Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Đọc sách cũ nói về chuyện đọc sách cấm

Lê Mạt
“…Thiên hạ họ mua sách cấm mắc tiền lắm, thường giá mắc gấp đôi lúc chưa cấm, lâu ngày, rồi đến gấp mười gấp trăm. Tức như dân An Nam là dân không ham đọc sách, hay tiếc tiền, mà đến sách cấm thì cũng trằn trọc trằn mua cho được. Mua rồi đọc chùng đọc vụng, ai biết đâu mà bắt.
Người Tàu đương đời Mãn Thanh, vào khoảng Khương Hy, Kiền Long, có nhiều bộ sách bị cấm, mà cấm chừng nào thì người ta lại càng đọc và càng lấy làm thích chừng nấy. Có người đời bấy giờ đã nói: “Các cái vui ở thế gian không cái nào bằng trong đêm có tuyết, đóng cửa lại mà đọc sách cấm”. (nguyên văn bằng chữ Hán: Thiên hạ chi lạc mạc quá ư tuyết dạ bế môn độc cấm thư).
Ở đất nhà Nam ta, chỉ có mây mù mà không có tuyết, làm cho giảm mất cái thú vui trong khi đọc sách cấm. Song le, đã có cái thú khác thế vào. Có người đã phát minh ra được và nói rằng: “Không có cái thú gì bằng cái thú trong lúc trời mưa, đóng cửa cho chặt lại, rồi……đọc sách cấm!”

Cái thế lực của sách cấm là như vậy, còn cấm sách nữa thôi? …(C.D. Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.763 /1.9.1928))
Mạn phép bình như sau:
Có lẽ bây giờ thời thế đã khác chăng? Sách cấm, dễ dàng mua được ở Đinh Lễ hoặc vỉa hè, về đọc xong bày lên tủ, hoặc cho bạn mượn đọc vung tí mẹt. Cũng có thể mở laptop ở nhà hay mang ra quán cà phê có WIFI, bày lên bàn tử tế, vừa nhâm nhi giọt đắng vừa đọc sách cấm trên mạng.
Vậy là không được có cái khoái của người xưa “đêm có tuyết đóng cửa lại mà đọc sách cấm” (!)
Ăn vụng mới ngon, bày ra ê hề mất ngon. Có chăng chỉ vớt vát được chút thú vui: Công khai đọc cuốn sách biết là đang bị cấm và thử tìm ra cái lí do nó bị cấm.
Nhưng có lẽ “sướng” nhất là… người không đọc sách cấm mà kinh doanh sách cấm: In lậu. Cơ quan quản lý Văn hóa đã chỉ cho cái hướng làm ăn béo bở mà không biết chớp thời cơ là thiệt!
Lại bắt chước người xưa mà hỏi rằng: “…còn cấm sách nữa thôi?”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"