Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Phó Thủ tướng và câu chuyện ngậm đắng nuốt the

Đào Tuấn
Theo blog Đào Tuấn
vì sao đường lậu như vào chỗ không người? Vậy thì vì sao sự cạnh tranh khiến không chỉ một DN có ý định tự hào hàng Việt chết mất ngáp
1. 400.000 tấn đường đang tồn kho.
2. R.Subbaiah, chủ một DN mía đường đang hoạt động ở Việt Nam than vãn: Năm nào đường trong nước cũng dư thừa lớn, năm nào Bộ Công Thương cũng cấp quota nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn với giá rẻ tạo ra thế cạnh tranh không bình đẳng.
3. Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính, có tới một phần ba (hơn 300.000 tấn) lượng đường tiêu thụ trong nước là đường nhập lậu. “Nếu để đường lậu vào như chỗ không người như thời gian qua thì tới đây ngành mía đường trong nước chết là cái chắc”.
Và 4, và cuối cùng, mọi thứ đổ cả lên đầu nông dân khi các DN bắt đầu bằng ba chữ “bất đắc dĩ”, “xin nói thẳng” rằng: “Để cạnh tranh với đường nhập lậu, bắt buộc các nhà máy phải mua mía nguyên liệu với giá thấp”. Thấp đến thế nào? Thấp đến trắng tay, đến mức nông dân phải bỏ mía.

Chúng ta đang chứng kiến câu chuyện gì vậy?
Những lời than vãn. Những điều ngớ ngẩn trong điều hành chính sách. Câu chuyện buôn lậu “như vào chỗ đông người”. Và nhãn tiền của một vụ mùa trắng mía, sốt đường. Chỉ có nông dân là không biết kêu ai, dù chính họ chứ không phải các DN, là người cảm nhận rõ nhất vị đắng của mía.
Đường nhập lậu chưa bao giờ là vấn đề thời sự khi nó kéo dài từ năm này qua năm khác bất chấp những hô hào quyết tâm, bất chấp thực tế là bao đường không nhỏ như viên ma túy có thể dắt cạp quần để bảo là khó. Nhưng giá đường lậu, rẻ hơn đến 20% đường mồ hôi nông dân năm nào cũng thời sự. Người tiêu dùng mua đường rẻ, giới tiểu thương săn lùng đường lậu, ngay cả các doanh nghiệp sản xuất sữa, bánh kẹo, nước giải khát, về nguyên tắc phải mua nguyên liệu bằng hóa đơn, cũng tìm mọi cách để sử dụng đường lậu giá rẻ. Cứ hỏi sao nông dân không khóc ra…bồ hòn.
Trong phiên họp Chính phủ chiều 29.9 vừa rồi, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có kể lại một thực tế nhân chuyến thăm một DN sản xuất phụ gia thức ăn gia súc DCP tại Lào Cai. Chủ DN cho biết đầu tư mở xưởng sau khi thấy mặt hàng này được nhập khẩu 100% từ Trung Quốc với giá 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi sản phẩm được đưa ra thị trường, thì hàng Trung Quốc giảm còn 14.000 đồng/kg. DN Việt giảm bằng giá để cạnh tranh thì mặt hàng của TQ tiếp tục được giảm xuống 13.000 đồng/kg, rồi 10.000 đồng/kg và giờ chỉ còn có 6.500 đồng/kg. Trong khi đó, để hòa vốn, DN tư nhân Việt Nam phải bán được tối thiểu ở giá 9.000 đồng/kg. Sự cạnh tranh quá lớn từ Trung Quốc khiến hàng của công ty này bị tồn kho 80.000 tấn.
“Các cơ quan chức năng phải xem xét lại hàng rào kỹ thuật, hay liệu có thuế nhập khẩu áp với mặt hàng trên không. Chúng ta cần phải nâng thuế lên để bảo vệ DN trong nước; chứ cứ sản xuất ra là tồn kho thì chết DN. Từng mặt hàng một đều bị cạnh tranh gay gắt”- Lao động dẫn lời Phó Thủ tướng phát biểu.
Chính phủ không phải là không nhìn thấy từ những câu chuyện ngậm đắng nuốt the đó những kẽ hở, những bất cập…từ việc ban hành các chính sách từ thuế, quản lý thị trường và cả việc thực thi trong thực tế.
Cái còn thiếu là câu trả lời cho câu hỏi vì sao. Vậy thì vì sao đường lậu như vào chỗ không người? Vậy thì vì sao sự cạnh tranh khiến không chỉ một DN có ý định tự hào hàng Việt chết mất ngáp.
Không lẽ nông dân lại phải có thêm trách nhiệm trả lời?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"