Nguyễn Gia Kiểng
Sau vụ này một số thân hữu đã làm một cuộc thăm dò ý kiến và kết quả thật là kinh khủng: chỉ có 37% không tán thành hành động của anh Viết, gần 60% tán thành, trong đó 25% tán thành nồng nhiệt và nghĩ rằng hành động của anh Viết nên được cổ vũ và khuyến khích. Trong một quốc gia bình thường một hành động như vậy chắc chắn đã phải bị đồng thanh lên án. Chúng ta đang ở trong một tình trạng tâm thần rất không bình thường. Xã hội ta có nguy cơ bùng nổ.
Di ảnh của anh Đặng Ngọc Viết
Anh Thomas Việt của báo điện tử Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế hỏi tôi chúng ta có thể nói gì về vụ Đặng Ngọc Viết?
Có nhiều điều để nói lắm, nhưng điều đáng nói nhất là sau khi gây xôn
xao trong vài ngày đầu vụ anh Đặng Ngọc Viết xông vào một cơ quan chính
quyền tỉnh Thái Bình bắn các quan chức nhà nước có vẻ đang chìm vào
quên lãng. Lý do dễ hiểu. Những vụ giết người xẩy ra hàng ngày tại nước
ta, có khi vì những lý do rất tầm thường, như mới đây ba sĩ quan công an
cảnh sát giao thông ở trạm Suối Tre, Đồng Nai, rủ nhau đi nhậu rồi cãi
nhau, đánh nhau và giết nhau. Vụ Đặng Ngọc Viết tuy đáng chú ý hơn vì là
hậu quả của một sự phẫn nộ chính đáng của một người dân phải đối với
một bạo quyền, nhưng cũng vẫn là một vụ giết người.
Dĩ nhiên tình cảm đầu tiên của chúng ta phải dành cho các nạn nhân,
cho những nạn nhân của Đặng Ngọc Viết trong Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất
Thái Bình và cho chính anh Viết. Các nạn nhân của anh Viết vì có thể họ
không có trách nhiệm nào trong quyết định cưỡng chế đất của anh Viết.
Anh Viết vì chính anh cũng là nạn nhân, nạn nhân của chế độ.
Nhưng điều cần được đặc biệt lưu ý là đây là lần đầu tiên trong lịch
sử Việt Nam mà một cá nhân tự chọn cái chết để đánh lại một chính quyền.
Cho đến nay những người quá uất ức và tuyệt vọng vì bị ức hiếp đã chỉ
tự sát một cách mà ta có thể nói là hiền lành. Họ chỉ dùng bạo lực với
mình để kết liễu đời mình, từ bỏ một xã hội không còn chỗ sống cho họ.
Con người kể từ khi sống thành xã hội vẫn dành cho các chính quyền sự
nể sợ. Bạo lực cá nhân chỉ xẩy ra giữa các cá nhân, bạo lực chống chính
quyền chỉ là hành động của những tổ chức. Trong một vài quốc gia, thí
dụ như Mỹ trong đó người dân có quyền có súng, đôi khi cũng có những cá
nhân nổi cơn điên nổ súng giết người trong các trường học và siêu thị
nhưng họ làm vì lên cơn điên hoặc nhân danh một tín ngưỡng hay một chủ
nghĩa. Vụ Đặng Ngọc Viết là trường hợp một cá nhân bình thường nổi loạn
vì lý do cá nhân dùng súng tấn công một chính quyền, tự đặt mình trong
thế tuyệt vọng rồi tự sát. Các cá nhân bị giết không phải vì có thù hận
gì với anh Viết mà chỉ vì họ là viên chức của chế độ. Đây là một trường
hợp chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và cũng hầu như chưa có trong
lịch sử thế giới. Đặng Ngọc Viết đã tạo ra một biến cố lịch sử. Chế độ
cộng sản Việt Nam vừa lập một kỳ tích là tạo ra một biến cố chưa từng
có.
Chúng ta hãy hình dung sự đau khổ, cô đơn và tuyệt vọng trong những
ngày giờ cuối cùng của anh Viết. Anh thấy bị ức hiếp mà không thể làm
gì. Cái xã hội này không còn chỗ sống cho anh nữa. Những người bị chà
đạp như anh đã cam chịu bị chà đạp. Theo những tin tức được thuật lại
thì anh đã tạt nước bẩn vào mặt một người cạnh nhà. Chắc là anh đã rủ
những người cùng cảnh ngộ kết hợp lại để cùng tranh đấu nhưng đã chỉ gặp
những thái độ nhẫn nhục. Anh hoàn toàn cô đơn.
Không phải một mình Đặng Ngọc Viết cô đơn. Quần chúng Việt Nam hiện
nay là một quần chúng cô đơn và bị chà đạp. Đất nước này không còn là
của họ, nó đã bị chiếm đoạt làm của riêng một số người cư xử như một lực
lượng chiếm đóng. Nếu được chọn lựa thì chắc đại đa số người Việt Nam
hiện nay sẽ chọn rời Việt Nam để làm công dân một nước khác, và nhiều
người có điều kiện để ra đi đã ra đi. Nhưng Đặng Ngọc Viết không có chọn
lựa đó, anh bắt buộc phải ở lại một đất nước không còn đất sống cho
anh. Anh chỉ còn một cách ra đi là rời bỏ chính sự sống. Và anh đã sử
dụng cái tự do ghê gớm của một người đã quyết định chết và do đó không
còn gì để mất và cũng không còn gì để sợ.
Đặng Ngọc Viết càng đáng thương vì trước khi tự sát anh đã chuẩn bị
cho cái chết. Anh đã tự làm bài vị cho mình và đã đến chùa khấn nguyện
trước khi tự bắn vào mình. Anh vẫn còn hy vọng vào một cuộc sống khác ở
một thế giới khác và một công lý khác hoàn toàn trong sáng vì thiêng
liêng. Và trước công lý tuyệt đối chân chính đó anh không thấy mình có
tội dù đã giết người. Anh đã chỉ dám chống lại một sự bạo ngược mà nhiều
người cũng muốn chống lại nhưng không dám hoặc không nghĩ tới vì đã
hoàn toàn tuyệt vọng.
Hành động của Đặng Ngọc Viết phải được nhìn như giọt nước cuối cùng
làm tràn ly. Miếng đất bị cưỡng chế không phải là tất cả. Nó chỉ có 200
mét vuông và cũng đã được bồi hoàn một phần. Đặng Ngọc Viết đã nổi loạn
bởi vì đã chứng kiến và chịu đựng quá nhiều thách đố ngang ngược, bởi vì
xã hội Việt Nam đã chất chứa quá nhiều thách đố ngang ngược.
Trước anh Viết đã có vụ anh Đoàn Văn Vươn dùng bom thủ công tự chế và
bắn đạn hoa cải để chống lại lực lượng cưỡng chế. Nhưng anh Vươn đã chỉ
phản công để bảo vệ tài sản của mình, hay đúng hơn để bày tỏ sự tức
giận khi tài sản bị chiếm đoạt, chứ không có ý định giết người. Đặng
Ngọc Viết thì khác hẳn. Anh tấn công chứ không tự vệ. Anh xông vào trụ
sở chính quyền để giết các viên chức của chính quyền vì lý do họ là viên
chức của chính quyền. Anh tấn công chính quyền.
So với vụ Đoàn Văn Vươn vụ Đặng Ngọc Viết là một sự leo thang đột
ngột. Từ phản đối đến chiến tranh. Tác dụng lôi kéo đã rất nhanh trong
một vài tháng và nó có thể tiếp tục.
Sau vụ này một số thân hữu đã làm một cuộc thăm dò ý kiến và kết quả
thật là kinh khủng: chỉ có 37% không tán thành hành động của anh Viết,
gần 60% tán thành, trong đó 25% tán thành nồng nhiệt và nghĩ rằng hành
động của anh Viết nên được cổ vũ và khuyến khích. Trong một quốc gia
bình thường một hành động như vậy chắc chắn đã phải bị đồng thanh lên
án. Chúng ta đang ở trong một tình trạng tâm thần rất không bình thường.
Xã hội ta có nguy cơ bùng nổ.
Tạị Việt Nam hiện nay có hàng triệu dân oan bị mất đất. Chỉ cần một
phần nhỏ trong số 25% ủng hộ nhiệt tình hành động của anh Đặng Ngọc Viết
biến ý định thành hành động thì sẽ là một tình trạng bạo loạn không
kiểm soát nổi.
Chính quyền cộng sản sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu tình
trạng bạo loạn xẩy ra. Họ đã biến bạo lực thành một quốc sách và một
cách ứng xử tự nhiên. Họ đã không để cho người dân oan ức một chọn lựa
nào khác ngoài bạo lực, hoặc cúi đầu. Họ đã dùng bạo lực ngay cả khi
không cần thiết, như tại Văn Giang, Dương Nội, Trịnh Nguyễn, Tiên Lãng,
Tam Tòa, Mỹ Yên v.v... Bạo lực của công an cũng như bạo lực của bọn côn
đồ do công an điều động. Trong nhiều trường hợp họ còn cố tạo ra lý cớ
để sử dụng bạo lực, như tại Mỹ Yên, đối với các giáo dân chỉ có lời cầu
nguyện. Tất cả bởi vì quyền sở hữu đất đai bị phủ nhận nhân danh một chủ
nghĩa.
Phủ nhận quyền sở hữu đất có nghĩa là cướp đoạt đất đai của mọi người
Việt Nam làm của riêng của Đảng Cộng Sản. Cần nhấn mạnh cướp đoạt là
tinh thần và văn hóa nền tảng của chủ nghĩa cộng sản. Không nên quên
rằng đấu tranh giai cấp là nền tảng của chủ nghĩa Mác Lênin, và đấu
tranh giai cấp không gì khác hơn là cuớp đoạt tài sản và tiêu diệt nạn
nhân. Cũng đừng nên quên rằng ngày 19-8-1945 được chính ông Hồ Chí Minh
và các đồng chí của ông gọi là ngày họ "cướp chính quyền". Đảng Cộng Sản
Việt Nam hiện nay tuy đã chấp nhận kinh tế thị trường ít nhất trên
nguyên tắc nhưng văn hóa chính trị của nó vẫn là văn hóa cướp đoạt. Chỉ
khác một điều là ngày nay người ta không còn nhân danh một lý tưởng nào
cả mà chỉ cướp một cách trắng trợn. Hậu quả tự nhiên của sự phối hợp
giữa chủ nghĩa cộng sản và kinh tế thị trường, được gọi một cách ngược
ngạo là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", là một tình
trạng cướp bóc bao trùm. Nói "tham nhũng" là quá nhẹ. Việt Nam hiện nay
đã vượt xa giai đoạn tham nhũng và đi vào giai đọan cướp bóc. Cướp đất
chỉ là một biểu lộ của văn hóa cướp bóc nhưng cũng là sự cướp bóc độc
hại nhất cho sự trường tồn của đất nước bởi vì nó đánh vào chính lòng
yêu nước. Làm sao có thể yêu một đất nước nếu không được quyền làm chủ
một miếng đất trên đó?
Trách nhiệm là một trong những khái niệm hiện nay được nói tới nhiều
nhất nhưng cũng chưa sáng tỏ nhất, tương tự như khái niệm tự do trong
gần suốt thế kỷ 20. Nói rằng Đảng Cộng Sản phải chịu hoàn toàn trách
nhiệm về tình trạng cướp bóc hiện nay không sai nhưng cũng không bạch
hóa mọi người. Vụ Đặng Ngọc Viết phải chất vấn lương tâm của trí thức
Việt Nam, những người đã may mắn được được đào tạo và nhờ đó có khả năng
suy nghĩ và có kiến thức, những người do đó có trách nhiệm hướng dẫn xã
hội. Vì sao đất nước đến nông nỗi này? Thống trị và ức hiếp nằm trong
bản năng động vật của con người và là một di sản của lịch sử mà chỉ có
văn hóa mới chế ngự được nhưng các tập đoàn độc tài đều vô văn hóa.
Chống lại bạo quyền cũng là một bổn phận của các dân tộc để vừa tự vệ
vừa đóng góp cải tiến thế giới, và trí thức có trách nhiệm lãnh đạo cuộc
đấu tranh này. Trí thức Việt Nam đã làm nhiệm vụ của mình chưa ? Và có
xứng đáng không?
Cho tới nay trí thức Việt Nam đã tỏ ra rất kiên cường trong việc biện
hộ cho thái độ hợp tác phục tùng cầu an, cầu lợi. Cứ lo kinh tế, phát
triển kinh tế sẽ tự nhiên đưa tới dân chủ. Hợp tác để thay đổi từ bên
trong. Thiêu thân là vô ích. Cứ làm mà không cần nói v.v... Ít nhất có
một cái gì đó đã dần dần sáng tỏ và trí thức Việt Nam không thể tiếp tục
tránh né những câu hỏi chỉ cần được đặt ra bởi vì hỏi cũng là trả lời.
Một trong những câu hỏi này là trong lịch sử thế giới đã có trường hợp
nào mà một chính quyền tham nhũng, chưa nói một chính quyền cướp bóc
trắng trợn, tự cải thiện để hết tham nhũng chưa, hay là giải pháp duy
nhất vẫn chỉ giản dị là đấu tranh để thay thế nó bằng một chính quyền
khác?
Một cách tuyệt vọng nhưng không sai hành động của Đặng Ngọc Viết đã trả lời.
Nguyễn Gia Kiểng (09/2013)