donghailongvuong
NỮ QUYỀN
Xưa nay đàn bà con gái ta, buồng the bếp núc, ngoài có biết đâu là trời đất; áo quần, cơm rượu, ngoài ra không biết gì là nước non. Kìa vợ dân cày, kìa con kẻ khó, lủi thủi ở chốn bùn lầy, lao xao ở nơi chợ búa, thì giờ họ quá ít, mà trí thức họ quá nghèo, vẫn không đáng trách gì đến họ, chỉ trách những hạng dựa lưng vào cha mẹ mà sẵn lốt phong lưu, nương bóng ông chồng mà chia nền phú quý, mà thì giờ họ chỉ hao tổn vào tứ sắc, tài bàn, cuộc chơi nhà hát, trí thức họ chỉ chăm vào dồi mài son phấn, trau chuốt vòng kiềng. Hỏi địa vị họ ra thế nào, không bao giờ họ nhắc tới. To tăm, rộng tiếng, chẳng qua là nạt dọa mấy đứa bần cùng, búng má, trề môi, chẳng qua là kiêu ngạo mấy người cực khổ. Cách đàn bà con gái nước ta như thế, có gì là nhân cách nữa đâu! Nhưng có một việc rất quái gở lạ lùng, gần đây mới xuất hiện! Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, làn sóng văn minh ở Âu, Mỹ đẩy ít nhiều bọt bèo vào Đông Á, thình lình mà hai chữ “Nữ quyền” mới nảy ra ở trên mấy tờ báo, nhân thấp thoáng ở bên các cô, các chị cũng có hai chữ “Nữ quyền”. Hỏi rằng hai chữ “Nữ quyền” là làm sao, thời cũng biết trả lời rằng: “Nghĩa là quyền của đàn bà con gái mình”. Hỏi quyền người đàn bà con gái là làm sao. Chắc không ai trả lời cho đúng được!
Theo ở trên mặt chữ mà nói, “Nữ quyền” nghĩa là quyền người đàn bà con gái, cũng như “Nam Quyền” nghĩa là quyền của người con trai, nhưng xét cho đến gốc chân lí, thăm cho đến nguồn triết học, thời “Nữ quyền” với “Nam Quyền” tất cả thu nạp vào trong hai chữ “Nhân quyền”. “Nhân quyền” nghĩa là quyền của người mà cũng là quyền làm người. Rằng quyền của người, tức là cái quyền đó, hễ người thời đáng được. Rằng quyền làm người tức là đã một con người, tất có quyền được làm con người mà không phải là làm trâu làm ngựa. Con trai là người, con gái cũng là người, ở trong chữ quyền người đã bao bọc cả trai với gái, không cần phân biệt Nam Quyền, Nữ Quyền. Nếu phân biệt Nam Quyền, Nữ Quyền cũng là dư. Nhưng chỉ vì từ tệ hại quân chủ chuyên chế phát sinh ra, mà cái học thuyết “Tam cương” làm tai hại cho một số người rất nhiều, mất trót hết quyền con người, xem như hình không khác gì trâu ngựa.
Chị Thúy Nga trong một lần đi vận động thức tỉnh nhân quyền vào tầng lớp nghèo khó, thành phần lao động. Ảnh: Facebook Thúy Nga.
Xưa nay ở trong chữ nho thường có hai chữ liền nhau là hai chữ “Quyền cương”. Bây giờ theo như nghĩa tam cương thời được có quyền người, thứ nhất là vua, thứ nhì là cha, thứ ba là chồng, còn ngoài nữa là vô quyền. Nhưng ở trong những món vô quyền đó, thời con trai còn được làm cha làm chồng, mà đối với đàn bà con gái, họ được có quyền đặc biệt; quyền vua, quyền cha đã đặt nặng, mà quyền trai cũng chẳng kém gì, vì đó mà tội tình nhất ở trong loài người, tức là đàn bà con gái. Kể như câu nói “Nữ nhân tam tòng”, tức là “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, thích nghĩa cho kĩ, thời tòng tức là theo, tòng là phục tòng, tòng là tùy tòng. Trót một đời con gái, khi ở trong nhà thời phải cắm đầu mà theo cha mẹ, khi đã có chồng thời chẳng phải co cổ mà theo chồng, tới khi chồng chết phải bưng tai gài mắt theo con, thế thời suốt một đời người từ khi lọt lòng cho đến khi chết chôn, chỉ có một cái “theo”, không khác gì con trâu cày cứ theo chủ ruộng, không khác gì con chó săn cứ theo chủ nuôi. Thế thiệt là trái đạo, vô lí quá chừng, mà quái gở cho những món hủ lậu, những mon gian tà, họ lại tô vẽ ra những câu sách vở làm thàm, họ muốn cho con gái đàn bà trót một đời ở trong vòng áp chế! Kì thiệt, chân chính thánh hiền có bảo dạy như thế đâu? Chữ “Tam Cương” không bao giờ ông Khổng Tử nói ra; Ngài chỉ nói rằng “Phu phu, phụ phụ”, nghĩa là: vợ với chồng nghĩa vụ in như với nhau, chồng có nghĩa vụ làm chồng, vợ có nghĩa vụ làm vợ. Ngài lại có câu nói rằng: “Phu bất phu, phụ bất phụ”, nghĩa là chồng không làm nên chồng, thì vợ cũng không nên làm vợ. Ngài lại có câu rằng: “Thê giả tề dã”, thê nghĩa là vợ, tề nghĩa là tày, vợ vốn cân tày với chồng. Lại có câu nói rằng: “Phu thê tương kính như tân”, nghĩa là hai vợ chồng kính trọng như hai người khách. Than ôi! Những câu nói tự miệng người trai phun ra mà không bênh riêng về phe trai! Chỉ có bấy nhiêu lời mà thôi, nên nỗi quyền trai càng ngày càng nặng, mà gái thời không một tí gì quyền. Đạo người đến thế đã cực điểm bất bình! Các nhà triết học ở Âu châu, Mỹ đau đớn cái nỗi bất bình nầy, mà hai chữ nữ quyền mới gần vài trăm năm nay, kêu rên hò thét, cũng chỉ cốt cho những quyền người đàn bà được khôi phục cái quyền làm người của họ lại mà thôi. Khôi phục quyền người thời như thế nào?
Việc gì đáng nghe, tai con trai nghe được thời tai con gái cũng có quyền nghe; việc gì đáng thấy, mắt con trai thấy được thời mắt con gái cũng có quyền thấy; việc gì đáng chống cự, tay chân con trai chống cự được thì tay chân con gái cũng có quyền chống cự; việc gì đáng nói phô, miệng con trai nói phô được thì miệng con gái cũng có quyền nói phô; việc gì đáng ngẫm nghĩ, óc con trai ngẫm nghị được; thời óc con cái cũng có quyền ngẫm nghĩ.
Nói cho đúng lẽ, đã là người tất phải có quyền, mà quyền tất phải có chính đáng. Quyền vẫn không hạn chế, nhưng tất phải cần cho chính đáng, tức là hạn chế, nghĩa như gánh việc quốc gia, trả thù đánh giặc, con trai làm được lẽ đâu lại cấm con gái không làm được! Đó chẳng qua là trọn vẹn cái quyền làm người, mà chính là trọn vẹn cái nghĩa vụ làm người, vì trọn vẹn cái nghĩa vụ làm người, nên quyền người càng phát đạt. Quyền người con gái cũng chỉ ngần ấy mà thôi. Nói tắt lại, những việc gì đáng làm, không có thể ngăn cấm mình không làm được; những việc không đáng làm, không có thể ép nài mình bắt phải làm, ấy tức là quyền người con gái. Chị em ta thử nghĩ, ở trong câu “việc gì đáng làm” đó có việc gì đáng làm hơn việc xã hội nữa đâu? Vì xã hội có người cày thì ta mới có cơm ăn, vì xã hội có người dệt ta mới có áo mặc, vì xã hội có người công tác, có giao thông mà ta mới có chỗ yên ở, chỗ vui chơi. Dầu chung quanh ta, những cha mẹ, những bà con, anh em, cũng là nhờ ơn xã hội che chở đùm bọc mà còn đó. Ta hết lòng gánh việc xã hội tức là hết nghĩa vụ làm người mà quyền người mới có thể khôi phục được. Quyền người ta khôi phục thời quyền gái chẳng cần nói nữa.
PHỤ NỮ VẬN ĐỘNG
Phụ nữ vận động là một việc cần thiết trong xã hội đời bây giờ, nhưng muốn bắt tay vào làm việc vận động, thời trước phải nhận cho minh bạch những điều nầy:
1) Phải biết phụ nữ là một hạng người không thiếu được ở trong loài người
2) Phải biết phụ nữ là một suất dân không thiếu được ở trong dân nước
3) Phải biết phụ nữ là một bộ phận rất lớn trong xã hội
Ba điều đó đã biết được rành rõi rồi có thể định được cái phương châm vận động. Phương châm vận động có bốn điều:
1- Mở mang về đường trí thức của phụ nữ.
2- Liên kết đoàn thể của phụ nữ.
3- Chấn hưng chức nghiệp của phụ nữ
4- Nâng cao địa vị của phụ nữ.
(Chi tiết phần này sẽ tách ra thành một bài riêng trên blog ĐHLV)
Tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh – người đấu tranh cho quyền lợi công nhân mà vướng vào lao lý. Ảnh: Internet
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, ở trong công việc vận động, cốt nhất là sức tự động của phụ nữ. Muốn biết đường xa hay gần, thì không chi bằng chính thân mình đứng dậy ra đi, một ngày đi đường, công hiệu hơn một năm đọc sách địa dư. Muốn biết nghề khéo hay vụng, không chi bằng thực tập lấy nghề. Một năm tập nghề, công hiệu hơn mười năm học trường công nghiệp. Bởi vì: trí thức nếu cầu ở người dạy thì trí thức là trí thức của người, mà mình không bao khỏi vòng ỷ lại; âu là cầu trí thức ở nơi mình thực tập, thì trí thức ấy là mình tự đắc, mà mình mới nên một người tự cường. Mình muốn nấu ăn cho sành thời mình phải xuống bếp, mình muốn buôn bán cho sành, thời mình phải vào chợ, chị em ta muốn trí thức cho rành, thì xin thực hành lấy những chủ nghĩa như trên.
Người xưa có câu nói rằng: “Kinh nhất biến, trưởng nhất trí”, nghĩa là: “Trải qua một phen sự biến thì thêm được một món trí khôn”. Tục ngữ ta cũng có câu rằng: “Có đứt tay mới hay thuốc”. Bây giờ ta cứ giữ lấy những chủ nghĩa ta mà ráng sức thực hành. Nhân luyện tập mới nảy ra không khéo, nhân thất bại mới đẻ ra thành công, có lo gì trí thực mình chật hẹp nữa đâu!
Tôi thấy những người hữu tâm, ở đời bây giờ, bàn đến vấn đề phụ nữ, thì chỉ lo vì không trí thức; bàn đến vấn đề trí thức phụ nữ, thì chỉ lo vì không có giáo dục. Than ôi! Dựa cửa tối ngày, chỉ những lo trời sập, đắp chiếu tối ngày, chỉ những lo đường dài, nghĩ cũng đáng tức cười thiệt!
Muốn hay bơi mà không dám xuống sông, muốn hay trèo mà không thèm lên núi, có bao giờ được đâu! Bây giờ ta cứ xuống sông, ta bơi liều thì chẳng bao lâu mà nghề bơi cũng phải thạo; ta cứ lên núi, ta trèo bướng, thì chẳng bao lâu mà nghề trèo chắc phải nhanh.
Xin chị em ta cứ cầu trí thức ở nơi thực hành, không cầu trí thức ở nơi giáo dục, bởi vì đời bây giờ những cơ quan giáo dục rặt là cơ quan hủ bại, cầu với gia đình thì gia đình quá mù mịt; cầu với quan phủ, thì quan phủ quá tối tăm; họ đương ra sức bưng bít trí thức mình; có ai là người mở trí thức cho ta, chỉ có trong thời thần lương tri của mình; ngoài phong triều mới của thế giới. Thần lương tri đó tức là đèn soi đêm; phong triều mới của thế giới đó tức là chuông thức ngủ, chị em ta còn phải ý lại vào ai nữa đâu? Vậy nên tôi nói rằng “Nhất thiết công việc vận động chỉ trông vào sức tự động của các chị em”.
(Theo bản in của Nhà xuất bản Duy Tân thư xã, Sài Gòn, 1928)
Trích đăng từ “Vấn đề phụ nữ” – tập 7 Phan Bội Châu Toàn Tập
Chú thích của blog ĐHLV : vì khuôn khổ một bài blog, tránh quá dài gây mệt cho người đọc phần I và III sẽ đăng vào một bài khác.