tạo của Nhật Bản
Từ thế kỷ thứ 6, nền giáo dục của Nhật Bản chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa và Phật giáo. Sang thời kỳ Meiji (Minh Trị), vào khoảng 1868, Nhật Bản đã du nhập nền giáo dục của Phương Tây,
dạy trong các trường đại học và trong các trường quân sự. Nhật đã mời
khoảng 500 giáo sư Phương Tây đến giảng dạy cho 15 trường đại học đầu
tiên của Nhật. Cuộc cải cách giáo dục ở Nhật theo nền giáo dục Phương
Tây kéo dài suốt 20 năm, đến năm 1890. Sau chiến tranh thế giới lần
thứ 2, Nhật Bản lại thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai. Từ
cuối thập niên 1960, người Nhật toả đi học khắp nơi trên thế giới để
trở về xây dựng hệ thống giáo dục như ngày nay và đang đứng hạng 3 trong
số 37 quốc gia có 500 trường đại học đạt chất lượng đào tạo tốt nhất
thế giới. Hệ thống giáo dục của Nhật Bản áp dụng theo mô hình
Anglo-Saxon và chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục- Văn hoá- Thể thao- Khoa
học và công nghệ (gọi tắt là Bộ Giáo dục – MEXT). Năm 2005 Nhật Bản đã
chi 5.733 tỉ Yen (tương đương 59 tỉ USD) cho giáo dục, chiếm 7% tổng
ngân sách quốc gia.
Theo các báo chí nước ngoài, nền giáo dục Nhật Bản mang tính cạnh tranh cao và giáo dục đại học ở Nhật là giáo dục theo chủ nghĩa tinh hoa , có 2 đặc điểm:
Một là sự tuyển sinh khắt khe bằng các kỳ thi vào trường trung
học giai đoạn 2 (gọi là trung học 2, tương tự THPT của Việt Nam) và thi
vào đại học ; Hai là sự phân cấp quản lý giáo dục mạnh cho địa phương.
Nhìn chung, học sinh Nhật Bản học rất chuyên cần ngay từ khi học lớp mẫu giáo cho đến khi vào đại học.
Các bậc học trong hệ thống giáo dục Nhật Bản gồm:
- Mẫu giáo 3 năm, thu nhận học sinh từ độ tuổi 3 hoặc 4, đến 5 hoặc 6.
- Tiểu học 6 năm, từ độ tuổi 6 - 7 đến 11 -12.
- Trung học giai đoạn 1 kéo dài 3 năm, từ độ tuổi 12-13 đến 14-15 (trung học 1, tương tự THCSVN)
- Trung học giai đoạn 2 kéo dài 3 năm, từ độ tuổi 15-16 đến 17-18 (trung học 2, tương tự THPTVN)
- Cao đẳng 2 năm (sau trung học 2), từ tuổi 18 -19 đến 19 -20
- Cử nhân 4 năm (sau trung học 2), từ tuổi 18 -19 đến 21-22
- Thạc sĩ 2 năm (sau cử nhân),
- Tiến sĩ PhD (sau thạc sĩ) 3 năm hoặc 4 năm (tuỳ chuyên ngành).
Chế độ giáo dục bắt buộc miễn phí quy định trong Luật giáo dục Nhật Bản là 9 năm , kể từ lớp 1 tiểu học đến hết bậc trung học 1, thực hiện trong các trường công lập.
Năm học của Nhật Bản bắt đầu từ tháng tư (Avril), gồm 210 ngày học, chia thành 3 kỳ học theo mùa:
Kỳ 1 kéo dài 3 tháng rưỡi từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 7. Kỳ 2
kéo dài 4 tháng từ đầu tháng 9 đến hết tháng 12. Kỳ 3 kéo dài 2 tháng
từ tháng 1 đến tháng 3.
Giáo dục mẫu giáo được thực hiện trong các trường mẫu giáo hoặc
trong các trung tâm giáo dục cả ngày (day-cares centers) công lập hay tư
thục. Những trung tâm giáo dục cả ngày tư thục nhận trẻ từ trên 1 tuổi
đến 5 tuổi. Ở Nhật có khoảng 5% học sinh bậc trung học 1 theo học các
trường tư. Năm 1988 mức phí học tại các trường này khoảng 558.592 Yen/1
học sinh-1năm học (tương đương 3.989 USD). Năm 1989, có 45% trường
trung học 1 công lập được trang bị đầy đủ máy vi tính để dạy học. Tại
trường trung học 1, học sinh được học các môn: Tiếng Nhật, Toán,
Khoa học, Tiếng Anh, Nghệ thuật tạo hình (Fine arts), âm nhạc, sức
khoẻ và giáo dục thể chất. Mỗi học sinh phải tham gia 1 câu lạc bộ
(School clubs) của trường vào cuối tuần. Ở Nhật Bản, ngoài giờ học ở
trường, 1 số lớn học sinh trung học1 đi học thêm những lớp ngoại khoá của tư nhân (extracurricular study school) vào sau buổi chiều hoặc buổi tối (tiếng Nhật là các juku). Học sinh phải thi vào trường trung học 2.
Sau khi học xong trung học 1, học sinh có thể thôi học để kiếm việc
làm. Chính phủ Nhật Bản khuyến khích học sinh vào học hướng nghiệp hoặc
học tiếp lên trung học 2. Năm 2005 có khoảng 94% học sinh Nhật Bản học
xong trung học 1 học tiếp lên trung học 2.
Hầu hết các trường trung học 2 đều học cả 2 buổi. Chương trình trung học 2 nhấn mạnh đến giáo dục hướng nghiệp
nhằm trang bị cho học sinh khả năng tự lập trong xã hội (emphasizes
vocational education to enable students to be as independent as possible
within society). Học sinh được học nhiều chương trình hướng nghiệp kỹ
thuật (vocational – technical programs) như: tin học, hàng hải, nghề
cá, gốm sứ, buôn bán trong môi trường tiếng Anh. Học sinh trường
trung học 2 có thể tự chọn chương trình thiên về khoa học tự nhiên
(toán, lý) hoặc thiên về khoa học nhân văn để chuẩn bị cho bậc học đại
học. Các trường trung học 2 tư thục chiếm khoảng 55%. Năm 1980, chi
phí cho 1 năm học ở loại trường này khoảng 600.000 Yen (4.250 USD). Ở
Nhật Bản, giáo viên dạy trung học 2 bắt buộc phải có văn bằng đại học 4
năm trở lên (university graduate).
Ở Nhật Bản không có kỳ thi quốc gia tốt nghiệp bậc trung học 2
nhưng có kỳ kiểm tra (test) do Trung tâm tuyển sinh quốc gia là 1 tổ
chức độc lập, trực thuộc Bộ Giáo dục thực hiện. Kỳ kiểm tra này nhằm
chọn ra cái nền cho các trường đại học. Điểm kiểm tra là căn cứ cho các
trường đại học tuyển sinh.
Sau khi thành công ở kỳ kiểm tra sau bậc trung học 2, học sinh thường học 1 khoá dự bị đại học 1 năm (không bắt buộc) để thi vào đại học , hoặc để sẽ học chương trình đại học bán thời gian (part-time) hoặc lớp đại học buổi tối.
Giáo dục bậc cao của Nhật Bản có 2 loại trường: Trường đại học tổng hợp (Université, University) tiếng Nhật là daigaka
và trường chuyên nghiệp (École spécialisée, trong đó bao gồm Cao đẳng
2 năm). Ở Nhật có 2 nhóm trường đại học tổng hợp công lập 4 năm, gồm
96 trường ĐHTH công lập quốc gia
(kokiritsu) và 39 trường ĐHTH công lập địa phương (koritsu) .
Năm 1991 có 372 trường ĐHTH tư thục đào tạo chương trình 4 năm. Phần
lớn các trường ĐHTH đào tạo 4 năm đều thực hiện chương tình học cả ngày
(full-times programs). Năm 2005 có trên 2,8 triệu sinh viên Nhật vào
học các trường đại học. Năm 1986, chi phí trung bình kể cả học phí và
sinh hoạt phí cho 1 năm đại học ở Nhật khoảng 1,4 triệu Yen (tương đương
10.000 USD). Nhiều sinh viên phải đi làm ngoài giờ học để kiếm tiền
hoặc vay tiền của Chính phủ để trang trải chi phí học đại học. Năm
1991, khoảng 40% sinh viên đại học Nhật theo học các ngành xã hội,
kinh doanh (business), Luật, Kế toán (accounting), 19% theo học các
ngành khoa học công nghệ, 15% học nhân văn, 7% học sư phạm
(education).
Tổ chức quốc tế OCDE công bố kết quả đánh giá học sinh trung học 74
quốc gia theo chương trình PISA năm 2009, học sinh trung học Nhật Bản
được xếp thứ 9/74 về Toán, thứ 5/74 về khoa học, thứ 8/74 về ngôn ngữ
học.
Theo sự xếp hạng của Đại học giao thông Thượng Hải năm 2007, Nhật
Bản được xếp hạng 3 trong số 37 quốc gia có tên trong danh sách 500
trường đại học đạt chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới, sau Mỹ và Anh
Hiện nay có 4 trường đại học thuộc Top đầu của đại học Nhật Bản là ĐHTH Tokio, ĐHTH Kyoto, ĐHTH Keio và ĐHTH Wasedo.
Theo tạp chi Times Higher Education 2011 trong chủ đề tiếng Anh “Education in Japan“ đăng trên http://en.wikipedia.org, Nhật có 33 trường đại học được xếp hạng trong nhóm 100 trường đại học nổi tiếng nhất Châu Á.
Bình luận của thế giới về chủ nghĩa tinh hoa trong giáo dục của Nhật Bản
Báo chí thế giới có 2 xu hướng đánh giá:
- Xu hướng thứ nhất cho rằng xuất phát từ nhu cầu tồn tại và phát
triển trong điều kiện thiên nhiên hết sức nghiệt ngã, Nhật Bản phải
chấp nhận cách thức giáo dục đào tạo khắt khe như vậy và họ đã thành
công.
- Xu hướng thứ hai, phần lớn là các quốc gia Châu Âu trong đó có
Pháp cho rằng cách giáo dục đào tạo theo chủ nghĩa tinh hoa của Nhật Bản
đi ngược trào lưu của thế giới, đưa lại nhiều hệ quả tiêu cực đối với
con người, làm người ta luôn luôn phải chịu đựng stress để có thể chấp
nhận cách đào tạo như thế. Tiêu biểu là bài báo Pháp với đầu đề “ Ảnh
hưởng của chủ nghĩa tinh hoa ở Nhật Bản “ (Elitiste ) đăng trên http://fr.wikipedia.org/, tháng 12/ 2011 có đoạn viết:
“Do chủ nghĩa tinh hoa, người ta phải luôn luôn thử vận may, làm
sao vào được trường tốt nhất, kể từ tiểu học, đến trung học, rồi đại
học, rồi vào được 1 công ty tốt nhất (nguyên văn: il faut toujours
tenter d' aller dans la meilleure école, pour avoir le maximum de
chances d' entrer dans le meilleur collège, puis lycée, puis université
et entrer dans la meilleure société).
Bài báo viết tiếp: ”Điều này dẫn đến 2 hệ quả:
Thứ nhất là sự tăng sinh những lớp học buổi chiều (la prolifération des cours du soir )
mà người ta nghĩ rằng ở đó học sinh có thể được nâng cao thêm trình độ
học vấn và để các bậc cha mẹ học sinh an tâm về bổn phận cuả họ đối với
con cái. Những lớp học như thế nhan nhản ở các thành phố lớn của Nhật
Bản.
Thứ hai là vấn đề tài chính. Nói chung các bậc cha mẹ Nhật Bản phải nhắm (viser)
từ 2 đến 3 trường để chọn ra được 1 trường cho con em họ. Có trường họ
kỳ vọng thì con em họ lại không chắc chắn vượt qua được kỳ thi tuyển
chọn. Các trường khác ở mức trung bình thì nhiều. Vì thế, một khi con
em đã vào được trường có danh tiếng thì đồng nghĩa với sự hy sinh của
gia đình cho 1 khoản tài chính quan trọng, thường là khá cao (assez élevés) trong nhiều năm học“.
Đến đây câu trả lời “Tại sao người Nhật giỏi thế?“ vẫn còn bỏ ngỏ chờ ý kiến bạn đọc.