Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước tự do, tự do ngôn luận, tự do lập hội,
tự do tín ngưỡng và có cả tự do có thần tượng cho riêng mình. Xâm phạm
hay chế nhạo “lên đồng tập thể”, “hội chứng…”, một trong những quyền đó
thì khó mà sống ở Mỹ và phương Tây. Thích ai, ghét ai, đó là quyền con
người. Bạn không thể ép người khác theo mình.
Những năm gần đây có những nhân vật như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến
Trung, Lê Công Định, Duy Thức, mới đây là Phương Uyên và một số người
khác được cộng đồng mạng thi nhau tung hô hay dìm hàng. Tiếp theo là
Tiến running man, Huyền Chíp chẳng liên quan gì đến chính trị cũng được
đưa lên thế giới ảo mổ xẻ. Đó cũng là chuyện bình thường của một xã hội
mong ước dân chủ.
Tuần trước có đám tang tướng Giáp được cả nước quan tâm. Thấy người
ta khóc lóc, buồn bã, một số người gọi đó là hiện tượng “lên đồng tập
thể” hay kết quả của tuyên truyền một chiều. Một số người còn viết những
lời khiếm nhã dành cho vị tướng 103 tuổi vừa nằm xuống, mà lẽ ra người
có văn hóa nên tránh. Nếu họ viết lúc tướng Giáp còn sống không hiểu sự
thể sẽ thế nào.
Nhưng đại đa số dân chúng theo dõi đám tang này với một tâm thế khác hẳn.
Tướng Giáp là một trong những công thần còn lại từ thế kỷ trước. Nhân
cách và tài năng của ông đã được thế giới công nhận. Báo chí từ Đông
sang Tây dành không ít giấy mực cho vị tướng này.
McNamara từng gặp tướng Giáp tại Hà Nội và chào thân ái “Tôi nghe nói
về ông đã lâu” đủ nói lên sự kính trọng của đối phương, nhất là ai đã
xem bộ phim Fog of War do chính McNamara đạo diễn. Tôi còn nghe ông này
giới thiệu phim tại hội trường của WB, hiểu rõ ông nói về tướng Giáp như
thế nào.
Đời trận mạc của tướng Giáp lên bổng xuống trầm, không nghe cố vấn
Trung Quốc “đánh nhanh thắng nhanh” mà dùng thuật đánh lấn, bắt sống hơn
chục ngàn tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ.
Mậu Thân 1968 ông đi “dưỡng bệnh” ở Hungary để mấy vị “tài ba” khác
thống lĩnh thế trận và kết quả thì ai cũng biết. Mấy chục ngàn lính Bắc
Việt ngã xuống. Tuy Mậu Thân thất bại trên chiến trường nhưng dư luận Mỹ
lại thay đổi, chống chiến tranh, và bước ngoặt chính là đây. Người Mỹ
từng nói “thắng tất cả các trận”, nhưng tướng Giáp nói “chúng tôi thắng
cả cuộc chiến tranh”.
Mùa Xuân 1975 cũng vậy. Theo lịch sử viết lại của tướng Văn Tiến Dũng
thì tướng Giáp có vai trò mờ nhạt. Phải là người trong cuộc mới biết vị
tướng này đã làm gì trong suốt chiến dịch. Tôi tin nhiều quí bạn đọc
của Hiệu Minh Blog này biết rõ hơn.
Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1984), báo chí không hề
nhắc đến tên tướng Giáp mà chỉ gọi là Tổng tư lệnh. Rồi sau đó, tướng
chuyển sang làm trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch.
Những năm 1980, dân có câu thơ phản ánh đúng thời thế lúc đó “Nhà
chính trị làm thơ, nhà thơ làm kinh tế, thống chế đặt vòng, lòng thòng
nói chuyện đạo đức”. Kết quả là kinh tế thảm hại, đổi tiền, lạm phát
hàng ngàn lần, đất nước lầm than, đói khát, rách rưới.
Có nhà báo đá xoáy tướng Giáp, nghĩ gì về việc chuyển sang làm kế
hoạch hóa gia đình. Ông bình thản,, là người cộng sản thì làm bất cứ
việc gì mà tổ quốc giao phó. Người cộng sản như ông đáng được kính
trọng.
Hôm nay ông đã yên nghỉ. Hàng chục triệu người Việt, nếu như không
nói là gần như cả nước, muốn đòi lại sự công bằng cho vị tướng này. Nếu
không đi viếng, không hòa dòng người vô tận này, thì không thể hiểu họ
nghĩ gì.
Tôi theo họ, chụp rất nhiều ảnh và chỉ muốn biết tại sao họ bỏ cả
ngày, đi từ xa đến chỉ để chia tay vị tướng. Lang thang trên phố Lò Đúc,
Trần Hưng Đạo, rồi Hàn Thuyên, chợt nhớ đến những vị tìm cách hạ bệ
tướng Giáp bằng cách chuyển ông sang phụ trách kế hoạch hóa gia đình.
Những người đó nay thành thiên cổ, được mai táng ở Mai Dịch ở thế kỷ
trước. Nhưng tướng Giáp đã chọn không nằm cạnh họ mà ông về yên nghỉ tại
quê nhà.
Tôi tin sau này con cháu của Đại tướng không phải mang hài cốt của
ông đi nơi khác như gia đình của một số vị nằm trong Mai Dịch, có bia
nhưng không có “nội dung”. Quá khứ bẽ bàng nên thế hệ sau phải giấu cả
xác cha ông. Đó mới là điều đáng xấu hổ. Người viếng tướng Giáp muốn gửi
một bài học còn nguyên giá trị, và một thông điệp cho hiện tại và tương
lai, mong muốn đất nước có những huyền thoại trong hòa bình, xây dựng
và hội nhập.
Nếu ai đó thích hay không thần tượng tướng Giáp cũng là bình thường,
do vị trí của họ từng đứng bên này hay bên kia của cuộc chiến. Nhưng
không tham gia “lên đồng, hội chứng Bắc Triều Tiên” thì bạn đừng chế
giễu họ. Muốn hướng kiểu dân chủ phương Tây, hãy tôn trọng ý kiến khác
biệt.
Quyền được có thần tượng là quyền tự do của con người. Nếu không có
ai trên đời đáng được tôn sùng thì người đó đang đứng trên đỉnh cao của
nhân loại. Tuy thế, để có dân chủ cần có ngọn cờ như Mandela, ML King,
Walesa, Aung San Suu Kyi…
Muốn xã hội văn minh và dân chủ, hãy bắt đầu bằng chuyện đơn giản,
hãy để người khác có thần tượng, trừ phi chính bạn muốn làm ngọn cờ đó.
Nhưng thử hỏi, hàng triệu người viếng tướng Giáp có tin bạn là ngọn cờ
khi chính bạn chê họ “lên đồng”.
HM. 16-10-2013
Blog Hiệu Minh