Carl Thayer | The Diplomat
Ngọc Hoà dịch
Ngọc Hoà dịch
Mùa Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á hàng năm vừa kết thúc.
Indonesia tổ chức diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương
(APEC), trong khi Brunei hiện là chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam
Á (ASEAN) tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á
và các cuộc họp ASEAN khác có liên quan. Phương tiện truyền thông so
sánh “sự không xuất hiện” của Tổng thống Barack Obama với sự khởi đầu
thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình trong khu vực. Ông Tập trở thành
người đầu tiên trình bày tại một buổi họp chung của Quốc hội Indonesia,
và cũng có chuyến viếng thăm nhà nước tại Malaysia.
Hiệp ước Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, và Hợp tác tốt giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ được nghiên cứu một cách cẩn thận ? (Ảnh: Internet)
Hầu hết các phương tiện truyền thông và bình luận của các nhà phân
tích đặc biệt nhấn mạnh đến các sáng kiến kinh tế lớn của ông Tập, bao
gồm việc thành lập một ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á và thỏa
thuận hoán đổi tiền tệ mới 100 tỷ nhân dân tệ (16.3 tỷ USD) giữa các
ngân hàng trung ương Trung Quốc và Indonesia.
Tuy nhiên, ít sự chú ý được dành cho chương trình nghị sự an ninh
quốc phòng của Bắc Kinh. Ví dụ, trong bài phát biểu của ông Tập tại quốc
hội Indonesia vào ngày 03 tháng Mười, ông ta đã đề xuất một Hiệp ước
Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, và Hợp tác tốt giữa Trung Quốc và ASEAN.
Theo một lời bình luận của Ruan Zongze, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu
Quốc tế Trung Quốc, trong một bài báo công bố tuần trước, mục đích của
hiệp ước là “để củng cố quan hệ hòa bình với các nước ASEAN… và để loại
bỏ bất cứ mối nghi ngại nào của các nước ASEAN đối với Trung Quốc.”
Ông Tập gặp gỡ Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia và
Thủ tướng Najib Razak của Malaysia và bảo đảm thỏa thuận để nâng cao
quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mỗi
tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đều bao gồm một điều
khoản về hợp tác quốc phòng và an ninh.
Ví dụ, khi ông Tập và ông Yudhoyono gặp gỡ ngày 02 tháng Mười, họ
đồng ý “tăng cường liên lạc thông tin và phối hợp an ninh thông qua tham
vấn quốc phòng và đối thoại hải quân…” Ngày hôm sau, hai vị chủ tịch đã
ban hành một tuyên bố chung về “Phương hướng tương lai của đối tác
chiến lược toàn diện Trung Quốc – Indonesia.” Tài liệu này bao gồm sự
cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng song phương bằng cách tiến hành
các cuộc đào tạo và tập trận chung, hợp tác an ninh hàng hải, công
nghiệp quốc phòng và các lĩnh vực an ninh phi truyền thống – chẳng hạn
như tham vấn về chống khủng bố.
Tại Malaysia, ông Tập và ông Najib gặp gỡ ngày 04 tháng Mười. Trong
cuộc họp, ông Tập đưa ra một đề nghị năm điểm, trong đó đề cập đến việc
sử dụng toàn bộ “cơ chế tham vấn quốc phòng và an ninh”, cũng như nhằm ”
tăng cường trao đổi giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác thực thi
pháp luật, và chung tay trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và
tội phạm xuyên biên giới.” Sau các cuộc đàm phán, họ thông báo rằng sẽ
nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Tại một
cuộc họp báo, Chủ tịch Tập cho biết: “Chúng tôi đã nhất trí tăng cường
quan hệ đối tác của chúng tôi trên lĩnh vực quốc phòng hải quân, tập
trận chung chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tăng cường an
ninh.”
Sau khi ông Tập kết thúc các cuộc viếng thăm nhà nước, Thủ tướng
Trung Quốc Lý Khắc Cường đến tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo Trung
Quốc – ASEAN lần thứ 16 tại Brunei. Ông Lý đề nghị hợp tác trong bảy
lĩnh vực, bao gồm các cuộc thảo luận tích cực về việc ký kết một Hiệp
ước Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Hợp tác tốt và tăng cường hợp tác và
trao đổi hàng hải trong lĩnh vực an ninh. Trong bài phát biểu của ông ta
tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 8 vào ngày hôm sau, ông Lý giới
thiệu một “khái niệm an ninh mới”, hợp nhất các vấn đề về an ninh toàn
diện, an ninh chung, an ninh hợp tác và đối thoại thẳng thắn.
Hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Trung Quốc và Malaysia bắt nguồn
từ năm 2000 qua việc ký kết một hiệp định khung hợp tác lâu dài. Thỏa
thuận này bao gồm một điều khoản quốc phòng, kêu gọi xây dựng một chương
trình trao đổi các chuyến thăm cấp cao, tham quan học tập, hội thảo,
tham quan tàu thuyền, và hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển, chia
sẻ thông tin tình báo. Ngoài ra, thỏa thuận cũng kêu gọi hợp tác giữa
các ngành công nghiệp quốc phòng bao gồm các chuyến thăm lẫn nhau, triển
lãm, hội thảo để khai thác tiềm năng của các dự án chung hoặc hợp tác
sản xuất.
Vào tháng Chín năm 2005, Trung Quốc và Malaysia đã ký Bản ghi nhớ về
Hợp tác quốc phòng bao gồm trao đổi và đào tạo nhân viên, cũng như đối
thoại an ninh hàng năm. Một năm sau đó, Malaysia và Trung Quốc tăng quan
hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược tại một cuộc họp hội nghị
thượng đỉnh ở Kuala Lumpur. Thỏa thuận này bao gồm việc thúc đẩy trao
đổi thông tin về các vấn đề an ninh phi truyền thống, tham vấn quốc
phòng và an ninh khu vực, cũng như trao đổi quân sự. Từ năm 2005,
Malaysia và Trung Quốc đã có các chuyến thăm cấp Bộ trưởng Quốc phòng và
tổ chức các cuộc viếng cảng thiện chí của các tàu hải quân.
Cuộc tham vấn an ninh – quốc phòng đầu tiên Trung Quốc – Malaysia
được tổ chức tại Kuala Lumpur vào tháng Chín năm 2012, đồng tổ chức bởi
Tổng thư ký Bộ Quốc phòng Malaysia và Phó Tham mưu trưởng Quân đội Giải
phóng Nhân dân. Cuộc họp này đã đồng ý tiếp tục trao đổi và hợp tác cấp
cao trong các vấn đề đào tạo và an ninh phi truyền thống.
Hợp tác quốc phòng Trung Quốc – Indonesia bắt đầu từ tháng tư năm
2005, khi Chủ tịch Trung Quốc và Indonesia ra Tuyên bố chung tại Jakarta
để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2006, hai bên khánh thành
đối thoại an ninh – quốc phòng hàng năm. Kể từ đó Trung Quốc và
Indonesia trao đổi các chuyến thăm cấp Bộ trưởng quốc phòng và tổ chức
các cuộc viếng cảng thiện chí của các tàu hải quân.
Trong tháng 11 năm 2007, Trung Quốc và Indonesia đã ký một thỏa thuận
hợp tác quốc phòng quan trọng để chia sẻ công nghệ quốc phòng và bán vũ
khí. Tuy nhiên, phải cho đến năm 2010, hai bên mới thông qua Kế hoạch
hành động để triển khai hợp tác quốc phòng theo thoả thuận đối tác chiến
lược. Kể từ đó, hai bên đã tiến hành các cuộc tập trận chung giữa các
lực lượng đặc biệt của họ. Phi công Indonesia được đào tạo ở Trung Quốc
dựa trên các mô phỏng máy bay Sukhoi, và cả hai bên đã ký kết thỏa thuận
hợp tác sản xuất tên lửa chống hạm C -705. Ngày 01 tháng Mười năm nay,
Trung Quốc và Indonesia đã tổ chức Diễn đàn Tư vấn Quốc phòng lần thứ
năm kể từ năm 2007.
Việc nâng tầm mối quan hệ của Trung Quốc với Indonesia và Malaysia
thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện báo hiệu tầm quan trọng của
mối quan hệ kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng. Các
khía cạnh quốc phòng và an ninh của mối quan hệ mới này đại diện cho
tính liên tục thay vì sự biến đổi. “Khái niệm an ninh mới” của Trung
Quốc lần đầu tiên được hình thành vào năm 1997. Cả Indonesia và Malaysia
đều đã tiến hành một cách thận trọng các bước phát triển quan hệ quốc
phòng với Trung Quốc. Sự phát triển này nên được hoan nghênh vì nó mang
lại cho Trung Quốc những kinh nghiệm tương tác với các lực lượng vũ
trang trong khu vực. Năm tới, Indonesia sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải
quân chung với các thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại của họ.
Đề xuất về Hiệp ước Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, và Hợp tác tốt của
Trung Quốc sẽ phải được nghiên cứu một cách cẩn thận. Hiệp ước Thân
thiện và Hợp tác của ASEAN hiện nay mở cửa cho tất cả các cường quốc bên
ngoài nào tuân theo nguyên lý của nó. Hiệp ước mà Trung Quốc đề xuất có
vẻ như mang tính loại trừ, nhằm mục đích vẽ một vòng tròn xung quanh
Trung Quốc và Đông Nam Á.
Nguồn: Carl Thayer, “China’s New Regional Security Treaty With ASEAN“, The Diplomat, ngày 16 Tháng Mười 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle