Hà Huy Sơn
Tôi cho rằng sự bộc bạch của mỗi cá nhân trước các vấn đề của xã
hội, dù nhận được ý kiến đồng thuận hay phản biện, đều giúp ích cho việc
nâng cao nhận thức chung. Với suy nghĩ đó tôi xin nêu ra một vấn đề xã
hội dưới góc nhìn cá nhân. Bất cứ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng và
tôi trong bài viết này hoàn toàn không có dụng ý hạ thấp, phỉ báng đối
tượng nào.
Đó là việc xây dựng một xã hội dân chủ, được Đảng CSVN, Nhà nước Việt
Nam coi là mục tiêu hướng tới. Đây cũng là xu hướng tất yếu, là quy
luật. Một xã hội dân chủ là một xã hội mà ở đó các hội, đoàn, đảng phải
phải được thừa nhận, hoạt động công khai, bình đẳng trước pháp luật.
Việc sinh ra nhiều hội, đoàn, đảng phái là một nhu cầu tất yếu của xã
hội.Trước đây đã có nhiều hội, đoàn, đảng phái được thành lập, hoạt động
và hiện nay cũng vậy chỉ có khác là hiện nay nhà nước không thừa nhận
mà thôi. Thực tế đó, có thể ví như hoạt động mại dâm mà hiện nay nhà
nước đang coi là tệ nạn. Nhưng gần đây nhận thức của chính phủ và quốc
hội đã chuyển biến và đề cập đến vấn đề này một cách nghiêm túc.
Mại dâm không thể phủ nhận là nó đang tồn tại phổ biến, bởi vì nó có
nhu cầu. Xu hướng nhà nước cần thừa nhận nó để quản lý bằng pháp luật.
Do không được thừa nhận mại dâm là một nghề nên mại dâm đang hoạt động
bất hợp pháp, bất chấp mọi ngăn cấm. Hậu quả là: dịch bệnh, lây nhiễm,
tràn lan trong cộng đồng; lừa gạt, cưỡng bức lao động tình dục, vi phạm
nhân quyền, nhà nước thất thu thuế…
Còn hậu quả của việc nhà nước không thừa nhận sự tồn tại của các hội, đoàn, đảng phái là:
Các tổ chức này hoạt động không công khai nên không thể phổ biến mục
đích, tôn chỉ, phương thức hoạt động; điều kiện gia nhập, kỷ luật, khai
trừ, nguyên tắc thành viên; công khai, kiểm soát tài chính của tổ
chức…Mọi người trong xã hội không thể nhận diện được các tổ chức này. Do
đó, các tổ chức này đã bị lợi dụng hoặc các cá nhân trong xã hội bị các
tổ chức này lợi dụng mà khó có thể làm rõ sự việc. Tình trạng lợi dụng,
lạm dụng, lừa gạt, “hai mang” tất yếu xảy ra. Dẫn đến trong xã hội mọi
người nghi kị, nói xấu, dèm pha lẫn nhau; có những kẻ vừa ăn lương làm
nhiệm vụ lại vừa giả “quân xanh, quân đỏ” để lừa gạt đồng bào chiếm đoạt
tiền bạc của họ; một xã hội mà ở đó các thành viên của xã hội mất lòng
tin ở nhau là một xã hội đổ vỡ. Do không hoạt động công khai nên các cá
nhân hành động chủ yếu mang tính tự phát, không có định hướng, kiểm soát
của tổ chức.
Các tổ chức không có điều kiện hoàn thiện mình trong một môi trường
cạnh tranh công khai, lành mạnh. Người dân hay xã hội không có cơ hội
tập dượt,làm quen, thích nghi với đời sống của một xã hội dân chủ. Các
cá nhân không có sự giám sát của xã hội nên không thể trở thành các nhà
hoạt động xã hội chân chính. Về phía nhà nước gánh nặng về nhân sự, chi
phí tài chính ngày càng gia tăng để ngăn chặn, triệt phá các tổ chức
này. Một tình trạng nhiễu loạn, vô chính phủ trong đời sống chính trị xã
hội.
Hậu quả là cái đích – xã hội dân chủ càng xa vời, không vì thế mà xã
hội ổn định, ngược lại nó sẽ nổ tung bởi nhu cầu dân chủ hóa xã hội ngày
càng lớn nhưng không được thừa nhận.
Hà Nội, 06/10/2013
H.H.S.