Xích Tử
Thời chiến tranh lạnh, đúng hơn là chiến tranh nóng, bọn/thằng địch, chứ không phải cả một thế lực thù địch to lớn như bây giờ, tuyên truyền rằng cộng sản là tam vô chủ nghĩa: vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc.
Phía cộng sản/Việt cộng không phản đối, cũng không thừa nhận. Các văn kiện pháp luật, các tài liệu công khai về chính sách vẫn khẳng định những phạm trù này, với tư cách là những thiết chế, tổ chức, mục tiêu có định hướng xây dựng giá trị của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong thực tế, các văn bản mật và một số văn kiện chính sách công khai khác, mục tiêu xóa bỏ những thiết chế này là có thật, được thực hiện một cách kiên trì theo bản chất của chủ nghĩa cộng sản.
Trước hết, gia đình được xem là hang ổ của những liên hệ, bí mật riêng tư, sự cố kết, tự vệ, đồng phạm đồng lõa mà xã hội không kiểm soát được; là cơn nguyên của tư hữu, lòng tham tiểu nông có thể từng giờ từng phút đẻ ra chủ nghĩa tư bản. Do vậy, để xã hội hóa con người, biến cá nhân thành con người xã hội đồng loạt, phải tách dần các thành viên, tiến đến phá hủy gia đình, chỉ duy trì nó ở qui mô hạt nhân để tái “sản xuất” loài. Trẻ em được khuyến cáo chỉ cần 4 tháng bú sữa mẹ là tốt. Từ sau 4 tháng, có thể đưa vào nhà trẻ. Ở nông thôn đã có những nhà giam trẻ để phục vụ kiểu làm ăn hợp tác xã nông nghiệp, với một túp nhà đơn sơ, một nữ nông dân giữ trẻ, buộc các nôi lại bằng một dây truyền, đưa đồng loạt, ngủ đồng loạt, bằng lời ca và nhịp giọng hát đồng loạt; sau đó là ăn, ỉa đái…đồng loạt. Lớn lên , bắt đầu đi học thì khăn quàng đồng loạt, được nghe đồng loạt 5 lời dạy của lãnh tụ mà không có điều nào về yêu cha mẹ ông bà anh chị họ tộc cả, học một sách giáo khoa theo một chương trình với thời khóa biểu thống nhất toàn quốc, theo 3 nguyên lý giáo dục của đảng mà không có nguyên lý nào gắn với gia đình (cần lưu ý nguyên lý 3 thời đó đã yêu cầu nhà trường gắn liền với xã hội rồi chứ không phải “xã hội hóa giáo dục” như kiểu bắt đền gia đình bây giờ) . Lớn lên chút nữa, ra đời thì đi bất cứ nơi đâu đảng cần, cha mẹ ở nhà đã có hợp tác xã lo. Nếu đảng cần, cha mẹ có thể thành kẻ thù, thành đối tượng cách mạng như thời tố khổ cải cách ruộng đất, hay như có cô con gái một đại gia Hoa kiều Chợ Lớn đã tuyên chiến với bố mẹ thời cải tạo công thương nghiệp miền Nam từ1976 theo lời kêu gọi của đoàn thanh niên. Kiểu giáo dục định hướng con người đồng loạt và vô gia đình đó đã chuẩn bị ngay từ cái thời chưa thành niên với khẩu hiệu dõng dạc “ Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, hãy sẵn sàng”; cha mẹ chỉ còn đứng xa mà nhìn con.
Về đánh phá tổ chức và các mối liên hệ gia đình, nhất là ở nông thôn, các thành viên bị tách ra theo kiểu phân công lao động tập thể : đàn ông ở những tổ lao động nặng; phụ nữ ở các tổ lao động nhẹ hơn (cấy, vãi phân, làm cỏ, cắt lúa…); người già thì ráp vào những tổ vệ sinh, nhổ cỏ với điểm công lao động thấp nhất và ăn ít đi. Thời gian dành cho sinh hoạt gia đình, nhất là ban ngày, hầu như không có. Buổi tối thì thời gian này cũng bị rút bớt đi bằng họp hội chính trị, bình công chấm công. Đất đai, tài sản riêng tư, trong đó có phần tích lũy để giỗ chạp gia đình, bị đảng chiếm hữu; nông dân không còn cái gì để làm chứng cho gia đình và tự nuôi gia đình mình. Mục đích xóa bỏ gia đình như vậy thể hiện nhất quán trong chính sách của đảng, kể cả trong xem xét quá khứ và xử lý tương lai của mỗi con người. Đảng trọng chủ nghĩa lí lịch, dùng đến những từ rất ghê rợn khi nhận xét một thanh niên vừa học xong lớp 10, đi thi đại học như kiểu “có nợ máu”; và do rất coi trọng lý lịch quá khứ, họ lại càng quyết tâm triệt căn nhựng hệ lụy của gia đình đối với tương lai. Nghe nói, ở Campuchia, trong công xã nhân dân, Ăngka quản lý tách riêng vợ chồng, mỗi tháng chỉ cho “gặp” một số lần hạn chế.
Tiếp sau gia đình, dòng họ cũng bị phủ nhận. Các mối liên hệ dòng họ bị xóa dần vì các tổ chức xã hội và hợp tác xã, vì buộc phải lao động theo lịch vụ chung, vì không còn đất hương hỏa, thờ tự, và vì những nhận xét không có lợi của đảng đối với những ai có biểu hiện xem nặng dòng họ, rằng đó là tư tưởng phong kiến.
Làng xã cổ truyền cũng là đối tượng của cách mạng vô sản. Tổ chức làng xã/ đình bị thay thế bằng xã hành chính và các hợp tác xã nông thôn. Hầu hết đình làng bị sung công, cải biến, phá hủy, để phục vụ cho những sinh hoạt chính trị, kinh tế mới. Các vị bô lão cao niên (chứ không phải hào lại cũ) không còn được dùng đình làng để họp hội, có tiếng nói với làng xã. Công điền phục vụ sinh hoạt làng và đình làng cũng bị chiếm hữu.
Đối với tôn giáo, từ giai đoạn đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, tổ chức và các sinh hoạt thuần khiết bị hạn chế nhiều. Không còn ruộng chùa, nhà thờ. Các hoạt động hoằng pháp, hoằng hóa, độ tăng, đào tạo, an cư kiết hạ, trúc viện lập tự… của Phật giáo, hoạt động mục vụ, đào tạo chủng sinh, bổ nhiệm chức sắc… của Thiên chúa giáo rất khó tổ chức vì thiếu cơ sở hậu cần và phiền hà về thủ tục. Chỉ sau này, khi nhà nước thay thế các tổ chức thuần khiết đó bằng các tổ chức tôn giáo thế tục hóa, ghim cấy người của đảng, công an vào các tôn giáo, tình hình mới được nới lỏng, cùng với trào lưu tâm linh của dân chúng và điều kiện kinh tế có phần hậu hĩ hơn. Nói cho cùng, đảng vẫn trung thành tuyệt đối với nhận xét của Marx :tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân; dứt khoát tôn giáo không thể song tồn, đồng tồn với chủ nghĩa cộng sản.
Đối với phạm trù Tổ quốc, do giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội vẫn phải diễn ra trong phạm vi quốc gia, nên “tạm thời” chủ thể làm cách mạng đó vẫn là một nước, với tên gọi Việt Nam Dân chủ cộng hoà/ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đầy đủ lệ bộ tự khí như Hiến pháp, pháp luật, quốc hội, quốc kỳ quốc ca. Tuy nhiên, vì chủ nghĩa cộng sản là thế giới đại đồng nên cái chủ thể “tạm thời” đó, theo lý thuyết, là sẽ biến mất. Đảng đã chuẩn bị cho công dân của mình chào đón sự biến mất đó bằng chủ nghĩa quốc tế vô sản, bằng nhiệm vụ chiến đấu hy sinh xương máu của dân tộc cho Liên Xô, Trung Quốc, bằng “Thương cha thương vợ thương chồng. Thương mình thương một, thương ông (Stalin) thương mười “. Tình cảm cách mạng như vậy đã quá rõ; thằng địch không phải tuyên truyền suông.
Nói những chuyện cũ rất dài như vậy để mà nhớ với nhau trong những ngày tổng kết lý luận 30 năm đổi mới này. Món nợ đó không phai được trong tâm thức dân tộc, trong mỗi gia đình, mỗi con người mà số phận bị gắn, bị dẫn dắt, bị đánh phá sỉ nhục mấy chục năm. Qua đó, để thấy “đổi mới” chẳng là cái gì công lao cả, vì đảng đã gây nên cuộc tang thương, rồi thất bại, phải tự cứu bằng cách tự phản bội và lừa dối nhân dân thôi.
Cái cảm xúc của tiêu đề bài viết vẫn là chuyện đất đai. Nhà báo Bùi Tín gọi sở hữu toàn dân về đất đai là gốc của tội ác. Ron Paul, thành viên sáng lập và cố vấn nổi tiếng của Viện Mises, cho rằng tư hữu là cốt lõi của tự do. Khi tiến hành “cách mạng” bằng thứ học thuyết mơ hồ, viễn tưởng, được tiếp thu một cách chắp vá và chở nó về Việt Nam bằng chiếc xe bò cọc cạch han gỉ, qua con đường Lenin, đảng đã không có một chủ nghĩa tư bản phát triển nào làm đối tượng, một giai cấp công nhân nào hoàn thiện, đủ mạnh để làm lực lượng cả, đành phải tiến công vào nông dân, xoá tư hữu đất đai của họ để chiếm cơ sở tạo nên tự do của họ, thực hiện việc kiểm soát, quản lý toàn diện họ thông qua cái dạ dày, qua đó đánh phá tiêu huỷ gia đình, dòng họ, làng xã, đình miếu, tôn giáo, tiến đến việc đưa Tổ quốc vào thế giới đại đồng. Toàn bộ truyền thống văn hoá đạo đức của dân tộc gắn với tư hữu đất đai, bao gồm cả dòng họ, làng xã, ngôi chùa miền quê yên ả bị khủng bố, bị làm rối tung lên.
Khi thiết lập sở hữu toàn dân về đất đai, đảng chỉ giải thích đó là tư liệu sản xuất, nên theo mục tiêu cách mạng quan hệ sản xuất, phải cải tạo bằng cách phi tư hữu hoá và trao cho nông dân lời hứa rằng với cách đó, đảng sẽ đưa nhân dân lên thiên đường chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, khi thất bại, đảng đã tự ý phỗng tay trên, chuyển tư liệu sản xuất đó thành tài sản (thuộc nhóm bất động sản), rồi từ tài sản, đất đai lại trở thành hàng hoá (thị trường bất động sản), để âm mưu, tạo điều kiện cho một nhóm giàu lên, trong đó có quan chức đảng viên, nhờ vào đầu cơ đất đai trên đầu nhân dân. Họ là chủ đầu tiên của mảnh đất, nhưng họ mất tất cả; những người thực hiện việc phi tư hữu hoá lại trở thành tư bản đỏ đất đai địa ốc. Hình ảnh và quá trình đi ăn cướp của người ta rồi cấp cho họ cái quyền sử dụng trong 20 năm đó, liên hệ với công xã Campuchia, có thể so sánh việc sở hữu toàn dân về đất đai giống như sung công vợ của những ông chồng, rồi cấp quyền sử dụng vợ lại cho chồng, hoặc cho chồng thuê. Chồng thì tốn kém mà chẳng được gì; mỗi lần gặp vợ thì chỉ được đến giới hạn quyền sử dụng hoặc hợp đồng thuê thôi, thấp tha thấp thỏm, khúm núm quị lụy, hối lộ bôi trơn. Thế nhưng cái bọn chủ cho thuê, cò mồi cho thuê vợ người ta lại giàu sụ phất lên. Khốn nạn quá.
Và vì như thế, trong tổng kết lý luận 30 năm đổi mới này, đảng phải trả lời với nhân dân 2 việc:
1. Đảng tự đánh giá tội ác của mình trong lịch sử cách mạng đất đai mấy chục năm qua như thế nào. Không làm được việc này, tiếp tục chạy làng, né tránh, quỵt nợ với vẻ vô trách nhiệm, phớt lờ, nhơn nhơn tự đắc như là mình đúng, nông dân Việt Nam mấy đời sẽ căm thù, nguyền rủa đảng cộng sản.
2. Trong đổi mới về kinh tế, khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thực sự là vốn của toàn dân, kể cả những nông dân bị cướp đất, đảng đã dung túng, tạo điều kiện cho việc định giá thấp tài sản doanh nghiệp để các ông chủ doanh nghiệp là đảng viên cộng sản, dùng tiền tích luỹ bằng lương nhận từ lợi nhuận doanh nghiệp được tạo nên từ bất bình đẳng “liên minh công nông” (như mua mía của nông dân giá thấp, bán đường giá cao) để mua cổ phần, trở thành tư bản đỏ. Đó là cách mạng gì?
Xích Tử