Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Cầu đã bắc qua sông

Nguyễn Quang Lập
Tôi nhớ năm 1969, Bế Kiến Quốc có bài thơ Những dòng sông rất hay, hơn bốn chục năm rồi tôi vẫn nhớ: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ tất cả trả lời sinh bên một dòng sông/…Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh/Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh/Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng/ Mỗi con người gắn bó một dòng sông”.
Tôi cũng vậy, cũng sinh ra bên một dòng sông, dòng sông “rộng xa một tầm cò vẫy cánh”, ấy là sông Gianh.
Từ thủa bé thơ cho đến lúc khôn lớn, không chiều nào tôi không đến với sông Gianh. Còn bé thì bơi lội, ngụp lặn thi nhau bắt cua cá. Lớn lên một chút tôi thường đứng trên bờ đê Thị trấn quê tôi nhìn sang bờ bên kia, cố tìm xem đâu là nhà của Lưu Trọng Lư, đâu là nhà của Nguyễn Hàm Ninh, cả nhà bác Đồng Sĩ Nguyên nữa, ông là niềm tự hào của dân quê tôi, tôi cũng cố tìm xem ngôi nhà tuổi thơ của bác ấy ở đâu.

Đến tuổi trưởng thành, khoác vai người yêu đi dọc bờ sông trong những đêm trăng sáng, vừa đi vừa hát những bài hát của Nguyên Nhung, của Trịnh Công Sơn… tôi còn biết bên kia sông, cạnh nhà chị tôi sơ tán ỏ xã Quảng Hoà là nhà của Nguyên Nhung, làng Hoà Ninh là quê mẹ của Trịnh Công Sơn. Trước đó nhà bà ở làng Vụng Nổ, giữa trảng cát phía sau thị trấn Ba Đồn, rồi cả nhà chạy giặc lên làng Hoà Ninh, cuối cùng mới vô Huế. Thế là Trịnh Công Sơn có hai dòng sông quê cùng có tên là Linh Giang. Dòng Linh Giang quê nội là sông Hương và dòng Linh Giang quê ngoại là sông Gianh. Ấy là tôi nghe ba tôi kể vậy chứ thực hư thế nào tôi không biết. Nhưng tôi tin. Bởi vì tôi nghe trong những ca khúc của anh vừa có chút gì ngọt đắng, hờn tủi của sông Hương; vừa có chút gì thoáng đãng, dữ dội của sông Gianh.
Ba tôi nói xưa kia sông Gianh được gọi là Đại Linh Giang. Theo Đào Duy Anh, cái tên này có từ thế kỉ 3, thời Tây Tấn bên Tàu, cách đây chừng 1.700 năm. Sau này dân gọi tắt là Linh Giang trùng tên với Linh Giang ở Huế, sông Hương ngày nay, là vì vậy. Đấy là những gì kí ức bé thơ của tôi về dòng sông, cho đến quá nửa đời người kí ức ấy không hề phai nhạt, càng ngày càng thẫm đẫm trong tôi. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là những cây cầu bắc qua sông, tuồng như chúng nằm ngoài những giấc mơ đẹp nhất của tôi. Từ thủa bé thơ cho đến tuổi về già, chưa khi nào tôi dám nghĩ sẽ có một ngày cầu được bắc qua Sông Gianh.
Từ bao đời nay người sông Gianh chỉ khát một cây cầu, khát khao cháy bỏng nhưng ít ai dám mơ tới. Sông Gianh sâu và rộng, mùa nước lũ vô cùng dữ dằn, làm sao có thể mơ đến một cây cầu? 1700 năm nay, kể từ khi người sông Gianh có mặt, qua sông vẫn chỉ những con đò, đến mùa nước lũ thì những con đò cũng vắng. Ngay bến phà Gianh nối đường Quốc lộ 1, những con phà cũng phải cắm sào neo bến không dám qua. Xe và người nối dài hàng cây số hai bờ sông chờ nước rặc luôn xảy ra ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác, đời này sang đời khác. Rất nhiều khi tôi đã đến bên này sông, chỉ cần 10 phút xe hơi là về quê mà phải ăn chực nằm chờ trắng ngày thâu đêm.
Đôi khi tôi ngồi buồn thiu bên trên bờ đê nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, nghĩ bụng dòng sông như tính khí người sông Gianh, khi hiền như đất khi giận dữ như nước lũ; nghĩ bụng có lẽ hơn trăm năm ( 1627-1775) chúa Trịnh không thu phục được chúa Nguyễn cũng vì sông Gianh rộng quá, sâu quá, dữ dội quá chăng; nghĩ bụng không biết bằng cách nào Quang Trung đưa được đàn voi trận qua sông kịp ra thành Thăng Long đại phá quân Thanh năm Kỉ Dậu (1779). Tất cả đều có thể, nhưng chiếc cầu bắc qua sông thì không thể, không chỉ có tôi nghĩ thế, mấy vạn dân hai bờ sông có lẽ cũng nghĩ như tôi.
Chẳng ngờ một ngày đẹp trời cuối thế kỉ 20, cầu đã bắc qua sông, chấm dứt cơn khát 1700 năm của những người dân quê tôi, quả thực còn hơn một giấc mơ. Bây giờ không chỉ một cây cầu mà có đến 8 cây cầu, ngoài cầu chính nốí đường quốc lộ 1, gọi là cầu Gianh, còn có bảy cây cầu nữa, đó là cầu Đá Nện, cầu Cà Tang, cầu Chợ Gát, cầu Yên Tố, cầu Sảo Phong, cầu Châu Hoá và cầu Quảng Hải rải dọc dòng sông*. Những chiếc cầu đã chấm dứt những chuyến đò ngang bấp bênh, hiểm nghèo. Vụ đắm đò Quảng Hải 43 người chết tết năm kia có lẽ là kỉ niệm buồn đau cuối cùng của dòng sông quê tôi vì thiếu những cây cầu.
Tết năm ngoái tôi về quê, khi đến cầu Gianh tôi đã xuống xe đi bộ qua cầu. Tôi biết cây cầu dài 764,4 m nhưng tôi thích bước và đếm, như ngày xưa Nguyễn Tuân đã từng bước và đếm khi qua cầu Hiền Lương. Tôi kéo rê những bước chân già nua ốm yếu của mình bước và đếm, loạng choạng và nghiêng ngả bước và đếm, xiêu vẹo và đau nhói bước và đếm… cả thảy 1711 bước!
Bước cuối cùng tôi ôm lấy cây cột đầu cầu thở dốc, rưng rưng trong niềm hân hoan khôn tả: 1700 bước! 1700 năm qua người sông Gianh dù đã trải biết bao khổ đau và cay cực thì giờ đây đã có những cây cầu. Nghĩ thế mà khóc. Mấy đứa trẻ tròn xoe nhìn tôi, chúng không hiểu vì sao tôi khóc. Làm sao chúng hiểu được, bởi vì khi đó tôi đang gọi thầm ba mạ tôi nơi chín suối, nói ba ơi mạ ơi, cầu đã bắc qua sông!
Hà Nội, một ngày cuối đông 2010
………………..
*Khi bài này vừa post lên được một tiếng thì tui nhận được tin nhắn của Mục Đồng: ” Bọ ơi! QB vừa mới khởi công xây cầu Văn Hoá trên Sông Gianh ”. Rứa là có cả thảy 9 cây câu bắc qua Sông Gianh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"