“Nhiều thế
hệ sau này đã hỏi tôi, sách viết sai hay nhà thơ sai, tôi xin
một lần nữa khẳng định: Sách in sai hoàn toàn bài thơ Quê Hương
của tôi”.
Liên quan đến
việc bị… “sửa” thơ trên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, nhà thơ Đỗ
Trung Quân đã lên tiếng. “Với những nhà thơ, nhà văn khác thì
tôi không biết. Riêng cá nhân tôi thì chẳng nhận được ý kiến
nào từ phía NXB Giáo dục Việt Nam đề nghị ‘biên tập’ bài thơ
Quê Hương lại cả, họ cứ thế mà làm thôi…”, nhà thơ Đỗ Trung Quân
nói.
Ông khẳng định là chưa bao giờ nhận được ý kiến xin phép “biên tập” từ phía NXB Giáo dục Việt Nam?
Tôi khẳng định
100% là chưa bao giờ nhận được ý kiến nào từ phía NXB Giáo
dục Việt Nam đề nghị cả. Thậm chí đến một cuộc điện thoại
cũng chẳng có.
Việc NXB Giáo
Dục cho rằng “đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả” chỉ bằng những
dòng in ở trang cuối sách là ý kiến không chính xác.
Điều ấy chỉ có
thể đúng nếu trước khi in chính thức vào sách, các tác giả được thông
báo và có xác nhận đồng ý cho “sửa chữa”, “biên tập”, đằng này…
Vậy nếu có đề nghị thì ông sẽ… chấp nhận?
Cũng không
chắc, tôi phải xem đề nghị đó có hợp lý hay không. Nói thật,
mỗi câu thơ tôi viết đều là bằng cả cảm xúc từ trái tim nên
việc “biên tập” lại như thế là rất khó. Thậm chí là phản cảm
và rất khó chịu.
Nhưng việc “sửa thơ” này đã có từ lâu, sao ông không lên tiếng?
Thực ra, câu
chuyện in ấn như thế đã diễn ra từ rất lâu nay rồi. Nhiều người đọc
thế hệ sau tôi nay đã có con cái, nay con họ ngồi lớp 1 và họ vẫn tiếp
tục hỏi tôi câu hỏi: “Sách in sai hay nhà thơ sai?”.
Nhân đây tôi
khẳng định: “Sách in sai”. Câu nguyên văn của thơ tôi là “Quê hương
là con diều biếc – Tuổi thơ con thả trên đồng”.
Còn câu của
NXB Giáo dục Việt Nam thì lại sửa là: “Quê hương là con diều
biếc – Chiều chiều con thả trên đồng”. Đọc vô tự nhiên thấy nó
“ngang phè phè” nghe rất chói tai.
Tôi xin nói
thêm, bài thơ Quê Hương của tôi đã phổ biến từ năm 1986 với tựa là
“Bài học đầu cho con”, sau đó được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ
thành ca khúc Quê Hương; ngoài ra, bài thơ này còn được in trong
tập Cỏ hoa cần gặp – NXB Thuận Hóa năm 1991.
Đây cũng có
thể nói là bài thơ viết về tuổi thơ được đánh giá khá hay,
đã đi vào lòng người của bao thế hệ với tên gọi thân quen là
bài thơ Quê Hương, thế nên việc bị “biên tập” như thế khiến
nhiều người đặt vấn đề sao tôi không lên tiếng để sửa lại.
Có lẽ là do tính lơ đãng và thường dễ dãi của những người làm thơ, trong đấy có tôi, đã để vấn đề này im lặng quá lâu.
Lẽ ra, những tác
giả bị “in sai” hay bị “biên tập lại cho phù hợp” – theo cách nói của
NXB Giáo dục Việt Nam – đã phải có ý kiến sớm và quyết liệt hơn chứ
không nên dễ dãi cho qua như thế.
Xin cảm ơn ông!
Nguyên văn bài thơ: “Bài học đầu cho con”Quê hương là gì hở mẹMà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ…