Nguyễn Trần Sâm
Trong thời Cổ Đại, chế độ nô lệ được thiết lập bằng bạo lực. Kẻ mạnh tạo ra quanh mình một nhóm những kẻ trung thành với nó, dùng bạo lực bắt những thành viên khác trong quần thể phải làm nô lệ cho chúng. Kẻ nào chống lại sẽ phải chết.
Từ thời Trung Đại đến nay, trên danh nghĩa không còn chế độ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên, ở nơi này nơi khác, bằng cách này hay cách khác, các nhà nước phong kiến và nửa phong kiến thực chất vẫn tạo ra trong lòng nó những kiểu chế độ nô lệ “không toàn phần”. Đặc biệt, về tư tưởng, đại đa số quần chúng thực chất vẫn phải sống trong chế độ nô lệ. Lợi dụng sự dốt nát của quần chúng – do chưa có điều kiện học tập, nghiên cứu và cũng do chính sách ngu dân – giới cầm quyền nhồi sọ con người đến mức họ có thể coi những điều vô lý và ngu xuẩn nhất như chân lý tuyệt đối. Trong số những “chân lý” khốn nạn đó có những tín điều như: vua là con trời (hay lãnh tụ là thánh) và mọi thứ ta được hưởng đều là của vua ban (hay lãnh tụ đem đến cho).
Sở dĩ kiểu nô dịch như vậy tồn tại được hàng ngàn năm là vì bên cạnh sự áp đặt ách cai trị và tư tưởng, nó còn được duy trì bởi chính tâm lý quần chúng, một thứ tâm lý của kẻ thiếu bản lĩnh và thiếu ý thức về giá trị cá nhân: tâm lý thích dựa bóng thần tượng, và do đó rất thích (cùng nhau) xây dựng thần tượng.
Vì sao con người thích thần tượng?
Có vài lý do để người ta thích thần tượng. Thứ nhất, do cảm thấy thần tượng là người che chở và đem lại quyền lợi cho mình. Điều này có khi đúng, có khi là ảo tưởng. Lãnh tụ của một cuộc khởi nghĩa chống lại một chế độ hà khắc và thối nát là nhân vật chủ chốt tạo ra sự thay đổi (ít ra ban đầu là theo chiều hướng tốt lên) cho cuộc sống của hàng vạn, hàng triệu người. Người đứng đầu một quốc gia, trước sự xâm lăng của một thế lực ngoại bang độc ác, nếu có bản lĩnh, có thể là ngọn cờ để tập hợp mọi lực lượng chống xâm lăng. Một nhà cải cách thông minh có thể định hướng cho xã hội phát triển nhanh… (Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng đó mới là sự định hướng; kết quả của sự thay đổi chỉ có thể đạt được bằng mồ hôi xương máu của hàng triệu người!) Nhưng trong rất nhiều trường hợp, đông đảo quần chúng ngộ nhận kẻ bóc lột mình là ân nhân. Thứ hai, người ta bám vào những lời giáo huấn của thần tượng như những chân lý để khỏi phải động não (mặc dù chẳng mấy khi làm theo). Và thứ ba, khi có thần tượng, người ta cảm thấy chính mình dường như cao giá hơn.
Với sự châm biếm nhẹ nhàng, câu ca dao cổ nói:
“Một ngày tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn mãn kiếp nằm trong thuyền chài.”
Còn hơn mãn kiếp nằm trong thuyền chài.”
Thuyền rồng là quyền lực, cũng là sự sang trọng. Người “ở trong thuyền rồng” là thần tượng. Càng gần người đó, người ta càng cảm thấy mình danh giá, có quyền ngẩng cao đầu trước những kẻ đứng xa thuyền rồng hơn.
Hơn thế, chưa cần chạm được vào thần tượng hay được thần tượng vấn an, chỉ cần được nói về thần tượng thôi, người ta cũng cảm thấy rưng rưng xúc động vì hạnh phúc rồi. Đó, chi tiết này trong cuộc sống của thần tượng của tôi, liệu đã mấy ai biết. Thế mà tôi biết đấy nhé. Và tôi hiểu được giá trị của chi tiết đó. Tôi biết nói về nó. Tôi có thể làm cho mọi người hiểu thêm được vĩ nhân của chúng ta (và so với người chung quanh thì tôi được quyền “sở hữu” vĩ nhân nhiều hơn chút ít). Hiểu biết về vĩ nhân cũng là một kiểu tri thức, và ở chỗ này, tôi hơn các anh đấy nhé!
Thần tượng được xây dựng như thế nào?
Khi xảy ra một sự kiện gắn với tên tuổi một người nổi tiếng, ví dụ kỷ niệm một trận chiến mà người đó là chỉ huy bên thắng cuộc, người ta, đặc biệt là giới truyền thông, bắt đầu thi nhau nói thật nhiều, bằng những cách mà người ta cố gắng làm cho hay hơn, độc đáo hơn của những kẻ nói khác, về người nổi tiếng đó. Chỉ cần một ngày mà toàn bộ giới truyền thông đều thi nhau ca ngợi thần tượng, cuối ngày hôm đó cảm nhận của người nghe/xem về sự vĩ đại của thần tượng sẽ rõ nét hơn hẳn ngày hôm trước.
Cứ thế, nếu năm nào người ta cũng nói về người đó hàng tháng ròng trên phương tiện truyền thông, và kháo nhau tại gia đình, trên bàn nhậu ở quán xá, một đồn thổi thành mười, mười đồn thổi thành trăm, tiếng tăm của nhân vật đó tăng theo cấp số nhân… , thì sau ba-bốn mươi năm, người ta có thể biến một chính khách ban đầu có ít nhiều nổi trội thành một vĩ nhân hạng một của nhân loại. Người này thấy người khác ca ngợi mà mình chưa góp lời được thì cũng cố ca ngợi vài câu, nếu biết được một vài chi tiết cụ thể về con người đó thì càng hãnh diện. Ít có người nào tuy biết chút ít nhưng vì thấy mọi người ca ngợi quá nhiều rồi nên thấy mình nói thêm cũng thừa và nhiêu khê.
Đặc biệt, khi có một vài phóng viên hay chính khách nước ngoài ca ngợi thì tốc độ vĩ nhân hóa đối với nhân vật đó có thể vượt lên trên mọi sự tưởng tượng.
“Mày nói thế nào ấy chứ… Cụ được bao nhiêu người ở các nước văn minh ca ngợi cơ mà. Chính khách A ở nước X nói thế này. Phóng viên B ở nước Y nói thế kia…”
Một yếu tố rất thuận lợi cho việc thần tượng hóa một nhân vật chính là tâm lý thích thần tượng của người đời, thậm chí đơn giản là tâm lý ngưỡng mộ kẻ có quyền thế, đặc biệt khi người ta chưa va chạm với kẻ cường quyền. Bạn được một người lạ ôm chầm lấy trong lần gặp mặt đầu tiên, bạn sẽ thấy bình thường. Nhưng nếu người ôm bạn là một yếu nhân của một quốc gia, thì dù người đó không có gì thật sự kiệt xuất, bạn cũng sẽ thấy xúc động và nhớ mãi cái ôm đó. Sự việc như vậy có thể định hướng nhận thức về cường quyền của bạn cho toàn bộ cuộc đời. Cho nên, về mặt nhận thức, thật may mắn cho những ai thời trẻ không một lần được một vị lãnh tụ nào ôm vai bá cổ. Tôi đã chứng kiến một số nhà khoa học tài ba hết lời ca ngợi một vài hành vi rất bình thường của một chính khách có hạng, coi đó như những quyết sách cực kỳ thông minh, thể hiện một trí tuệ siêu đẳng.
Với tâm lý của đa số quần chúng như thế, việc xây dựng thần tượng càng dễ dàng, nếu giới cầm quyền thi hành một chính sách nhằm thần thánh hóa lãnh tụ. Hãy nhớ: một dân tộc văn minh bậc nhất như dân tộc Đức cũng đã từng phát cuồng phát dại vì Adolf Hitler. Nếu giả dụ tài năng của y cũng chỉ như y sẵn có, nhưng y bớt ngông cuồng chút ít, đừng tấn công Liên Xô, dừng tàn sát dân Do Thái, và thỉnh thoảng y ôm chầm lấy một vài phóng viên hay chính khách nước ngoài, thì y sẽ được xem là một trong những lãnh tụ vĩ đại của nhân loại. Bạn có thể nói: thì chính vì y không có được cái đó nên y mới không vĩ đại như một vài lãnh tụ của các dân tộc khác? Đúng vậy, nhưng đòi hỏi đó cũng có gì cao siêu lắm đâu, và làm được điều đó đâu cần phải là một thiên tài?
Và hãy nhớ lại: hàng triệu người Bắc Hàn đã và đang tin rằng cha con ông cháu họ Kim là những lãnh tụ vĩ đại. Hãy nhớ: “Gangnam Style” đang làm hàng trăm triệu người phát rồ. Và nếu có “chiến lược” quảng cáo hợp lý, khiêm tốn hơn chút ít, đồng thời đừng dùng một người “tâng” thô thiển như vị giáo sư nọ, thì Huyền Chíp cũng đã có thể trở thành thần tượng của hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam…
Tâm lý đám đông có thể làm nên những điều ghê gớm. Đặc biệt, khi nó được một tầng lớp có thế lực khéo léo lợi dụng thì nó có thể tạo ra những biến chuyển long trời lở đất. Đám người sùng bái một thần tượng có thể nghiền nát bất cứ nhóm người nào dám nói những điều không hay về thần tượng của họ.
Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ
Một khi người ta tôn thờ một thần tượng, hầu hết là suốt đời người ta sẽ trung thành với thần tượng đó, và không bao giờ đặt ra câu hỏi: Liệu ở góc độ này hay góc độ kia, vị thần tượng của mình có đúng hay không. Dưới chế độ phong kiến, chỉ cần hé răng hỏi liệu vua có sai không đã bị xử trảm rồi. Ở các nước cựu cộng sản, tình trạng cũng không khá hơn là mấy. Tại Liên Xô, ngay cả khi Stalin đã chết thì Khruschëv và một vài ủy viên bộ chính trị khác phải vất vả lắm mới tiến hành được khá thành công cuộc chiến chống lại được tệ sùng bái cá nhân Stalin, và nhiều lúc ông ta đã ở trong tình trạng nguy hiểm cả đến tính mạng. Ở hầu hết các quốc gia độc tài hay độc đảng khác, việc huyền thoại hóa lãnh tụ cũng là cản trở đáng sợ, làm cho tiến trình dân chủ hóa phải chịu biết bao hy sinh mất mát đau đớn. Nhà cầm quyền nắm được cái “thóp” đó, nên họ thường xuyên tiến hành và “mồi” cho quần chúng tham gia xây dựng và “bồi đắp” cho thần tượng.
Việc trung thành với thần tượng gần như đồng nghĩa với việc trung thành với chế độ mà thần tượng đó đã tham gia dựng nên. Vì vậy, những ai có ý thức vươn tới tự do, hãy đừng mắc mưu những kẻ muốn xây dựng thần tượng để duy trì chế độ.
Một người có công với dân tộc hay nhân loại cần phải được ghi nhận và tôn vinh. Nhưng chỉ nên làm việc đó ở mức độ vừa phải và xứng đáng. Việc ngày nào cũng ra rả ca ngợi, thường xuyên tổ chức hội thảo, tưởng niệm,… cuối cùng chỉ góp phần làm cho xã hội đi thụt lùi, kéo dài sự nô dịch.
Đức Phật Gautama (Thích Ca Mâu Ni) – người mà ngày càng được nhiều nhà tư tưởng, nhiều nhà bác học thừa nhận là có tư tưởng cao siêu nhất và cũng đúng đắn nhất – đã từng dạy:
“Con người phải là chỗ dựa của chính mình. Chớ tìm nơi trú ẩn ở chỗ khác.”
NGUYỄN TRẦN SÂM