Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Sự vắng mặt của Tổng Thống Obama cô lập các đồng minh

Richard Javad Heydarian | Asia Times Online
Ngọc Hoà dịch
MANILA – Sau nhiều tuần lễ căng thẳng để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn châu Á của Tổng thống Barack Obama, mà nhiều người dự kiến nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tạo ra một dấu ấn chiến lược lớn hơn của Mỹ trong khu vực, thì một bế tắc xảy ra không đúng lúc và cay đắng tại Washington buộc ông ta phải hủy chuyến đi.

Liệu Mỹ có đủ năng lực để trở thành cái neo cho sự ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương? (Ảnh: Internet)
Giữa lúc chính phủ liên bang lần đầu tiên đóng cửa kể từ khi lên nắm quyền sau chính quyền Clinton, Nhà Trắng lần đầu tiên công bố quyết định bỏ qua cuốc viếng thăm Malaysia và Philippines của Tổng thống Obama. Các cuộc viếng thăm cấp cao tới Indonesia cho Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Brunei cho Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng bị hủy bỏ.

Trong khi nhiều đối tác Châu Á bày tỏ sự đánh giá cao đối với những ưu tiên trong nước của Tổng thống Obama, vẫn đọng lại cảm giác rõ ràng về sự vắng mặt. Trong bối cảnh có những lo ngại kéo dài về cam kết của Mỹ trong khu vực, bên cạnh sự cắt giảm ngân sách quốc phòng sâu rộng và những ưu tiên chính sách vẫn dành cho cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, nhiều đồng minh châu Á đã hy vọng ông Obama sẽ sử dụng chuyến đi Châu Á để củng cố sự ủng hộ và đưa ra tín hiệu can dự sâu rộng hơn.
“Mặc dù về mặt chính trị, chúng tôi hiểu được lý do dẫn đến quyết định của tổng thống, nhưng điều đó vẫn gây thất vọng cho tất cả những người tham gia”, một quan chức Bộ Ngoại giao người Brunei cho biết với điều kiện giấu tên. “Tôi chắc rằng mọi người đều hướng về hình ảnh lộng lẫy của một chuyến viếng thăm của tổng thống.”
Trong số những tiếng nói năng động và chủ động nhất về cuộc chơi chiến lược trong khu vực, trái với thường lệ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá thẳng thừng. “Hoa Kỳ phải tiếp tục tham gia vào khu vực này vì nước này đóng một vai trò rất quan trọng mà không một quốc gia nào khác có thể thay thế, không phải Trung Quốc, không phải Nhật Bản, cũng không bất cứ cường quốc nào khác”, ông Lý nói.
Sự vắng mặt của Tổng thống Obama ở châu Á củng cố cho hai nhận thức cơ bản trong số các đồng minh và kể cả kẻ thù. Trước tiên, nó báo hiệu một vị thế tương đối không quan trọng của họ trong tính toán chiến lược của Tổng thống Obama. Thứ hai, có lẽ còn quan trọng hơn, đó là cuộc khủng hoảng đóng cửa chính phủ đã phơi bày mặt trái của nền dân chủ Mỹ, cho thấy những rạn nứt ghê gớm về tư tưởng và phá hoại uy tín của các thể chế nhà nước của quốc gia.
Bên cạnh sự phục hồi kinh tế yếu kém, nhiều đồng minh châu Á bây giờ tự hỏi liệu Mỹ có đủ năng lực chính trị hoặc kinh tế để trở thành cái neo cho sự ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đồng minh cô đơn
Trong những tháng gần đây, ông Obama đã chìa tay ra với các đối thủ chiến lược, từ cuộc gặp gỡ áo sơ mi cộc tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu bất động sản Sunnylands riêng biệt tại California hồi đầu tháng Sáu, cho đến cú điện thoại lịch sử của ông ta cuối tháng chín với Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani ở New York.
Ngược lại, ông Obama vẫn chưa viếng thăm Manila. Trong khi người Philippines dành cho Hoa Kỳ sự đánh giá cao nhất thế giới (85%), theo một khảo sát gần đây của Dự án Thái độ Toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, nước này bị phụ thuộc sâu sắc vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ để đối đầu với những thách thức an ninh trên cả hai mặt trận phía nam (Mindanao) và phía Bắc (Biển Đông).
Chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Obama đến Manila do đó được coi vừa là một biểu tượng, vừa là sự bày tỏ cam kết xác thực của Washington đối với quan hệ song phương Mỹ – Philippines. Một thời gian ngắn trước cuộc viếng thăm dự kiến, các quan chức cao cấp Philippines bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ có thể trùng hợp với việc ký kết một hiệp định khung quốc phòng mới, nếu sau đó đưa vào luật thì nó sẽ cho phép Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự luân phiên trên đất Philippines, đặc biệt tại căn cứ Clark và căn cứ Subic.
“[Chuyến thăm của Tổng thống Obama] có ý nghĩa khá quan trọng bởi vì nó xác nhận giá trị mối quan hệ của chúng tôi”, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết trong một buổi điều trần ngân sách tại Quốc hội Philippines vào cuối tháng Chín, phản ánh dự đoán của chính phủ vào thời điểm đó. “Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận khung vào thời điểm đó, nhưng chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra.”
Trước mối lo ngại ngày càng tăng về tính hợp hiến của thỏa thuận chiến lược mới được đề xuất với Mỹ, với chính phủ Philippines khẳng định đó là một thỏa thuận hoàn toàn thuộc quyền của cơ quan hành pháp mà không cần Thượng viện phê chuẩn, các quan chức Philippines hy vọng rằng sức thu hút của ông Obama sẽ gây ảnh hưởng đến công chúng nói chung và làm nguôi giận các nhà chỉ trích trong cơ quan lập pháp và xã hội dân sự.
Đằng sau thỏa thuận là một nhu cầu mạnh mẽ có tính cấp bách về mặt chiến lược. Philippines hiện đang bị kẹt trong một tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Trung Quốc trên các vùng Biển Đông. Khi thiếu vắng các cuộc họp song phương cấp cao, các kênh giao tiếp hiệu quả đã thất bại.
Các báo cáo cho biết Trung Quốc đang phát triển xây dựng các cơ sở trên những vùng gây tranh chấp như bãi cạn Scarborough và mở rộng các cuộc tuần tra bán quân sự của họ trong các vùng biển tranh chấp khác, điều đó nhấn mạnh sự bất lực của Manila trong việc đương đầu với sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Obama đã có thể giúp làm giảm bớt cảm giác dễ bị tổn thương và xua tan những nghi ngờ về cam kết của Washington đối với vấn đề an ninh quốc gia của đồng minh có hiệp ước với nước này.
Trò chơi tổng bằng không
Các nước Đông Nam Á nhỏ hơn có truyền thống tìm cách cân bằng giữa các cường quốc với nhau, nuôi dưỡng những mối quan hệ đặc biệt với từng nước trong số họ qua thời gian. Trong khi Mỹ chủ yếu được đối xử như là một đối tác chiến lược quan trọng về sự ổn định khu vực, ngược lại Trung Quốc nổi lên như một đối tác kinh tế chủ chốt.
Những năm gần đây cho thấy giữa các làn ranh quân sự và thương mại đang mờ dần, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách gây ảnh hưởng về kinh tế và chiến lược của mỗi bên trong khu vực. Chính quyền Obama đã tìm cách đối trọng với sức mạnh khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách kết hợp củ cà rốt kinh tế với một dấu ấn quân sự lớn hơn trong khu vực.
“Sau một thập kỷ chiến đấu với hai cuộc chiến tranh đắt giá bằng xương máu và tài sản của đất nước, Hoa Kỳ đang chuyển sự chú ý đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương với nguồn tiềm năng to lớn”, ông Obama tuyên bố tại quốc hội Úc vào tháng Mười năm 2011. “Là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, khu vực Châu Á Thái Bình Dương rất quan trọng cho việc đạt được ưu tiên cao nhất của tôi, đó là tạo ra công ăn việc làm và cơ hội cho người dân Mỹ.”
Củ cà rốt kinh tế cơ bản của ông Obama là thỏa thuận thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia, có tham vọng chiếm một phần ba thương mại thế giới và khoảng 40 % tổng sản phẩm quốc nội GDP toàn cầu, nhưng không bao gồm Trung Quốc. Tuy nhiên, sau 18 vòng đàm phán, những vấn đề chính trị quan trọng liên quan đến những hạn chế về mua sắm chính phủ, về sự cắt giảm nguồn tiếp cận dịch vụ công đối với người tiêu dùng, về sự áp đặt các quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn đã trở thành những vấn đề gây khúc mắc. Chuyến đi của ông Obama đã có thể tạo ra một cơ hội để vận động trực tiếp các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam, hiện đều đang tạo lá chắn, để tham gia vào TPP.
“Một mặt, TPP được thiết kế như một lựa chọn thứ hai tốt nhất để thúc đẩy lợi ích doanh nghiệp thông qua thương mại tự do thay cho sự bế tắc tại [Tổ chức Thương mại Thế giới ]. Mặt khác, nó là một kế hoạch địa kinh tế do Mỹ dẫn đầu được thiết kế để ngăn chặn sức mạnh kinh tế của Trung Quốc bằng cách loại trừ để nước này không hưởng những lợi thế ưu đãi mà các thành viên sẽ được hưởng.” Ông Walden Bello, một trong số những chuyên gia nổi tiếng nhất ở châu Á về các vấn đề liên quan đến thương mại, lập luận. “Hai mục tiêu này là những mục đích đối chọi nhau. Trung Quốc thậm chí còn không cần khởi động một khối đối trọng. Nước này chỉ cần ngồi yên và nhìn sáng kiến TPP sụp đổ.”
Lựa chọn khác về kinh tế
Trung Quốc đang thúc đẩy một khối kinh tế khác, đó là Hợp tác Kinh tế Toàn diện ở Đông Á. Với sự vắng mặt của Tổng thống Obama tại Hội nghị Cấp cao châu Á gần đây, ông Tập được đứng dưới ánh đèn sân khấu. Ông ta là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có bài phát biểu tại Quốc hội Indonesia, trở thành diễn giả chính tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, và được lên kế hoạch đến thăm Malaysia để làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và xoa dịu những căng thẳng trên những vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Chuyển đổi sức mạnh kinh tế vào tầm ảnh hưởng chiến lược, ông Tập giới thiệu một Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á với số vốn 50 tỷ USD – sánh tầm với Ngân hàng Phát triển Châu Á do Mỹ – Nhật Bản dẫn đầu (ADB) – để thu hút các nước láng giềng Đông Nam Á. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sử dụng vị thế gia tăng của đất nước mình để gạt những tranh chấp trong vùng Biển Đông sang một bên, làm mất mặt Philippines và nhấn mạnh đến việc cần phải ưu tiên các mối quan hệ kinh tế cao hơn những vấn đề lãnh thổ khó giải quyết.
Bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc để đưa tranh chấp Biển Đông vào trung tâm của chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, cuộc họp kết thúc mà không đưa ra được một kế hoạch rõ ràng nào hoặc một đà phát triển hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc cho một giải pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều người ở Manila đã hy vọng sự hiện diện và thúc đẩy của Tổng thống Obama sẽ đưa vấn đề này trở thành mũi nhọn của Hội nghị thượng đỉnh.
Thay vào đó, sự cạnh tranh Trung-Mỹ giành uy thế toàn diện tại khu vực đã dẫn đến một động lực có tổng bằng không. Trong cuộc chơi đó, sự vắng mặt của ông Obama ở châu Á được xem như là một thất bại chiến lược quan trọng của Mỹ và tạo ra một cảm giác đột ngột bị cô đơn giữa các đồng minh chiến lược châu Á của nước này.
[*] Richard Javad Heydarian là một chuyên gia phân tích các vấn đề đối ngoại có trụ sở tại Manila tập trung vào vấn đề Biển Đông và các vấn đề an ninh quốc tế. Ông là một giảng viên tại Khoa Chính trị của Đại học Ateneo De Manila (ADMU), và đồng thời là tác giả của cuốn sách sắp phát hành “Từ Mùa xuân Ả Rập đến Mùa hè Ả Rập: Các nguyên do kinh tế và tương lai bấp bênh của các cuộc nổi dậy ở Trung Đông”. Có thể liên lạc với ông qua địa chỉ email: jrheydarian@gmail.com.
Nguồn: Richard Javad Heydarian, “Obama no-show isolates allies“, Asia Times Online, ngày 11 Tháng 10 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"