Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Quyền lực mềm của Trung Quốc: Các Viện Khổng học (3)

Diên Vỹ chuyển ngữ

PHẦN 3: Chuyện thu phục nhân tâm
Don Starr nhớ là ông đã nghĩ rằng “Nó sẽ tạo một ảnh hưởng lớn” khi kế hoạch phát triển những Viện Khổng học được công bố vào năm 2004.
Bản năng của ông dường như đã đúng.
Khi tôi nói chuyện với một nhà giáo kỳ cựu người Trung Quốc về chương trình quyền lực mềm của Trung Quốc hiện đã được bảy tuổi này, ông cũng nói với tôi rằng một trong những nguyên nhân để có thể xem đây là một thành công to lớn là việc nó mở rộng nhanh chóng đến bất ngờ. “Kế hoạch ban đầu của họ là có được 100 viện vào năm 2010, rồi họ sửa xuống thành 500. Tôi nghĩ rằng ít nhiều họ đã đạt được chỉ tiêu này,” ông nói. Con số này đã hơn gấp đôi tổng số các văn phòng của Hội đồng Anh trên thế giới, mặc dù cơ quan này đã xuất hiện hơn tám thập niên trước.
Sao điều này có thể khả dĩ được? Dường như tính nhạy bén về kinh tế đã góp phần quan trọng vào thành công này.

Không cần chi phí lớn
“Ông tổ của những học viện quốc gia này thật ra là cơ quan Alliances Frances,” Starr nhắc đến những học viện văn hoá của Pháp, có những chi nhánh hoạt động độc lập, thường mở cửa tại những cơ quan địa phương. Nhưng người Trung Quốc đã dùng mô hình của Alliances Frances and tái chế để chúng không còn là ‘những chi nhánh địa phương độc lập.”
Cả hệ thống Viện Khổng học được tính là sẽ hoạt động theo công thức chia sẻ chi phí 50-50 giữa Hán Ban (bộ phận chủ quản của Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung Quốc - một cơ quan phi chính phủ và phi lợi nhuận liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc) và trường đại học của quốc gia có liên quan. Nhưng vì nó được vận hành theo phương cách trong đó trường đại học mà viện này đặt văn phòng chỉ cần cung cấp cơ sở hạ tầng và là cơ quan chủ yếu tạo điều kiện cho họ (đèn, sưởi, điện thoại, vân vân) thì về phần mình chính quyền Trung Quốc cũng đã có thể tiết kiệm được một món tiền khổng lồ. Starr nói điều này ngược lại với những chương trình như Hội đồng Anh và Quỹ Nhật Bản, chuyên thuê hoặc mua văn phòng riêng cho mình. Do đó, lý do các Viện Khổng học lại dễ dàng thiết lập trên khắp thế giới vì đơn giản rằng chúng không cần chi phí lớn.
Vậy thì Hán Ban sẽ chi trả những gì? Starr nói rằng hệ thống này hoàn toàn dựa trên một thoả thuận tam phương: “Trên nguyên tắc, theo điều lệ chiếu trong bản thoả thuận của Viện Khổng học, đó là giữa Hán Ban, trường đại học nước ngoài và trường đại học Trung Quốc. Nhưng thoả thuận quan trọng là giữa trường đại học nước ngoài và Hán Ban vì đấy là tổ chức cung cấp tài chính. Và thoả thuận này thường có nghĩa là hàng năm bên Trung Quốc sẽ gửi hai nhân viên miễn phí đến học viện để dạy tiếng Trung.
“Thêm vào đấy, họ còn nhận được ngân sách cho các dự án, và chúng có thể là cho các trường học, đến các trường học để sinh hoạt, tổ chức hội nghị, hội thảo về việc dạy tiếng Trung, và những hoạt động tương tự. Họ chỉ đơn giản lập ngân sách cho mỗi năm, và các dự án sẽ dựa trên cơ sở chia sẻ chi phí với cơ quan liên đới.”
Vậy có những tiêu cực nào trong cách tổ chức có vẻ đơn giản và tiết kiệm chi phí này? Starr nói rằng có một tiêu cực, và đó là “gánh nặng đối với các trường đại học ở Trung Quốc có quá nhiều thoả thuận với các trường nước ngoài.” Ông giải thích, “Một số trường có đến trên 20 đối tác, có nghĩa là họ phải tìm 40 nhân viên mỗi năm để gửi ra nước ngoài trong ít nhất từ một đến hai năm. Và đôi khi họ phải ở lâu hơn - từ 3 đến 4 năm.”
Tôi tò mò muốn biết những học viện này hàng ngày thực sự hoạt động ra sao trên toàn thế giới, vì thế tôi hỏi ý kiến của Chuan Sheng Liu, giám đốc Viện Khổng học tại Maryland và Rebecca McGinnis, điều phối viên của học viện.
Hoạt động thường ngày của Viện Khổng học
Trong số những hoạt động nhằm quảng bá văn hoá Trung Quốc là các lớp học tiếng Trung và những sự kiện văn hoá khác nhau được tổ chức trong khuôn viên trường Đại học Maryland. Những hoạt động khác bao gồm các lớp học cuối tuần cho trẻ em cũng như tổ chức những buổi biểu diễn âm nhạc, ca múa và võ thuật miễn phí do các nhóm biểu diễn đến từ các đại học Trung Quốc. Học viện cũng cung cấp việc thi HSK nhằm khảo thí trình độ tiếng Trung và những môn thi trắc nghiệm tiếng Trung thông thường khác, cũng như tổ chức những cuộc thi ngôn ngữ hàng năm trong đó tặng thưởng đội chiến thắng cơ hội được đi Trung Quốc để tham gia những kỳ thi khác.
Theo Liu thì những hoạt động này đã vô cùng thành công vì Viện Khổng học ở Maryland nằm “gần thủ đô Hoa Kỳ, nơi ngày càng đông người muốn tìm hiểu về Trung Quốc.”
Tôi nói chuyện với Kenneth Hammond, giám đốc Viện Khổng học tại Đại học Tiểu bang New Mexico, ông công nhận ngôn ngữ cũng là vấn đề trọng tâm trong học viện của mình. Theo Hammond, họ “đang làm việc với các trường công địa phương trong ba năm rưỡi qua để thiết lập một hệ thống giáo dục tiếng Trung.” Và trong bốn trường tiểu học và một trường trung học mà Viện Khổng học của Đại học Tiểu bang New Mexico đang hợp tác, hiện có 2.500 học sinh đang theo học tiếng Trung cũng như văn hoá và lịch sử Trung Quốc.
Hammond kể với tôi rằng những hoạt động khác bao gồm việc đưa những học giả hai lần mỗi học kỳ để nói chuyện về hàng loạt những chủ đề rộng rãi bao gồm “những thứ như Con đường Tơ lụa, tư tưởng Khổng giáo, vườn tược Trung Quốc, Phụ nữ trong truyền thống của Trung Quốc, nền giáo dục Trung Quốc, những hội thảo với chủ đề về Trung Quốc, những chương trình trao đổi học sinh và câu lạc bộ cờ vây sau giờ học.”
Ông nói đặc biệt có một chương trình đang nở rộ trong các trường tiểu học, nơi các học sinh tham gia vào các hoạt động như ăn mừng Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Học sinh cũng được học về cách viết chữ Hán và thư hoạ. Hammond nói việc kỷ niệm những ngày lễ của Trung Quốc tại các trường tiểu học đã được giới truyền thông địa phương, tường thuật nhiều, bao gồm cả lên truyền hình. “Hình ảnh của những đứa trẻ vui vẻ múa lân dường như rất dễ lôi cuốn. Tôi nghĩ nhiều người dân địa phương vô cùng thích thú vì con cái họ có được cơ hội học hỏi,” ông nói.
Thư hoạ hấp dẫn
Starr nói với tôi rằng ông cũng thấy môn thư hoạ rất phổ biến trong giới học hỏi trẻ lẫn già ở Anh Quốc. “Ai cũng thích thư hoạ. Viết chữ Hán là một trong những lĩnh vực thật sự hấp dẫn mọi lứa tuổi.” Ông đã ngạc nhiên khi nhận thấy rằng “ngay cả những thiếu niên ngỗ nghịch ở Anh - những người không mấy quan tâm đến học hành - việc họ có thể có được những chữ Hán in trên lưng hoặc tay thì vô cùng hấp dẫn… thật vô cùng ngạc nhiên khi thấy chúng rất quan tâm về điều này.”
Starr bảo rằng trong khi ở Anh, văn hoá Nhật được xem là rất hấp dẫn, nhìn chung thì văn hoá Trung Quốc không được quan tâm bằng. Tuy nhiên, việc “có vài chữ Hán in trên người mình thì thật tuyệt,” ông nói thêm.
Nói chung, Starr cho rằng chìa khoá thành công liên tục của những dự án quyền lực mềm như trên có ba lợi ích: kích thích tính chấp nhận những điều mới lạ của giới trẻ, tính lâu dài của chương trình quảng bá và sự truyền đạt qua việc chia sẻ ngôn ngữ.
“Thái độ của giới trẻ đối với Trung Quốc sẽ làm thay đổi quan điểm ca cả một thế hệ đối với quốc gia này. Và tôi nghĩ rằng điều này sẽ cực kỳ quan trọng,” ông nói. “Đương nhiên các kỳ Thế Vận Hội cũng quan trọng, nhưng chúng chỉ là những sự kiện gây tác động cao nhất thời và ngắn hạn. Và nếu bạn nhớ lại những kỳ Thế Vận Hội được tổ chức trước đây, chúng không có ảnh hưởng lâu dài phải không? Vấn đề ở chỗ là họ không thể dùng lại các cơ sở về sau.”
“Đây là vấn đề thu phục nhân tâm,” Ông kết luận. “Và tôi không cho rằng Thế Vận Hội chinh phục được nhân tâm mọi người. Nhưng học hỏi một ngôn ngữ khác thì có thể.”
Tôi sẽ đề cập đến tiếng Trung như là một tiềm năng của ngôn ngữ thế giới. Nhưng trước hết, tôi sẽ phân tích những phản ứng chống lại các Viện Khổng học - và những cáo giác rằng chúng đơn giản chỉ là công cụ tuyên truyền của Trung Quốc.
(còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"