Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Cộng điểm ưu tiên là bình đẳng hay bất công?

Bình Lê
Nhà nước hiện có chính sách cộng điểm ưu tiên cho một số nhóm đối tượng khi họ thi vào đại học. Về cơ bản, các nhóm được ưu tiên có thể chia thành bốn loại đó là: (i) ưu tiên vì họ là họ – đó là những người có cha/mẹ là người dân tộc thiểu số; (ii) ưu tiên vì họ sinh ra ở một nơi nào cụ thể – đó là những người sống và học tập ở vùng sâu, vùng xa khó khăn; (iii) ưu tiên vì cha mẹ họ đã làm gì (có công) trong quá khứ - đó là con của thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. (iv) ưu tiên vì họ làm trong những nghề cụ thể – đó là quân nhân, công an nhân dân, giáo viên và cán bộ ý tế. Số điểm ưu tiên giao động từ 0,5 đến 2 điểm tùy vào tiêu chuẩn. Nếu một thí sinh có nhiều tiêu chuẩn thì điểm ưu tiên được cộng dồn.

Ảnh: thí sinh đi thi đại học (nguồn: internet)
Như vậy, một thí sinh rơi vào diện ưu tiên sẽ có lợi thế hơn các thí sinh khác trong cuộc tranh đua vào đại học. Ví dụ, một thí sinh người Kinh ở Hà Nội có thể bị một thí sinh người Thái ở Sơn La loại cho dù điểm làm bài thi của thí sinh ở Hà Nội cao hơn (có nghĩa học lực tốt hơn). Hoặc một thí sinh học hết cấp ba có hộ khẩu ở TP. Hồ Chí Minh sẽ bị một thí sinh đi nghĩa vụ quân sự về loại cho dù điểm thi đầu vào bằng nhau. Điều này có đồng nghĩa với sự bất công cho những người không thuộc diện ưu tiên?

Về cơ bản các thí sinh không thể lựa chọn các đặc điểm mang lại sự ưu tiên cho mình (trừ yếu tố ưu tiên thứ tư). Cụ thể, thí sinh không thể chọn cha mẹ mình là người Kinh hay người dân tộc thiểu số, mình sinh ra trong gia đình có công với cách mạng hay không, hoặc mình sinh ra ở thành phố hay nông thôn. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, việc dựa vào những yếu tố mà thí sinh không tự kiểm soát được để loại họ ra khỏi cổng trường đại học có nghĩa đã đối xử bất công với họ.
Nhiều người khác cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên là cần thiết vì nó giúp khắc phục hoặc đền bù những bất bình đẳng mà các nhóm đối tượng này gặp phải. Ví dụ, học sinh người dân tộc thiểu số thì sống ở vùng núi khó khăn nên điều kiện học tập không thể bằng học sinh người Kinh ở thành thị. Do đó, điểm thi đầu vào không thể hiện hết năng lực học tập của họ, vì thế việc cộng thêm điểm là hợp lý. Đây cũng là lý do tương tự để giải trình cho việc cộng điểm cho thí sinh ở vùng nông thôn, hoặc làm ở một số ngành nghề mà điều kiện học tập không bằng các thí sinh khác.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh có bố/mẹ là người dân tộc thiểu số nhưng sống ở khu vực thành thị và có điều kiện học tập ngang bằng với học sinh người Kinh khác. Như vậy, việc lấy tiêu chí có bố/mẹ là người dân tộc thì không hoàn toàn chính xác với mục tiêu “đền bù sự bất bình đẳng về điều kiện học tập” của các thí sinh này. Tương tự như vậy, không phải người nào đang thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc làm công an nhân dân, hoặc cha mẹ có công với cách mạng đều có điều kiện học tập khó khăn. Chính vì vậy, việc cộng điểm cho họ tạo ra sự bất công cho những thí sinh khác.
Tuy nhiên ngoài sứ mệnh đào tạo những cử nhân hoặc kỹ sư giỏi cho xã hội, các trường đại học còn thực thi các sứ mệnh xã hội khác như đào tạo trí thức cho người dân tộc thiểu số để đảm bảo sự bình đẳng trong phát triển giữa các nhóm dân tộc, hoặc trả ơn những người đã hy sinh hoặc cống hiến cho cách mạng, hoặc khuyến khích một số ngành nghề quan trọng cho xã hội như quân đội hoặc công an. Sứ mệnh này thường do nhà nước quy định như trong trường hợp cộng điểm ưu tiên đầu vào này.
Đến đây, chúng ta gặp phải một câu hỏi lớn, đó là sứ mệnh của các trường đại học nên là gì? Liệu các trường đại học chỉ nên tập trung vào đào tạo, tạo môi trường học thuật tốt nhất cho sinh viên, và cho ra lò những con người tài giỏi nhất, có ích nhất cho xã hội; hay trường đại học cũng nên thực thi các chính sách xã hội và phúc lợi của nhà nước?
Ở các nước phát triển, các trường đại học, đặc biệt là trường tư, thường đưa ra sứ mệnh riêng cho mình, đó là tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên. Họ cũng có những tiêu chí mang tính “áp đặt” trong tuyển sinh, ví dụ như sự đa dạng của sinh viên về sắc tộc, giới tính, hoặc vùng miền để đảm bảo sinh viên được tiếp xúc và trao đổi với nhiều kinh nghiệm khác nhau nhất. Những ưu tiên cho nhóm đối tượng này, hay nhóm đối tượng khác không phải vì mục đích “phân biệt đối xử” mà vì nó phục vụ tốt nhất cho sứ mệnh giáo dục của nhà trường. Còn các chính sách xã hội hoặc phúc lợi được nhà nước thực hiện thông qua các chương trình riêng, chứ không thông qua việc cộng điểm đầu vào như ở Việt Nam.
Như vậy, việc đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì cộng điểm ưu tiên cho các nhóm xã hội hay không chỉ trả lời được sau khi bàn về việc sứ mệnh của các trường đại học là gì. Nếu các trường đại học vẫn được coi là các công cụ để thực hiện ý chí và chính sách của nhà nước thì việc cộng điểm ưu tiên như hiện tại có thể hiểu được. Còn nếu các trường đại học là nơi đào tạo con người để họ phát triển tự do và cống hiến tốt cho xã hội, thì có lẽ cơ sở cho việc cộng điểm ưu tiên cần phải xem lại.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"